SÁNG TẠO NHÂN VẬT TRUNG TÂM

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn: Nhân vật trung tâm từ tác phẩm Văn học đến tác phẩm điện ảnh (Trang 71 - 106)

===============

Một tác phẩm điện ảnh là một công trình của tập thể, nó được hòan thành đánh dấu công sức của rất nhiều khâu lao động nghệ thuật: kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật…

Do vậy khi quan tâm đến tác phẩm điện ảnh cần phải quan tâm, coi trọng tất cả các khâu. Người đảm nhiệm công việc ở khâu nào cũng phải cố gắng hòan thành tốt khâu ấy, chỉ có như vậy mới mong có được một tác phẩm điện ảnh tốt. Trong luận văn này, chúng tôi sẽ khảo sát các khâu làm phim chính qua ba bộ phim : Thời xa vắng, Mê Thảo – Thời vang bóngNgười đàn bà mộng du.

I/ KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH:

1/ Tìm hiểu chung về kịch bản:

1.1/ Vai trò của kịch bản trong điện ảnh:

Kịch bản điện ảnh hay còn gọi là kịch bản văn học hoặc truyện phim, đây là khâu đầu tiên để xây dựng nên một bộ phim. Nó là khâu quan trọng và thiết yếu để hình thành nên bộ phim và quyết định sự hay dở của bộ phim đó. Các nhà làm phim vẫn thường cho rằng có kịch bản hay là đã nắm chắc 60% thắng lợi của phim, tuy nhiên cũng không phải đã hòan tòan đúng, vì một bộ phim thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có thể khẳng định : một kịch bản được viết tốt, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền của và công sức.

Người sáng tác kịch bản được gọi là nhà biên kịch. Hiện nay, để có được kịch bản hay và dễ làm phim vẫn là vấn đề nan giải đối với các nhà điện ảnh trong và ngòai nước.Công việc của nhà biên kịch là phải tìm ra những cấu trúc hợp lí, chính xác vì điện ảnh là quá đắt và cần phải hấp dẫn được khán giả.

Vậy thế nào là một kịch bản hay ? Trước hết, cần phải xác định giữa kịch bản điện ảnh và văn học có một sự phân cách hòan tòan, có nghĩa là kịch bản điện ảnh không phải là một thể lọai văn học.

Nếu chất văn học có quá nhiều trong kịch bản, nhà sản xuất phim chắc chắn không “dốc hầu bao” ra.

Nhà biên kịch chỉ viết những gì sẽ thấy trong phim và anh ta phải giúp đạo diễn trong việc thể hiện hình ảnh qua câu chữ của mình. Ví dụ, nếu trong một kịch bản điện ảnh, ta thấy viết:”Nhiệt độ hôm nay là 35 độ C ”, là đạo diễn, ta sẽ không hiểu phải biến dòng chữ trên thành hình ảnh bằng cách nào.

So với các khâu khác trong quá trình sản xuất phim, khâu viết kịch bản văn học là có nhiều thời gian nhất và người biên kịch phải tìm cách hạ giá thành sản xuất. Chẳng hạn trước khi hạ bút viết ”phá hủy ngôi nhà X ”cần phải tính đến tính hiệu quả của nó.

Nhà biên kịch người Pháp, Bernard Rouquette, chủ nhiệm khoa biên kịch trường điện ảnh Marseille cho rằng : một kịch bản hay là “ kịch bản phải dễ hiểu và phải viết những gì sẽ được quay.

Một kịch bản đơn giản, dễ hiểu, điều đó chứng tỏ kịch bản đó đã được viết rất kỹ, rất công phu”

1.2 /Những yếu tố cần và đủ của một kịch bản:

Một kịch bản điện ảnh cơ bản phải tuân theo bốn nguyên tắc : + Cốt truyện là cái chủ yếu đầu tiên của kịch bản.

+ Cốt truyện phải có hành động, mà hành động đó phải làm cho con người phản ứng lại.

+ Người viết kịch bản không phải miêu tả những gì đã xảy ra mà là miêu tả những gì có thể xảy ra trong một trình tự không thể đảo ngược

+ Cốt truyện phải bao gồm tất cả những tình huống, sự kiện, chi tiết, hành động diễn ra trong cốt truyện.

