Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.3. Những công trình nghiên cứu về giải pháp nhằm nâng cao vai trò của
Vấn đề tìm kiếm những giải pháp cho sự phát triển đồng hành giữa khoa học, công nghệ với đạo đức nói chung và các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng trở thành đề tài mà rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Có thể kể đến các công trình tiêu biểu sau đây:
Công trình nghiên cứu "Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay - vấn đề và giải pháp" [102] do tác giả Nguyễn Duy Quý làm chủ nhiệm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín lớn như Nguyễn Đức Bình, Vũ Khiêu, Nguyễn Trọng Chuẩn, Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Văn Phúc. Trên cơ sở phân tích làm rõ thực trạng bộ mặt đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học đề xuất phương hướng và các giải pháp xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay theo hướng "... cần phải có một hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ về nhận thức, quan điểm, kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục... từ cấp vĩ mô đến vi mô thì mới giải quyết được vấn đề" [102; tr.282]. Đây có thể xem là những nguyên tắc quan trọng mà tác giả luận án cần phải tính đến khi tìm kiếm những giải pháp cho việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong thời đại phát triển khoa học và công nghệ hiện đại.
Công trình "Văn hóa đạo đức ở nước ta hiện nay vấn đề và giải pháp" [28]
của các tác giả Lê Quí Đức, Hoàng Chí Bảo đã phân tích sâu sắc thực trạng văn hóa đạo đức ở nước ta hiện nay trên nhiều bình diện, đặc biệt là những biến đổi trong các giá trị chuẩn mực văn hóa đạo đức. Các tác giả khẳng định: "Ngày nay, hệ giá trị đạo đức dân tộc đang chịu sự tác động của nhiều yếu tố kinh tế, xã hội mà chủ
yếu là việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc mở cửa hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa... Các giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống tất yếu cũng biến đổi theo xu hướng tích cực và tiêu cực, tạo nên những mảng sáng, tối của đời sống tinh thần đạo đức hiện nay" [28; tr.85]. Từ việc tìm ra nguyên nhân của thực trạng văn hóa đạo đức hiện nay, các tác giả đề xuất những nhóm giải pháp cơ bản, có tính khả cao nhằm xây dựng nền văn hóa ở nước ta hiện nay.
Tác giả Ngô Thị Thu Ngà với công trình: "Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay" [84]. Tác giả đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy tốt các giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay như: Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh nhằm nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ; đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục giá trị đạo đức truyền thống; nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu, học tập giá trị đạo đức truyền thống. Những giải pháp trên nhằm hướng đến thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, tuy nhiên đây cũng là tài liệu hữu ích giúp tác giả tham khảo để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho đối tượng nghiên cứu của mình.
Tác giả Nguyễn Thái Sơn trong công trình: “Quan hệ giữa cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đối với con người” [107], với mục đích xác định vai trò của con người trong thời đại khoa học công nghệ - hiện đại, tác giả đi tìm phương hướng và các giải pháp chủ yếu để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu khoa học - công nghệ hiện đại như: Xem giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thực hiện mở cửa giao lưu quốc tế; kết hợp truyền thống và hiện đại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện một hệ thống các chính sách xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ. Mặc dù đây là những giải pháp hướng đến xây dựng con người Việt Nam hiện nay nhưng những giải pháp này cũng là những gợi mở quan trọng giúp tác giả luận án tìm ra và lựa chọn những giải pháp mang tính căn bản nhất đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong thời đại phát triển khoa học và công nghệ hiện đại.
Công trình nghiên cứu “Khoa học - công nghệ với nhận thức, biến đổi thế giới và con người: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn” [116] của tác giả Phạm Thị
Ngọc Trầm, trên cơ sở làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ với sự nhận thức và biến đổi thế giới biểu hiện trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, tác giả tập trung chỉ ra thực trạng và nhu cầu về khoa học, công nghệ ở Việt Nam,
từ đó xác định vấn đề tạo lập môi trường cho sự phát triển của khoa học và công nghệ vì sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là giải pháp mang tính cốt lõi nhất.
