2.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ MUA LẠI, SÁP NHẬP VÀ PHÁP LUẬT VỀ MUA LẠI, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP
2.1.1. Mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
2.1.1.1. Quan niệm về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
Thuật ngữ Mergers and Acquisitions (M&A) ngày càng trở nên thông dụng và được sử dụng rộng rãi ở quốc tế. Ở Việt Nam, ngoài việc được dịch là “sáp nhập và mua lại”, Merger and Acquisition còn được dịch là “mua lại và sáp nhập”, “mua bán và sáp nhập” hay “thâu tóm và hợp nhất” để chỉ hoạt động kinh doanh và quản trị rất phổ biến ở các nền kinh tế phát triển [42, tr.23]. Các nhà kinh tế và luật học xem xét M&A dưới hai góc độ chủ yếu: góc độ kinh tế như là một vấn đề của quản trị chiến lược công ty, tài chính doanh nghiệp và góc độ pháp lý như là đối tượng của khung pháp lý để thực hiện giao dịch M&A.
Trong nghiên cứu của mình, David L.Scott định nghĩa sáp nhập là sự kết hợp của hai hay nhiều công ty, trong đó có tài sản và trách nhiệm pháp lý của (những) công ty được công ty khác tiếp nhận; mua lại là quá trình mua lại tài sản như máy móc một bộ phận hay thậm chí toàn toàn bộ công ty [128]. Andrew J.
Sherman cho rằng sáp nhập là sự kết hợp giữa hai hay nhiều công ty mà qua đó tài sản và nghĩa vụ của công ty bán được chuyển giao sang công ty mua. Mặc dù có sự thay đổi về cấu trúc tổ chức nhưng công ty mua vẫn giữ được bản sắc ban đầu sau cuộc sáp nhập. Thâu tóm/mua lại là việc mua lại một tài sản, ví dụ như một nhà máy, một chi nhánh hoặc thậm chí cả một công ty nhằm mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm [124].
Quy định số 139/2004 ngày 20/01/2004 về sáp nhập của Cộng đồng Châu Âu đã định nghĩa sáp nhập như sau: (i) Sự sáp nhập giữa hai pháp nhân độc lập hoặc hai bộ phận của hai pháp nhân; hoặc (ii) Thâu tóm quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc mua lại chứng khoán hoặc tài sản của một công ty khác;
hoặc (iii) Tạo ra một liên doanh mới [59, tr.14]. Quy chế về sáp nhập này là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật của từng quốc gia phê chuẩn.
Ở Việt Nam, Luật cạnh tranh (2004) quy định sáp nhập doanh nghiệp là việc
một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập; mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Luật doanh nghiệp (2014) quy định về việc tổ chức lại doanh nghiệp với hình thức sáp nhập doanh nghiệp là một hoặc một số công ty có thể sáp nhập và một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Dù được định nghĩa và tiếp cận khác nhau nhưng điểm chung trong quan niệm về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp là quyền sở hữu tài sản, các lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ cùng hệ quả pháp lý của việc mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Từ đây quan niệm về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp có thể hiểu như sau:
Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Bên mua lại có quyền sở hữu toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp và kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được mua lại, đồng thời kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp tương ứng với việc mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp bị mua lại.
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập. Doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ và cam kết của doanh nghiệp bị sáp nhập.
2.1.1.2. Đặc điểm của mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
Mặc dù chưa có một khái niệm thống nhất về M&A nhưng từ các khái niệm nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy được sự đa dạng trong nhận thức và quan niệm của giới học thuật, luật gia và doanh nghiệp về mua lại, sáp nhập. Nhìn chung mua lại, sáp nhập doanh nghiệp có một số đặc điểm như sau:
Một là, đối tượng của hoạt động mua lại, sáp nhập là tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mục tiêu.
Mục tiêu của hoạt động mua lại, sáp nhập nhằm kiểm soát, chi phối doanh
nghiệp. Thông qua việc mua, tiếp nhận tài sản của doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều quan hệ xã hội gắn với doanh nghiệp cả bên mua lại và bên nhận sáp nhập như quan hệ giữa chủ sở hữu doanh nghiệp với người lao động, với bên thứ ba; các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp đối với các khoản vay dưới mọi hình thức; các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; trách nhiệm tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với quyền tài sản, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền sở hữu khác do công ty đang sở hữu, quản lý... Vì vậy, quyền sở hữu tài sản luôn gắn các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mục tiêu để trở thành đối tượng mua lại, sáp nhập.
Hai là, thực hiện hoạt động mua lại, sáp nhập theo nguyên tắc tự nguyện, đáp ứng quyền tự do kinh doanh của các chủ thể.
