1. Hướng dẫn học sinh đọc và phân tích ngữ liệu
* Vì thời gian dành cho phần bài tập đọc hiểu trong đề thi, đề kiểm tra có hạn nên:
- Cần đọc nhanh, lướt qua ngữ liệu rồi sau đó đọc câu hỏi để xác định nội dung được hỏi; sau đó tìm trong ngữ liệu nội dung cần trả lời.
- Cũng có thể đọc trước câu hỏi rồi mới đọc ngữ liệu để nhanh chóng xác định nội dung cần trả lời.
* Sau đó ta phải xác định ngữ liệu trong bài tập thuộc dạng văn bản nào: VB nhật dụng hay văn bản văn học. Đây là việc làm đầu tiên khi ta tiếp cận với ngữ liệu trong bài tập đọc hiểu, nó giúp ta định hướng những vấn đề liên quan đến kiểu văn bản đó để trả lời câu hỏi một cách nhanh chóng nhất.
Trong quá trình đọc ngữ liệu cần chú ý về mặt hình thức, nội dung của ngữ liệu, những từ ngữ lặp lại hoặc cùng trường liên tưởng, cùng trường nghĩa, những biện pháp từ, những kiểu câu....
2. Hướng dẫn học sinh đọc và phân tích dữ liệu trong câu hỏi để trả lời.
* Trong quá trình đọc câu hỏi cần chú ý các từ chứa đựng nội dung câu hỏi (thường là những từ lệnh, câu lệnh), mục đích của câu hỏi để từ đó xác định câu trả lời và cách trả lời.
* Cách thức trả lời:
a. Dựa vào hình thức câu hỏi để xác định câu trả lời sao cho đúng - đủ, tránh thiếu ý mất điểm. Cụ thể:
- Với câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (đúng - sai, có – không): chọn đáp án đúng.
- Với câu hỏi điền khuyết: tìm từ ngữ, hoặc câu văn phù hợp (thường có sẵn trong đề) để điền vào chỗ trống.
- Với câu hỏi nối cột: Chọn thông tin tương ứng nối lại thành đáp án đúng.
- Với câu hỏi mở (tự luận) trả lời ngắn: trả lời ngắn gọn theo ý đúng trọng tâm câu hỏi, không diễn đạt rườm rà.
- Với câu hỏi mở (tự luận) trả lời dài: Viết thành đoạn, bày tỏ quan điểm ý kiến của bản thân; trình bày rõ ràng, kết cấu lôgic, chặt chẽ.
(Với câu hỏi mở chú ý dung lượng, số câu, số dòng cho phép để xác định câu trả lời ngắn hay dài)
b. Dựa vào các từ lệnh, câu lệnh (từ để hỏi, câu để hỏi) để xác định nội dung cần trả lời:
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện phương thức biểu đạt: chú ý câu hỏi yêu cầu xác định phương thức biểu đạt chính hay xác định các phương thức biểu đạt được dùng
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện phong cách chức năng ngôn ngữ: Chỉ ra phong cách chức năng ngôn ngữ được sử dụng trong ngữ liệu.
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện các thao tác lập luận: chú ý câu hỏi yêu cầu xác định thao tác lập luận chính hay xác định các thao tác lập luận được dùng trong ngữ liệu. Một đoạn văn có thể sử dụng nhiều thao tác lập luận.
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện các phương thức lập luận (cách thức trình bày của đoạn văn/ kết cấu đoạn văn)
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện và nêu tác dụng (hiệu quả nghệ thuật) của các biện pháp tu từ: Cần xác định yêu cầu nhận diện một hay nhiều biện pháp tu từ.
Sau khi gọi tên biện pháp tu từ cần phân tích hiệu quả tu từ của biện pháp tu từ đó trong ngữ liệu trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện và nêu tác dụng (hiệu quả nghệ thuật) của các hình thức, phương tiện ngôn ngữ khác: Từ láy, thành ngữ, từ Hán – Việt, điển tích điển cố …
Cần xác định các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng có hiệu quả nghệ thuật trong ngữ liệu. Sau đó phân tích hiệu quả nghệ thuật của phương tiện ngôn ngữ đó trong ngữ liệu trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện các phép liên kết: Chỉ ra các phép liên kết được sử dụng trong ngữ liệu.
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện kiểu câu và nêu hiệu quả sử dụng (Câu theo mục đích nói, câu theo cấu trúc ngữ pháp): Chú ý xác định kiểu câu được sử dụng nhiều trong văn bản trích dẫn. Phân tích tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó trong văn bản trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu xác định đề tài, chủ đề, nội dung chính của văn bản:
+ Chú ý các từ ngữ, hình ảnh biểu đạt nội dung cụ thể/ nội dung chính của văn bản
+ Câu văn chứa đựng chủ đề đoạn.
+ Đôi khi cần chú ý tới lời chú thích, nguồn gốc của văn bản trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu đặt nhan đề cho văn bản: dựa vào từ ngữ, hình ảnh biểu đạt nội dung cụ thể/ nội dung chính của văn bản; câu văn chứa đựng chủ đề đoạn để đặt nhan đề cho văn bản. Nhan đề phải ngắn gọn, nêu được nội dung chính của văn bản trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu nhận diện thể loại văn bản: Chú ý hình thức của văn bản trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu phân tích ngắn gọn ý nghĩa của một chi tiết, một hình ảnh (thường sẽ là chi tiết đắt nhất trong bài). So sánh chi tiết này với một chi tiết tương tự:
Cần đặt chi tiết hình ảnh cần phân tích trong văn bản trích dẫn để thấy được giá trị, hiệu quả nghệ thuật của chi tiết hình ảnh đó đối với văn bản trích dẫn.
- Với câu hỏi yêu cầu chỉ ra thông điệp từ văn bản: Đó thường là lời nhắn gửi của tác giả tới độc giả, đôi khi là bài học rút ra từ văn bản.