7. Bố cục
3.2.1 Biểu đạt những vấn đề liên quan đến chết chóc
Ở Việt Nam hai từ chết chóc cũng bị mọi người kiêng kị, bởi vì không có người nào không sợ chết, do đó mọi người luôn cố gắng kiêng kị chữ chết. Không kể già trẻ hay trai gái khi nhắc đến chữ chết đều cảm thấy không vui, khó chịu, chói tai. Liên quan đến chữ chết trong tiếng Việt đều có những uyển ngữ liên quan, vả lại đối tượng khác nhau thì uyển ngữ cũng khác nhau.
Đối với cái chết của danh nhân và những người có công với đất nước (chiến sĩ cách mạng) có các uyển ngữ như: từ trần, tạ thế, qua đời, đi xa, khuất bóng, khuất núi, yên giấc, yên nghĩ, trăm tuổi, hi sinh, bỏ mình, nằm xuống, ngã xuống, hi sinh vì Tổ quốc, hiến thân vì nghĩa lớn, lên đường theo tổ tiên, đi gặp cụ Mác-Lênin v.v…
Ngoài các uyển ngữ nói trên, người bình thường chết cũng có các cách nói uyển chuyển như: mất, đi đoàn tụ ông bà, tắt thở, tim ngừng đập, lo hậu sự, sang tây thiên, nhắm mắt lìa đời, lìa trần, đã khuất, về với đất, đi rồi v.v…
Ví dụ:
- Các cụ đã khuất núi cả rồi.
- Bệnh nhân đã tắt thở, tim đã ngừng đập.
- Đã đến độ tuổi mà người ta cho rằng thất thấp cổ lai hi rồi sớm muộn gì cũng sẽ trở về với đất mà thôi.
Trong đời sống hàng ngày khi nói đến những kẻ xấu bị mọi người căm ghét như trộm cướp, tay sai, bán nước, giặc cướp nước… thì đối với cái chết của những người này, mọi người thường sử dụng những cách nói có sắc thái biểu cảm sự khinh ghét như: đi chầu diêm vương, đi bán muối, bỏ mạng, đi chầu ông bà ông vải, đi đời, ngoẻo rồi, ngỏm rồi, toi rồi v.v…
Ví dụ:
- Thứ người như nó nên quẳng xuống sông chầu ông vải cho rồi.
- Thế là đi đời nhà ma một tên cướp.
- Thế là hết đời tên phản bội.
- Toi luôn một lúc năm tên giặc.
- Tên tay sai ấy cuối cùng cũng bỏ mạng vì sự phản bội của mình.
Như vậy cho thấy uyển ngữ về cái chết trong tiếng Hán và Tiếng Việt được sử dụng tương đối giống nhau, người Trung Quốc và người Việt đều kiêng kị chữ chết, cách nói uyển chuyển về cái chết có rất nhiều, tùy vào địa vị và thân phận có những uyển ngữ khác nhau.
3.2.2 Biểu đạt những vấn đề liên quan đến bệnh tật và khiếm khuyết sinh lý
Người Việt Nam cũng giống như người Trung Quốc đều kiêng kị, tránh nhắc đến hai vấn đề bệnh tật và bài tiết, khi cần thiết phải nhắc đến thì thường sử dụng những từ ngữ, cách nói uyển chuyển nhẹ nhàng để biểu đạt. Sử dụng những từ ngữ, cách nói này sẽ không làm người nghe cảm thấy không vui, khó chịu.
Trong tiếng Việt có một số từ ngữ và cách nói uyển chuyển liên quan đến bệnh tật như: không khỏe, hơi khó chịu, hơi mệt, sắc mặt không tốt, đau đầu chóng mặt v.v…Ngoài ra người Việt cũng rất sợ nhắc đến những căn bệnh như
ung thư, lao phổi, Aisd vì đó là những căn bệnh không thể trị khỏi hẳn, kết quả những căn bệnh này đem lại là sự dày vò về tinh thần và thể xác và cuối cùng là cái chết. Vì vậy khi cần thiết phải nói đến những căn bệnh này thì mọi người thường sử dụng một số từ ngữ uyển chuyển để thay thế việc trực tiếp nói ra tên của những căn bệnh này.
