Qua phần trình bày tình hình dịch thuật, xuất bản và nghiên cứu Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề liên quan đến quá trình tiếp nhận Lep Tônxtôi cần phải đề cập nhằm hiểu thêm về thực tế tiếp nhận của độc giả cũng như về mặt lý thuyết. Dưới đây chúng tôi sẽ triển khai những vấn đề mà chúng tôi cho là quan trọng, cần tìm hiểu, khảo sát và đặt nghi vấn.
3.1.Vấn đề độc giả trong tiếp nhận Lep Tônxtôi:
Tìm hiểu những vấn đề tiếp nhận không thể không đề cập tới những vấn đề liên quan đến các lớp độc giả tiếp nhận. Trong phần này, chúng tôi sẽ tiếp cận một số vấn đề có liên quan đến độc giả của Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
3.1.1. Vấn đề sự hình thành độc giả của Lep Tônxtôi trong giai đoạn tiếp xúc ban đầu:
Như chúng tôi đã đề cập, những năm 50 được xem như là thời điểm chính thức có một số đoản tác và đoạn trích từ các tác phẩm của Lep Tônxtôi được tiến hành dịch và một số nhà xuất bản ở miền Nam chính thức ấn hành. Thời điểm này có thể được xem là thời điểm mà lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi bắt đầu hình thành. Sự khởi đầu của những đoản tác như Một bản đàn, Cái chết của Ivan Ilitch, những đoạn trích Cái chết của An-Đễ, Tâm trạng một thương binh từ tác phẩm trường thiên Chiến tranh và hoà bình có thể được xem là một thuận lợi đối với sự hình thành lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi khi mà những tác phẩm này mang một thứ văn phong cổ điển với nghệ thuật tả chân tiêu biểu của Lep Tônxtôi. Thứ văn phong này có lẽ tìm được sự ăn ý với cái khuynh hướng yêu thích văn chương tả thực của giới đọc sách bình dân lúc bấy giờ (vốn chịu ảnh hưởng bởi những tác phẩm tả chân của Hồ Biểu Chánh - phần lớn được phỏng tác từ những tác phẩm cổ điển của văn học Pháp, tác phẩm của Lê Văn Trương cũng như của Tự lực văn đoàn). Sự thuần khiết của thị hiếu yêu thích văn chương cổ điển của văn học Pháp giai đoạn 1930-1945 có lẽ vẫn còn hơi hướng ở giới đọc sách bình dân do khuynh hướng ái mộ “tiểu thuyết mới” chưa được khuếch trương mạnh mẽ ở miền Nam lúc bấy giờ. Ta cần nhớ lại rằng, cái khuynh hướng sùng bái “tiểu thuyết mới” chỉ phát triển mạnh mẽ ở miền Nam vào cuối những năm 60 đầu những năm 70 với sự xuất bản hàng loạt những tiểu thuyết của Đôxtôiepxki (mà ngay cả khi khuynh hướng này trở nên mạnh mẽ thì những độc giả yêu thích sự trong
sáng của văn chương cổ điển vẫn không bị thủ tiêu. Nguyễn Hiến Lê là một trường hợp tiêu biểu. Điều này góp phần lý giải phần nào sự xuất bản và tái bản những tác phẩm của Lep Tônxtôi song song với sự xuất bản các sáng tác của các nhà tiểu thuyết mới).
Bên cạnh thuận lợi vừa nêu, chúng ta còn thấy sự hình thành độc giả của Lep Tônxtôi trong giai đoạn ban đầu còn tìm thấy sự thuận lợi ở sự “sẵn có” một số độc giả của Lep Tônxtôi từ trước.
