Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. Đề xuất một số giải pháp kỹ thuật nhằm phát triển bền vững rừng Luồng tại Thanh Hóa
Phát triển rừng Luồng theo hướng bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa là yêu cầu cấp thiết của không chỉ người dân tỉnh Thanh Hóa mà còn mang tính chiến lược đối với các tỉnh khu vực Trung du miền núi. Vì vậy, việc xây dựng các giải pháp kỹ thuật tác động để rừng Luồng phát triển tương xứng với tiềm năng của nó là việc làm hết sức quan trọng.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu đã thu được ở trên, đề tài xin đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển rừng Luồng bền vững như sau:
Giải pháp về kỹ thuật
- Để góp phần tăng khối lượng sinh khối hay trữ lượng Luồng của khu vực thì trong quá trình kinh doanh rừng người dân nên áp dụng các biện pháp thâm canh, các chế độ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại hợp lí và phải tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của rừng Luồng.
- Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong khai thác rừng Luồng, chỉ khai thác các cây từ 4 tuổi trở lên, chặt không để gốc cao, vệ sinh cục bộ xung quanh các bụi Luồng vào trước mùa sinh trưởng. Không khai thác quá mức cho phép và khai thác Luồng non để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sau khai thác nên tiến hành vệ sinh rừng, không chăn thả gia súc dưới tán rừng.
- Nên trồng xen các loài cây bản địa, cây có chức năng cải tạo đất như:
Trám, Lim, Keo,... việc trồng xen hỗn giao các loài cây này vừa có tác dụng nâng cao tính đa dạng sinh học cho rừng Luồng, tăng độ ẩm, lượng mùn cho
rừng Luồng, đồng thời các thân cây gỗ còn là giá đỡ cho Luồng trong mùa mưa bão.
- Tiến hành các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây Luồng, những bụi bị bệnh có thể chặt bỏ, dọn sạch và đưa ra khỏi rừng.
- Đối với công tác bón phân cho rừng Luồng, qua kết quả điều tra và phân tích đã nêu trên cho thấy công thức bón phân NPK (12:5:10) có ảnh hưởng tốt nhất đến sinh trưởng về đường kính và chiều cao của cây Luồng. Vì thế, nên bón phân NPK trong quá trình gây trồng Luồng và có thể kết hợp bón thêm phân chuồng. Song song với công tác bón phân nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hợp lý.
- Ngoài ra, cần tận dụng những nguồn dinh dưỡng hoàn trả cho đất thông qua vật rơi rụng và vật liệu để lại sau khai thác, muốn làm được điều này thì vật rơi rụng và vật liệu sau khai thác phải được xem là một nhân tố quan trọng cần được bảo vệ vì nó có những ảnh hưởng tích cực đến độ phì của đất. Ngoài nguồn dinh dưỡng dồi dào cung cấp cho đất, vật rơi rụng còn có tác dụng làm giảm dòng chảy mặt, hạn chế xói mòn đất do nước. Đặc biệt, trên các địa hình có độ dốc lớn, cần trồng rừng với mật độ dày hơn để rừng sớm khép tán, đảm bảo cung cấp đủ lượng vật rơi rụng cho đất. Trong khai thác rừng, việc tận thu các sản phẩm cành ngọn cũng cần phải được cân đối giữa hiệu quả kinh tế khai thác đối với việc giữ lại một lượng hữu cơ hoàn trả cho đất bằng cách băm nhỏ cành nhánh và trải đều trên nền đất rừng nhằm đảm bảo năng suất cho các chu kì sau, việc đốt, dọn vệ sinh cũng cần được kiểm soát và có hướng dẫn cẩn thận.
Giải pháp về kinh tế - xã hội
Tổ chức các buổi tập huấn để hướng dẫn cho người dân địa phương các kỹ thuật gây trồng, chăm sóc, khai thác rừng Luồng đúng thời điểm, phương pháp, quy định.
Thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp từ các tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ, xây dựng quỹ vốn đầu tư cụ thể cho người dân vay dài hạn để trồng rừng.
Các cơ quan chức năng ở địa phương có vai trò tìm các thị trường tiêu thụ sản phẩm Luồng ổn định, đảm bảo về giá cả và chất lượng sản phẩm cho người dân.
Nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển rừng Luồng bền vững, giúp người dân hiểu rõ được ý nghĩa về mặt môi trường và kinh tế mà cây Luồng mang lại.
Nâng cao năng lực quản lí của cán bộ địa phương về năng lực lãnh đạo, chuyên môn, kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ cấp xã, thôn, bản,...
Thay đổi một số chính sách đất đai trong lâm nghiệp của huyện, xã, xây dựng những ưu đãi với những tổ chức, cá nhân tham gia tích cực trong phát triển và bảo vệ rừng của địa phương, khuyến khích hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kiến thức khác để mở rộng các mô hình kinh doanh rừng bền vững, với các doanh nghiệp lâm nghiệp cần có chính sách ưu đãi về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thuế,...
KẾT LUẬN, TỒN TẠI, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Xuất phát từ yêu cầu khách quan của công tác điều tra, kinh doanh các loài cây thuộc họ Tre nứa nói chung và cây Luồng nói riêng, để có thêm những cơ sở khoa học cần thiết nhằm kinh doanh đối tượng rừng này một cách hiệu quả, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng rừng cây họ tre nứa, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: ““Nghiên cứu lượng vật rơi rụng và ảnh hưởng của các công thức bón phân đến sinh trưởng của rừng trồng Luồng (Dendrocalamus barbatus Hsuech et D.Z.Li) làm cơ sở đề xuất các biện pháp phục hồi rừng Luồng thoái hoá ở Thanh Hóa”. Từ những kết quả thu được trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
1.1. Sinh khối cây cá lẻ và lâm phần Luồng
- Sinh khối cây cá lẻ Luồng có sự khác nhau giữa các bộ phận trên cây, tập trung chủ yếu là ở phần thân (chiếm khoảng 66,96 – 75,22% tổng sinh khối cây cá lẻ). Sinh khối của cây Luồng tăng dần theo các cấp kính khác nhau (từ 6,31 – 24,74 kg/cây).
- Dựa trên sinh khối cây cá lẻ và tỷ lệ phân loại Luồng ta xác định được sinh khối của lâm phần: Sinh khối Luồng giữa các huyện có sự khác nhau rõ rệt, ở huyện Ngọc Lặc: 37,40 tấn/ha; Bá Thước: 30,28 tấn/ha; Lang Chánh:
22,23 tấn/ha. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khá biệt này là do mức độ sinh trưởng về đường kính và chiều cao của cây Luồng ở mỗi huyện không giống nhau, cũng như tỉ lệ các cây loại 1, 2, 3, 4 khác nhau.
- Hàm lượng nước trong thân cây Luồng giảm dần theo tuổi, đạt lớn nhất ở cây tuổi 1 (thân: 54,33%; ngọn: 41,31%; cành: 48,03; lá: 64,86%) và thấp nhất là ở cây tuổi 4 (thân: 48,92%; ngọn: 38,56%; cành: 44,35%; lá:
62,74%). Càng ở tuổi cao mức độ hóa gỗ của cây Luồng càng tăng, có độ bền,
độ uốn, chịu lực và chịu nén tốt. Tuy nhiên, cây Luồng sau tuổi 5, lá giảm, thân giảm chất lượng (xơ và xốp).
1.2. Lượng dinh dưỡng hoàn trả cho đất từ vật rơi rụng và vật liệu để lại sau khai thác
Với kết quả nghiên cứu tại huyện Bá Thước cho thấy rằng, lượng vật rơi rụng có sự khác biệt rõ rệt giữa các tháng với nhau, đạt lớn nhất ở tháng 11 (0,622 tấn/ha) và ít nhất là ở tháng 6 (0,115 tấn/ha). Tổng lượng vật rơi rụng thu được ở Bá Thước là: 4,082 tấn/ha.