Đối với căn bệnh đáng sợ như bệnh Aisd và ung thư thì có những cách gọi như: căn bệnh thế kỉ; bệnh bất trị; bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y…Nói như thế sẽ làm cho người nghe dễ chấp nhận hơn, bớt sợ hãi hơn so với việc trực tiếp nói ra.
Ví dụ:
- Sở Y tế thường khuyến cáo mọi người phòng chống bệnh AIDS (căn bệnh của thế kỉ). Bệnh này có thể lây qua ba đường như: đường tình dục, đường máu, mẹ truyền sang con vì vậy chúng ta phải hiểu rõ và tích cực phòng chống bệnh này, hãy để cho bản thân mình có một cuộc sống lành mạnh.
- Cô ấy mắc phải bệnh nan y không thể nào chữa khỏi được, không biết còn sống được đến bao giờ.
Ngoài ra liên quan đến bệnh điên và người mắc bệnh điên thì có những cách nói uyển chuyển như: bệnh tâm thần; loạn trí; tâm thần mê loạn; tâm thần bất ổn; không đủ sáng suốt; không đủ minh mẫn; hơi tưng tưng; có chút không bình thường; chạm mạch…
Ví dụ: nơi chuyên chữa trị cho những người điên được gọi một cách uyển chuyển là bệnh viện tâm thần thay thế cho cách gọi là nhà thương điên, những người bị đưa vào đây đa số là những người mắc bệnh điên mà những người trong xã hội gọi là bệnh nhân tâm thần hoặc tâm thần bất định.
Nói chung ngoài những căn bệnh đặc biệt khi trực tiếp nói ra sẽ là tổn thương người khác, làm họ cảm thấy khó chịu cần sử dụng uyển ngữ để biểu đạt ra thì đối với những người bị mù, bị điếc thì gọi họ là người khiếm thị, khiếm thính hoặc gọi chung là những người khuyết tật mà thôi.
Nhìn chung uyển ngữ về bệnh tật trong tiếng Việt ít hơn so với tiếng Hán, trong những trường hợp khác nhau thì cách sử dụng uyển ngữ của hai ngôn ngữ cũng khác nhau.
3.2.3 Biểu đạt những vấn đề liên quan đến “tính” và “bài tiết”
Người Việt cũng giống như người Hoa đều xem những hành vi có liên quan đến giới tính và bài tiết là những việc không thanh cao, khiếm nhã. Tuy rằng những hành vi này đều là những hiện tượng sinh lý tự nhiên của con người nhưng con người vẫn không muốn trực tiếp nói ra những việc này. Do đó liên quan đến vấn đề này có những uyển ngữ sau:
Đối với những sự việc, hành vi có liên quan đến giới tính đều bị kiêng kị, không nên trực tiếp nói ra, tuy đó là những hành vi sinh lý chung của mọi người nhưng nhìn chung đó vẫn là những vấn đề tế nhị. Liên quan đến những hành vi giới tính (quan hệ tình dục) trong tiếng Việt có các cách nói uyển chuyển như: sống như vợ chồng; chung chăn chung gối; làm trò mây mưa; lên giường; ngủ; làm chuyện ấy; quan hệ với nhau; làm tình; giao hợp; quan hệ nam nữ; chuyện trong phòng, ân ái…
Mặt khác đối với những vấn đề có liên quan đến bài tiết cũng có những uyển ngữ như: đi vệ sinh; vào toilet; vào WC; đi rửa tay, rửa mặt; đi giải quyết; tiểu tiện; đại tiện…
Nhìn chung về mặt này thì uyển ngữ trong tiếng Hán và tiếng Việt có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên trong tiếng Việt không có cách nói đi phòng số 5 hay đi phòng số 1 như trong tiếng Hán.