NHÂN VẬT TRUNG TÂM TRONG TÁC PHẨM

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn: Nhân vật trung tâm từ tác phẩm Văn học đến tác phẩm điện ảnh (Trang 40 - 71)

I/ NHÂN VẬT TRUNG TÂM TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC:

1/ Khái niệm chung về nhân vật:

Nhà văn M.Gorki đã đúc kết: “Văn học là nhân học” . Con người là đối tượng miêu tả chủ yếu của văn học, dù trực tiếp hay gián tiếp thì văn học đều miêu tả con người. Nhân vật văn học là hình thức miêu tả con người một cách tập trung nhất, là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhân vật là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống nghệ thuật, trong một thời kỳ lịch sử xã hội nhất định.

Bởi vậy, mỗi khi nhớ đến những nhà văn nổi tiếng, độc giả thường nghĩ ngay đến những hình tượng nhân vật mà các nhà văn đã sáng tạo nên. Chẳng thế mà khi nói đến XécvăngTex, người ta nghĩ ngay đến Đôn Kihôtê ; nói đến Lỗ Tấn, người ta nhớ đến A.Q, Khổng Ất Kỷ, Nhuận Phổ; nói đến L.Tônxtôi, người đọc biết rằng đó là cha đẻ của Anna Karênina, Natasa Rốtxtôva, Anđrây Bônxcônky…

Ở nước ta, nhớ tới nhà văn Nam Cao là nhớ Thứ, Lão Hạc, Chí Phèo; nhớ Nguyên Hồng là nhớ Tám Bính; nhớ Vũ Trọng Phụng là nhớ Xuân tóc đỏ, nhớ Lê Lựu là nhớ Giang Minh Sài… Vì lẽ đó khi nói về kinh nghiệm viết văn hơn ba mươi năm của mình, nhà văn Anh Đức đã viết: ” thể nói sự tồn tại của nhà văn đồng nghĩa với sự tồn tại của nhân vật mà họ tạo nên với ý nghĩa là những nhân vật đó đạt đến mức là những điển hình. Sức chịu đựng và thử thách của một tác phẩm, lâu bền hay ngắn ngủi rõ ràng nhờ nhân vật là chính.” (110- 132)

Khái niệm về nhân vật văn học là một khái niệm tương đối phức tạp. Sự phức tạp trước hết do người đọc thường hay nhầm lẫn nhân vật với người thật, khai thác phần vắng mặt của nhân vật trong tác phẩm. Đối với thi pháp học, nhân vật chỉ tồn tại ở trong trang viết - là một thực thể trên giấy, nó không tồn tại ngòai các dòng chữ. Thi pháp học về nhân vật, quan tâm đến tác giả hàm ngôn, người trần thuật (người kể chuyện). Tác giả hàm ngôn là người ẩn, người sống trong tác phẩm, phát ngôn thay cho tác giả. Đôi khi tác giả hàm ngôn trùng với người trần thuật và người trần thuật có khi lại là một nhân vật trong tác phẩm. Mặt khác,các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các lọai hình nhân vật rất đa dạng.

1.1/Xét về vai trò nhân vật trong tác phẩm: có nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật trung tâm.

Nhân vật chính là nhân vật xuất hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tập trung đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu có nhiều nhân vật chính : đó là Giang Minh Sài, Hương – người yêu của Sài, Tuyết – vợ cả của Sài, Châu – vợ hai của Sài, …Trong số những nhân vật chính ấy, nhân vật được nhà văn tập trung thể hiện đặc biệt nổi bật, có nghĩa tư tưởng thẩm mỹ sâu sắc nhất, đó là nhân vật trung tâm : Giang Minh Sài.

Bên cạnh các nhân vật chính còn có các nhân vật phụ, đó là bố mẹ Sài, trung úy Hiểu – người phụ trách trực tiếp của Sài, chính ủy Đỗ Mạnh, Hiền – cán bộ trợ lí bảo vệ. Những nhân vật phụ đã góp phần làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn và đôi khi là những điểm nhấn quan trọng cho việc khắc họa tính cách của nhân vật trung tâm.

