1.2. Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1.2.3. Mối quan hệ giữa giám sát xã hội và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Có thể nói, giám sát là tiền đề của phản biện, là điều kiện cần thiết để đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội. Trong giám sát có đánh giá, thẩm định, tức là phản biện. Ngược lại, phản biện là hoạt động liên quan đến giám sát, hỗ trợ giám sát.
Có thể thấy, giám sát và phản biện xã hội là hai mặt công tác cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một Nhà nước Việt Nam
“của dân, do dân, vì dân” mà trong đó “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
với tư cách là người chủ đích thực. Thực hiện chức năng đã được hiến định, trong
“Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” do Bộ Chính trị ban hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục đích
thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhằm góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, để cơ quan nhà nước, chính quyền tăng cường công tác quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, Hiến pháp 2013 còn nêu nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “tham gia xây dựng Đảng”. Đây là nội dung mới, thể hiện quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề cao, xuất phát từ Điều 4 của Hiến pháp 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” [50, tr.6]. Với vai trò đại diện cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, là nơi tập hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh kịp thời với Đảng, đồng thời là diễn đàn để tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách đến với các tầng lớp nhân dân.
Như vậy, giám sát và phản biện xã hội là nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và giữa nhân dân với Nhà nước. Làm tốt hoạt động phản biện sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giám sát, phản biện xã hội càng tốt, càng hiệu quả thì Đảng càng mạnh, Nhà nước càng trong sạch, khối đại đoàn kết toàn dân càng được tăng cường, chế độ xã hội càng vững chắc.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Trải qua 87 năm ra đời và phát triển, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng ta và Bác Hồ sáng lập ngày 18/11/1930, từ Hội Phản đế đồng minh đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, thu non sông về một mối, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và cũng chính sức mạnh vĩ đại ấy đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn và rất quan trọng sau gần 30 năm đổi mới toàn diện đất nước.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được khẳng định trong Điều 9 Hiến pháp 2013. Ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị có Quyết định số 217-QĐ/TW ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Như vậy, giám sát và phản biện xã hội trở thành một chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt không mang tính quyền lực mà mang tính nhân dân. Mặt trận phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân giám sát, tham gia giám sát với cơ chế là theo dõi, phát hiện, kiến nghị. Mục đích giám sát của Mặt trận là: (1) Giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định ở khu dân cư; phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt. (2) Giúp cho cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân, trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức. (3) Thông qua hoạt động giám sát, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, góp phần chỉnh đốn Đảng, xây
dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phản biện xã hội là một hình thức phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia góp ý kiến đối với các dự thảo chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định lớn của Đảng và các dự thảo văn bản pháp luật của nhà nước, một số công trình, dự án lớn, quan trọng. Phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện một cách khoa học, mang tính thuyết phục cao và được sự đồng thuận của xã hội do ý kiến phản biện được tập hợp từ các tầng lớp nhân dân, trong đó nòng cốt là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của người có chuyên môn về lĩnh vực được đưa ra phản biện. Phản biện xã hội của Mặt trận là động thái cơ bản để Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân (và các thiết chế của nhân dân) khi ban hành các quyết định, nhất là các vấn đề trọng đại của quốc kế dân sinh, hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân; là phương thức quan trọng để đạt được đồng thuận xã hội giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ đó giúp Đảng, Nhà nước tiếp cận, đánh giá vấn đề một cách đa diện, nhiều chiều nhằm hạn chế, phòng ngừa việc quyết định chủ quan, một chiều hoặc mang tính áp đặt. Phản biện xã hội của Mặt trận là phương thuốc hữu hiệu để chữa trị các căn bệnh của người cầm quyền, như quan liêu, tham nhũng, tệ bè phái, dối trá, lối sống cơ hội… Tính chất phản biện sẽ như những liều vắc xin có tác dụng phòng ngừa, hạn chế sự tha hóa quyền lực, hoặc sự độc đoán, chuyên quyền. Phản biện xã hội của Mặt trận sẽ là “kênh” trao đổi thông tin hữu hiệu giữa các thiết chế quyền lực với nhân dân, tạo ra sức mạnh dân tộc trong điều kiện mới.
Giám sát và phản biện xã hội là trọng trách của Mặt trận đối với đất nước, với dân, với Đảng. Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Đảng cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận hoàn thành nhiệm vụ lịch sử: đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên. Chỉ có dân thông qua Mặt trận thực hiện tốt việc giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, chống đói nghèo, chống tụt hậu có hiệu quả.
Chương 2