Đánh giá chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Hà Nội giai đoạn 2015- 2016

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng TMCP tiên phong (Trang 25 - 32)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ TẠI

2.2. Đánh giá chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Hà Nội giai đoạn 2015- 2016

2.2.1. Đánh giá kết quả hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội

Thứ nhất, hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội đảm bảo được tính an toàn, chính xác, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và hệ thống.

Từ năm 2014- 2016, hạ tầng truyền thông công nghệ thông tin của TPBank Hà Nội được xây dựng và nâng cấp liên tục nhằm đảm bảo hoạt động ổn định và an toàn của hệ thống.

TPBank Hà Nội đã và đang từng bước chuẩn hóa, xây dựng bộ khung quy định quản trị rủi ro: quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro hoạt động, quản trị rủi ro thị trường có vai trò tư vấn trong việc đưa ra các chính xác kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường, giúp các đơn vị kinh doanh nói chung và hoạt động TTQT nói riêng hoạt động an toàn và hiệu quả.

Đối với hoạt động TTQT, TPBank Hà Nội áp dụng việc thực hiện nghiệp vụ quy trình khép kín qua nhiều khâu kiểm soát từ chuyên viên thanh toán quốc tế, kiểm soát viên, lãnh đạo phòng chức năng để kiểm tra kiểm soát, ký duyệt các giao dịch trong phạm vi được ủy quyền để tránh sai sót, đảm bảo tính chính xác, an toàn trong hồ sơ chuyển tiền của khách hàng và các rủi ro khách hàng có thể gặp phải trong quá trình thực hiện. Quy trình xử lý các giao dịch đều được lưu trên hệ thống kỹ thuật phần mềm của ngân hàng, cuối ngày các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ lại các giao dịch trên cơ sở đó dễ dàng tìm kiếm được nguyên nhân sai sót, chậm trễ để có giải pháp khắc phục ngay tránh gây thiệt hại cho khách hàng.

Thứ hai, hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội đảm bảo tính nhanh chóng và kịp thời.

TPBank Hà Nội không ngừng nâng cấp quy trình về quản lý và sử dụng chương trình Message Route (MR) để luân chuyển điện SWIFT trong hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, TPBank Hà Nội đưa ra nguyên tắc xử lý tập trung tại Phòng SWIFT, đảm bảo tính nguyên vẹn về nội dung và thời gian xử lý điện theo định kỳ (15 - 30 phút) phải tiến hành đẩy, nhận điện trên MR theo đúng chức năng nghiệp vụ liên quan để đảm bảo điện được xử lý kịp thời, chính xác đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng.

Thứ ba, hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội giữ được uy tín với khách hàng.

Để giữ được uy tín với khách hàng cũ và phát triển khách hàng mới, TPBank Hà Nội đã không ngừng áp dụng đồng bộ việc nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật với trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công nhân viên, mở rộng quan hệ với các ngân hàng đại lý đáp ứng tốt mọi nhu cầu của khách hàng.

TPBank Hà Nội đã triển khai thành công Corebanking (hệ thống ngân hàng lõi) tạo nền tảng phát triển một ngân hàng hiện đại, đa năng; dịch vụ ngân hàng điện tử được mở rộng với nhiều ứng dụng, nâng cấp hạ tầng truyền thông CNTT đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn và ổn định.

Thứ tư, hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội giúp tăng cường nguồn vốn và hỗ trợ dịch vụ kinh doanh ngoại tệ.

TPBank Hà Nội thông qua hoạt động TTQT đã nhận được một lượng ngoại tệ đáng kể đồng thời cũng tạo ra một nhu cầu ngoại tệ phục vụ cho hoạt động này do các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu đa phần đều không tích trữ sẵn một lượng ngoại tệ lớn để phục vụ cho việc thanh toán tiền hàng nhập khẩu mà khi nào có nhu cầu phát sinh mới mua lại từ ngân hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu sau khi xuất hàng và thu tiền thường không giữ lại toàn bộ lượng ngoại tệ đó mà sẽ

bán lại cho TPBank Hà Nội hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng từ giao dịch trước đó. Vì vậy, có thể nói sự phát triển của hoạt động thanh toán quốc tế đã tạo ra một lượng cung cầu ngoại tệ lớn cho ngân hàng, theo đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngoại tệ phát triển. Bên cạnh đó, trong hoạt động TTQT luôn có một khoảng thời gian chờ như thời gian chờ từ khi có nhu cầu đến khi phải thanh toán hoặc thời gian chờ từ khi giao hàng, gửi chứng từ đến khi được thanh toán. Đây chính là điều kiện tốt cho việc tiến hành các giao dịch kinh doanh ngoại hối tại ngân hàng để vừa có thể tăng hiệu quả sử dụng ngoại tệ vừa là một biện pháp phòng tránh rủi ro hối đoái.