1.2/Xét về phương diện tư tưởng có hai lọai nhân vật : nhân vật chính diện (còn gọi là nhân vật tích cực) và nhân vật phản diện (còn gọi là nhân vật tiêu cực). Hai lọai hình nhân vật này thể hiện mối quan hệ của nhà văn với lí tưởng xã hội.

Nhân vật chính diện thường được tác giả đề cao và khẳng định, đó là nhân vật mang tính lí tưởng, quan điểm tư tưởng và đạo đức tốt đẹp của tác giả, của thời đại; khi nhân vật này có y nghĩa mẫu mực cao độ cho lối sống của một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc thì nó được gọi là nhân vật lí tưởng.

Chẳng hạn như hình tượng nhân vật y tá Quỳ trong truyện ngắn: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu. Một người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp sau những năm lăn lộn trong cuộc chiến tranh ác liệt, chị đã cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của con người nơi trần thế :”Cuộc đời không có thánh nhân , cũng không có một người nào mà tâm hồn hòan tòan không thể cứu chữa được”.(tr.226) Bằng ý chí, nghị lực và cả sự hy sinh, chị đã nỗ lực góp phần cải hóa cái xấu thành cái đẹp, bởi chị tin và hiểu rằng:”…Cuộc sống từ bao đời đã là như thế, con người là sự kết tinh của những tinh hoa;…tập trung trí tuệ và tài năng trác tuyệt…. Và mang trong lòng tất cả khát vọng cháy bỏng của nhân dân”(tr.241)

Nhân vật phản diện là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái đạo lí và lí tưởng, đối lập về tính cách với nhân vật chính diện, nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả. Tuy nhiên, khái niệm “nhân vật chính diện” và “nhân vật phản diện” đều thuộc phạm trù lịch sử, chúng tương ứng với khuynh hướng xã hội và quan niệm đạo đức của từng thời đại nên khi xem xét, phân lọai cần tránh nhìn nhận một cách máy móc, áp đặt.

Trong văn học cổ đại và trung đại có lọai nhân vật thường xuất hiện chỉ để thực hiện một số chức năng nhất định; chẳng hạn chức năng cho phép màu, thử thách lòng tốt và ban phát hạnh phúc như ông Bụt trong Tấm Cám ; chức năng cản trở hãm hại người tốt như mụ phù thủy trong Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Lọai nhân vật này thường không có đời sống nội tâm, chủ yếu được thể hiện ở những hành động bề ngòai và có tính cách không đổi từ đầu đến cuối tác phẩm. Sau nữa, có thể nói tới lọai nhân vật tư tưởng, thường được nhà văn sáng tạo để minh họa cho một quan điểm tư tưởng của mình hoặc để thể hiện một tư tưởng nào đó của thời đại. Trong Chùa đàn của Nguyễn Tuân, nhân vật Lãnh út hay Lịnh - người tù chính trị 2910, được nhà văn xây dựng với tất cả sự kỳ lạ, độc đáo, khác thường, phức tạp nhưng đầy tính nhân văn. Thông qua nhân vật tư tưởng của mình, nhà văn muốn khắc họa một chủ đề lớn lao là tôn vinh giá trị của nghệ thuật. Đồng thời bằng những sự kiện li kỳ, kinh dị Chùa đàn đã trình bày, biện luận, chứng minh một luận đề triết lí: Tự hủy diệt để tái sinh, một luận đề xuyên suốt trong hàng lọat các tác phẩm của Nguyễn Tuân. Hay nói một cách khác, qua phương pháp hình tượng hóa nhân vật, nhà văn muốn dẫn giải một tư tưởng: sự chuyển biến cách mạng trong nhận thức là cực kỳ nghiêm trọng, quyết liệt.