Những thành phần này phải được sắp xếp theo một trình tự nào đó, để nếu một thành phần nào đó bị sai chỗ hoặc bị bỏ đi sẽ không làm cho cấu trúc đó bị đảo lộn hòan tòan hoặc bị bó lại, không phát triển được. Tóm lại, mọi yếu tố trong kịch bản đều phải được cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng.

Theo quan niệm đã trở thành kinh điển, cốt truyện của kịch bản là một yếu tố để móc xích các chi tiết lại với nhau. Có thể hình dung cốt truyện giống như xương sống của cơ thể con người chạy dọc và các chi tiết giống như những chiếc xương sườn chạy ngang. Sự hài hòa ăn khớp của các xương sườn và xương sống nếu được đảm bảo sẽ tạo ra sức mạnh cho cơ thể là nội dung tác phẩm.

Một bộ khung xương cốt truyện muốn tốt cần phải đầy đủ 36 chiếc xương sườn của nó. Nếu bộ phim thiếu hụt hay thừa thãi chi tiết đều làm giảm tính thuyết phục của phim.

Một bộ phim thiếu hụt chi tiết sẽ tạo ra hậu quả sau : thứ nhất nội dung phim không thuyết phục, thường sa vào dễ dãi, gây hiểu nhầm cho người xem phim. Điều thứ hai xảy ra khi phim thiếu hụt chi tiết là làm người xem thất vọng, và làm giảm đi mức độ mà nội dung phim muốn biểu đạt. Ví dụ: phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Nhân vật Phiên, một kỹ sư giỏi, bạn thân của Hòa (đã hy sinh) là một người đàn ông “đánh mất tất cả” và được Quỳ (người yêu của Hòa) thức tỉnh, giúp đỡ trở thành người có ích. Trên phim, anh ta hiện ra với bộ mặt của một kẻ chán nản, bi quan và hận đời, không có một cử chỉ hành động nào thể hiện “tài năng xuất chúng” như Hòa và Quỳ đã mong đợi. Điều đó đã làm cho người xem hụt hẫng và phần nào làm giảm đi ý nghĩa việc làm tốt đẹp của Quỳ. Một cái kết “không có hậu” theo quan niệm thông thường, đã làm người xem thất vọng và vì thế sức thuyết phục của phim cũng giảm.

Một bộ phim thừa chi tiết cũng giống như bộ khung xương sống có quá nhiều xương sườn, sẽ làm cho con người khó chuyển động dẻo dai khi cúi người cũng như khi vận động. Nhiều nhà biên

kịch mắc phải lỗi “tham”chi tiết, hoặc sợ người xem không hiểu, nên cố đưa thêm chi tiết để giải thích. Nhiều chi tiết thừa sẽ khiến người xem cảm giác phim không sâu sắc. Chẳng hạn, trong Người đàn bà mộng du cảnh chiến tranh: bom đạn, quân y viện bị tàn phá ... được lặp đi lặp lại làm cho người xem cảm giác nặng nề, không dễ dàng cảm nhận hết những thông điệp, mà các nhà làm phim đã cố gắng diễn tả một cách khá tinh tế và công phu.

Một tác phẩm điện ảnh tốt phải gợi cho người xem những vấn vương, trăn trở khiến họ phải động não.Chính vì vậy, mà nhiều bộ phim, các tác giả cố tình bớt xén các chi tiết, tạo ra những cái kết bất ngờ để tạo nên những suy nghĩ, trăn trở, nhằm biến khán giả thành người đồng sáng tạo với mình.

Ví dụ phim Thời xa vắng, biên kịch kiêm đạo diễn Hồ Quang Minh đã chỉ lấy phần một của tiểu thuyết Thời xa vắng để miêu tả cuộc đời nhân vật Sài, nên chủ đề của phim tập trung hơn, sắc nét hơn. Hơn nữa ở phần kết, đạo diễn lại sáng tạo thêm cảnh đòan tụ của gia đình Sài trong đám cưới con gái (đứa con mà Sài không hề mong muốn), làm người xem thực sự cảm động. Cảnh kết đã làm sâu sắc thêm tính nhân văn của tác phẩm và người xem càng đồng cảm sẻ chia với nỗi bất hạnh mà các nhân vật phải trải qua, đặc biệt là Tuyết, một phụ nữ nông thôn suốt đời nhẫn nhục cam chịu mọi thiệt thòi.

