Năm 2010, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đó là cơ sở cao nhất để từ đó từng bước mở rộng khai quật nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử - văn hóa một cách tổng thể, toàn diện hơn. Do vậy các nguồn tư liệu mới sẽ không ngừng được bổ sung làm sâu sắc thêm các giá trị hiện biết đồng thời có thêm các đánh giá, nghiên cứu mới làm cơ sở cho việc tổ chức trưng bày, tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam mà lịch sử - văn hóa Thăng Long là tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất.
Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan khoa học đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích:
- Nhất thể hóa quản lý: Khu di tích có diện tích rộng lớn, giáp ranh với nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước, hơn nữa bản thân di tích nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan khoa học đầu ngành của cả nước, nhất là về khảo cổ học. Tuy nhiên đến nay, tư liệu và hồ sơ các cuộc khai quật vẫn đang tiếp tục được chỉnh lý
và nghiên cứu, do vậy chưa có điều kiện để thực hiện việc giới thiệu, trưng bày, tuyên truyền và quảng bá các giá trị của khu di tích. Dự kiến sẽ còn phải thực hiện trong nhiều năm tiếp theo.
- Đẩy mạnh công tác khai quật khảo cổ học trên phạm vi tổng thể, xây dựng hồ sơ tư liệu khoa học khách quan thông qua các di tích và di vật phát hiện được nhằm tạo cơ sở tư liệu khoa học tiến tới phục dựng mô hình các di tích, đồng thời với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào việc nghiên cứu, đánh giá và phát huy giá trị các di tích nói chung. Mô hình 3D hiện nay đang được áp dụng và dần đem lại các hiệu quả nhất định, giúp cho người tham quan tiếp cận và nhận diện giá trị di tích một cách trực quan hơn.
- Ứng dụng kết quả nghiên cứu của khoa học tự nhiên, nhất là kết quả phân tích, đánh giá về lịch sử địa chất, điều kiện môi trường của khu vực vào việc bảo tồn di tích, thực tế cho đến nay việc bảo tồn nguyên trạng các di tích tại 18 Hoàng Diệu đã được các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá cao. Điều đó khẳng định tính đúng đắn, phù hợp trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào công tác bảo tồn nguyên trạng các di tích.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu so sánh giữa các di tích, di vật tại Hoàng thành Thăng Long với các địa phương trong cả nước và với các kinh đô cổ trên thế giới nhằm làm rõ hơn giá trị riêng biệt của khu di tích, đặc biệt lưu ý với các kinh đô có di sản khảo cổ học tương tự (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), để từ đó đúc rút ra các vấn đề ứng dụng vào điều kiện di tích tại Hoàng thành Thăng Long, nhất là vấn đề xây dựng các mô hình kiến trúc để trưng bày, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà nghiên cứu tiến tới phục dựng các di tích một cách khách quan nhất.
Các giải pháp trên đây đã đạt được những kết quả nhất định trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Đó là tiền đề quan trọng để đưa ra chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài tiến tới phục dựng lại các di tích.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Phạm Văn Triệu (2010), “Cấm thành Thăng Long thời Lý (1010 - 1030) và giá trị các dấu tích kiến trúc ở khu A (phía tây Cấm thành)”, Tạp chí Khảo cổ học (6), tr.36-45.
2. Phạm Văn Triệu, Đỗ Đức Tuệ, Nguyễn Văn Đáp (2013), “Khai quật móng tháp thời Lý ở chùa Phật Tích”, Tạp chí Khảo cổ học (4), tr.28-36.
3. Phạm Văn Triệu (2013), “Thăng Long Forbbiden Citadel from Lý period (1010- 1030) and values of architechtural vestiges in Section A (Western area of Forbidden Citadel)”, Archaeology Journal (1st Edition p.a), pp.89-100.
4. Phạm Văn Triệu (2014), “Di tích kiến trúc thời Lý hố B3 (Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu)”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2013, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.248-252.
5. Phạm Văn Triệu (2014), “Di tích kiến trúc thời Lê tại phía Đông khu A (Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu)”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2013, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.260-262.
6. Phạm Văn Triệu (2015), “Phân chia giai đoạn và đặc trưng của các di tích kiến trúc thời Lý hố D4-D5-D6 (18 Hoàng Diệu)”, Tạp chí Khảo cổ học (3), tr.52-62.
7. Phạm văn Triệu (2015), “Architectural layout and Material of the Thăng Long Citadel (11th-14th centuries)”, Perspective on the Archaeology of Vietnam, Bonn, German, pp.333-348.