Ngòai ra, còn có thể nói tới một số lọai hình nhân vật khác, nhưng nhìn chung khi phân định lọai hình nhân vật phải rất linh họat dựa trên cơ sở khả năng phản ánh hiện thực của chúng và y đồ tư tưởng của nhà văn.Từ khái niệm nhân vật tới khái niệm tính cáchtính cách điển hình là những mức độ khác nhau về chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của sự thể hiện con người trong tác phẩm văn học. Trong nghiên cứu văn học, khái niệm “nhân vật” theo nghĩa rộng nhất mới là hình ảnh về con người, khái niệm “tính cách”đã là hình tượng về con người, còn khái niệm “tính cách điển hình” chính là điển hình về con người.

Như vậy, dùng khái niệm “nhân vật” là chỉ đối tượng được nói đến, còn dùng “tính cách”

“tính cách điển hình” là đã bao hàm cả sự đánh giá về chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của đối tượng. Đúng như nhà nghiên cứu lí luận văn học A.Bennett đã nhận định : ”Cơ sở của văn xuôi đích thực là sự khắc họa các tính cách nhân vật và không còn gì nữa”.

2/Nhân vật trung tâm trong tác phẩm văn học:

Trong luận văn này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu ba nhân vật trung tâm trong ba tác phẩm của văn học Việt Nam hiện đại:là nhân vật Lãnh Út trong truyện vừa Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, nữ y tá Quỳ trong truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu, và nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu. Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng tính cách nhân vật trung tâm trong sáng tác văn học, nhà văn Anh Đức viết :” Trước khi viết mà dựng được nhân vật, với cả hình hài lẫn tính tình, tư chất, thì khác nào dựng lên được linh hồn của truyện, từ đấy có thể nhìn thấy tới 7/10 hiệu quả của tòan truyện…”.( 110-131) Xây dựng thành công tính cách nhân vật có một vai trò hết sức quan trọng đối với nội dung và hình thức của tác phẩm. Đối với nội dung, tính cách có nhiệm vụ cụ thể hóa sự thực hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm, hay nói một cách khác: thông qua sự họat động và mối liên hệ giữa các tính cách, người đọc sẽ đi đến một sự khái quát hóa về mặt tư tưởng. Tính cách cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên diễn biến của các sự kiện trong quá trình phát triển của cốt truyện. Cũng qua hệ thống tính cách, người đọc có thể đánh giá khả năng biểu hiện nội dung của các yếu tố hình thức ngôn ngữ, kết cấu, những quy luật lọai thể, các biện pháp thể hiện…

Đúng như Hêghen đã từng nói: ”Tính cách là điểm trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức”. Vậy, nhân vật trung tâm đã được thể hiện như thế nào qua yếu tố nội dung và hình thức của tác phẩm?

2.1/Yếu tố nội dung của tác phẩm thể hiện qua nhân vật trung tâm:

Nhân vật trong văn học là một hiện tượng mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chép đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người, mà là hình tượng con người mang tính trung gian phổ biến và được nhà văn tập trung thể hiện khá rõ nét trong các tác phẩm văn học. Sáng tạo nên nhân vật thể hiện được tính trung gian phổ biến trong một con người cụ thể, cá biệt trong quá trình phát triển hợp với lôgic cuộc sống xã hội, là một việc không đơn giản. Nhà văn Anh Đức từng tâm sự:

Một đời văn, làm nên được năm ba con người, năm ba hình tượng nhân vật sắc nét, đã là hết sức quí và tưởng cũng không phải dễ dàng” (110-131). Như vậy, nội dung của tác phẩm trước hết thể hiện qua tính cách nhân vật và hòan cảnh đã tạo nên tính cách đó.

2.1.1/ Tính cách:

Nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ đã có những nhận xét chính xác về sự thành công của tính cách nhân vật trong tác phẩm: “Nếu nhà văn chỉ miêu tả những đặc tính phổ biến của nhiều con người cùng lọai nhưng thể hiện một cách yếu ớt những nét cá tính độc đáo, thì tính cách sẽ mờ nhạt, không đủ sức sống, sức truyền cảm để trở thành điển hình” (35-125). Nhân vật trong tác phẩm là những người “xa lạ” nhưng “vô cùng quen biết” đối với độc giả, là sự kết tinh cao nhất của năng lực sáng tạo và y đồ nghệ thuật của nhà văn. Bởi vậy, tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học phải bao gồm tính chung, tính riêng và tính lôgic. Tùy theo sở trường và phong cách của từng tác giả mà các đặc điểm này của nhân vật trung tâm ở mỗi tác phẩm cụ thể được biểu hiện khác nhau.