Một bộ phim hay là kết quả của sự nhào trộn nhuần nhuyễn nội dung tư tưởng vào từng chi tiết cốt truyện. Mặt khác, một bộ phim hay cần phải có câu trả lời từ người xem, bởi những người xem thường tự đặt ra những câu hỏi về cuộc sống xung quanh họ. Người viết phải đặt mình vào khán giả, để hiểu họ cần gì ? Mong muốn chờ đợi gì ? Nếu một tác giả kịch bản chỉ viết cho bản thân anh ta thì đừng trách tại sao mình cô đơn. Người viết phải đặt ra những tình huống làm sao để khán giả bị dẫn dắt vào mà không nhận thấy, và những chi tiết đó phải mang màu sắc của bộ phim.

Hãy cố gắng trình bày một cách đơn giản nhất nếu có thể, và càng đơn giản, càng dễ hiểu càng tốt. Sự đơn giản là một trong những cái khó nhất, nếu không có phương pháp, người viết không thể có được sự đơn giản, vì nó không tự nhiên rơi từ trên trời xuống. Saphi Faye, nhà điện ảnh Senegal, đã nói về quan điểm làm phim của mình: ”Tôi làm phim để mẹ tôi, một phụ nữ không được cắp sách đến trường có thể đọc được các hình ảnh của tôi.

Nhưng đơn giản rõ ràng, mạch lạc không có nghĩa là hời hợt kém hấp dẫn. Thực tế đã có những trường hợp nhiều kịch bản, nhiều bộ phim xem xong “bị buông lơi, bị quên lãng ”. Vậy đó là lỗi của ai ? Của người viết kịch bản hay của các nhà làm phim ? Để trả lời câu hỏi này thật khó và phức tạp, bởi tác phẩm điện ảnh là một thành quả lao động của cả một tập thể. Dù sao, người biên kịch là người đầu tiên cũng là người không bị giới hạn bởi thời gian, không bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, ngay từ đầu phải biết thêm chất liệu để làm tỉnh ngủ khán giả, lôi cuốn khán giả theo cách của riêng mình.

2 Cách trình bày kịch bản điện ảnh:

Trước hết kịch bản điện ảnh phải được thể hiện bằng hai ngôn ngữ chính là nhìn và nghe.

Muốn kịch bản đạt hiệu quả, tác giả cần phải chú viết một cách rõ ràng chính xác, tức là phải sọan ý thảo và trình bày một cách “chuẩn mực”, sao cho người đọc dự đóan được cảm xúc và ấn tượng qua những hình ảnh cùng âm thanh của bộ phim trong tương lai. Tuy nhiên,“chuẩn mực” đó là điều mong ước để đạt hiệu quả tối ưu, chứ không có luật lệ hay quy tắc chặt chẽ nào ràng buộc tác giả kịch bản.

Nhà biên kịch người Pháp Bernard Rouquette so sánh : tác giả kịch bản như một người ưa mạo hiểm đang đi trên đường mòn cheo leo giữa hai vực thẳm văn học và vực thẳm phân cảnh kỹ thuật cùng các kỹ thuật điện ảnh. “Vực thẳm” là cách nói để nhấn mạnh sự khác nhau cơ bản giữa văn học với kịch bản điện ảnh, sự khác nhau giữa kịch bản điện ảnh với kịch bản phân cảnh của đạo diễn (sẽ trình bày ở phần sau).

Như vậy, kịch bản điện ảnh ( hay còn gọi là kịch bản văn học) là giai đọan trung chuyển không thể thiếu từ văn học sang điện ảnh, để khởi đầu cho quá trình sản sinh ra những tác phẩm điện ảnh, mà trong đó yếu tố văn học và kỹ thuật được kết hợp một cách nhuần nhuyễn.

