1.2. QUY TRÌNH KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
1.2.3. Phân tích kiểm toán
Công việc tiếp theo sau khi thu thập được các số liệu, kiểm toán viên phải kiểm tra, xem xét lại toàn bộ các khía cạnh liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng. Nếu thiếu thông tin hay số liệu nào còn thiếu thì cần phải hỏi lại người quản lý, vận hành hoặc kiểm tra trực tiếp thiết bị. Trong kiểm toán năng lượng chi tiết, các kiểm toán viên xác định được các cơ hội tết kiệm năng lượng, đồng thời cần phải phân tích về mặt kinh tế, kỹ thuật và tác động môi trường, chi phí thực hiện cũng như những lợi ích tiềm năng của từng cơ hội tiết kiệm năng lượng.
Sau khi phân tích các cơ hội tiết kiệm năng lượng, với những cơ hội khả thi về mặt kỹ thuật, kiểm toán viên sắp xếp chúng theo mức độ ưu tiên và hiệu quả kinh tế. Xét đến hiệu quả kinh tế. Xét đến tính hiệu quả kinh tế, người ta thường quan tâm đến thời gian hoàn vốn giản đơn của các cơ hội tiết kiệm năng lượng.
Các cơ hội tiết kiệm năng lượng khả thi về mặt kỹ thuật và tối ưu về mặt kinh tế sẽ được lựa chọn để thực hiện và lập báo cáo kiểm toán năng lượng. Báo cáo kiểm toán năng lượng là tổng hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng khả thi nhất và đưa ra được cách thức, phương pháp hay kế hoạch thực hiện cũng như hiệu quả của từng giải pháp sau khi thực hiện.
Quá trình phân tích kiểm toán cần thực hiện có hệ thống, kết hợp với một số tiêu chuẩn năng lượng để có thể đánh giá, đưa ra những đánh giá và kết luận chính xác nhất về các cơ hội tiết kiệm năng lượng.
1.2.3.1. Xây dựng bảng cân bằng năng lượng.
Là một yêu cầu quan trọng bởi vì nhờ đó để đánh giá được mức độ cải thiện sau khi thực hiện các giải pháp, và chỉ có thể thuyết phục lãnh đạo đơn vị đồng ý tiếp tục chương trình nếu có thể chỉ ra bao nhiêu nguyên nhiên liệu và tiền tiết kiệm được. Để xây dựng bảng cân bằng năng lượng, cần thu thập các thông tin sau cho năng lượng cung cấp và năng lượng tiêu thụ:
- Năng lượng tiêu thụ (ví dụ: kWh, tấn than tiêu thụ cho 1 tháng, …).
- Chi phí năng lượng (ví dụ: giá/kWh).
- Các đặc tính khác.
1.2.3.2. Đối với hệ thống điện.
Hệ số công suất thấp.
Các nguyên nhân gây tổn thất
- Hệ số công suất cos φ là tỷ số giữa công suất tác dụng và công suất biểu kiến.
Có 2 nguyên nhân gây nên hệ số công suất cos φ thấp đó là: do trong chế độ vận hành có nhiều động cơ hoạt động không tải, do mạng lưới truyền tải tổn thất công suất phản kháng lớn.
Các cơ hội tiết kiệm
- Để nâng cao hệ số công suất cho hệ thống người ta có thể lắp tụ bù để bù công suất phản kháng cho trạm phân phối điện, cho các khu vực hoặc các thiết bị. Vừa có tác dụng nâng cao hệ số cosφ vừa giúp đơn vị không bị phạt do làm ảnh hưởng đến chất lượng điện năng của hệ thống.
1.2.3.3. Hệ thống điều hòa không khí.
Các nguyên nhân gây tổn thất
- Hệ thống bảo dưỡng thiết bị: Một chế độ bảo dưỡng không hợp lý, sẽ dẫn tới các vấn đề hư hỏng, mất hoặc cài đặt không đúng cảm biến nhiệt độ, kẹt cơ cấu điều khiển các van đóng mở và van điều tiết lưu lượng, hệ thống phân phối nước và không khí bị điều chỉnh cực kỳ sai lệch, tổn thất tác nhân lạnh từ các chillers, … Khi các vấn đề này tác động đến hệ thống dẫn tới mất tiện nghi cho người sử dụng, một biện pháp thường được áp dụng là lắp đặt thêm các máy điều hòa loại nguyên cụm để duy trì điều kiện tiện nghi. Việc lắp đặt thêm này dẫn tới sử dụng năng lượng cao trong tòa nhà và là nguyên nhân chính làm hệ thống điều hòa không khí kém hiệu quả.
- Hệ thống điều khiển nhiệt độ không nhạy, được lắp đặt không khoa học dẫn tới việc vận hành hệ thống kém hiệu quả.
- Thời gian hoạt động quá mức: người sử dụng không quan tâm đến việc tắt điều hòa khi không sử dụng, một số máy do nhu cầu sử dụng mà làm việc quá tải.
- Không khí cung cấp và nhiệt độ: Khi hệ thống điều hòa không khí không thỏa mãn được nhu cầu, điều đầu tiên người sử dụng sẽ chỉ nhiệt độ. Việc điều chỉnh không hợp lý sẽ gây mất nhiều năng lượng tiêu thụ.