+ Tính chung ( hay tính khát quát, tính phổ biến) của tính cách là sự tổng hợp và nâng cao những nét tiêu biểu có ở nhiều người cùng một nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác, giai cấp, dân tộc, thời đại…và trong những biểu hiện ấy, tính chung về mặt giai cấp là quan trọng nhất, vì nó quyết định bản chất xã hội của tính cách nhân vật.

Nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, được Lê Lựu dầy công khắc họa rất sinh động và lôi cuốn, vừa mang tính chất điển hình cụ thể vừa mang tính khái quát sâu sắc. Sài mang đầy đủ những đặc tính của một lớp thanh niên nông thôn miền Bắc thuộc thời đại anh, cả mặt mạnh và mặt yếu nên tính cách của anh vừa đa dạng vừa đáng yêu vừa đáng thương, đáng giận. Sài vừa là con người nhu nhược thiếu lí trí, không dám tự làm chủ lấy đời mình lại vừa là con người tháo vát thông minh, yêu mãnh liệt. Sài từng kinh qua chiến đấu và là người lính dũng cảm, lập được nhiều chiến công được cả nước biết tên, là một cán bộ có năng lực được cấp trên tin cậy, được anh em kỳ vọng…Con người đó luôn đặt trách nhiệm tập thể và xã hội trên đôi vai của mình. Đời tư của anh gặp nhiều bất hạnh nhưng rồi anh cố gắng vượt lên vì ánh sáng của lí tưởng, vì xác định “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, tất cả vì sự nghiệp chung… Có thể nói anh là hình mẫu tiêu biểu của người chiến sĩ anh hùng – người cán bộ mẫn cán trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

+ Tính riêng ( tính cụ thể hay tính cá biệt) của tính cách là tập hợp những nét bền vững và độc đáo, làm cho nhân vật được phân biệt rõ ràng với những tính cách khác về hình thể, tính tình, tâm lí, phương thức hành động…trong đó tính chất cá biệt của các trạng thái tâm lí là quan trọng nhất vì nó quyết định bản sắc cá nhân của tính cách.

Có thể thấy rõ điều này ở nhân vật nữ y tá Quỳ trong truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đó là một “ca” khá đặc biệt theo cách gọi của Hùynh Như Phương (75) trong văn chương viết về người phụ nữ Việt Nam. Một mẫu tính cách phụ nữ ”hoặc thống trị đàn ông hoặc bị đàn ông thống trị , thì mới tìm được sự yên ổn. Chứ khó có thể tìm đến với nhau bằng một thứ tình yêu thường tình được” ( tr.212). Mang một “gương mặt tâm hồn” riêng biệt, Quỳ đã làm một cuộc hành trình ở bên trong tâm tưởng, trong cõi thầm kín của ý thức. Hình ảnh người đàn bà “đáp con tàu mộng du lang thang đi tìm kiếm cái chân trời của những giá trtuyệt đối hòan mỹ, những con người tuyệt đối hòan mỹ…”( tr.247)

Nguyễn Minh Châu đã xây dựng mẫu hình nhân vật có khả năng tự phanh phui, mổ xẻ ý thức, lối sống của mình. Mặc dù đang chìm trong đau khổ, dằn vặt, thậm chí hiện diện trong bộ dạng một người bệnh tâm thần, nhưng người đọc vẫn thấy ở Quỳ khả năng nỗ lực khác thường trong hành vi tự phê phán. Sau nhiều năm, khi đã lấy chồng, ngồi một mình và suy nghĩ thật bình tĩnh, Quỳ đã