Trong chương hai, chúng tôi đã nói đến sự tồn tại của những độc giả của Lep Tônxtôi di cư từ miền Bắc vào Nam do những điều kiện xã hội như Nhất Linh, Vũ Bằng, Nguyễn Hiến Lê, những người này có thể được xem như là những người đại diện cho giới độc giả của miền Nam lần đầu tiên tiếp xúc với Lep Tônxtôi. Bên cạnh những tên tuổi vừa nêu, chúng ta còn có thể nói đến hàng loạt những trí thức miền Bắc, những người có lẽ đã làm quen với Lep Tônxtôi qua những bản dịch bằng tiếng Pháp lúc bấy giờ ở miền Bắc, do quan điểm chính trị đã di cư hàng loạt vào Nam và đã tạo nên một loạt những độc giả của Lep Tônxtôi. Thị hiếu thẩm mỹ của những người này cũng như sự tác động của họ đến các lớp độc giả khác chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi trong giai đoạn ban đầu. Trong trường hợp này, Nguyễn Hiến Lê là minh chứng tiêu biểu khi mà ông cho giới thiệu Lep Tônxtôi qua bài giới thiệu khá công phu và đầy quyến rũ, khiêu khích người đọc: Léon Tolstoi, một Á thánh trên tạp chí Bách Khoa, một tạp chí có sức phổ biến rất lớn đối với người đọc miền Nam. Bên cạnh những người đã từng tiếp xúc với Lep Tônxtôi ở miền Bắc, lực lượng độc giả sẵn có của Lep Tônxtôi còn được hình thành ngay tại các trường trung học, đại học và các trung tâm học thuật ở Sài Gòn và những thành thị miền Nam. Đây là một thực tế bởi lẽ không chỉ các trí thức miền Bắc mới có dịp đọc những bản dịch tiếng Pháp tác phẩm của Lep Tônxtôi mà những trí thức ở miền Nam, do xu hướng giao lưu và phổ biến văn hoá, văn học lúc bấy giờ, (chủ yếu là thời gian trước 1945) cũng có dịp tiếp xúc với những bản dịch này. Chúng tôi không xác định được Trần Phong Giao là người miền Nam hay miền Bắc, nhưng lời xác nhận của ông về việc ông đã đọc Lep Tônxtôi khi ông còn học trung học là một ví dụ về sự tồn tại của lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi từ trước. Sự hình thành lớp độc giả của Lep Tônxtôi ngay tại miền Nam nhờ sự phổ biến những bản dịch tiếng Pháp có thể được xem là một điều kiện cho sự hình thành lực lương độc giả ban đầu của Lep Tônxtôi. Mặt khác, sự xuất hiện của bài viết của Nguyễn Hiến Lê cũng có một ý nghĩa rất lớn đối với sự hình thành độc giả của Lep Tônxtôi trong giai đoạn ban đầu. Thật vậy, do độc giả của loại bài viết “học làm người” này là rất lớn nên nó cũng đồng thời giúp cho sự mở rộng lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi đến mọi tầng lớp khác.
Tất cả những điều này đã nói lên rằng, ngay khi nhà xuất bản Phượng Giang và Văn hoá ngày nay cho xuất bản những bản tiếng Việt tác phẩm của Lep Tônxtôi thì ở miền Nam đã có một lực lượng
độc giả tiềm tàng bao gồm nhiều thành phần, xuất thân khác nhau, bên cạnh một lực lượng mới hình thành khá hùng hậu. Đây là một điều kiện thuận lợi để tác phẩm của Lep Tônxtôi có điều kiện được phổ biến hàng loạt và lực lượng độc giả của Lep Tônxtôi cũng phát triển nhanh chóng sau đó.
Nhân đây chúng tôi cũng xin đề cập đến thái độ của độc giả miền Nam khi lần đầu tiếp xúc với tác phẩm của Lep Tônxtôi. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, những tác phẩm lần đầu tiên được dịch và xuất bản ở miền Nam chỉ mới là những đoản tác và những đoạn trích trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Lep Tônxtôi. Nhìn chung đây chỉ là những tác phẩm không quá khó đối với người đọc, mà nhất là đối với giới đọc sách bình dân. Mặc khác, văn phong cổ điển cùng với nghệ thuật tả chân của Lep Tônxtôi trong các tác phẩm này cũng không xa lạ mấy với văn phong của các tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam vào đầu thế kỷ như Tự lực văn đoàn, Hồ Biểu Chánh hoặc văn phong của các nhà văn Pháp như Alexandr Dumas… Điều này cho thấy tầm thẩm mỹ của các tác phẩm của Lep Tônxtôi vào giai đoạn này là không cao hơn mấy so với tầm đón nhận của đa số độc giả miền Nam. Chính sự chênh lệch tầm đón nhận vừa phải đó tạo nên một khoảng cách thẩm mỹ mà hiệu ứng của khoảng cách thẩm mỹ này là thái độ ngạc nhiên, vui sướng chứ không phải hờ hững, vô cảm của độc giả của Lep Tônxtôi.
Thực tế này cho thấy độc giả của Lep Tônxtôi khi mới tiếp xúc với văn ông đã có những điều kiện để có một thái độ tích cực trong tiếp nhận. Sự tiếp nhận Lep Tônxtôi trong giai đoạn ban đầu của độc giả đa số ở miền Nam nhìn chung là không quá khó khăn như họ đã tiếp nhận các tác phẩm của Đôxtôiepxki vốn có tầm thẩm mỹ quá dị biệt .
