CHƯƠNG 5: GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HÀNH VI TIÊU DÙNG XANH CỦA THẾ HỆ Z TẠI VIỆT NAM
5.3 Giải pháp gắn với Tin tưởng
Từ kết quả nghiên cứu ở mục 4.6, nhóm nghiên cứu nhận định thế hệ trẻ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, đã có niềm tin mạnh mẽ vào các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ. Họ công nhận sự đóng góp của Đảng và nhà nước cùng các đoàn thể trong việc phát triển hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường sống và quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, niềm tin là yếu tố thấp nhất trong bốn yếu tố thay đổi tích cực tới hành vi tiêu dùng xanh của người trẻ thế hệ Z. Bởi vẫn còn xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình các doanh nghiệp, chính phủ tiến hành hoạt động nên nhóm nghiên cứu đề ra một số giải pháp cho chính phủ và doanh nghiệp như sau:
Với chính phủ
Đảng và nhà nước cần quản lý luồng thông tin đúng đắn về tiêu dùng xanh cũng như kiểm soát các thông tin sai lệch, đi ngược với chủ trương của nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng. Chính phủ phải thực hiện được những nhiệm vụ then chốt đặt ra, khuyến khích các bộ ngành gán nhãn sinh thái, gán nhãn xanh Việt Nam, cùng với đó phải thực hiện nghiêm chỉnh các luật đề ra, không để xảy ra sai sót chỉ ở khâu nhỏ nhất. Khi có vấn đề xảy ra, chính phủ cần đưa ra thông cáo và đưa ra biện pháp giải quyết nhanh chóng.
Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách địa phương rất quan trọng, nên tăng cường luồng thông tin nâng cao kiến thức của người tiêu dùng trẻ tuổi một cách rõ ràng như việc tuyên truyền từng địa phương, tới từng hộ gia đình; giải quyết những
khó khăn, phản ảnh của người tiêu dùng khi họ báo cáo sản phẩm/doanh nghiệp vi phạm vấn đề môi trường.
Bên cạnh đó, ,gười trẻ tiếp cận với Internet liên tục, vì vậy nhà nước có thể xây dựng hòm thư trực tuyến với tần suất trả lời câu hỏi nhanh nhất, giải quyết những thắc mắc của người trẻ về việc tiêu dùng xanh. Nhà nước nên lập ra trang web, cập nhật tất các thông tin về những sản phẩm của doanh nghiệp nào thân thiện với môi trường, thân thiện với người tiêu dùng và công khai danh sách đen những sản phẩm/doanh nghiệp không bảo đảm vấn đề môi trường, kèm theo là xây dựng bộ quy tắc, hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết các sản phẩm xanh theo chỉ số xanh và chất liệu.
Chính phủ cần thực sự lắng nghe phản hồi từ những người tiêu dùng nói chung và đặc biệt người trẻ thuộc thế hệ Z nói riêng nhiều hơn nữa. Đảng và nhà nước nên thiết chặt quản lý việc hoạt động của các hiệp hội tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó là kênh thông tin hiệu quả mục đích lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng trẻ.
Với doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần đầu tư vào chất liệu, công dụng, độ bền và mẫu mã thiết kế của sản phẩm xanh cũng như hành động thiết thực để củng cố lòng tin của khách hàng đặc biệt là những người trẻ. Thế hệ Z tại Việt Nam quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường, mong muốn những việc làm của họ lan tỏa sự tích cực đến thế giới. Họ sẵn sàng tẩy chay các nhãn hiệu có hành vi đi ngược với thông tin họ quảng bá hoặc đi ngược với việc bảo tồn văn hóa, đạo đức, chủ quyền quốc gia và môi trường (theo báo cáo của Pew Research Center). Một khi doanh nghiệp mất uy tín với người tiêu dùng là doanh nghiệp mất tất cả. Công ty Vedan là một ví dụ minh họa việc tẩy chay của người Việt Nam nói chung, dù cách đây hơn một thập kỷ nhưng vụ việc tại thời điểm đó tạo làn sóng gay gắt từ phía người dân. Theo Tuổi trẻ, năm 2010, Công ty Vedan xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra con sông Thị Vải làm chết hàng loạt tôm, cá của người dân địa phương, vì thế người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp đồng loạt tẩy chay sản phẩm của Vedan trên thị trường. Một ví dụ khác, liên quan đến vấn đề thương hiệu H&M bị tẩy chay do có hành vi ủng hộ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
Theo tờ báo Thanh Niên, giới trẻ phản ứng gay gắt trước hành động của H&M, yêu
cầu thương hiệu này dừng mọi hoạt động kinh doanh trên đất nước Việt Nam và tẩy chay đồng loạt các sản phẩm của hãng. Bởi vậy, người tiêu dùng nói chung, thế hệ Z nói riêng thực sự khắt khe các vấn đề về sản phẩm và đạo đức của doanh nghiệp. Họ quan tâm, nắm bắt nhanh nhạy các thông tin nên các doanh nghiệp cần phát ngôn và hành động đúng chuẩn mực, không đi ngược những giá trị về đạo đức, đi ngược với tuyên bố của mình.
Việc các doanh nghiệp cần thực hiện là bổ sung giấy chứng nhận an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường để tạo niềm tin về sản phẩm. Theo Pew Research Center, những người trẻ rất tinh ý, họ dễ dàng phát hiện sản phẩm không đúng như lời cam kết của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nên thành thật với việc sản phẩm có thân thiện với môi trường không, đừng đánh mất niềm tin của khách hàng vào việc gian dối thông tin trên bao bì, sử dụng nhãn sản phẩm xanh trái phép.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần giảm thiểu các tác hại tới môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh, và cố gắng thúc đẩy việc xanh hóa các quá trình.
Chẳng hạn như sử dụng các ly, cốc bằng gốm, thủy tinh thay cho đồ dùng một lần.
Những việc này sẽ tạo được tâm lý thoải mái và xây dựng được niềm tin rằng doanh nghiệp đang cố gắng hành động vì môi trường nhưng vẫn đảm bảo được an toàn cho khách hàng. Muốn thu hút được khách hàng thế hệ Z, các doanh nghiệp phải nâng cao hình ảnh thương hiệu, củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông qua những chiến lược thay đổi để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, môi trường. Doanh nghiệp nên khởi động nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho người tiêu dùng, thực hiện logistic xanh, sử dụng các vật phẩm có khả năng tái chế và dễ dàng phân hủy và quan trọng là cam kết phải đi liền với hành động.
Tóm lại, sự tin tưởng của người tiêu dùng thế hệ Z ở doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ là có nhưng tác động làm thay đổi tới hành vi mua sắm xanh của họ là chưa đủ, những người trẻ mong muốn sự cam kết cùng hành động của các doanh nghiệp và chính quyền một cách mạnh mẽ hơn nữa.