Trong quan hệ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, các bên tự nguyện thực hiện mua lại, sáp nhập nhằm đáp ứng quyền tự do kinh doanh của các chủ thể theo quy định. Doanh nghiệp có quyền kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, trong khi mua lại, sáp nhập là một trong những phương thức mà các chủ thể thực hiện khi đầu tư, kinh doanh, thể hiện ý chí của các bên về quyền tự do kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, việc thừa nhận và đảm bảo quyền tự do kinh doanh là cơ sở hình thành môi trường cạnh tranh cho từng lĩnh vực kinh tế cụ thể hoặc cho toàn bộ nền kinh tế. Bất kỳ yếu tố nào làm hạn chế quyền tự do kinh doanh đều có thể là nguyên nhân tạo nên những khiếm khuyết về cạnh tranh cho thị trường. Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh nói chung và thực hiện mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nói riêng phải theo quy định của pháp luật.
Ba là, tiêu chuẩn, điều kiện mua lại, sáp nhập được đặt ra đối với một số loại hình doanh nghiệp.
Tùy theo tính chất và loại hình doanh nghiệp cụ thể mà việc thành lập, hoạt động và tổ chức lại doanh nghiệp có những quy định riêng biệt. Thông thường, các doanh nghiệp có mức độ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì quy định về việc thành lập, hoạt động và tổ chức lại doanh nghiệp sẽ có những điều kiện cụ thể và chặt chẽ hơn các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, khi thực hiện mua lại, sáp nhập thì tiêu chuẩn, điều kiện có thể được đặt ra với một số loại hình doanh nghiệp cụ thể. Các bên trong quan hệ mua lại, sáp nhập phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện này mới được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép thực hiện.
Bốn là, khi thực hiện mua lại, sáp nhập phải tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định.
Trình tự, thủ tục mua lại, sáp nhập là một trong những nội dung quan trọng của điều kiện khung pháp lý về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Khi thực hiện mua lại, sáp nhập, các bên trong quan hệ mua lại, sáp nhập phải tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định và trong một số trường hợp phải được sự cho phép, thừa nhận, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện mua lại, sáp nhập, các bên phải tiến hành những thủ tục theo quy định của pháp luật cạnh tranh về hành vi tập trung kinh tế; về đăng ký kinh doanh; thay đổi quyền sở hữu tài sản và các thay đổi khác. Trên cơ sở thực hiện các yêu cầu về trình tự, thủ tục, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cho phép, thừa nhận hay kiểm soát các thương vụ mua lại, sáp nhập theo quy định của pháp luật.
Năm là, phát sinh những hệ quả pháp lý khi thực hiện mua lại, sáp nhập.
Khi thực hiện mua lại một phần hay toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác, hệ quả pháp lý của hoạt động mua lại là khác nhau; doanh nghiệp bị mua lại có thể trở thành hay không là công ty trực thuộc của doanh nghiệp mua lại. Tùy theo việc mua lại một phần hay toàn bộ mà doanh nghiệp mua lại sẽ kế thừa một phần hay toàn bộ quyền, lợi ích và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp bị mua lại. Doanh nghiệp bị mua lại không trở thành công ty trực thuộc của doanh nghiệp mua lại nếu chỉ mua lại một phần hoặc có thể nhập thành doanh nghiệp con hay vẫn để doanh nghiệp đó tồn tại độc lập khi mua lại toàn bộ. Hệ quả pháp lý khi sáp nhập doanh nghiệp là việc chấm dứt pháp nhân đối với doanh nghiệp bị sáp nhập. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ tiếp nhận, kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Bên cạnh một số đặc điểm chung về mua lại và sáp nhập, có một số điểm chính để phân biệt mua lại và sáp nhập như sau:
Thứ nhất, đối với giao dịch sáp nhập, toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ được chuyển cho doanh nghiệp nhận sáp nhập, trong khi đối với mua lại, không nhất thiết toàn bộ mà có thể chỉ là một phần tài sản của doanh nghiệp bị mua lại phải gộp chung với tài sản của doanh nghiệp mua lại.
Thứ hai, khi thực hiện sáp nhập, doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ chấm dứt tồn tại; doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ tiếp nhận toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập. Khi thực hiện mua lại, doanh nghiệp mua
lại sẽ tiếp nhận các quyền, lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm các nghĩa vụ tương ứng với một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bị mua lại.
Thứ ba, khi thực hiện sáp nhập, doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ phát hành cổ phiếu mới để hoán đổi, trong khi thực hiện mua lại không có sự trao đổi cổ phiếu mà cổ phiếu của doanh nghiệp mua lại vẫn được giao dịch bình thường.
Thứ tư, trong một giao dịch sáp nhập, quá trình thương lượng, đàm phán giữa các bên thường được thực hiện. Còn trong giao dịch mua lại, quá trình thương lượng không nhất thiết phải có. Một thương vụ được coi là sáp nhập hay mua lại phụ thuộc vào việc thương vụ đó có được diễn ra một cách thân thiện hay thù địch.