3.1.2.Vấn đề độc giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi:
3.1.2.1.Vấn đề độc giả chuyên nghiệp:
Lep Tônxtôi có một lớp độc giả đặc biệt: độc giả chuyên nghiệp. Đây là loại độc giả chiếm số lượng khiêm tốn nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với độc giả không chuyên nghiệp, nhất là loại độc giả có tầm đón nhận thấp và trung bình. Độc giả loại này có tầm đón nhận cao và có một vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh và hướng dẫn dư luận đối với các lớp độc giả khác.
Đối với trường hợp tiếp nhận Lep Tônxtôi, các nhà xuất bản, nhà nghiên cứu, giới thiệu, khảo luận về Lep Tônxtôi có thể được xem là lớp độc giả chuyên nghiệp. Họ hiện diện qua những bài viết, bài nghiên cứu, bài giới thiệu về Lep Tônxtôi. Những tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Trần Phong Giao, Võ Phiến, Nhất Linh, Cô Liêu, Nhà xuất bản Phù Sa, Nhà sách Khai Trí, Nguồn Sáng…có thể được xem là độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi. Về mặt lý thuyết, đây là loại độc giả mà họ vừa có vai trò là người tiên phong tiếp nhận tác phẩm vừa có chức năng là người định hướng, hướng dẫn cho các lớp độc giả khác - mà đặc biệt là các lớp độc giả có tầm đón nhận thấp hoặc lớp độc giả mới làm quen, tiếp xúc với Lep Tônxtôi. Họ chính là những người tiên phong trong việc tiếp nhận Lep Tônxtôi nên
những nhận định hoặc những thông tin của họ về Lep Tônxtôi có một vai trò rất quan trọng trong việc nối kết bạn đọc với tác phẩm của ông. Chính vì lý do đó mà ta cũng có thể gọi họ là “độc giả định hướng”. Thật ra, ta gọi họ là “độc giả định hướng” bởi lẽ họ có những bài viết được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng chứ không hề dựa vào việc họ “chủ động” hay “cố ý” tác động đến độc giả. Có thể trong số độc giả mà ta cho là lớp “độc giả định hướng” có thể có nhiều người khi công bố sự tiếp nhận của mình về Lep Tônxtôi trên các báo, tạp chí... họ không hề có ý định định hướng người đọc. Đó là một thực tế. Tuy nhiên, việc đưa ra khái niệm “độc giả định hướng” ở đây vẫn có một ý nghĩa trong việc xác định ý nghĩa và vai trò của những bài viết mang tính chuyên nghiệp của lớp độc giả này đối với dư luận xã hội.
Về vấn đề phân loại độc giả chuyên nghiệp, về mặt lý thuyết có thể chia lớp độc giả này thành hai loại trên cơ sở căn cứ vào ý nghĩa tích cực của nội dung được tiếp nhận trong các bài viết của họ:
-Loại tiếp nhận được một số nội dung tích cực, tiến bộ và tiêu biểu về đối tượng được tiếp nhận.
-Loại tiếp nhận và định hướng những vấn đề không tiêu biểu hoặc còn sai lệch về đối tượng được tiếp nhận.
Đối chiếu sự phân loại này vào trường hợp độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi, về mặt lý thuyết ta thấy có thể chia độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi thành hai loại như trên. Cơ sở để phân loại ở đây là do ta hoàn toàn có thể nhận ra được những nội dung tích cực và không tích cực trong các bài viết của họ. Tuy nhiên trên thực tế, ta không thể phân loại được bởi vì trong cùng một bài viết của họ tồn tại cả hai khuynh hướng tích cực và hạn chế, tiêu biểu và không tiêu biểu. Điều này cũng có nghĩa là ta không thể phân chia độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi thành hai loại một cách rạch ròi, phân minh. Ta không thể nói Nguyễn Hiến Lê thuộc loại thứ nhất còn Tràng Thiên thuộc loại thứ hai. Đây chính là một đặc điểm của lớp độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi.
