Mô tả hoạt động nghiệp vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng hệ thống kết nối thanh toán giữa ngân hàng và các công ty chứng khoán (Trang 31 - 34)

CHƯƠNG 3: XÂY DỰNG HỆ THỐNG KẾT NỐI THANH TOÁN GIỮA NGÂN HÀNG VÀ CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

3.1. Mô tả hoạt động nghiệp vụ

3.1.1 Một số khái niệm

- Hệ thống kết nối thanh toán giữa Ngân hàng và các CTCK: là hệ thống quản lý thông tin các CTCK và nhà đầu tư, có cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại máy chủ Bank Gateway của Ngân hàng. Thông qua hệ thống, các CTCK có thể quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng và liên kết để kiểm tra điều kiện, thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán của khách hàng, thực hiện các giao dịch chuyển tiền ứng với nghiệp vụ chi trả cổ tức cho khách hàng…Đồng thời cả hai bên, CTCK và Ngân hàng, đều có thể giám sát và đối chiếu các giao dịch đã thực hiện thông qua các báo cáo đối chiếu của hệ thống.

- Hệ thống CoreBanking: Là hệ thống lõi của Ngân hàng, trong đó có phần quản lý các tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư và CTCK, thực hiện các lệnh mở, đóng tài khoản tiền gửi, nộp, rút tiền thông qua giao diện của CoreBanking…và thực hiện các lệnh vấn tin, phong toả, giải phong toả, chuyển khoản…từ hệ thống kết nối thanh toán gửi đến.

- Tài khoản mua bán chứng khoán: Là tài khoản dùng để thực hiện giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư mở tại CTCK.

- Tài khoản CA (Current Account): Là tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng.

- Tài khoản TA (Trading Account): là tài khoản CA chuyên dùng của nhà đầu tư hoặc CTCK mở tại Ngân hàng dùng để giao dịch chứng khoán. Tài khoản TA có đầy đủ tính chất của một tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng nên hoàn toàn có thể sử dụng các chức năng như gửi tiền, rút tiền (nếu số tiền rút hợp lệ), vấn tin tài khoản…thông qua hệ thống CoreBanking của Ngân hàng.

- Thanh toán chứng khoán: Là giao dịch thanh toán giữa tài khoản tiền gửi thanh toán của các CTCK và tài khoản Trading Account (TA) của nhà đầu tư chứng khoán tại Ngân hàng, được thực hiện với sự hỗ trợ của hệ thống kết nối thanh toán chứng khoán.

- Số dư khả dụng của tài khoản TA: Là số dư không bị phong toả của tài khoản (bằng số dư tài khoản trừ đi số tiền đang bị phong toả) mà chủ tài khoản có thể dùng để thực hiện các giao dịch như rút tiền, mua chứng khoán, chuyển tiền…

3.1.2 Mô tả nghiệp vụ:

Mỗi CTCK có liên kết với Ngân hàng để thực hiện thanh toán chứng khoán sẽ có hai tài khoản tiền gửi tại một chi nhánh nào đó của Ngân hàng:

- Một tài khoản CA dùng để quản lý và hạch toán các giao dịch mua/bán chứng khoán của các Nhà đầu tư tại CTCK.

- Một tài khoản TA dùng để quản lý và hạch toán các giao dịch mua/bán chứng khoán của CTCK trong hoạt động kinh doanh và các giao dịch liên quan khác của chính CTCK (Tài khoản tự doanh).

Tài khoản thứ nhất sẽ được sẽ được khai báo cùng với thông tin về CTCK trên hệ thống kết nối thanh toán, tài khoản thứ hai cũng sẽ được khai báo nhưng với tính chất như tài khoản của nhà đầu tư thông thường.

Vì Ngân hàng sẽ quản lý tiền đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư nên mỗi nhà đầu tư phải được mở một tài khoản tiền gửi tại một chi nhánh nào đó của ngân hàng. Tài khoản này cũng là tài khoản Trading Account và sẽ được gắn kết với tài khoản hoạt động chứng khoán của nhà đầu tư tại CTCK thông qua hệ thống kết nối thanh toán.

