2.2. Công tác quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên
2.2.4. Quản lý hoạt động biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch
Để làm tốt công tác này, phòng VHTT quận đã chủ động liên hệ với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài địa bàn như Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội,… cũng như một số nghệ nhân, nghệ sĩ có khả năng biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như hát xẩm, chầu văn – lên đồng, nhạc
dân tộc để có kế hoạch biểu diễn tại các tụ điểm như Giáo phường Ca trù Thăng Long biểu diễn ở đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc), Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội biểu diễn tại Ngôi nhà Di sản (phố Mã Mây) có lịch biểu diễn cố định vào các ngày trong tuần; biểu diễn hát xẩm ở đền Quán Đế, chợ Đồng Xuân; diễn xướng chầu văn tại ngã ba Lương Ngọc Quyến - Mã Mây…
vào các ngày cuối tuần.
Vào dịp cuối tuần, nhiều sinh viên nghệ thuật của các trường cao đẳng, đại học cũng tham gia các hoạt động hướng dẫn, giới thiệu sử dụng nhạc cụ dân tộc, góp phần quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc đến với người dân và khách du lịch.
Bắt đầu từ 01.9.2016, tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm được triển khai cũng tạo sân chơi cho nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, nghệ thuật không chuyên phát triển, trong đó có cả những hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ nước ngoài như xiếc, hóa trang, đi cà kheo (ở khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ), tạo thêm nhiều điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách khi đến với thủ đô Hà Nội. Để quản lý tốt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên, cán bộ văn hóa của quận Hoàn Kiếm đã phải tăng cường làm thêm vào ngày nghỉ cuối tuần, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có phương án phân bổ địa điểm biểu diễn cho hợp lý, tránh tình trạng tập trung quá đông hoạt động vào một địa điểm gây ùn ứ, tắc nghẽn. Phòng VHTT quận cũng phối hợp với công an Hà Nội có những phương án giải quyết kịp thời những hiện tượng, biểu hiện lợi dụng hoạt động biểu diễn nghệ thuật để gây mất trật tự trị an trên địa bàn, hướng đến việc đảm bảo an toàn cho người dân và du khách được thoải mái thưởng thức các chương trình, hoạt động nghệ thuật.
2.2.5. Vai trò tự quản của người dân tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên
Do đặc thù riêng của địa bàn quận Hoàn Kiếm nên có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên ở cộng đồng, trong đó tập trung vào những ngày nghỉ cuối tuần và kéo dài trong cả năm, nên mặc dù có sự tham gia của cán bộ quản lý văn hóa cấp thành phố, quận cho đến cấp phường nhưng với khối lượng công việc lớn như đã trình bày nên để có được hiệu quả như hiện nay thì không thể không nhắc đến vai trò tự quản của người dân khi tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên. Nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên ở cộng đồng có thể kể đến như: khu vực Nhà Kèn, vườn hoa Lý Thái Tổ tổ chức biểu diễn các nhạc cụ dân tộc. Biểu diễn nghệ thuật truyền thống (hát xẩm, hát xoan, hát ca trù), nhạc cụ dân tộc, hòa nhạc tại Nhà Bát Giác, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu. Khu vực trước tượng đài Cảm Tử sẽ diễn ra các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian dành cho trẻ em, thanh thiếu niên do đơn vị My Hanoi tổ chức. Xung quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì tổ chức xiếc đường phố và biểu diễn nghệ thuật ánh sáng trong tương lai. Triển lãm tranh, ảnh và các tác phẩm nghệ thuật,… tại khu vực tiếp giáp tòa nhà Trung tâm thương mại Tràng Tiền. Ngoài ra, vào các ngày lễ lớn, khu vực 16 phố Lê Thái Tổ và số 2 phố Lê Thái Tổ (Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm) sẽ biểu diễn văn hóa, nghệ thuật quần chúng, đương đại.
Như vậy, việc tham gia những hoạt động này của người dân ở dưới nhiều phương diện.
Một là, người dân trực tiếp tham gia các hoạt động biểu diện nghệ thuật không chuyên. Với vai trò này, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các cán bộ quản lý văn hóa nên chưa xảy ra những hoạt động biểu diễn sai quy định. Hầu hết người dân đóng góp, tham gia các tiết mục chung do
thành phố, quận tổ chức, hoặc tham gia một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác như múa lân, múa rồng trong lễ hội, vào dịp tết Trung Thu, chào mừng năm mới. Một số người dân có tiết mục biểu diễn nghệ thuật riêng như trình diễn đàn violon, thổi sáo, đàn ghi ta nhưng không nhiều, và mật độ xuất hiện không thường xuyên, mang tính ngẫu hứng. Những người tham gia này đều được cán bộ văn hóa trao đổi, hướng dẫn để hoạt động biểu diễn được thuận lợi, đúng quy định.
Hai là, người dân gián tiếp tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên với tư cách như khán giả, khách mời giao lưu,… Trong nhiều sự kiện biểu diễn nghệ thuật không chuyên như nghệ thuật trình diễn, khiêu vũ đường phố, nghệ thuật dân gian thu hút rất đông người dân tham dự. Nhiều tiết mục có tính tương tác cao và người xem nhanh chóng trở thành người biểu diễn theo sự hướng dẫn của người tổ chức. Mặc dù hình thức này là mới nhưng cũng hấp dẫn, tạo nên sự thoải mái trong không khí vui tươi, cởi mở.
Ba là, người dân với vai trò giám sát các hoạt động biểu diện nghệ thuật không chuyên. Có thể nhận định, ở phương diện này thì người dân phát huy được vai trò giám sát các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nhiều góc độ, ở mọi lúc, mọi nơi diễn ra mà điều này cơ quan quản lý nhà nước không thể đủ nhân lực để thực hiện. Đặc biệt, trong xã hội thông tin thì chỉ một hành viphản cảm, trái với thuần phong mỹ tục sẽ được chụp ảnh, quay hình và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Điều này có tác động ngược đến những ai tham gia hoạt động biểu diện nghệ thuật không chuyên tránh mắc phải những sai lầm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tư cách của người nghệ sĩ.
Có thể nói với vai trò tự tổ chức, người dân tham gia vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên theo nhiều hình thức và góp phần
tác động không nhỏ đến các hoạt động biểu diễn, thậm chí còn giúp ích không nhỏ trong công tác quản lý loại hình hoạt động này trên địa bàn.