Kết quả nghiên cứu di tích kiến trúc thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long

Một phần của tài liệu Di tích kiến trúc thời lý tại hoàng thành thăng long, hà nội (Trang 129 - 132)

1.1. Thăng Long nằm ở vị trí trung tâm của châu thổ Bắc Bộ, ngay từ khi chuyển đô, nhà Lý đã đẩy mạnh công việc xây dựng và hoàn thiện kinh đô: xây dựng hoàn thiện các vòng thành, hệ thống các cung điện, lầu gác được quy hoạch, xây dựng với diện mạo mới. Trong điều kiện địa lý của Thăng Long được bao bọc bởi các dòng sông, các kỹ sư xây dựng đã hết sức chú trọng đến việc sử dụng đa dạng các loại hình vật liệu và sự thống nhất về kỹ thuật xây dựng, trang trí mái trên các cung điện vô cùng đẹp và tinh xảo. Tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại và phát triển, kinh đô Thăng Long đã bị tàn phá nặng nề bởi các điều kiện tự nhiên và xã hội.

Được sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan khoa học, với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, sau nhiều năm nỗ lực, hệ thống nền móng các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác trong kinh đô Thăng Long thời Lý đã được phát hiện và nghiên cứu để từ kết quả đó diện mạo của một kinh đô hoa lệ bậc nhất thời bấy giờ dần dần được hiện ra.

Với kết quả nghiên cứu trong thời gian gần đây, nhất là những nghiên cứu của khảo cổ học, hệ thống các di tích kiến trúc thời Lý được nhận diện ngày một rõ hơn với một số đặc điểm đáng lưu ý sau đây:

- Các di tích kiến trúc thời Lý phân bố trên một phạm vi rộng lớn, được thiết kế và quy hoạch rất khoa học và chính xác theo những tiêu chuẩn xây dựng kiến trúc kinh đô thời kỳ đó: phương vị theo hướng Bắc - Nam lệch Đông 50, thước đo thống nhất là 1 thước = 30cm. Hướng kiến trúc phần lớn đều rộng theo chiều Bắc - Nam, dài theo chiều Đông - Tây, tức kiến trúc có hướng quay về phía Nam (gồm 30 kiến trúc, chiếm tỉ lệ 54,5%).

- Mặt bằng các kiến trúc chủ yếu là hình chữ nhật, quy mô lớn, có nhiều gian, bên cạnh các loại hình kiến trúc mặt bằng độc đáo: hình lục giác, bát giác và hình tròn. Từ hình dạng và kết cấu mặt bằng, chức năng của các kiến trúc tại 18 Hoàng Diệu được định hình rõ hơn, đó là: kiến trúc cung, điện chiếm tỉ lệ lớn nhất (40%),

tiếp đến là các loại hình: kiến trúc hành lang (32,7%), kiến trúc lầu (25,5%),... như vậy tỉ lệ giữa các loại hình kiến trúc đã phản ánh tính chất trung tâm của kinh đô Thăng Long tại khu vực 18 Hoàng Diệu trong tổng thể cấu trúc khu trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý.

- Bước gian và bước cột trong kiến trúc đa dạng, phụ thuộc vào từng loại hình kiến trúc, trong đó khoảng cách bước gian phổ biến từ 5,1m đến 6,0m. Trong bộ vì, khoảng cách bước cột cũng đa dạng, theo từng loại hình và chức năng của kiến trúc, trong đó khoảng cách lòng của các kiến trúc cung điện rất rộng, từ 7,1m trở lên đến 7,8m.

- Vật liệu xây dựng nền móng các kiến trúc rất đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau nhưng thống nhất trong kỹ thuật xây dựng: các vật liệu xây dựng trong các móng cột đều được đầm thành từng lớp xen kẽ nhau. Trong đó đã nhận diện và làm rõ được sự khác nhau về vật liệu và kỹ thuật xây dựng nền móng: các kiến trúc của trục trung tâm (gồm 8 kiến trúc) vật liệu xây dựng đa dạng hơn với sự có mặt của một số loại vật liệu như: có từ 1 đến 3 lượt gạch vuông được sử dụng xây dựng móng cột, bó nền và móng bó nền được xây dựng bằng gỗ,...