Các cơ hội tiết kiệm
- Chế độ bảo dưỡng hợp lý bao gồm: Thay gas định kỳ, vệ sinh thiết bị làm lạnh, kiểm tra, thay mới kịp thời các thiết bị hư hỏng…
- Thiết kế lại hệ thống điều khiển có thể thiết kế hệ thống điều khiển bằng máy tính có khả năng giám sát dễ dàng và điểu chỉnh nhiều hàm tương tác, trong khi vẫn duy trì hoạt động hiệu quả về năng lượng.
- Có thể kiểm soát thời gian sử dụng của hệ thống điều hòa bằng cách tắt các thiết bị khi không sử dụng, sử dụng role thời gian để điều khiển, sử dụng các hệ thống điều khiển bằng điện tử.
- Nên sử dụng điều khiển từ xa với các cảm biến đặt trong phòng hoặc là sử dụng cảm biến nhiệt đặt trên tường hơn là các cảm biến nhiệt trực tiếp để điều khiển hệ thống.
1.2.3.4. Hệ thống chiếu sáng.
Các nguyên nhân gây tổn thất
- Bóng đèn hiệu suất thấp: Sử dụng các bóng đèn kiểu cũ có công suất lớn như đèn huỳnh quang T10, lắp đặt không đúng, quá trình bảo dưỡng và vận hành không hợp lý.
- Thiết kế chiếu sáng không hợp lý: Thiết kế chiếu sáng có độ rọi lớn hơn độ rọi tiêu chuẩn, có thể sử dụng chiếu sáng tự nhiên mà không thực hiện.
Các cơ hội tiết kiệm
- Để nâng cao hiệu suất ta có thể thay thế bóng đèn có hiệu suất cao hơn, lắp đặt và vận hành đúng, phải thường xuyên lau chùi bóng đèn, chóa đèn.
- Thiết kế lại hệ thống chiếu sáng khi hệ thống chiếu sáng không hợp lý.
1.2.3.5. Hệ thống lò hơi và phân phối hơi.
Các nguyên nhân gây tổn thất
- Tổn thất nhiệt do khói thải mang ra ngoài lò hơi q2: do hệ số không khí thừa cao và nhiệt độ khói thải thoát ra ngoài cao.
- Tổn thất nhiệt do cháy không hết hoàn toàn về hóa học q3 và cơ học q4:
Do nhiên liệu cháy không hoàn toàn nên khói còn có các chất khí cháy không hoàn toàn như: CO, H2, CH4,… Các yếu tố ảnh hưởng đến q3 là: nhiệt độ buồng lửa, hệ số không khí thừa, phương thức pha trộn giữa không khí và nhiên liệu trong buồng lửa.
Nguyên nhân gây ra q4 là do kích thước hạt, tính kết dính của tro, chế độ cấp than, tốc độ và các tổ chức cấp gió.
- Tổn thất nhiệt do tỏa nhiệt ra môi trường xung quanh và theo xỉ thải: chất lượng lớp cách nhiệt tường lò không tốt sẽ gây thất thoát nhiệt, chất lượng năng lượng (than,…) sử dụng không tốt ảnh hưởng tới lượng xỉ thải mang theo thất thoát nhiệt . - Đối với hệ thống phân phối hơi thì thường có tổn thất do rò rỉ trên đường ống cung cấp hơi.
Các cơ hội tiết kiệm
- Điều chỉnh lượng không khí thừa bằng cách: điều chỉnh tốc độ quay của lá chắn động ở đầu vào hoặc đầu ra các quạt hút khói, thổi gió sao cho giảm lượng oxy trong khói thải đến mức chấp nhận được.
- Thu hồi nhiệt thải để gia nhiệt cho nước cấp hay không khí cấp vào lò.
- Điều chỉnh phân phối gió, điều chỉnh chế độ cấp nhiên liệu.
- Lắp bảo ôn cho lò, đường ống dẫn hơi tránh tổn thất nhiệt ra môi trường, xả đáy lò hơi định kỳ, lựa chọn than hợp lý.
- Tận dụng nước ngưng thu về.
1.2.3.6. Hệ thống khí nén.
Các nguyên nhân gây tổn thất
- Chạy non tải hoặc tải thay đổi nhiều làm cho hệ số công suất giảm.
- Công suất nén tăng do bộ lọc khí đầu vào máy nén bẩn, nhiệt độ vào cao làm tăng công suất tiêu hao.
- Rò rỉ trên các đườn ống phân phối hơi, các van, cút nối.
Các cơ hội tiết kiệm - Lắp biến tần cho máy nén.
- Lắp đặt bộ lọc không khí ở cửa lấy gió ở bên ngoài gian máy, kiểm tra làm sạch bộ lọc và thay thế khi cần thiết.
- Kiểm tra thường xuyên việc rò rỉ, thay thế, cải tạo tránh rò rỉ.
1.2.3.7. Hệ thống các thiết bị, động cơ sản xuất.
Các nguyên nhân gây tổn thất
- Động cơ chạy non tải: do trong quá trình sản xuất bố trí thiết bị không hợp lý, lắp đặt công suất lớn hơn nhiều so với công suất tải.
- Tải thay đổi thường xuyên: do quá trình và đặc tính của quy trình sản xuất.
Các cơ hội tiết kiệm
- Thay thế động cơ hoặc lắp biến tần hoặc powerboss.
- Để hạn chế sự thay đổi tải của động cơ ta có thể lắp biến tần cho động cơ.
- Nếu hệ thống thường xuyên non tải, tải không bao giờ đạt đến mức công suất của thiết bị, ta có thể sử dụng phương án thay thế thiết bị với công suất nhỏ hơn.