nhận ra sai lầm “mà khi đang sống giữa Trường Sơn trong những năm chiến tranh, tôi đã không kịp hiểu ra điều đó. Tôi thật ngu dại, với những người đàn ông đáng quí nhất …tôi đã không coi họ là những con người đang sống giữa cuộc đời, mà lại đòi hỏi nơi họ, một thánh nhân. Tôi đã đi tìm cái tuyệt đối không bao giờ có.” (tr.217). Điều đó đã day dứt, dằn vặt Quỳ vào những đêm không ngủ, chị tự thấy “đời” mình“ là một chuỗi những điều nhầm lẫn và dại dột khiến xúc phạm đến chung quanh ”(tr. 261). Quỳ chỉ cảm thấy “hài lòng” khi một mình lang thang trong cơn mộng du để chìm đắm vào những hòai niệm,”thì thầm gọi tên từng người, từng trái tim đã từng yêu tôi nay đã ngừng đập (tr.258). Nỗi đau đó đã để lại vết sẹo hằn sâu trong trái tim nhân hậu và đa cảm của người phụ nữ duyên dáng này. Chị cố gắng làm tất cả những điều tốt đẹp nhất có thể cho những “người tình”

của mình : nhận là người yêu của Hậu, về quê thăm mẹ Hậu,“coi mẹ Hậu như người mẹ thứ hai của mình”(tr.263). Từ chối kết hôn với bác sĩ Thương, lấy Ph.( người đàn ông đã đánh mất hết tất cả ) để thực hiện ước mơ của Hòa – “người duy nhất được tôi yêu và tôn thờ”( tr.264)… Và đúng như nhận xét của Nguyễn Minh Châu về nhân vật nữ y tá Quỳ :”trong tình yêu”, chị đã trở thành ”một thánh nhân”(tr.298).

+Tính lôgic của tính cách là tính lôgic khách quan của đời sống được thể hiện thông qua tính cách và quyết định sức sống của tính cách. Nói một cách cụ thể, tính lôgic là sự phát triển trong tòan bộ cuộc đời, trong từng diễn biến tư tưởng tình cảm, hành động của tính cách theo những quy luật tất yếu của đời sống, những quy luật đó là chung cho nhiều người.

Trong sáng tác, sự tôn trọng những quy luật vận động của hiện thực khách quan cũng như sự tôn trọng lôgíc nội tại của nhân vật là hết sức cần thiết. Bởi điều đó giúp cho nhà văn tránh khỏi mọi sự áp đặt chủ quan và tạo nên sức sống mãnh liệt cho hình tượng nhân vật. Cũng vì thế, khi tính cách phát triển theo những quy luật như vậy thì nó đã thể hiện một phần của tính chung. Mặt khác, mỗi tính cách đều có thể thực hiện những quy luật chung theo cách riêng để phù hợp với cuộc đời cụ thể của mình. Do đó, khi tính cách đã có tính lôgic thì đồng thời nó đã thể hiện phần nào cả tính chung và riêng.

Điều này thể hiện rất rõ qua từng chặng đường đời của nhân vật Sài trong Thời xa vắng.

Theo tác phẩm, cuộc đời Sài, được chia làm hai giai đọan, ở mỗi giai đọan tính cách của nhân vật Sài thể hiện hai dạng tính cách điển hình tiêu biểu phù hợp với sự phát triển của hiện thực khách quan.

Giai đọan một: Sài là hình ảnh của một con người quen sống theo sự chỉ huy của người khác.

Con người đó chẳng khác gì một nhánh cây sống trong khung giàn, không thể vượt ra ngòai khung giàn được. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mà hệ tư tưởng phong kiến đã ngự trị hàng ngàn năm, Sài đã biến thành đứa con ngoan ngõan “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, sống và tuân theo“ tam cương ngũ thường”và kết quả Sài phải từ bỏ Hương - người mình yêu, sống với Tuyết - người vợ bị ép lấy, để rồi khi trưởng thành suốt gần hai mươi năm, Sài luôn tìm mọi cách để trốn chạy cuộc tình gượng ép này…Và đời sống tình cảm riêng của Sài trở thành bi kịch, bởi anh đã nhu nhược “sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mắt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình”

(tr.389).

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn: Nhân vật trung tâm từ tác phẩm Văn học đến tác phẩm điện ảnh (Trang 40 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)