- Từ việc xác định vị trí phân bố của các di tích, trên khu vực 18 Hoàng Diệu đã xác định được khu vực kiến trúc phân bố theo chiều Bắc - Nam hoặc Đông - Tây, trong đó đặc biệt đã xác định có một trục trung tâm quan trọng nhất của các kiến trúc trong khu vực nằm theo chiều Bắc - Nam, các kiến trúc phía Đông và phía Tây đều đối xứng nhau qua trục này. Từ đó hình thành lên các không gian kiến trúc theo từng khu vực: không gian kiến trúc phía Bắc và phía Nam, không gian kiến trúc phía Đông và phía Tây. Như vậy, dù thế nào thì các kiến trúc cũng đều hài hòa trên một bố cục tổng thể chung thống nhất, quy luật bố cục chặt chẽ theo trục và theo điểm.

1.2. Trong mối tương quan với kiến trúc Việt Nam và khu vực, di tích kiến trúc Thăng Long thời Lý thể hiện sức sáng tạo vượt bậc, đạt đến đỉnh cao trên mọi phương diện của nghệ thuật xây dựng kiến trúc, khẳng định giá trị truyền thống và bản sắc riêng của thời đại.

- Xét trong mối tương quan với các di tích thời Lý đã được phát hiện cho thấy ngoài sự tương đồng về phương vị và thước đo, các kiến trúc đều được xây dựng dựa trên một trục không gian với điểm nổi bật là các kiến trúc trung tâm thì sự khác nhau cơ bản do: vị trí xây dựng, chức năng công trình (ở Thăng Long là các cung điện, lầu gác phục vụ cho nhà vua và Hoàng gia, còn ở các địa phương đó là các công trình mang tính chất tôn giáo),... dẫn đến: mặt bằng kiến trúc ở Thăng Long đa dạng hơn, quy mô các kiến trúc rộng lớn hơn, vật liệu và kỹ thuật xây dựng đa dạng hơn. Nhưng dù được xây dựng ở nhiều địa điểm, địa hình khác nhau, quy mô các công trình kiến trúc được phân cấp rõ ràng, thể hiện sự chặt chẽ của nghệ thuật quy hoạch và xây dựng, nghệ thuật xây dựng kiến trúc của nhà Lý vô cùng đa dạng, nhưng thống nhất trong một nền nghệ thuật chung của dân tộc.

- Trong mối quan hệ lịch đại, nghệ thuật xây dựng thời Lý đã có những tiếp thu, kế thừa trực tiếp từ nghệ thuật xây dựng thời Đinh - Tiền Lê, nhưng được nhà Lý sáng tạo, phát triển lên đến đỉnh cao trên tất cả các mặt: mặt bằng và loại hình kiến trúc, vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng nền móng kiến trúc. Và đến thời Trần (thế kỷ 13 - 14), ở giai đoạn sau, sự đơn điệu về vật liệu và kỹ thuật xây dựng phản ánh bắt đầu có sự thoái trào, đồng thời quy hoạch kiến trúc trong kinh đô Thăng Long có những bước phát triển mới phù hợp với điều kiện lịch sử và tư tưởng thời đại.

- Nhà Lý xây dựng Thăng Long ở vào thời kỳ mà các kinh đô trong khu vực đã có sự phát triển nhất định, do vậy việc có ảnh hưởng và tiếp thu thành tựu và nghệ thuật xây dựng giữa kiến trúc ở kinh đô Thăng Long với khu vực về kỹ thuật xây dựng nền móng kiến trúc cũng là thực tế lịch sử khách quan. Nhưng nhìn chung, sự khác biệt trong là cơ bản trên các phương diện: mặt bằng và loại hình kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng đã phản ánh những nét độc đáo riêng biệt, thể hiện bản sắc riêng của nghệ thuật xây dựng kiến trúc Đại Việt thế kỷ 11 - 13.

Một phần của tài liệu Di tích kiến trúc thời lý tại hoàng thành thăng long, hà nội (Trang 129 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(247 trang)