MỘT SỐ VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN LEP TÔNXTÔI

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Lý luận Văn học: Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 (Trang 20 - 71)

QUA LĨNH VỰC DỊCH THUẬT, XUẤT BẢN VÀ NGHIÊN CỨU 2.1. Lĩnh vực dịch thuật và xuất bản:

2.1.1. Tình hình dịch thuật và xuất bản:

Ở miền Nam trước 1975, trong sự tương quan với các ấn phẩm thuộc các nền văn học Pháp, Mỹ, Trung Quốc, văn học Nga tuy không được giới thiệu, nghiên cứu rộng rãi nhưng nó cũng có một vị trí đáng kể. Theo số liệu của Trần Trọng Đăng Đàn trong Văn hoá văn nghệ thực dân mới tại miền Nam Việt Nam, (Nhà Xuất bản Long An, 1990, trang 309) các ấn phẩm văn học nước ngoài và các bài nghiên cứu, giới thiệu có liên quan được xuất bản ở miền Nam Việt Nam trước 1975 được thống kê như sau:

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Đức: 57 đầu sách.

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Ý: 58 đầu sách. . Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Nhật: 71 đầu sách..

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Anh: 91 đầu sách..

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Mỹ: 273 đầu sách..

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Pháp: 499 đầu sách..

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông: 358 đầu sách. .

Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Nga-Liên Xô: 120 đầu sách. . Ngoài ra còn có 156 đầu sách của 38 nước không thuộc các nước nêu trên.

Số liệu trên cho chúng ta thấy văn học Nga chiếm một tỉ lệ không lớn nhưng cũng không quá nhỏ so với các nền văn học khác ở miền Nam Việt Nam. Tên tuổi các nhà văn Nga xuất hiện trên văn đàn miền Nam như F.Đôxtôiepxki, A.Tsêkhôp, M.Gorki, M.Sôlôkhôp, B.Pasternak...qua các bản dịch hoặc các bài nghiên cứu của giới học giả Sài Gòn đã minh chứng cho vị trí của nền văn học Nga. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tên tuổi lớn của văn học Nga vẫn chưa được giới thiệu đầy đủ. Puskin, Lecmôntôp, Nhêcraxôp, Êxênhin, Maiacôpxki còn khá xa lạ với độc giả Sài Gòn khi mà những thi phẩm của họ chưa đến được với bạn đọc. Với sự nghiệp của Puskin, độc giả miền Nam chỉ mới tiếp xúc với một vài tác phẩm thuộc thể loại văn xuôi, chẳng hạn, tác phẩm Phát đạn đăng trên Bách Khoa số 73 năm 1960. Với tên tuổi Maiacôpxki, độc giả cũng chỉ biết về ông qua quyển sách có độ dày khiêm tốn Maiakovski- thi sĩ Nga và mối tình câm. Về kịch của A.Tsêkhôp, độc giả Sài Gòn cũng chưa

biết nhiều. Có một số bài phê bình về kịch của A.Tsêkhôp nhằm khẳng định vị trí của A.Tsêkhôp đối với nền kịch nghệ Nga cổ điển nhưng chưa có vở kịch nào của ông được dịch sang tiếng Việt

Không giống với các tên tuổi của nền văn học Nga như A.Tsêkhôp, M.Gorki, M.Sôlôkhôp,...

Lep Tônxtôi được các nhà xuất bản ở miền Nam quan tâm dịch và giới thiệu khá rầm rộ. Từ cuối những năm 50, độc giả miền Nam bắt đầu tiếp xúc với khá nhiều tác phẩm của Lep Tônxtôi như Tình nghĩa vợ chồng (Nxb Phượng Giang, 1958), Một bản đàn (Văn hoá ngày nay, 1958, các số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11), những đoạn trích từ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình như: Mối tình chớm nở (Văn hoá ngày nay, 1958, số 8), Cái chết của An Đễ, Tâm trạng một thương binh (Văn hoá ngày nay, 1959, số 8), Buổi dạ hội đầu tiên (Tạp chí Tân Phong, tập I, 1958).