Thứ năm, hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội hỗ trợ dịch vụ tài trợ XNK và dịch vụ tín dụng.

TPBank tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu bằng cách cho các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện vay để thu mua hàng hoá xuất khẩu và trả nợ từ nguồn ngoại tệ thu về. Dựa vào hợp đồng ngoại thương và căn cứ vào L/C, ngân hàng cấp tín dụng để khách hàng mua nguyên vật liệu và thông thường bộ chứng từ L/C về sẽ thuộc quyền sở hữu của ngân hàng. Khi bộ chứng từ về ngân hàng, TPBank ký hậu cho doanh nghiệp đi lấy hàng, còn các doanh nghiệp sẽ phát sinh các khoản vay tín dụng với ngân hàng từ đó thúc đẩy hoạt động tín dụng phát triển.

Thứ sáu, hoạt động TTQT tại TPBank Hà Nội giúp tăng cường hỗ trợ các dịch vụ ngân hàng khác (chiết khấu hối phiếu, bảo lãnh...)

Ngoài việc cấp tín dụng cho khách hàng, ngân hàng còn xem xét việc chiết khấu bộ chứng từ nếu khách hàng yêu cầu và thực hiện bảo lãnh nhận hàng… Thông qua các hoạt động này ngân hàng sẽ thu được các khoản phí dịch vụ từ đó tăng lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng.

2.2.2. Những tồn tại và nguyên nhân 2.2.2.1. Tồn tại

Thứ nhất, cơ cấu thanh toán hàng xuất khẩu, nhập khẩu còn thiếu hợp lý.

Cho đến nay, TPBank Hà Nội đã có rất nhiều biện pháp cũng như chính sách

khuyến khích phát triển thanh toán hàng XK. Qua những số liệu thống kê hàng năm, ta có thể thấy sự mất cân đối giữa thanh toán hàng XK và NK. Trong phương thức TDCT, L/C NK nhiều hơn L/C XK (về cả số món lẫn giá trị thanh toán: Năm 2016, TPBank Hà Nội ghi nhận 21 món L/C nhập khẩu với tổng giá trị 325,47 nghìn USD, tương ứng với đó chỉ có 16 món L/C xuất khẩu với tổng giá trị là 118,53 nghìn USD). Sự mất cân đối này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn ngoại tệ thanh toán không được bảo đảm và đồng đều. Hơn nữa. một số khách hàng thanh toán hàng nhập khẩu qua TPBank Hà Nội nhưng lại thanh toán hàng xuất khẩu qua các NHTM khác nên TPBank Hà Nội không thu được nguồn ngoại tệ về. Điều này làm cho ngân hàng hạn chế về nguồn ngoại tệ để thanh toán, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Thứ hai, quy mô hoạt động TTQT còn hạn chế.

Ở ngân hàng các nước phát triển, doanh thu từ các hoạt động trung gian chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu (khoảng 47%). Tuy nhiên, ở TPBank Hà Nội, doanh thu chủ yếu vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động tín dụng, tỷ lệ doanh thu từ hoạt động TTQT chiếm tỷ lệ khá thấp (khoảng 20%), đặc biệt lợi nhuận từ hoạt động này chiếm tỷ lệ rất thấp (7,35% năm 2016).

Thứ ba, thủ tục thanh toán còn mang nặng tính hành chính, thời gian xử lý giao dịch chưa nhanh.

Quy trình xử lý giao dịch TTQT tại TPBank còn rườm rà, chưa tạo thành khâu khép kín, mức độ xử lý tự động các giao dịch chưa cao. Hơn nữa, do hạn chế về số lượng chi nhánh nên khách hàng thường tập trung vào những điểm giao dịch lớn. TPBank Hà Nội là chi nhánh có vị trí địa lý khá thuận lợi nên số lượng khách đến giao dịch là rất lớn. Do đó, chi nhánh luôn trong tình trạng quá tải, khách hàng phải đợi khá lâu mới có thể tiến hành giao dịch.

Thứ tư, dịch vụ TTQT chưa đa dạng.

Việc cung ứng các dịch vụ TTQT mới chỉ dừng lại ở việc thanh toán theo một số phương thức truyền thống như thanh toán chuyển tiền, nhờ thu, tín dụng chứng từ. Việc đưa vào sử dụng các loại hình L/C mới như L/C dự phòng, L/C chuyển

nhượng sẽ đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng và đem lại hiệu quả thanh toán cao hơn, tuy nhiên, nghiệp vụ này khá phức tạp nên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.

Ngoài ra, một số tồn tại có thể kể đến như: Chương trình hiện đại hóa ngân hàng chưa hoàn thiện và ổn định. Các sự cố kỹ thuật chưa được khắc phục kịp thời, nhiều lúc giao dịch bị gián đoạn.