Ngoài cách phân loại như trên, ta còn có thể chia độc giả chuyên nghiệp thành những loại khác nhau tuỳ theo khuynh hướng nội dung mà họ tiếp nhận. Chẳng hạn, cùng là tiếp nhận tác phẩm của Đôxtôiepxki, nhưng tuỳ thuộc vào việc họ tiếp nhận tác phẩm theo khuynh hướng nào, theo trường phái nào, theo phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận hay xã hội học… mà ta có những nhóm độc giả chuyên nghiệp khác nhau. Đối với trường hợp của Lep Tônxtôi, chúng ta thấy rằng, hình như sự tiếp nhận của các độc giả chuyên nghiệp ở miền Nam đều thống nhất trong cách đánh giá nội dung, nghệ thuật của Lep Tônxtôi. Với họ, tư tưởng nghệ thuật trong các sáng tác của Lep Tônxtôi chính là chủ thuyết bất bạo động, là nỗi khát khao của con người đi tìm kiếm hạnh phúc và chân lý trong cuộc sống giản dị, hoà hợp với thiên nhiên, nghệ thuật của Lep Tônxtôi là nghệ thuật viết tiểu thuyết vừa mang tính cổ điển vừa mang tính hiện đại rất cần được học hỏi. Thực tế đó cho thấy không
có sự phân nhóm độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi ở miền Nam. Điều này cũng có nghĩa là có sự khá thống nhất (không phải hoàn toàn) trong cách tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả chuyên nghiệp ở miền Nam. Nếu có phân loại theo cách trên, thì chỉ có thể phân loại theo kiểu: độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi ở miền Nam là một loại và độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi ở miền Bắc là một loại.
Song song với những cách phân loại độc giả chuyên nghiệp như trên, chúng ta còn có một cách phân loại khác dựa trên tiêu chí chức năng, động cơ tác động, định hướng dư luận. Tiêu chí này xác lập hai loại độc giả chuyên nghiệp như sau:
-Loại độc giả chuyên nghiệp phản ánh chân thực kết quả tiếp nhận.
-Loại độc giả chuyên nghiệp cố tình đánh tráo nội dung tiếp nhận, hướng người đọc theo chủ trương chính trị hoặc vì những mục đích phi nghệ thuật.
Theo cách phân loại này thì theo sự hiểu biết của chúng tôi ở miền Nam chỉ có một loại độc giả chuyên nghiệp duy nhất, đó là loại độc giả chuyên nghiệp phản ánh chân thực kết quả tiếp nhận. Sự phân tích các bài viết của các độc giả chuyên nghiệp cho thấy, dù họ có tiếp nhận một số nội dung không tiêu biểu của Lep Tônxtôi nhưng những nội dung đó vẫn có thể lý giải được trên cơ sở tác phẩm của Lep Tônxtôi. Chẳng hạn, tư tưởng bất bạo động (chúng ta thường phê phán tư tưởng này) của Lep Tônxtôi được họ nhấn mạnh thường xuyên nhưng đây vẫn là một trong những tư tưởng nghệ thuật của Lep Tônxtôi, xuất phát từ ý đồ sáng tác và có thực trong tác phẩm của Lep Tônxtôi. Có nghi ngờ chăng là nghi ngờ trường hợp của Tràng Thiên khi ông ta viết bài Một đề tài của Tolstoi, cái chết. Trong bài này, khi Tràng Thiên nói về ý nghĩa của cái chết, ông có nhấn mạnh đến tính “mênh mông huyền bí” và ý nghĩa “định mệnh con người” trong tác phẩm Cái chết của Ivan Ilitch. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, từ cuộc đời của Lep Tônxtôi và từ tác phẩm Cái chết của Ivan Ilitch, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để dẫn đến cách cảm nhận như Tràng Thiên đã cảm nhận (dĩ nhiên cách cảm nhận này chưa chính xác).
Có thể nói, sự phân hoá độc giả định hướng thành hai loại độc giả như trên (theo tiêu chí chức năng, động cơ) trong một số trường hợp tiếp nhận văn học là hoàn toàn có thể xảy ra và đã xảy ra. Việc mượn tác phẩm văn học nhằm vụ mục tiêu chính trị là một thực tế tương đối phổ biến. Trường hợp tiếp nhận Đôxtôiepxki ở miền Nam là một ví dụ điển hình khi một số độc giả chuyên nghiệp ở miền Nam hướng sự phê phán của Đôxtôiepxki đối với chủ nghĩa duy lý cực đoan sang địa chỉ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp tiếp nhận Lep Tônxtôi, chúng tôi không thấy hiện tượng trên xảy ra, hoặc nếu có xảy ra (hiện tại chúng tôi chưa xác định) thì chỉ ở một phạm vi hẹp. Đây có thể được xem là một trong những đặc điểm của lớp độc giả chuyên nghiệp của Lep Tônxtôi ở miền Nam.