2.1 /Các thành phần của kịch bản:

Về mặt hình thức kịch bản điện ảnh có ba phần cơ bản:

+ Phần tên khung cảnh : Phần này được ghi vắn tắt trong dòng chữ nằm ở đầu mỗi bối cảnh mới, để chỉ dẫn địa điểm và hiệu quả ánh sáng.

+ Phần miêu tả: Gồm những dòng chữ miêu tả vắn tắt bối cảnh và những hành động của nhân vật, có cả các yếu tố không thuộc về “phần lời thọai”.

+ Phần lời thọai : Bao gồm tất cả những gì liên quan tới lời thọai, tức là tên nhân vật, giọng nói nếu thấy cần và bản thân lời thọai.

2. 2 Lên trang:

Đối với kịch bản điện ảnh, hình thức lên trang quan trọng hơn bất kỳ hình thức viết nào khác.

Lên trang là cách xếp đặt các dòng chữ, cách xuống dòng đúng lúc, sao cho thật dễ đọc, nghĩa là cách xếp đặt các phần khung cảnh, miêu tả, lời thọai sao cho khớp để cấu thành câu chuyện. Kịch bản cần phải tránh lối viết “tràng giang đại hải” khiến người đọc cảm thấy mệt ngay khi đưa mắt nhìn vào trang giấy.

+ Câu chữ trong kịch bản:

Nếu như trong phim, để tạo nên các phân đọan, người ta phải dựng các cảnh, thì trong kịch bản các phân đọan cũng phải được kết cấu bằng những đọan hoặc câu văn tương đương với một cảnh

trong phim. Chẳng hạn cảnh : có cảnh dài cảnh ngắn, tương ứng với đọan văn hoặc câu văn trong kịch bản theo công thức sau:

Một đọan văn = Một cảnh dài.

Một câu văn = Một cảnh ngắn.

Trên phim có tiết tấu của hành động nhanh hoặc chậm, trên kịch bản được thể hiện qua độ dài của câu. Với một chủ đích rõ rệt và mang tính chuyên nghiệp, nhà biên kịch gieo cho người đọc một cảm giác về tiết tấu khi họ đọc đọan văn bằng cách sử dụng các dấu phẩy, dấu chấm. Hiệu quả của đọan văn sẽ tương ứng với một tiết tấu hình ảnh nhanh hơn hoặc chậm lại, mà đạo diễn sẽ sử dụng trong phim. Điều cần thiết là giữ cho các trang kịch bản được sáng sủa và thóang đãng, nên xuống dòng thừơng xuyên. Mỗi đọan văn không nên dài quá 5 dòng.

+ Độ dài của một kịch bản:

Tùy theo tác giả, một trang viết khi lên phim thường dài từ 45 giây đến 1 phút rưỡi. Trung bình : một trang kịch bản = một phút trên phim. Như vậy, một phim truyện dự tính có thời lượng từ 80 đến 90 phút, sẽ có kịch bản dài khỏang 80 đến 90 trang. Kịch bản phim truyện thường dài khỏang 1 tiếng rưỡi, hoặc tối đa 2 tiếng cho một tập phim màn ảnh rộng. Phim truyền hình có thể nhiều tập, nhưng mỗi tập khỏang 45 phút, tối đa là 60 phút.

Trong kịch bản, mỗi phân đọan là một khung cảnh: trong nhà, ngòai sân hoặc ngòai đường…Mỗi phân đọan ( khung cảnh) lại gồm nhiều cảnh tiếp nối nhau. Mỗi cảnh là một lần bấm máy quay phim, từ lúc khởi đầu cho tới lúc chấm dứt, có kích thước rộng hẹp khác nhau, độ dài cũng khác nhau.

+ Những điểm cần lưu ý:

Cách viết và trình bày trên, không phải là bất di bất dịch; nhưng nếu tác giả kịch bản làm được như thế, thì người đọc sẽ dễ ước tính ra độ dài của phim và thời lượng của từng trang viết, đồng thời cảm nhận được tiết tấu của phim cũng như hành động trong từng phân đọan. Trong tiểu thuyết, mỗi lần qua chương khác là phải sang trang. Trái lại, trong kịch bản điện ảnh các cảnh được viết liền nhau, không sang trang, để người đọc không bị cắt đứt dòng tư tưởng, có cảm giác giống như người xem phim một mạch trên màn ảnh.

