CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.8. Bàn luận về kết quả nghiên cứu
Ta thấy rằng tất cả các biến độc lập có có ý nghĩa thống kê trong mô hình trên đều có tác động ngược chiều với tỷ số P/E.
Giá trị sổ sách của cổ phiếu (logBV)
Mối quan hệ nghịch chiều giữa giá trị sổ sách (BV) và tỷ số P/E ngành thép, khi BV tăng 1% thì tỷ số P/E giảm 1.185716%. Kết quả nghiên cứu phù hợp với khẳng định trong nghiên cứu năm 2014 của Khurram Shehzad và Aisha Ismail. Tác giả đề cập đến mối quan hệ nghịch chiều của hai biến số BV và EPS cùng với giá cổ phiếu trên thị trường. Cụ thể, giá trị BV của doanh nghiệp càng lớn thì hệ số P/E càng nhỏ và giá cả của những doanh nghiệp này khá ít biến động.
Tại Việt Nam, hầu hết các nhà đầu tư đều có xu hướng kinh doanh lướt sóng, họ kiếm lời bằng việc ăn chênh lệch trong giao dịch mua bán và thực hiện những giao dịch này một cách liên tục. Vì vậy, sự quan tâm của họ dành cho những cổ phiếu có BV lớn hầu như là không có hoặc ngày một ít đi, dẫn đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm, dẫn đến P/E giảm theo.
50
Khả năng thanh toán ngắn hạn (CR)
Trái với kỳ vọng, kết quả hồi quy cho thấy khả năng thanh toán ngắn hạn có tác động nghịch đảo với tỷ số P/E. Kết quả này cùng quan điểm với nghiên cứu của J. Aloy và Qasim Saleem và Ramiz Ur Rehman rằng khả năng thanh toán ngắn hạn và lợi nhuận có quan hệ nghịch biến.
Và theo như số liệu thu thập được, ta thấy không có sự khác biệt quá lớn giữa CR của các công ty ngành thép, phần lớn CR đều ở mức > 1, cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp khá tốt. Tuy nhiên có thể là do doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ nợ trong sản xuất kinh doanh lớn, mặc dù khả năng thanh toán nợ tốt nhưng cũng sẽ gây nên sự lo lắng tới các nhà đầu tư rằng liệu lợi nhuận của doanh nghiệp có bị ảnh hưởng tiêu cực hay không khi không tận dụng được số tài sản hiện có trong sản xuất kinh doanh. Từ đó có thể dẫn đến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực theo, và P/E giảm.
Tỷ suất lợi nhuận trên VCSH (ROE)
Lại một yếu tố nữa tác động nghịch biến vào P/E. Cụ thể, khi ROE tăng (giảm) 1 đơn vị thì tỷ số P/E giảm (tăng) 0.0517415% và tỷ lệ này tác động cực kỳ mạnh mẽ (vì P-value = 0.000 < 0.05). Trên thực tế, ROE càng cao cho thấy doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả và có triển vọng. Tuy nhiên, theo số liệu thu thập được từ các công ty thép trên sàn HOSE, ROE tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng tăng. Khi này, thu nhập của cổ đông (EPS) cũng tăng theo. Mà EPS lại tỷ lệ nghịch với P/E, vậy khi EPS tăng làm cho tỷ số P/E giảm. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đó vào 2012 của Vahid Faezinia.
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (DE)
Một lần nữa ngược với kì vọng, và trái với kết quả của nghiên cứu trước đó của Vahid Faezinia (2012), DE có tác động nghịch chiều với tỷ số P/E. Theo mô hình ta thấy DE tăng (giảm) 1 đơn vị thì tỷ số P/E giảm (tăng) 0.1906644%. Theo số liệu thu thập được, phần lớn tỷ lệ DE > 100% (hay DE >1), đặc biệt CTCP Thép Việt Ý (VIS) vào giai đoạn cuối 2019 và trong năm 2020 có tỷ lệ DE lớn hơn 4, tương đối cao, chứng tỏ tài sản của phần lớn các doanh nghiệp thép được tài trợ chủ yếu bằng các khoản nợ, do đó nhà đầu tư có thể có xu hướng e ngại liệu doanh nghiệp có gặp nhiều khó khăn trong tài chính không, e sợ về rủi ro phá sản, vì vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá chứng khóan của công ty đó.
51
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Chương 4 đã đưa ra thống kê mô tả cho mô hình, phân tích tương quan Pearson để phát hiện đa cộng tuyến và lựa chọn mô hình REM là mô hình phù hợp để nghiên cứu. Từ kết quả, tác giả rút ra được mô hình hồi quy và đưa ra nhận xét về ảnh hưởng của các biến độc lập vào biến phụ thuộc P/E của các doanh nghiệp ngành thép trong giai đoạn 2016 – 2020.
52