- Hàm lượng dinh dưỡng mà vật rơi rụng và vật liệu để lại sau khai thác cung cấp cho đất gồm: N: 16,80 kg/ha; P: 4,76 kg/ha; K: 13,99 kg/ha; Ca:
7,76 kg/ha.
- Hàm lượng dinh dưỡng mang ra khỏi rừng sau khai thác gồm: N:
22,66 kg/ha; P: 8,84 kg/ha; K: 27,66 kg/ha; Ca: 12,13 kg/ha.
- Lượng dinh dưỡng mang ra khỏi rừng và lượng dinh dưỡng hoàn trả không cân bằng nhau, lượng Nitơ thiếu hụt là: 5,80 kg/ha; Photpho: 4,08 kg/ha; Kali: 13,67 kg/ha và Canxi: 4,37 kg/ha. Do đó, ở thời điểm hiện tại, lượng dinh dưỡng hoàn trả từ vật rơi rụng và vật liệu để lại sau khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của rừng Luồng.
1.3. Ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng của cây Luồng
Sau khi tiến hành thử nghiệm các công thức bón phân khác nhau tại huyện Bá Thước cho thấy mức độ ảnh hưởng của bón phân đến sinh trưởng về đường kính và chiều cao của cây Luồng có sự khác nhau rõ rệt. Công thức bón phân NPK (12:5:10); 2 kg/lần/năm, có ảnh hưởng lớn nhất đến đường kính và chiều cao của cây Luồng (D1.3 = 9,839 cm; Hvn = 13,636 m) và nhỏ nhất là ở công thức đối chứng (D1.3 = 7,685 cm; Hvn = 11,697 m).
Đối với hệ số sinh măng, sau một năm tiến hành thí nghiệm cũng cho thấy, công thức bón phân NPK (12:5:10); 2 kg/lần/năm có ảnh hưởng tốt nhất
đến khả năng sinh măng của cây Luồng (đạt 0,9143) và thấp nhất là ở công thức đối chứng (đạt: 0,3199).
2. Tồn tại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do hạn chế về thời gian nên đề tài còn có những mặt tồn tại sau:
- Đề tài mới chỉ tiến hành nghiên cứu sinh khối của bộ phận khí sinh (trên mặt đất) của lâm phần Luồng mà chưa có điều kiện nghiên cứu sinh khối của bộ phận dưới mặt đất.
- Đề tài mới chỉ nghiên cứu về sinh khối và hàm lượng dinh dưỡng của vật rơi rụng, vật liệu để lại sau khai thác mà chưa tiến hành nghiên cứu đánh giá lượng dinh dưỡng được luồng hấp thụ hay lượng dinh dưỡng mất đi do rửa trôi, bốc hơi cũng như tốc độ phân hủy của vật rơi rụng và chưa nghiên cứu lượng dinh dưỡng bổ sung cho đất từ các nguồn khác như: cây có khả năng cố định đạm, phong hóa từ đá, thực bì sau khi chăm sóc,...
- Do thời gian giới hạn nên đề tài chỉ tập trung nghiên cứu đánh giá lượng vật rơi rụng, lượng dinh dưỡng và ảnh hưởng của các công thức bón phân đến sinh trưởng của cây Luồng tại huyện Bá Thước mà chưa tiến hành ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng của phân bón đến đất đai tại khu vực nghiên cứu.
3. Kiến nghị
Dựa trên những kết quả đạt được và những tồn tại nói trên, đề tài đưa ra một số kiến nghị sau:
- Mở rộng đối tượng nghiên cứu ra nhiều khu vực khác nhau để tìm ra quy luật chung hoặc riêng cho từng khu vực.
- Cần nghiên cứu thêm về đối tượng rừng Luồng trồng hỗn loài.