Tác giả kịch bản có nhiệm vụ cung cấp một câu chuyện, còn công việc đưa câu chuyện đó lên màn ảnh là nhiệm vụ của đạo diễn. Như vậy, kịch bản điện ảnh là một bộ phim trên giấy. Để giúp cho việc làm phim được thuận lợi, tác giả kịch bản chỉ sử dụng ngôn ngữ chính là hình ảnh và âm thanh và đặc biệt tránh những ngôn từ thừa thãi, không giúp ích gì cho việc kể chuyện bằng âm thanh và hình ảnh, vốn là ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh.

Kịch bản điện ảnh có hai lọai chính: kịch bản sáng tác kịch bản chuyển thể, cả hai lọai này đều có cách trình bày giống nhau.

3. Kịch bản chuyển thể:

Khái niệm chuyển thể được từ điển bách khoa Việt Nam định nghĩa “Chuyển thể một tác phẩm nghệ thuật từ thể lọai này sang thể lọai khác, trong điện ảnh là dùng phương tiện, ngôn ngữ điện ảnh chuyển một tác phẩm thuộc một thể lọai nghệ thuật khác ( văn, thơ, kịch, balê, ôpêra …) thành một tác phẩm điện ảnh”. (120-539).

Thông thường người xem bao giờ cũng quan tâm đến những bộ phim được ra đời dựa trên nguyên tác văn học, đặc biệt là những tác phẩm văn học đã có vị trí xứng đáng trong lòng độc giả.

Bởi những yếu tố đã được dự báo từ trước trong văn học, càng kích thích sự tò mò trông chờ và hy vọng của người xem, vốn yêu mến hai nghệ thuật gần gũi này. Đó là thuận lợi, đồng thời cũng là khó khăn cho các nhà điện ảnh cần phải vượt qua, để khẳng định tài năng của mình qua những bộ phim.

Chúng ta biết rằng : điện ảnh và văn học vốn là hai ngành nghệ thuật độc lập, có đời sống riêng, ngôn ngữ riêng. Nhưng ngay từ đặc trưng của mỗi ngành nghệ thuật cũng đã có những phẩm chất quy định về khả năng và phạm vi tác động qua lại. Vì vậy, một tác phẩm văn học khi được chuyển thể sang điện ảnh có những thuận lợi và khó khăn:

3.1/Thuận lợi là sự giống nhau giữa tác phẩm văn học và kịch bản điện ảnh:

Tác phẩm văn học và kịch bản điện ảnh đều dựa trên những cốt truyện nhất định, đều thể hiện những hình tượng nhân vật đang họat động trong những mối quan hệ xã hội cụ thể của nó với những hành vi suy nghĩ, cảm xúc rất cụ thể.

Cả tác phẩm văn học và kịch bản điện ảnh đều sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu, tuy rằng ngôn ngữ trong mỗi lọai hình có những đặc điểm riêng. Trong nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn lớn, người ta đều thấy được chất điện ảnh, những cảm xúc và sự biến động thực tế nội tâm nhân vật, được thể hiện ra bằng những hình ảnh, màu sắc, đường nét âm thanh của thế giới bên ngòai. Một tác phẩm như thế sẽ thuận lợi cho nhà biên kịch khi chuyển thể.

Tuy nhiên, không phải bất cứ một nhà văn nào khi viết tác phẩm đều ý thức rằng mình viết để chuyển thể. Vì vậy, công việc của tác giả kịch bản không chỉ là phát hiện chất điện ảnh trong tác phẩm văn học để phát huy và sử dụng nó, mà còn phải trực tiếp tư duy nghệ thuật bằng ngôn ngữ tổng hợp của điện ảnh.

3.2/Khó khăn là sự khác nhau giữa tác phẩm văn học và kịch bản điện ảnh:

Tác phẩm văn học khi được viết ra có thể coi là sản phẩm, là mục đích cuối cùng mà nhà văn đạt tới, còn kịch bản điện ảnh trái lại mới chỉ là một khâu trung gian để đạt tới tác phẩm điện ảnh

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn: Nhân vật trung tâm từ tác phẩm Văn học đến tác phẩm điện ảnh (Trang 71 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)