Đánh giá chung về mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam (Trang 103 - 106)

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ ƯỚC LƯỢNG MÔ HÌNH THỰC NGHIỆM

4.2. Đánh giá chung về mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Qua những phân tích định tính và định lượng về mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy:

- Tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thông qua các kênh truyền dẫn trong cả ngắn hạn và dài hạn.

- Tăng trưởng xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế, và các yếu tố nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dẫn tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Xuất khẩu tăng trưởng đã có tác động tích cực đến việc hình thành và thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua. Xuất khẩu tăng trưởng không chỉ giúp tăng năng suất nhờ phát huy hiệu quả kinh tế theo quy mô và tiến bộ công nghệ, mà còn góp phần tạo thêm việc làm và kích thích đầu tư, tăng tích lũy vốn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào còn thấp. Trình độ công nghệ hiện đang sử dụng ở Việt Nam thấp tương đối so với các nước trong khu vực, kéo theo năng suất lao động xã hội thấp; năng lực sản xuất của vốn còn hạn chế và có xu hướng giảm; lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Bên cạnh đó, mặc dù được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế nhưng thực tế cho thấy rằng xuất khẩu mới chỉ đang phát triển theo chiều rộng hơn là chiều sâu. Xuất khẩu hàng hóa thô và sơ chế, hàng hóa thâm dụng tài nguyên, khoáng sản còn chiếm tỷ trọng cao trong giỏ hàng hóa xuất khẩu. Hàng

chế biến chủ yếu là hàng thâm dụng lao động và tập trung nhiều vào khâu gia công mang lại giá trị gia tăng thấp.

- Tăng trưởng kinh tế cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng thông qua tăng năng suất giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế (Được đại diện bởi tỷ giá hối đoái thực đa phương). Theo đó, tăng trưởng kinh tế dẫn đến tăng năng suất nhờ khai thác hiệu quả kinh tế theo quy mô và tiến bộ công nghệ. Năng suất tăng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, qua đó góp phần làm giá hàng hóa trong nước giảm. Điều này sẽ có tác động làm tăng tỷ giá thực, cải thiện sức cạnh tranh thương mại quốc tế và do đó có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu.

Cũng có thể thấy qua cơ chế điều tiết của Nhà nước thì khi nền kinh tế gặp các cú sốc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái sẽ được điều chỉnh tăng lên gần như ngay lập tức để ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời có tác động mạnh giúp xuất khẩu tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Sau khi các cú sốc này chấm dứt thì tỷ giá lại được giữ ổn định để tránh những tác động tiêu cực như tạo áp lực lên lạm phát, khả năng trả nợ nước ngoài và gây mất lòng tin vào tiền đồng của Việt Nam... Điều này cũng phản ánh rằng, ở Việt Nam, công cụ tỷ giá là một phần của chính sách tiền tệ có vai trò rất quan trọng trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, bên cạnh vai trò kiểm soát lạm phát và ổn định sức mua của đồng tiền, nó còn là kênh truyền dẫn tác động của tăng trưởng kinh tế đến xuất khẩu và cán cân thanh toán.

Tóm tắt chương 4

Trong chương 4, mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế đã được ước lượng và kiểm định theo mô hình nghiên cứu được đề xuất, với các bước phân tích được thực hiện theo đúng trình tự đã xây dựng trong khung lý thuyết nghiên cứu. Kết quả cho thấy:

- Tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thông qua các kênh truyền dẫn trong cả ngắn hạn và dài hạn.

- Tăng trưởng xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế, và các yếu tố nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dẫn tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Xuất khẩu tăng trưởng đã có tác động tích cực đến việc hình thành và thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua.

- Tăng trưởng kinh tế cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng thông qua tăng năng suất giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế (Được đại diện bởi tỷ giá hối đoái thực đa phương).

Một phần của tài liệu Phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam (Trang 103 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)