- Cần có những nghiên cứu mở rộng về sự tác động của yếu tố ngoại cảnh và con người tới các nhân tố điều tra.
- Về lĩnh vực sinh khối, cần có những công trình nghiên cứu với quy mô lớn hơn nghiên cứu cả về phần sinh khối dưới mặt đất và lượng rơi rụng để kết quả nghiên cứu được hoàn chỉnh hơn.
- Những nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng của cây Luồng cần được theo dõi thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm, kết hợp với các đánh giá về đất đai để có kết quả chính xác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Ngọc Bình (1963), “Một số nhận xét về trồng Luồng ở Lang Chánh”. Tập san Lâm nghiệp, (số 10), trang 18-21.
2. Chi Cục Lâm nghiệp Thanh Hóa (2007), Thực trạng rừng Luồng Thanh Hóa – Một số giải pháp nhằm kinh doanh rừng luồng đạt hiệu quả cao và bền vững, Tài liệu tại Hội thảo Khôi phục và Phát triển cây Luồng.
3. Đỗ Như Chiến (2000), Bước đầu nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc và sinh khối rừng Luồng (Dendrocalamus membranaceus Munro) tại Lương Sơn, Hòa Bình, Luận văn thạc sĩ khoa học Lâm nghiệp, Trường đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Tây.
4. Nguyễn Tuấn Dũng (2005), Nghiên cứu sinh khối và lượng carbon tích luỹ của một số trạng thái rừng trồng tại Núi Luốt, Khó a luận tố t nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Tây.
5. Hoàng Văn Dưỡng (2000), Nghiên cứu cấu trúc và sản lượng làm cở sở ứng dụng trong điều tra rừng và nuôi dưỡng rừng Keo lá tràm (Accia auriculiformis A.Cunn ex Benth) tại một số tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam, Luận án Tiến sĩ khoa học Nông nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Tây.
6. Phạm Văn Điển (1988), Nghiên cứu đặc điểm thủy văn của một số trạng thái thảm thực vật tại xã Vầy Nưa, vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lâm Nghiệp, Trường đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Tây.
7. Hoàng Minh Giám (2000), Bước đầu nghiên cứu ảnh hưởng của tỉa thưa và phân bón đến lượng nhựa rừng Thông đuôi ngựa (Pinus merkusii)
trồng thuần loài tại Đại Lải - Vĩnh Phúc, Luận văn Thạc sỹ Khoa học Lâm Nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Tây.
8. Võ Đại Hải (1996), Nghiên cứu các dạng cấu trúc hợp lý cho rừng phòng hộ đầu nguồn ở Việt Nam, Luận án PTS Khoa học Nông Nghiệp, Hà Nội.
9. Võ Đại Hải và Nguyễn Ngọc Lung (1997), Kết quả bước đầu nghiên cứu tác dụng phòng hộ nguồn nước của một số thảm thực vật chính và các nguyên tắc xây dựng rừng phòng hộ nguồn nước, Nhà xuất bản Nông nghiệp, TP. Hồ Chí Minh.
10. Bùi Thanh Hằng và Nguyễn Văn Thịnh (2009), “Bước đầu thử nghiệm một số biện pháp thâm canh rừng Luồng kết hợp canh tác nông nghiệp trên đất trống ở xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ”, Tạp chí Khoa học Lâm Nghiệp, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
11. Nguyễn Duy Kiên (2007), Nghiên cứu khả năng hấp thụ carbon rừng trồng Keo tai tượng (Acacia mangium) tại Tuyên Quang, Luận văn thạc sĩ Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội.
12. Nguyễn Thị Luận (2008), Một số đặc điểm vật rơi rụng của lâm phần Keo lai (Acacia Mangium x Acacia Auriculiformis ở các giai đoạn tuổi khác nhau tại huyện Kỳ Sơn – tỉnh Hòa Bình, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
13. Nguyễn Ngọc Lung, Nguyễn Tường Vân (2004), Thử nghiệm tính toán giá trị bằng tiền của rừng trồng trong cơ chế phát triển sạch, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 12/2004.
