CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay (Trang 30 - 35)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

a) Lý thuyết nghiên cứu:

Một số lý thuyết được sử dụng trong luận án như sau:

+ Lý thuyết về phát triển NHTM;

+ Lý thuyết về tổ chức và hoạt động của NHTM trên cơ sở lý thuyết chung về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp;

+ Lý thuyết về hiệu quả trong hoạt động của TCTD;

+ Lý thuyết về M&A doanh nghiệp;

b) Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu:

Để giải quyết đề tài luận án, các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu được đặt ra như sau:

Thứ nhất, về lý luận:

Câu hỏi nghiên cứu: Mua lại và sáp nhập NHTM, pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM được hiểu như thế nào, có những đặc điểm ra sao? Bản chất pháp lý của mua lại, sáp nhập NHTM có tác động chi phối thế nào đến cơ chế điều chỉnh pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM? Vì sao cần có điều chỉnh riêng đối với hoạt động mua lại, sáp nhập NHTM? Khi nào thì nhà nước có quyền can thiệp thông qua bắt buộc mua lại, sáp nhập NHTM? Khung pháp lý về mua lại, sáp nhập NHTM được xây dựng trên cơ sở lý luận nào?

Giả thuyết nghiên cứu: Trên cơ sở lý luận chung về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề lý luận đối với mua lại, sáp nhập NHTM và pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM. NHTM có những đặc điểm riêng so với các loại

hình doanh nghiệp khác nên mua lại, sáp nhập NHTM và pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM cũng có những điểm đặc thù riêng biệt. Bản chất pháp lý khi mua lại, sáp nhập NHTM có tác động chi phối đến cơ chế điều chỉnh pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM, nhất là trong quan hệ tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền. Do vai trò đặc biệt quan trọng của NHTM đối với nền kinh tế, trong một số trường hợp nhà nước có quyền mua lại, sáp nhập bắt buộc đối với NHTM yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ vững trật tự xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Khung pháp lý về mua lại, sáp nhập NHTM được xây dựng trên cơ sở khung pháp lý về mua lại, sáp nhập đối với doanh nghiệp và những điều chỉnh riêng biệt đối với NHTM.

Kết quả nghiên cứu (dự kiến) về mặt lý luận: Kết quả nghiên cứu lý thuyết đưa ra cách hiểu thống nhất về mua lại, sáp nhập NHTM và pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM; làm rõ được bản chất pháp lý của hoạt động mua lại, sáp nhập NHTM và sự tác động, chi phối đến cơ chế điều chỉnh pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM;

phân tích, làm rõ được những đặc trưng của NHTM, mua lại, sáp nhập NHTM và pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM, cơ sở lý luận để điều chỉnh riêng bằng pháp luật đối với hoạt động mua lại, sáp nhập trong lĩnh vực NHTM; phân tích, làm rõ cơ sở lý luận để nhà nước có quyền can thiệp thông qua bắt buộc mua lại, sáp nhập NHTM; xây dựng được khung pháp lý về mua lại, sáp nhập NHTM.

Thứ hai, về thực tiễn:

Câu hỏi nghiên cứu: Thực trạng pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, NHTM và thực tiễn thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện; trình tự, thủ tục;

hệ quả pháp lý; giải quyết tranh chấp khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM cụ thể là gì? áp dụng, vận dụng trong trường hợp thực hiện tự nguyện hay bắt buộc có gì khác nhau? Đã có khung pháp lý để nhà nước có quyền can thiệp, xử lý NHTM yếu kém thông qua bắt buộc mua lại, sáp nhập hay chưa? Những hạn chế, bất cập của pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam và nguyên nhân của những hạn chế bất cập là gì?

Giả thuyết nghiên cứu: Pháp luật về mua lại, sáp nhập đối với doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực NHTM ở Việt Nam đã được hình thành, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt hoạt động mua lại, sáp nhập NHTM. Tuy nhiên pháp luật trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa được hệ thống hóa, còn có những hạn chế, bất cập như một số vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến mua lại,

sáp nhập ngân hàng chưa có hoặc chưa quy định cụ thể, chưa theo kịp thực tiễn, còn có những khoảng trống pháp lý chưa được điều chỉnh, chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để nhà nước can thiệp thông qua bắt buộc mua lại, sáp nhập NHTM yếu kém.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này do pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, nhiều văn bản, quy định đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, thay thế, chưa theo kịp quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Kết quả nghiên cứu (dự kiến) về mặt thực tiễn: Đánh giá đúng đắn thực trạng pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, NHTM và thực tiễn thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam hiện nay; chỉ ra được những ưu điểm, hạn chế, bất cập của pháp luật và việc thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập đối với NHTM; phân tích, đánh giá việc áp dụng, vận dụng pháp luật hiện hành trong trường hợp thực hiện tự nguyện hay bắt buộc, trong trường hợp nhà nước can thiệp, xử lý NHTM yếu kém thông qua bắt buộc mua lại, sáp nhập; làm rõ được nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó.

