1.1 Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đạo đức
1.1.3 Quan niệm về những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới
Đã tiếp thu, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức Cách mạng không phải ai cũng thực hiện được. Theo Hồ Chí Minh, thì chỉ có những người có cái tâm trong sáng mới đủ bản lĩnh và năng lực lãnh hội được những chuẩn mực của đạo đức Cách mạng. Và, khi đạo đức Cách mạng đã vững rồi thì: giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục; trước sự giàu sang không thể làm cho mình thèm muốn, sự nghèo khó cũng không thể làm cho mình lay chuyển, nao núng; uy quyền, võ lực, hay dù phải đứng trước cái chết cũng không thể làm cho mình khuất phục, đầu hàng.
Chúng ta biết rằng, học trên sách vở thì rất dễ, nhưng việc lãnh hội, rèn luyện và thực hành là cực kỳ khó. Cho nên, muốn có được đạo đức Cách mạng, mỗi thanh niên chúng ta cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:
- Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức
Nói đi đôi với làm, Hồ Chủ tịch coi đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng một nền đạo đức mới. Điều này được Hồ Chí Minh khẳng định từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX trong tác phẩm đường cách mệnh. Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương trong sáng tuyệt vời về lời nói đi đôi với việc làm.
Nói đi đôi với làm là đặc trưng bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – đạo đức cách mạng. Nói đi đôi với làm đối lập hoàn toàn với thói đạo đức giả của giai cấp bóc lột, nói một đằng làm một nẻo, Thậm chí nói mà không làm. Ngay sau thắng lợi của cách mạng tháng tám, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện của thói đạo đức giả ở một số thanh niên, nói mà không làm. sau này Người đã nhiều lần bàn đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, nóng vội, bảo thủ….của một số thanh niên.
Trong Thư gửi thanh niên, Hồ Chí Minh căn dặn: “Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng ”[14,tr.101] “Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên nhi đồng, làm gưong tốt về mọi mặt cho các em noi theo”[21,tr.505].
Trong xã hội, chúng ta phải nêu những tấm gương người tốt, việc tốt. Hồ Chí Minh đã nói: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả.
Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Người ta thường nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy ngọn mà quên mất gốc.
Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có” [22,tr.549]
Như vậy tấm gương đạo đức đã được hiểu theo nghĩa rộng. Có những tấm gương chung và riêng, lớn và nhỏ, xa và gần. Một nền đạo đức mới chỉ đựơc xây dựng trên cái nền rộng lớn, vững chắc.
Bản thân Hồ Chí Minh, trong suốt cuộc đời, Người đã học tập theo tấm gương đạo đức trong sáng của V.I. Lênin. Cũng như V.I. Lênin, tấm gưong đạo đức của Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn, cảm hoá vô cùng mạnh mẽ với toàn thể nhân dân Việt Nam chúng ta.
- Xây đi đôi với chống
Để xây dựng một nền đạo đức mới, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Trong đời sống hằng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng – sai, cái đạo đức và cái vô đạo thường đan xen nhau, đối chọi nhau thông qua hành vi của những con người khác nhau, thậm chí trong mỗi con người. Chính vì vậy việc xây và chống trong lĩnh vực đạo đức rõ ràng không đơn giãn, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây.
Xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng trước hết phải được tiến hành bằng công việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới. Việc giáo dục đạo đức phải được tiến hành phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề, giai cấp, từng lớp và trong từng môi trường
khác nhau; phải khơi dậy được ý đạo đức lành mạnh ở mỗi người. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong lòng mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Bản thân người tự giác cũng có một phẩm chất đạo đức cao quý đối với mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là Đảng.
Xây phải đi đôi với chống, với việc loại bỏ cái sai, cái xấu, cái vô đạo đức trong đời sống hằng ngày. Hồ Chí Minh cho rằng, trên con đường đi tới tiến bộ và cách mạng, đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng thành công trên cơ sở kiên trì chống mục tiêu chủ nghĩa đế quốc, chống những thói quen, tập quán lạc hậu và loại trừ chủ nghĩa cá nhân. Đây thực sự là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cách mạng và phản cách mạng. Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu này, điều quan trọng là phải phát hiện sớm, phải tuyên truyền, vận động .
Hình thành phong trào quần chúng rộng rãi đấu tranh cho sự lành mạnh, trong sạch về đạo đức.
- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đấy cũng là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời, không người nào có thể chủ quan, tự mãn. Người thường nhắc lại luận điểm “chính tâm, tu thân ” của Khổng Tử từ đó rút ra ý nghĩa tích cực để vận dụng vào việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của mỗi người.
Trong “Nhật ký trong tù”, Người cũng khẳng định điều này: “…Sống ở trên đời người cũng vậy. Gian nan rèn luyện mới thành công” (Nghe tiếng giã gạo). Mặc dù ở trong tù cơm không no, áo không thay… làm cho răng rụng, tóc bạc…
nhưng Người vẫn“ Kiên trì và nhẫn nại. Không chịu lùi một phân. Vật chất tuy đau khổ. Không nao núng tinh thần” (Bốn tháng rồi)
Vì sao phải tu dưỡng đạo đức suốt đời? Người đưa ra lời khuyên rất dễ hiểu: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng
sáng, vàng càng luyện càng trong” [19,tr.293]. Do không chú ý điều này cho nên có người lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm. Song đến khi có ít quyền hạn thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu. Từ đó, Người đi đến một kết luận khái quát: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” [12,tr.557,558]
Đó là điều chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống hàng ngày. Có những người đã phấn đấu gần hết cuộc đời, có nhiều công lao, nhưng cuối đời lại không giữ được tấm lòng trong sáng nên sự nghiệp đã đổ vỡ. Điều này cũng đúng với sự đổ vỡ của một số Đảng ở cuối thế kỷ XX. Đúng như V.I.Lênin trước đây đã nhận định: cái chết về đạo đức nhất định sẽ dẫn đến cái chết về chính trị.
Theo Hồ Chí Minh, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, có thiện và ác ở trong lòng. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục.
Đối với mỗi người, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn và trong cuộc sống hàng ngày. Có sự rèn luyện công phu, con người mới có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp và những phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp, nâng cao.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Có thể nói, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm tương đối toàn diện và phong phú. Quan trọng hơn, Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Từ đó nền đạo đức Việt Nam mang bản chất mới. Đó là nền đạo đức vì Đảng, vì dân tộc, vì loài người.
Đạo đức mới, đạo đức cách mạng do Hồ Chí Minh đề xướng và cùng với Đảng dày công xây dựng, bồi đắp là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân, kết hợp với những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Nền đạo đức ấy ngày càng phát triển cùng với sự vận động của thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành một bộ phận hết sức quan
trọng khắc hoạ bộ mặt của nền văn hoá Việt Nam. Nó đã trở thành vũ khí mạnh mẽ của Đảng và dân tộc ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hoà bình, hợp tác, hữu nghị với tất cả các dân tộc khác trên thế giới.
Ngày nay, trong tình hình mới, đòi hỏi Đảng và nhân dân ta cần quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, ra sức bồi dưõng các phẩm chất đạo đức, vận dụng các nguyên tắc xây dựng đạo đức mà Người đã nêu ra. Thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi phải xây dựng nền đạo đức Việt Nam ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn soi sáng cho Đảng và nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đó. Không những vậy, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục đạo đức cho nhân dân ta, nhất là đối với với thế hệ trẻ - thế hệ được sinh ra sau chiến tranh - những chủ nhân tương lai có trọng trách bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.