14. Nguyễn Thị Mừng (1997), Nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ che bóng, hỗn hợp ruột bầu đến sinh trưởng cây Cẩm lai (Dalbergia bariaensis Prierre) trong giai đoạn vườn ươm ở Kontum, Luận văn thạc sỹ khoa học lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp, Hà Tây.
15. Lê Hồng Phúc (1996), Đánh giá sinh trưởng, tăng trưởng, sinh khối năng suất cây rừng trồng Thông ba lá (Pinus keysia Royle ex Gordon) vùng Đà Lạt - Lâm Đồng”, Luận án PTS Khoa học Nông nghiệp, Viện khoa học Lâm Nghiệp, Hà Nội.
16. Vũ Tấn Phương (2006), Nghiên cứu trữ lượng cacbon theo các trạng thái rừng tại Đà Bắc - Hòa Bình; Hà Trung, Thạch Thành, Ngọc Lặc - Thanh Hóa, Thanh Hóa.
17. Nguyễn Thị Phương (2010), Nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ phân bón đến sinh trưởng và chất lượng của một số loài cây lâm nghiệp trong giai đoạn vườn ươm, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
18. Nguyễn Xuân Quát (1986), Thông nhựa (Pinus Merkusiana E.N.G.
Cooling et ll. Gaussen) ở Việt Nam, yêu cầu chất lượng cây con và hỗn hợp ruột bầu ươm cây để trồng rừng, Luận án PTS, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
19. Phạm Thị Quyên (2003), Nghiên cứu ảnh hưởng của một số công thức bón phân đến sinh trưởng rừng Luồng (Dendrocalamus membranaceus Munro) tại trạm Lâm nghiệp Ngọc Lặc – Thanh Hóa, làm cơ sở đề xuất biện pháp thâm canh rừng Luồng, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Tây.
20. Lý Thu Quỳnh (2007), nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ carbon của rừng Mỡ (Manglietia conifera Dandy) trồng tại Tuyên Quang và Phú Thọ”, Luận văn Thạc sĩ Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội.
21. Nguyễn Huy Sơn (2007), “Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến sinh trưởng của rừng trồng Thông caribê và Bạch đàn uro ở Đại Lải –
Vĩnh Phúc”, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
22. Đặng Trung Tấn (2001), Nghiên cứu sinh khối rừng Đước (Rhizophoza apiculata) tại Cà Mau và Bạc Liêu”.
23. Nguyễn Thị The (2005), Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật thâm canh rừng Luồng, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
24. Dương Hữu Thời (1992), Cơ sở sinh thái học, Nxb. Đại học và Thông tin Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
25. Vũ Văn Thông (1998), Nghiên cứu cơ sở xác định sinh khối cây cá lẻ và lâm phần Keo lá tràm (Accia auriculiformis Cunn) tại tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên.
26. Đoàn Thị Hương Trà (2005), Nghiên cứu về vật rơi rụng ở một số kiểu rừng tự nhiên và rừng trồng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lâm Nghiệp, Hà Tây.
27. Hoàng Mạnh Trí (1986), “Sinh khối và năng suất rừng Đước (Zhizophora apiculata BL) ở Cà Mau – Minh Hải, Luận án PTS, Đại học sư phạm, Hà Nội.
28. Đặng Thịnh Triều (2009), Nghiên cứu các giải pháp chống thoái hóa, phục hồi và phát triển bền vững rừng Luồng tại Thanh Hóa, Thuyết minh đề tài, phòng nghiên cứu kỹ thuật lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
29. Nguyễn Phúc Trường (2004), Nghiên cứu đặc điểm vật rơi rụng ở một số thảm thực vật rừng ở vùng hồ Hòa Bình, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Hà Tây.