Đến những năm 60, bên cạnh hai bản dịch Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn do Bảo Sơn dịch, được Nhà xuất bản Đời Nay tái bản 1961, xuất hiện bản dịch Cái chết của Ivan Ilitch của Vũ Đình Lưu, Nhà xuất bản Thời Mới ấn hành năm 1963. Truyện ngắn Số đất cần cho con người được Nguyễn Vạn Hộ dịch đăng trên tạp chí Bách Khoa số 172 năm 1964 và truyện Ba người thánh thiện do Nguyễn Kim Phượng dịch đăng trên Bách Khoa số 240 năm 1967. Năm 1966 ở Sài Gòn xuất hiện bản dịch truyện ngắn Ba cái chết do Vũ Minh Thiều dịch đo nhà xuất bản Khai Trí ấn hành. Năm 1969 ở Sài Gòn xuất hiện bản dịch Chiến tranh và hoà bình của Nguyễn Hiến Lê kèm theo phần giới thiệu khá chi tiết về Lep Tônxtôi. Bản dịch này trọn bộ bốn tập do Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành. Bên cạnh đó còn có bản dịch của Nguyễn Đan Tâm (dựa trên bản dịch rút ngắn của Manel Komroff, trong số đó có bỏ một số chương bàn về tôn giáo, triết lý chiến tranh và lịch sử) do Nhà xuất bản Miền Nam công bố. Trong dịp này, tạp chí Văn đã ra số đặc biệt về Lep Tônxtôi để “độc giả của Văn - những bạn ưa thích văn học dịch – làm quen với Tolstoi, biết tới sự xuất hiện của một tác phẩm cổ điển giá trị, đã từng được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến khắp hoàn cầu: Chiến tranh và hoà bình” [13, 79]. Tạp chí Văn cũng đã giới thiệu dịch giả trẻ Nguyễn Kim Phượng qua bản dịch một số truyện ngắn của Lep Tônxtôi như:

Ba cái chết, Các cô bé khôn hơn người lớn, Người ta sống bởi gì?, Cái xấu cám dỗ, những cái tốt tồn tại, Việc làm, sự chết và bệnh tật. Ngoài ra, tạp chí này còn đăng Thiện ác đáo đầu do Lạc Nhân dịch.

Sang những năm 1970, bên cạnh sự lên ngôi của các tác phẩm của các nhà văn mang tính thời sự như Đôxtôiepxki, Pasternak, Soljenitsyn... tác phẩm của Lep Tônxtôi tiếp tục xuất hiện qua các bản dịch An na Kha Lệ Ninh (Anna Karênina) do Vũ Ngọc Phan và Vũ Minh Thiều dịch, (Nxb Khai Trí xuất bản 1970) Sơn lâm êm đềm (Những người Côdắc) của Nguyễn Trọng Đạt (Nxb Trí Đăng, 1970), Đời tôi do Vũ Minh Thiều dịch (Nxb Khai Trí, 1970, 1971, 1972), Khúc nhạc mê ly (Bản Sonat tặng Kreutzer) do Nguyễn Văn Điền dịch (Nxb Đất Sống, 1973), tác phẩm Vùng đất hồi sinh (Phục sinh) do Nguyễn Đan TâmVũ Kim Thư dịch (Nxb Phù Sa, 1973), tác phẩm Vùng đất hoang vu (Những người

Côdắc) do Mặc Đỗ dịch (Nxb Đất Sống, 1973), tác phẩm Tình trong chiến hào (Những mẫu chuyện Sébastopol) do Hoàng Hải Thuỷ dịch (Nxb Đất Mới, 1973, 1974). Ngoài những tác phẩm trên, một số tác phẩm hoặc đoạn trích từ các sáng tác dài hơi của Lep Tônxtôi cũng được dịch và đăng trong các tuyển tập, tập truyện. Chẳng hạn, trong tập truyện ngắn quốc tế Tử thần chờ đợi do Xuân Hoàng tuyển dịch (Nxb Tự Lực, 1974) có in đoạn trích tác phẩm Cái chết của Ivan Ilitch; tập 101 truyện ngắn hay nhất thế giới do Nguyên Hùng tuyển dịch (Nxb Sống Mới, 1970) in truyện Lạc giữa đồng tuyết; tập truyện ngắn nước ngoài Mãi mãi yêu người do Vũ Đình Lân tuyển dịch in truyện Một lần trong đời.

2.1.2 Một số vấn đề rút ra từ tình hình dịch thuật và xuất bản tác phẩm của Lep Tônxtôi:

Căn cứ vào tình hình dịch thuật và xuất bản, tái bản tác phẩm của Lep Tônxtôi ở miền Nam trước 1975, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề liên quan đến hoạt động tiếp nhận cần làm rõ để nhận diện tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả miền Nam. Dưới đây chúng tôi sẽ đi vào làm rõ một số vấn đề.

