Triển khai thực hiện các văn bản quản lý của TW và ban hành các văn bản quản lý của địa phương

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (Trang 49 - 52)

2.2. Công tác quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên

2.2.1. Triển khai thực hiện các văn bản quản lý của TW và ban hành các văn bản quản lý của địa phương

Hệ thống văn bản pháp quy vừa có giá trị pháp lý, là cơ sở, công cụ pháp luật để các cơ quan thực hiện chức năng quản lý của mình. Hiện nay, trong lĩnh vực quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên chưa có những văn bản và chế tài quản lý riêng mà việc quản lý hoạt động này thường được lồng ghép vào những hoạt động quản lý văn hóa thuộc các lĩnh vực khác theo hướng đáp ứng được nhu cầu của người dân, định hướng cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên được phát triển theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn đã được quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện như: Cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh tại các phường; lồng ghép trong các hội nghị sơ, tổng kết của ngành; các đợt kiểm tra của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy; Hội đồng nhân dân thành phố. Cùng với đó, các chương trình

hành động, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện của Trung ương, thành phố cũng được phổ biến đến người dân theo nhiều hình thức, nhằm giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đơn vị tổ chức nghệ thuật, nghệ sĩ, người dân hiểu rõ hơn các chủ trương của cấp trên, từ đó xây dựng kịch bản, kế hoạch phù hợp.

Những thông tư, nghị định hướng dẫn của chính phủ, cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTT & DL cũng được Sở Văn hóa Thể thao quán triệt đến từng cán bộ văn hóa thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ, nhằm giúp cho mỗi cán bộ phải thực sự am tường, có đủ hiểu biết và nhận thức đúng về chủ trương, chính sách, chế tài xử phát để giúp giải thích, tuyên truyền, vận động nghệ sĩ, người dân tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên không vi phạm những quy định, thuần phong mỹ tục trong văn hóa, ứng xử.

Hiện nay, công tác quản lý văn hóa liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên được thực hiện theo Nghị định 103/2009/ NĐ - CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng [11]. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 và thay thế Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng. Cùng với đó là Thông tư số 04/2009/TT- BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ VHTTDL về việc ban hành thông tư quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ [4].

Theo đó, tại điều 2 của Thông tư là phần giải thích từ ngữ được hiểu như sau:

Các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quy chế:

a) Các dịch vụ văn hoá khác gồm: Thu âm (phòng thu nhạc và lời);

ghi hình (quay camera); vẽ truyền thần, vẽ tranh, sao chép tranh; làm tượng; sản xuất hàng mã; dạy khiêu vũ, dạy nhạc.

b) Các hình thức vui chơi giải trí khác gồm: Các trò chơi dân gian;

biểu diễn nghệ thuật quần chúng và các hình thức vui chơi giải trí có nội dung văn hoá.

c) Các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác chưa được qui định tại các điểm a và b khoản này [4]

Tại điều 5 của Thông tư quy định rõ về việc biểu diễn nghệ thuật quần chúng, đó là:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng (sau đây gọi là người tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng) không phải xin cấp giấy phép biểu diễn nhưng phải tuân theo các quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 9, các điểm a, c và e khoản 2 Điều 10 Quy chế và các quy định cụ thể sau:

a) Biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong khu dân cư, trong nội bộ cơ quan, tổ chức nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ ở cơ sở do người tổ chức biểu diễn chịu trách nhiệm;

b) Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng ngoài phạm vi nội bộ cơ quan, tổ chức thì người tổ chức biểu diễn phải có văn bản thông báo với Phòng Văn hoá và Thông tin nơi biểu diễn ít nhất 07 ngày trước ngày biểu diễn. Nội dung thông báo ghi rõ: Mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn;

c) Cơ quan, tổ chức Việt Nam khi phối hợp với cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng phải có văn bản thông báo với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn ít nhất 10 ngày trước ngày biểu diễn. Nội dung thông báo như quy định tại điểm b khoản này;

d) Cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng ngoài phạm vi nội bộ phải phối hợp với cơ quan, tổ chức có chức năng hoạt động văn hoá - nghệ thuật của Việt Nam và cơ quan, tổ chức Việt Nam phối hợp tổ chức phải có văn bản thông báo với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn như quy định tại điểm c khoản này [4]

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)