2.1.1.3. Các phương thức mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
Tùy thuộc vào mục tiêu, cấu trúc sở hữu, đặc điểm quản trị, văn hóa công ty sẽ có cách thức thực hiện mua lại, sáp nhập chủ yếu như sau:
- Phương thức thương lượng: Khi các bên tham gia mua lại, sáp nhập nhận thấy sẽ đạt được lợi ích chung thì phương thức thương lượng có thể được sử dụng, ban lãnh đạo của các bên sẽ ngồi lại với nhau để thực hiện đàm phán.
- Phương thức thu gom cổ phiếu: Một doanh nghiệp có ý định thâu tóm một doanh nghiệp khác sẽ thu gom dần cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán, hoặc doanh nghiệp sẽ đàm phán để mua lại của các cổ đông chiến lược.
- Phương thức chào mua công khai cổ phiếu trên thị trường chứng khoán:
Khi một doanh nghiệp hay nhà đầu tư muốn mua lại doanh nghiệp mục tiêu thì họ sẽ chính thức làm giá để mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Thông thường mức giá chào mua sẽ cao hơn giá thị trường tại thời điểm đàm phán giao dịch.
- Phương thức lôi kéo cổ đông bất mãn: Đây là phương thức để thâu tóm doanh nghiệp với hình thức không tự nguyện. Sử dụng phương thức này nhằm lôi kéo cổ đông bất mãn để tập hợp cổ đông đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông theo quy định, nắm giữ quyền kiểm soát nhằm thay thế một số vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo cũ hoặc có thể trực tiếp tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp.
- Phương thức mua lại tài sản: Mua lại tài sản khi doanh nghiệp thông qua một tổ chức độc lập hoặc dựa vào việc doanh nghiệp tự định giá theo phương thức riêng của mình để tiến hành thẩm định giá trị tài sản cần mua. Bên mua lại có thể mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp bán. Phần bán đi có thể là tài sản hữu hình hoặc vô hình được tách ra khỏi doanh nghiệp bán [121, tr.14-16].
2.1.2. Pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
2.1.2.1. Khái niệm pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
Theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội [23, tr.42]. Khi thực hiện mua lại, sáp nhập, có nhiều quan hệ xã hội phát sinh cần được pháp luật điều chỉnh. Xem xét hành vi mua lại, sáp nhập dưới mỗi góc độ khác nhau thì hoạt động mua lại, sáp nhập sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật phù hợp với quan hệ xã hội cần điều chỉnh.
Ở Nhật Bản, pháp luật điều chỉnh về hợp nhất, sáp nhập và mua lại công ty bao gồm những bộ luật, luật cơ bản như Bộ luật thương mại, Luật chứng khoán và thị trường chứng khoán, Luật chống độc quyền tư nhân và duy trì cạnh tranh lành mạnh, Luật về ngoại hối và ngoại thương. Còn ở Cộng hòa Liên bang Đức, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Bộ luật thương mại, Luật sáp nhập và mua bán cổ phần chi phối trên thị trường chứng khoán, Luật chống hạn chế cạnh tranh, Luật công ty cổ phần... Là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, pháp luật của Đức còn phải đảm bảo sự hài hòa với các quy định của Liên minh châu Âu về mua bán doanh nghiệp [1, tr.49]. Pháp luật Singapore điều chỉnh về mua lại, hợp nhất, sáp nhập và bởi nhiều quy định của Luật công ty. Singapore không có luật chống độc quyền, nhưng trong một số ngành như viễn thông, bưu chính, ngành dịch vụ công có những quy định về chống độc quyền.
Ngoài ra, khi mua lại, hợp nhất, sáp nhập còn chịu sự điều chỉnh hoặc liên quan đến pháp luật về lao động, thuế, sở hữu trí tuệ... [59, tr. 71-74].
Ở Việt Nam, điều chỉnh hoạt động mua lại, sáp nhập được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Pháp luật về dân sự, thương mại liên quan đến các quy định điều chỉnh hợp đồng mua lại, sáp nhập; pháp luật doanh nghiệp quy định sáp nhập như là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; pháp luật cạnh tranh quy định mua lại, sáp nhập như là hình thức tập trung kinh tế thuộc nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh; pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định đối với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền khác khi thực hiện mua lại, sáp nhập buộc phải tuân thủ; pháp luật về tài chính điều tiết việc xây dựng phương án chuyển giao tài sản, tài chính, thuế; pháp luật về lao động quy định đối với việc xây dựng phương án sử dụng lao động khi mua lại, sáp nhập... Ngoài ra, hoạt động mua lại, sáp nhập còn phải tuân theo các thoả