CHƯƠNG 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ XÂY DỰNG KHUNG LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU
2.1. Tổng quan nghiên cứu
2.1.2. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế hướng về xuất khẩu là chủ đề được nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm phân tích và bàn luận. Các nghiên cứu học thuật về tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế được thiết kế khá bài bản, có nền tảng cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu khoa học, sử dụng các phương pháp hiện đại giúp định lượng các mối quan hệ, cho kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao. Có thể kể đến những nghiên cứu điển hình sau:
Nghiên cứu của Phan Minh Ngọc và cộng sự (2003) dựa trên những số liệu thống kê của Việt Nam trong thời gian 1975-2001 kết luận rằng, mặc dù thực tế là khu vực xuất khẩu đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây (cho thấy bởi sự đóng góp lớn và ngày càng tăng của xuất khẩu trong nền kinh tế Việt Nam), nhưng không có căn cứ chắc chắn nào về kinh tế lượng cho thấy xuất khẩu là động lực của tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam như trong các nền kinh tế Đông Nam Á khác [105]. Kết luận của Ngọc và cộng sự có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng dữ liệu và việc ghép hai thời kỳ khác nhau của nền kinh tế Việt Nam lại với nhau (trước và sau đổi mới).
Cùng hướng nghiên cứu trên, Phạm Mai Anh (2008) sử dụng mô hình VAR với bốn biến GDP, đầu tư, xuất khẩu và năng suất nhằm xác định nhân tố nào, xuất khẩu hay đầu tư, thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1986-2007. Kết luận từ nghiên cứu ủng hộ giả thuyết đầu tư mới thực sự là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế rất hạn chế, thậm chí không có bằng chứng rõ ràng về sự tác động của xuất khẩu tới năng suất, thường được giả định là một kênh quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn [104].
Nghiên cứu của Đặng Quốc Tuấn (2009) về tác động của thương mại quốc tế tới phát triển kinh tế đã chỉ ra tác động của thương mại quốc tế dưới nhiều góc độ bằng việc xây dựng các ma trận, sử dụng bảng input và output [4]. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa sử dụng phương pháp định lượng đủ mạnh để đánh giá tác động của thương mại quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế.
Hoàng Xuân Bình (2011) trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa mở cửa thương mại và tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã sử dụng kiểm định nhân quả
Granger để chỉ ra mối quan hệ giữa mở cửa thương mại (tính theo tốc độ mở cửa thương mại) và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nghiên cứu đã đưa ra lập luận về vai trò gián tiếp của FDI trong quá trình mở cửa thương mại, và đi xem xét mối quan hệ giữa mở cửa thương mại với FDI để từ đó đưa ra kết luận mở cửa thương mại vừa có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế vừa có tác động gián tiếp thông qua việc thu hút FDI để nâng cao tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế Việt Nam [6].
Phan Thế Công (2011) nghiên cứu tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế theo dữ liệu cấp tỉnh ở Việt Nam bằng cách sử dụng các mô hình Feder (1983), Balassa (1978), Granger (1969) và các mô hình sửa đổi có bổ sung giai đoạn 1996-2006. Kết quả của việc phân tích cung cấp một bằng chứng thực nghiệm cho học thuyết tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu; đồng thời chỉ ra rằng, xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng không chỉ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước mà còn đóng góp tích cực vào phát triển các yếu tố phi xuất khẩu (như cơ sở hạ tầng, điện, nước, thức ăn chế biến sẵn…) trong nước [17].
Nguyễn Thị Thu Thủy (2014) kết hợp khá tốt phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng khi phân tích tác động của xuất khẩu hàng hóa đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các biến được sử dụng là tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng lực lượng lao động, tỷ lệ đầu tư/GDP, tỷ trọng xuất khẩu/GDP (gồm cả xuất khẩu của các nhóm hàng, mức độ đa dạng hóa và tập trung hóa xuất khẩu, mức độ ổn định của xuất khẩu) và các biến giả. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp OLS phân tích chuỗi thời gian với mô hình hồi quy có độ trễ và mô hình Var là những phương pháp hiện đại và đáng tin cậy. Qua đó phân tích được tác động của xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế qua các kênh truyền dẫn; định lượng được ảnh hưởng của quy mô và các thuộc tính của xuất khẩu tới tăng trưởng thông qua tác động đến TFP.
Tuy nhiên, một số kết quả ước lượng trong nghiên cứu chưa được như kỳ vọng khi cho rằng lực lượng lao động và việc gia nhập WTO không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. [13]
2.1.3. Kết luận chung từ tổng quan nghiên cứu và xác định “khoảng trống”