Thứ ba, về phương hướng, giải pháp và đề xuất, kiến nghị:

Câu hỏi nghiên cứu: Phương hướng hoàn thiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM hiện nay như thế nào? Những giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, bất cập của pháp luật về mua lại sáp nhập NHTM để các NHTM thực hiện hoạt động kinh doanh thuận lợi trong khung khổ pháp luật, đáp ứng thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế?

Giả thuyết nghiên cứu là: Hiện nay đã có những phương hướng, giải pháp, đề xuất, kiến nghị cụ thể hoàn thiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam. Tuy nhiên những phương hướng, giải pháp, đề xuất, kiến nghị này cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trên cơ sở lý luận sắc bén, bằng chứng thực tiễn đầy đủ để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này một cách đồng bộ, thống nhất, minh bạch, hiệu quả, khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành.

Kết quả nghiên cứu (dự kiến): Đưa ra được phương hướng và những giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam có tính khả thi, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với các cam kết quốc tế. Các giải pháp cụ thể sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế của pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM hiện nay; hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh mua lại, sáp nhập NHTM cũng như cơ sở pháp lý để

nhà nước có quyền xử lý, can thiệp đối với NHTM yếu kém thông qua buộc mua lại, sáp nhập, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc hệ thống NHTM nói riêng.

1.2.2. Phương pháp nghiên cứu

Pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM liên quan đến nhiều ngành khoa học, nhiều ngành luật khác nhau. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu luận án, tác giả sử dụng phương pháp tiếp cận đa ngành và liên ngành. Để giải quyết tốt các nội dung của nghiên cứu, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau:

- Phương pháp hệ thống hóa, tổng hợp, phân tích, thống kê: Thông qua các phương pháp này, các thông tin đơn lẻ sẽ được tổng hợp, hệ thống hóa và xâu chuỗi thành các nhóm vấn đề, được phân tích, khái quát hóa thành các luận điểm về tình hình nghiên cứu, xây dựng khung lý thuyết, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở các chương 1, 2 và 3.

- Phương pháp luật so sánh: Sử dụng phương pháp này để xây dựng các khái niệm, phân tích các quy định pháp luật, tình hình thực hiện pháp luật và các nội dung khác theo yêu cầu luận án. Phương pháp này được sử dụng trong chương 2, 3.

- Phương pháp nghiên cứu trường hợp: Thông qua nghiên cứu một số trường hợp NHTM đã thực hiện mua lại, sáp nhập để góp phần đánh giá thực trạng pháp luật, thực tiễn thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam. Phương pháp này được sử dụng trong chương 3.

- Phương pháp thống kê, điều tra xã hội học: Sử dụng số liệu thống kê kết hợp thu thập thông tin từ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia nhằm cung cấp luận cứ cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Phương pháp này được sử dụng trong chương 3, 4.

- Phương pháp xử lý, phân tích thông tin, dữ liệu: Sử dụng phần mềm EndNote để tạo cơ sở dữ liệu thư mục phục vụ nghiên cứu tổng quan và nghiên cứu chi tiết trong đề tài luận án.

Ngoài ra, phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu của đề tài luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; các quan điểm của Đảng về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của nhà nước theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

Kết luận chương 1

1. Mua lại, sáp nhập đã trở thành xu thế phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, diễn ra trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, tài chính, ngân hàng. Để thực hiện chiến lược phát triển hay giải quyết các vấn đề bất ổn của doanh nghiệp, mua lại và sáp nhập cùng với một số cơ chế khác là những biện pháp hữu ích, cần thiết giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược đầu tư, kinh doanh. Thông qua hoạt động mua lại, sáp nhập, các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền tự do kinh doanh, tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình.

2. Trong thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu về mua lại, sáp nhập, pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nói chung và đối với ngân hàng thương mại nói riêng đã được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước dành sự quan tâm thực hiện. Các công trình nghiên cứu này đã có nhiều đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của pháp luật, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp và trong lĩnh vực mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại, có thể tham khảo, kế thừa có chọn lọc trong quá trình nghiên cứu tiếp theo.

3. Trên cơ sở thực trạng và kết quả của các nghiên cứu đã thực hiện, với những đặc thù riêng của NHTM và hoạt động mua lại, sáp nhập NHTM so với các loại hình doanh nghiệp khác, việc thực hiện nghiên cứu pháp luật về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam trên các phương diện pháp lý là tiêu chuẩn, điều kiện mua lại, sáp nhập; trình tự, thủ tục mua lại, sáp nhập; hệ quả pháp lý khi mua lại, sáp nhập và giải quyết tranh chấp khi mua lại, sáp nhập góp phần giải quyết những vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ của quốc gia. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM cũng cần được nghiên cứu chuyên sâu

4. Luận án được triển khai dựa trên hệ thống cơ sở lý thuyết với những câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu cụ thể được đặt ra. Các phương pháp nghiên cứu được lựa chọn phù hợp với từng nội dung nghiên cứu, từng nhiệm vụ nghiên cứu để đạt được mục tiêu của đề tài luận án.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)