2.1.2.1. Tình hình dịch thuật và xuất bản Lep Tônxtôi cho thấy, cuối những năm 50, một số tác phẩm của Lep Tônxtôi đã bắt đầu được dịch và xuất bản ở miền Nam với sự tham gia hạn chế của một số nhà xuất bản và tạp chí. Điều này đặt ra vấn đề về thực tế tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam trong giai đoạn đó. Vấn đề nêu trên đặt ra nhiều câu hỏi như: Những tác phẩm của Lep Tônxtôi xuất hiện trong thời gian này đóng vai trò gì? Ý nghĩa của chúng đối với việc nhận dạng tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam giai đoạn 1954-1975? Tầm quan trọng của chúng đối với việc hình thành lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi vào những năm 60? Lý giải những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi.

Như chúng ta đã biết, vào những năm 50, một số tác phẩm của Lep Tônxtôi đã đến với bạn đọc miền Nam. Đó là tác phẩm Tình nghĩa vợ chồng (Nxb Phượng Giang, 1958), Một bản đàn (Văn hoá ngày nay, 1958, các số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11), đoạn trích Buổi dạ hội đầu tiên (Tạp chí Tân Phong,Tập I, 1958) Cái chết của Anđrây, tâm trạng một thương binh (Văn hoá ngày nay, 1958, số 8) từ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình. Đối chiếu với sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Lep Tônxtôi, chúng ta dễ dàng nhận ra đây chỉ là những tác phẩm chưa tiêu biểu cho sự nghiệp của Lep Tônxtôi. Một bản đàn, Tình nghĩa vợ chồng chỉ mới là những đoản tác của đại văn hào, còn Cái chết của An Đễ, Tâm trạng một thương binh, Buổi dạ hội đầu tiên chỉ là những đoạn trích từ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hoà bình. Những tác phẩm lớn của Lep Tônxtôi như Chiến tranh và hoà bình, Anna Karênina, Phục sinh

chưa hề được dịch và giới thiệu với bạn đọc. Số lượng các nhà xuất bản và tạp chí tham gia vào việc giới thiệu tác phẩm của Lep Tônxtôi lúc này rất khiêm tốn với những cái tên như nhà xuất bản Phượng Giang, Văn hoá ngày nay, Tạp chí Tân Phong. Vì vậy, ta có thể nói rằng, sự xuất hiện những tác phẩm

của Lep Tônxtôi vào những năm 50 cần được xem là giai đoạn giới thiệu Lep Tônxtôi với bạn đọc. Đó là giai đoạn khởi đầu, giai đoạn thăm dò, khảo sát thị hiếu độc giả miền Nam.

Với sự xuất hiện khiêm tốn một số tác phẩm của Lep Tônxtôi như trên thì thực tế tiếp nhận của độc giả miền Nam diễn ra như thế nào? Về mặt lý thuyết, thực tế trên cho thấy hoạt động tiếp nhận Lep Tônxtôi vào giai đoạn này của độc giả ở miền Nam cũng chỉ mới là sự làm quen, sự tiếp xúc ban đầu.

Với những sáng tác được xuất bản khiêm tốn như thế, thật khó để độc giả có một sự tiếp cận đầy đủ, toàn diện đối với sự nghiệp của Lep Tônxtôi. Về mặt lý thuyết, với những tác phẩm xuất hiện đầu tiên ở miền Nam, sự tiếp nhận của độc giả miền Nam nói chung chỉ mới là sự khởi đầu, sự làm quen với một tên tuổi còn mới mẻ, dù đó là một đại văn hào của văn học thế giới đã xuất hiện trước đó hơn một thế kỉ.

Sự xuất hiện những đoản tác và đoạn trích tác phẩm của Lep Tônxtôi tuy khiêm tốn như vậy nhưng cũng mang một ý nghĩa to lớn trong việc chuẩn bị cho sự hình thành lực lượng độc giả đông đảo của Lep Tônxtôi. Điều này có thể lý giải cho sự xuất hiện lực lượng độc giả hùng hậu của Lep Tônxtôi vào những năm 60, 70.

Khảo sát hoạt động tiếp nhận Lep Tônxtôi trong giai đoạn ban đầu này, chúng tôi nhận ra một thực tế thú vị: nếu như độc giả đa số chỉ mới được tiếp xúc với những đoản tác và đoạn trích của Lep Tônxtôi thì ở miền Nam đã có sẵn những độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi. Chúng ta cần biết rằng, độc giả miền Nam của Lep Tônxtôi không phải chỉ là người bản địa, người miền Nam. Sau 1954, có rất nhiều người miền Bắc đã di cư vào Nam và họ là những người đã từng tiếp xúc với tác phẩm của Lep Tônxtôi. Chẳng hạn, Nguyễn Hiến Lê- một trong những độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi- là người miền Bắc, thời niên thiếu đã học ở trường Bưởi và đã đọc Chiến tranh và hoà bình qua bản cắt bớt của nhà Hachette mua ở nhà sách Taupin ở phố Trường Tiền (Hà Nội). Nguyễn Hiến Lê hồi tưởng:

“Lần đầu tiên tôi đọc Chiến tranh và hoà bình là hồi 15 hay 16 tuổi (...) Bản tôi đọc hồi đó là một bản cắt bớt của nhà Hachette trong loại sách Meilleurs livre khổ nhỏ, in rất xấu, nhà sách Taupin ở phố Trường Tiền (Hà Nội) bán có hai xu một cuốn (...)” [29, 18]

Nhất Linh, Vũ Bằng cũng là những trường hợp tiêu biểu cho độc giả của Lep Tônxtôi di cư từ Bắc vào Nam. Bên cạnh đó, các sáng tác của Lep Tônxtôi bản Pháp ngữ của miền Bắc Việt Nam cũng đã xuất hiện ở Sài Gòn từ trước. Ngoài ra, một độc giả kì cựu của Lep Tônxtôi là Trần Phong Giao cũng đã tiếp xúc với tác phẩm của ông từ trước. Ông Trần Phong Giao nhớ lại: “Thuở nhỏ, hồi bắt đầu theo học ban trung học, tôi đọc Tolstoi do lời khuyên của người anh” [13, 82]. Điều đó đã tạo nên sự tuyển mộ âm thầm các độc giả của Lep Tônxtôi ở những người miền Nam chính gốc.

2.1.2.2. Sau giai đoạn giới thiệu một số tác phẩm của Lep Tônxtôi có tính chất khảo sát thị hiếu độc giả vào cuối những năm 50, liên tục và hàng loạt những sáng tác từ đoản tác cho đến tiểu thuyết của Lep Tônxtôi đã lần lượt xuất hiện thậm chí xuất hiện cùng một lượt ở miền Nam. Thực tế này cho thấy việc dịch và xuất bản các tác phẩm của Lep Tônxtôi bắt đầu có sự nở rộ vào những năm 60 và vào đầu những năm 70.

Sự xuất hiện hàng loạt những tác phẩm của Lep Tônxtôi như trên đã cho thấy hoạt động tiếp nhận (tiếp xúc) với Lep Tônxtôi đã bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Độc giả ở miền Nam đã có điều kiện tiếp xúc với Lep Tônxtôi nhiều hơn, toàn diện hơn. Điều này chắc chắn có tác động đến sự phong phú trong hoạt động tiếp nhận của độc giả miền Nam cũng như sự hình thành nhanh chóng lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi. Trên lý thuyết, sự xuất hiện hàng loạt những tác phẩm của Lep Tônxtôi như thế chắc chắn sẽ tạo ra sự tuyển mộ độc giả của Lep Tônxtôi một cách mạnh mẽ và cũng tạo ra những khuynh hướng tiếp nhận khác nhau. Bên cạnh đó, thực tế dịch thuật và xuất bản đó còn cho thấy nhu cầu to lớn của độc giả ở miền Nam trong việc tìm đến tác phẩm của Lep Tônxtôi. Sự xuất hiện với tần số cao các tác phẩm của Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian này có thể được xem là một đặc điểm của tiến trình tiếp nhận LepTônxtôi ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đồng thời cũng là một vấn đề cần lý giải. Dưới đây chúng tôi thử tìm hiểu những nhân tố có tác động đến sự xuất hiện mang tính chất đột phá của các sáng tác của Lep Tônxtôi.

-Thứ nhất, sự xuất hiện với tần số cao các tác phẩm của Lep Tônxtôi, việc phát hành liên tục của các nhà xuất bản, tạp chí có thể được lý giải từ sự đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi ở miền Nam vốn đã tiềm tàng từ trước. Như chúng ta đã biết, ở miền Nam từ trước và sau những năm 50 đã có sự hình thành hai lớp độc giả của Lep Tônxtôi là những người di cư từ Bắc vào Nam và những người ở miền Nam đã làm quen với các tác phẩm của Lep Tônxtôi được du nhập từ nơi khác đến (từ miền Bắc vào là chủ yếu). Lực lượng độc giả tiềm năng này của Lep Tônxtôi có điều kiện phát triển mạnh hơn qua việc giới thiệu một số đoản tác của Lep Tônxtôi của một số nhà xuất bản, tạp chí và bài giới thiệu Lev Tolstoi-một Á thánh của Nguyễn Hiến Lê vào cuối những năm 50. Chính sự hình thành lớp độc giả này đã dẫn đến nhu cầu xuất bản các tác phẩm của Lep Tônxtôi để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của họ. Tạp chí Văn khi ra số đặc biệt giới thiệu về Lep Tônxtôi cũng đã đề cập đến nhu cầu này như sau: “Số Văn này được đặc biệt chuẩn bị ấn hành, một cách gấp rút. Để độc giả của Văn - những bạn ưa thích đọc văn dịch - làm quen với Tolstoi, biết tới sự xuất hiện của một tác phẩm cổ điển giá trị, đã từng được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến trên khắp hoàn cầu: Chiến tranh và hoà bình” [13, 79]