2.2.2.2. Nguyên nhân

a. Nguyên nhân khách quan

Môi trường pháp lý

Hiện nay, NHNN chưa có văn bản chính thức nào hướng dẫn cụ thể quy trình TTQT chung mà các ngân hàng phải tự xây dựng một quy trình TTQT riêng dựa trên hoạt động của mình và thông lệ quốc tế. TPBank cũng đã ban hành một số văn bản quy trình nghiệp vụ TTQT tuy nhiên có nhiều vấn đề còn chung chưa rõ ràng khiến chuyên viên TTQT gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Như vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động TTQT nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung còn nhiều bất cập và cần được quan tâm hơn nữa.

Sự can thiệp của cơ quan nhà nước

Cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thương mại còn nhiều bất cập. Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan thường xuyên có những thay đổi về danh mục các mặt hàng được phép xuất nhập khẩu, biểu thuế áp dụng đối với từng mặt hàng, thời gian kể từ khi ra quyết định đến khi quyết định có hiệu lực thi hành thường là ngắn, không đủ để các doanh nghiệp dự tính sắp xếp kế hoạch cho hoạt động kinh doanh của mình, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động TTQT của ngân hàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có chiến lược, giải pháp tổng thể hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp XNK. Các thủ tục hành chính trong hoạt động XNK còn rườm rà, các quy định chồng chéo gây phiền toái cho khách hàng, tốn kém thời gian và chi phí.

Sự biến động của thị trường tài chính trong nước và quốc tế

Sự biến động của thị trường tài chính dẫn tới sự thay đổi giá trị của rất nhiều

các đồng tiền quan trọng như USD, GBP, EUR... Tỷ giá hối đoái sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và gây bất lợi cho hoạt động XNK của Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương và từ đó đã tác động không nhỏ đến hoạt động TTQT của TPBank Hà Nội.

Rào cản thương mại

Cùng với việc gia nhập WTO, môi trường cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng lớn cùng với nhiều rào cản thương mại sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng. Các ngân hàng trong nước nói riêng phải điều chỉnh quy mô và đưa ra những chính sách quản lý, đào tạo nhân viên và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tạo được lợi thế với các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, đối với TPBank Hà Nội thì quy mô còn nhỏ, sản phẩm dịch vụ chưa đa đạng và chất lượng dịch vụ chưa cao nên trước những đối thủ lớn từ thị trường quốc tế có năng lực cạnh tranh cao là một vấn đề khá khó khăn, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống tài chính.

Trình độ nghiệp vụ ngoại thương của các doanh nghiệp XNK

Các doanh nghiệp XNK ở Việt Nam hiện nay còn khá yếu về năng lực, trình độ nghiệp vụ thương mại quốc tế trong khi các đối tác nước ngoài là những nhà chuyên kinh doanh XNK có nhiều kinh nghiệm nên khi có tranh chấp xảy ra không có cơ sở để khiếu nại và buộc phải chịu phần bất lợi. Không chỉ vậy, khách hàng còn thiếu thông tin về đối tác kinh doanh và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong kinh doanh, dễ dẫn đến bị đối tác nước ngoài lừa đảo, không thanh toán. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng và hoạt động TTQT của TPBank nói riêng và của các NHTM Việt Nam nói chung.

b. Nguyên nhân chủ quan

Chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ phận có liên quan

Các khách hàng sử dụng dịch vụ TTQT thường có nhu cầu lớn về ngoại tê, vốn tín dụng đòi hỏi các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ tại các phòng ban phải có sự kết hợp nhịp nhàng ăn khớp đảm bảo sự thuận tiện tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên sự kết hợp này hiện tại ở TPBank Hà Nội chưa tốt,

còn gây nhiều phiền hà cho khách hàng. Nhiều khách hàng muốn thanh toán chứng từ hàng nhập tại TPBank Hà Nội nhưng họ không được vay vốn tại ngân hàng dẫn tới khách hàng phải xuất trình chứng từ tại ngân hàng khác. Bên cạnh đó, TPBank Hà Nội chưa phát triển đồng bộ các loại hình sản phẩm dịch vụ đi kèm với TTQT như dịch vụ tư vấn tài chính, quản trị rủi ro cho các khách hàng là doanh nghiệp XNK, điều này khiến khách hàng chưa thực sự thấy hài lòng bởi các sản phẩm, dịch vụ của TPBank Hà Nội.

Hoạt động marketing và tìm kiếm khách hàng kém hiệu quả

Hoạt động marketing là một trong những hoạt động mang tính chiến lược nhằm thu hút khách hàng nhưng tại TPBank Hà Nội, các chuyên viên TTQT vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của hoạt động này. Môi trường cạnh tranh đang ngày càng gay gắt vì thế TPBank Hà Nội đã gặp không ít khó khăn trong việc giữ vững khách hàng truyền thống và thu hút thêm các khách hàng mới tiềm năng.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng TMCP tiên phong (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(48 trang)
w