Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Chương trình, tài liệu và soạn giáo án ở trường Tiểu học Thực Nghiệm
Như trên đã nói, có rất nhiều chương trình giáo dục cho mỗi môn học ở trường Tiểu học Thực Nghiệm. Trong môn Âm nhạc cũng sử dụng đồng thời 2 chương trình khác nhau, đó là chương trình theo chuẩn kiến thức và kĩ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình Trải nghiệm của chính giáo viên nhà trường biên soạn cho khối lớp 1 và lớp 2.
1.2.2.1. Chương trình học hát, tập đọc nhạc, âm nhạc thưởng thức
Chương trình âm nhạc theo chuẩn kiến thức kĩ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Âm nhạc được chia thành các phân môn chính là: học hát, tập đọc nhạc và âm nhạc thưởng thức (nghe nhạc, kể chuyện âm nhạc, giới thiệu nhạc cụ và làm quen nhạc lý cơ bản). Khối lớp 1 – 2 – 3 chỉ có Học hát và âm nhạc thưởng thức; khối lớp 4 – 5 thêm phân môn Tập đọc nhạc.
Các phân môn này được chia đều ở 35 tuần học với 2 học kỳ.
Các lớp 1 – 2 có 12 bài hát chính khóa, 10-12 bài hát bổ sung thay thế được triển khai ở các tiết học hát và ôn tập bài hát. Mỗi học kỳ, các em được làm quen với 1 tiết Kể chuyện âm nhạc, 2 tiết Nghe nhạc và 1 tiết giới thiệu nhạc lý hoặc Trò chơi âm nhạc. Lớp 3 - 4 – 5 có 10 bài hát chính thức, 5-8 bài hát bổ sung thay thế; 2 tiết Kể chuyện âm nhạc, 2 Nghe nhạc,
32
2 giới thiệu nhạc cụ hoặc nhạc lý; và còn có thêm 8 bài Tập đọc nhạc.
(Chương trình cụ thể ở phần Phụ lục)
Chương trình Âm nhạc chuẩn kiến thức kĩ năng của BGD-ĐT được thực hiện mỗi tuần 1 tiết ở tất cả các khối lớp. Tuy nhiên thời lượng môn Âm nhạc khối 1 – 2 ở trường TH Thực Nghiệm là mỗi tuần 2 tiết, vì vậy giáo viên đã lồng ghép vào các tiết tăng cường chương trình Âm nhạc Trải nghiệm nhằm tạo sự mới mẻ, hứng khởi cho học sinh và thực hiện chủ trương “Dạy học tích cực trong nhà trường”.
Trong chương trình này, các tiết học không chỉ có học hát, âm nhạc thưởng thức mà giáo viên còn đưa vào các hoạt động trải nghiệm thực tế theo chủ đề tháng, tích hợp liên môn hoặc các hoạt động ngoại khóa ngoài trời, hay vận động tích cực đảm bảo phát triển toàn diện cho trẻ về cả kiến thức và kĩ năng, các em được thỏa sức học mà chơi – chơi mà học. Cụ thể với lớp 1 có các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa như: khám phá thiên nhiên, tìm hiểu âm thanh xung quanh em, tiết tấu thú vị, tập làm chú bộ đội, ca sĩ thi tài, cây bàn tay… đan xen vào đó là các giờ học vận động với các bài nhảy múa Dân vũ, Flasmob sôi động, gần gũi. Tương tự, lớp 2 có các nội dung: phân biệt âm thanh động – tĩnh, tiết tấu thú vị, thử làm nốt nhạc, tập làm nhạc sĩ, ca sĩ dế mèn, nhảy tập thể và dân vũ… (Phụ lục 2) 1.2.2.2. Tài liệu
Để triển khai hai chương trình dạy học trên rất cần tài liệu tham khảo, ngoài sử dụng sách giáo khoa và sách giáo viên âm nhạc các khối lớp, các giáo viên âm nhạc ở trường TH Thực Nghiệm cũng thường sử dụng bộ sách “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học ở Tiểu học” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội ) và bộ sách “Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn Âm nhạc” (Lê Anh Tuấn – Hoàng Long – Hàn Ngọc Bích - Trần Thu
33
Thủy, NXB Đại học Sư phạm, 2012). Song song là hệ thống giáo án do chính giáo viên biên soạn cho các tiết học tăng cường đã được Ban Giám Hiệu phê duyệt từ đầu năm học.
Về phía học sinh, luôn luôn có bộ sách vở môn học gồm : Sách Tập bài hát (lớp 1 – 2 – 3), sách Âm nhạc (lớp 4 – 5); vở chép nhạc và sách Bài tập nhạc hay Thực hành âm nhạc. Đây là những công cụ hữu hiệu đảm bảo cho một giờ học Nhạc đạt hiệu quả.
Ngoài ra, nhằm phục vụ đắc lực cho việc soạn bài giảng điện tử, các tài liệu, tư liệu ở trang web http://violet.vn rất hay được sử dụng.
1.2.2.3. Giáo án
Giáo án âm nhạc là một hệ thống kế hoạch dạy học từ tuần học đầu tiên cho đến hết năm học. Với mỗi khối lớp 1 – 2 có hai hệ thống giáo án riêng tương ứng với 2 chương trình học, khối 3 – 4 – 5 chỉ có một giáo án duy nhất theo chương trình đại trà. Mỗi giáo án đảm bảo rõ mục tiêu dạy học, phương tiện và tiến trình dạy học rõ ràng, cụ thể. Trước đây giáo viên hoàn toàn phải sử dụng giáo án viết tay cho từng năm học, nhưng nay với xu thế CNTT phát triển, giáo viên cũng nhàn hơn rất nhiều khi sử dụng giáo án điện tử vừa đảm bảo tính thẩm mĩ cao, vừa đảm bảo cho sự bảo quản, duy trì tốt hơn.
Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, không thường xuyên phải sử dụng đến giáo án trực tiếp trong khi lên lớp, nhưng khi soạn, giáo viên cũng không được phép soạn sơ sài mà phải đảm bảo đủ các bước dạy học cho từng phân môn hoặc từng tiết học. Ví dụ, với phân môn Học hát, đảm bảo các bước gồm: Nghe hát mẫu, Đọc lời ca, Khởi động giọng, Học hát, Hát kết hợp gõ đệm, Luyện tập; với phân môn Tập đọc nhạc, đảm bảo các bước: Tìm hiểu tác phẩm, Luyện cao độ, Luyện tiết tấu, Tập đọc nhạc, Ghép lời ca, Luyện tập….
34
Trong phạm vi luận văn này việc soạn giáo án điện tử là cần thiết và bắt buộc, vì giáo án có tốt mới hình thành được bài giảng điện tử hay và giờ học mới đạt hiệu quả tích cực.