Trong số độc giả hình thành từ trước ở miền Nam, chúng ta nên lưu ý đến vai trò của loại độc giả chuyên nghiệp vốn di cư từ Bắc vào Nam. Việc xuất hiện các tác phẩm của Lep Tônxtôi không chỉ để đáp ứng thị hiếu của họ mà họ còn là những người chủ động tham gia tích cực vào việc dịch và xuất bản các tác phẩm của Lep Tônxtôi để phục vụ nhu cầu độc giả đa số.

-Thứ hai, việc phát hành hàng loạt các sáng tác của Lep Tônxtôi có thể lý giải từ xu hướng của nền học thuật miền Nam lúc bấy giờ. Xu hướng này chính là xu hướng mở đường cho sự giới thiệu những tác phẩm của nền văn học thế giới trong đó có Lep Tônxtôi. Văn học chính thống miền Nam lúc bấy giờ chính là sự nối tiếp văn học trước cách mạng tháng Tám vốn đang trên đường tiếp xúc với phương Tây, đang trên đường hiện đại hoá. Nếu như ở miền Bắc, do những điều kiện lịch sử nhất định mà nền văn học vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn học Pháp, phương Tây đã chuyển hướng đột ngột sang nền văn học cách mạng, nền văn học phục vụ những yêu cầu của hoàn cảnh chiến tranh trong đó khuynh hướng nổi bật là khuynh hướng trữ tình chính trị thì văn học chính thống ở miền Nam lại tiếp tục đi theo hướng chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây, văn học Mỹ do ảnh hưởng bởi chế độ chính trị ở miền Nam. Nếu như ở miền Bắc người ta đến với Puskin, Gôgôn, Tuôcghênhép, Sêkhôp, Gorki, Sôlôkhôp, Mác, Lênin thì ở miền Nam người ta tìm đến với Gớt, Đicken, Sếchpia, Alêchxanđ Đuma, Vito Hugo, Đôxtôiepxki, Stefan Zweig, Camus, Nietzsche, Freud... Chính khuynh hướng văn học miền Nam như thế đã tạo nên những tiền đề để tiếp nhận Lep Tônxtôi.

Như thế, việc xuất bản các danh tác của Lep Tônxtôi có nguyên nhân sâu xa từ xu hướng của nền văn học miền Nam, xu hướng này là sự kết nối với văn học trước cách mạng tháng Tám. Điều này cũng có nghĩa là việc giới thiệu Lep Tônxtôi ở miền Nam là một điều dễ hiểu cũng như văn học cách mạng miền Bắc tiếp nhận Gorki, Sôlôkhôp... Vấn đề còn lại ở đây chỉ là tìm hiểu xem văn học miền Nam tiếp xúc với những tác phẩm nào của Lep Tônxtôi, tiếp nhận từ ông cái gì, loại bỏ nội dung nào...

-Thứ ba, việc giới thiệu các sáng tác của Lep Tônxtôi với bạn đọc miền Nam cùng nằm trong khuynh hướng dịch thuật ồ ạt văn học, văn hoá nước ngoài ở miền Nam vào những năm 60 -70. Vào thời gian này, họ dịch hàng trăm tác phẩm của gần một trăm tác giả thuộc nhiều khuynh hướng nghệ thuật, tư tưởng khác nhau ở khắp nơi trên thế giới. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá nói về hiện tượng đặc biệt này như sau:

“Hơn một trăm tác phẩm của non năm mươi tác giả thuộc nhiều quốc tịch khác nhau ở hầu khắp các đại châu, thuộc nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau được in ra. Từ những cây bút

“chống cộng” cũ rích như An-đrê Git (A. Gidê), Ac-tơ Kơt- slơ (A. Koestler) đến những cây bút phản bội mới tinh như A-lêch-xăng Xôn-giơ-nhit-xưn (Alexandr Soljenitsyne). Từ cha đẻ của những chuyện tình mùi mẫn như E-rich Xê-gan (Erich Ségal), Tô-mat Hac-đi (Thomas Hardy) phương Tây đến Từ

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Lý luận Văn học: Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 (Trang 20 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)