Đối với tác giả Nguyễn Văn Lý trong công trình "Kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam" [73]. Từ việc nghiên cứu những tác động của kinh tế thị trường đến đạo đức, tác giả chỉ ra sự cần thiết phải kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống thông qua các giải pháp như: Kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển các quan hệ xã hội lành mạnh trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường; đẩy mạnh giáo dục đạo đức truyền thống trong gia đình, nhà trường, xã hội với nội dung, phương thức phù hợp; nâng cao vai trò, hiệu quả của pháp luật trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống; kết hợp giữa phát huy các giá trị đạo đức truyền thống với tiếp thu các giá trị nhân văn của thời đại thông qua giao lưu quốc tế. Có thể nói đây đều là những vấn đề căn bản cần phải tính đến trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại hiện nay.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ với văn hóa, tác giả Hoàng Đình Phu trong công trình: "Khoa học và công nghệ với các giá trị văn hóa” [90] tác giả đi đến khẳng định vai trò động lực và định hướng của văn hóa đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Do vậy, việc phát huy các giá trị văn hóa của khoa học và công nghệ vừa góp phần nâng cao tiềm lực của khoa học, công nghệ đất nước vừa xây dựng một nền văn hóa Việt Nam ngang tầm thời đại, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tác giả Phạm Văn Quý với công trình nghiên cứu "Các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa" [104] đã đánh giá thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay, đồng thời đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công trình giúp tác giả nhận thức sâu sắc hơn về yếu tố nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Cần phải coi đây là một trong
những chủ thể quan trọng hàng đầu trong việc khắc phục những tác động tiêu cực của khoa học và công nghệ hiện đại đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu chuyên khảo, còn có rất nhiều bài viết đăng trên các tạp chí liên quan đến chuyên đề này:
Có thể kể tên một số công trình sau: Tác giả Đỗ Huy với bài viết “Định hướng xã hội chủ nghĩa về các quan hệ đạo đức trong cơ chế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” [53];“Về vấn đề định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ nước ta” [16] của tác giả Đặng Ngọc Dinh v.v…
Tiêu biểu trong số những bài viết bàn về vấn đề này cần phải kể đến bài viết của tác giả Nguyễn Văn Phúc trong bài viết“Giải pháp cho sự đồng hành giữa tiến bộ khoa học - công nghệ và đạo đức” [94]. Trên cơ sở phân tích một số cách tiếp cận và giải quyết vấn đề giữa tiến bộ khoa học - công nghệ và đạo đức, tác giả cho rằng, chỉ có cách tiếp cận văn hóa mới khắc phục được những tác động tiêu cực đối với tiến bộ xã hội nói chung và đạo đức nói riêng. Định hướng xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển chính là giải pháp văn hóa mà qua đó tiến bộ khoa học - công nghệ trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển xã hội nói chung và nhân cách, đạo đức con người nói riêng. Công trình giúp tác giả thấy rõ hơn tầm quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa với tư cách là một giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của khoa học và công nghệ đối với đạo đức nói chung và việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng.
Bài viết của tác giả Nguyễn Tài Thư lại đề cập đến vấn đề này ở góc độ khác, đó là “Khả năng phát triển giá trị truyền thống Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa” [111]. Tác giả chỉ ra tính tất yếu của xu thế thời đại, đồng thời khẳng định rằng, trước xu thế toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam có cơ hội để thẩm định lại mình, có điều kiện để tiếp xúc, thử nghiệm và lựa chọn các văn hóa khác. Mặt khác, toàn cầu hóa không phải diễn ra một cách thuận lợi với tất cả các nước, và nguy cơ đánh mất giá trị truyền thống dân tộc, đi đến cái chết của nền văn hóa dân tộc hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất theo tác giả là chủ
động đón nhận thách thức của toàn cầu hóa để hội nhập và đưa giá trị truyền thống dân tộc lên một bước mới.
Có thể nói, những công trình nghiên cứu trên là những tư liệu tham khảo có giá trị, giúp tác giả có cơ sở để đề xuất những giải pháp giúp nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy phát triển các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong thời đại mới.
Tuy nhiên, hầu hết các công trình kể trên đều tập trung vào các giải pháp nhằm kế thừa và phát triển các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại mới, thời đại của toàn cầu hóa, khoa học và công nghệ phát triển và nền kinh tế thị
trường. Một số công trình cũng nghiên cứu những giải pháp phát triển khoa học, công nghệ của đất nước đáp ứng yêu cầu thời đại hiện nay, tuy nhiên hầu hết đều là những giải pháp nhằm phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghĩa là sự phát triển của khoa học, công nghệ trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung chứ không đặt trong mối quan hệ với đạo đức, và nhất là các giá trị đạo đức truyền thống. Do vậy, đây vẫn được xem như một mảng còn thiếu về mặt lý luận đòi hỏi cần có nhiều công trình nghiên cứu, bổ sung thêm.