Sau khi nhà đầu tư đã có TK tiền gửi tại Ngân hàng, Ngân hàng sẽ phải khai báo tài khoản này cùng với tài khoản mua bán chứng khoán trên hệ thống kết nối thanh toán. Với các nhà đầu tư đang có số dư trong tài khoản hoạt động chứng khoán thì số tiền đó sẽ được chuyển sang tài khoản TA tại Ngân hàng thông qua lệnh chuyển tiền từ tài khoản CA của CTCK sang tài khoản TA của nhà đầu tư và lệnh này được thực hiện thông qua hệ thống CoreBanking của Ngân hàng.

Khi một nhà đầu tư đặt lệnh mua chứng khoán, CTCK sẽ phải gửi lệnh vấn tin tài khoản TA của nhà đầu tư tới hệ thống kết nối thanh toán để xem số dư khả dụng của tài khoản có đủ để thực hiện giao dịch không. Nếu số dư đủ để thực hiện giao dịch, CTCK sẽ tiếp tục gửi lệnh phong toả tài khoản TA của nhà đầu tư với số tiền bằng số tiền mua chứng khoán cộng phí giao dịch. Sau khi có kết quả khớp lệnh, nếu lệnh mua của nhà đầu tư không được khớp, CTCK sẽ gửi lệnh giải phong toả số tiền đã phong toả tài khoản TA của khách hàng trước đó sang hệ thống kết nối. Trường hợp toàn bộ lệnh bán của nhà đầu tư được khớp, CTCK sẽ gửi lệnh tới hệ thống kết nối để chuyển toàn bộ số tiền đã phong toả trước đó sang tài khoản CA hạch toán các giao dịch mua bán chứng khoán của CTCK.

Nếu chỉ khớp lệnh một phần, CTCK sẽ gửi lệnh chuyển một phần số tiền đã phong toả trước đó sang tài khoản CA của CTCK, số tiền này bằng tổng số tiền mua lượng chứng khoán được khớp và phí tương ứng, số tiền còn lại trong tổng số tiền đã phong toả sẽ được giải phong toả.

Khi nhà đầu tư đặt lệnh bán chứng khoán, đến khi có kết quả khớp lệnh, vào ngày T+3, CTCK sẽ gửi lệnh chuyển tiền (với số tiền bằng số tiền bán chứng khoán khớp được cộng số tiền phí giao dịch) từ tài khoản CA của CTCK sang tài khoản TA của nhà đầu tư.

Đối với hoạt động cho vay, cầm cố hay ứng trước tiền bán chứng khoán,

nhà đầu tư phải được CTCK chấp thuận, sau đó CTCK sẽ gửi tới hệ thống kết nối thanh toán lệnh chuyển tiền từ tài khoản CA của CTCK sang tài khoản TA của nhà đầu tư, sau đó nhà đầu tư sẽ rút tiền tại Ngân hàng thông qua hệ thống CoreBanking.

Cuối mỗi ngày giao dịch, sau khi hệ thống đã thực hiện hết các giao dịch phát sinh trong ngày về hoạt động thanh toán chứng khoán, CTCK và chi nhánh Ngân hàng sẽ gửi lệnh tới hệ thống kết nối để lấy về các bảng liệt kê giao dịch mua bán chứng khoán hoặc lấy về các sao kê chi tiết tài khoản CA của Công ty chứng khoán, tài khoản chuyên dùng (TA) của nhà đầu tư nhằm đối chiếu với các chứng từ giao dịch trong ngày.

3.1.3 Các yêu cầu của hệ thống

Hệ thống kết nối thanh toán giữa Ngân hàng và CTCK giúp các CTCK quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng và liên kết để kiểm tra điều kiện, thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán của khách hàng. Hệ thống kết nối thanh toán này cần có cơ chế truyền nhận message thực hiện các chức năng giao dịch giữa ngân hàng và CTCK, đảm bảo vấn đề ổn định, bảo mật và an toàn dữ liệu v.v..

Hệ thống có các chức năng:

- Quản lý các CTCK có khách hàng mở TK tiền gửi giao dịch chứng khoán tại ngân hàng.

- Quản lý người sử dụng của các CTCK (người gửi lệnh giao dịch với TK tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng).

- Thực hiện gắn kết TK tiền gửi tại ngân hàng với TK giao dịch chứng khoán và CTCK, nơi nhà đầu tư mở TK giao dịch chứng khoán (bao gồm cả việc chuyển số tiền hiện có trong TK của nhà đầu tư từ CTCK sang TK tại ngân hàng).

- Người sử dụng của CTCK có thể vấn tin trực tuyến TK tiền gửi thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

- Phong toả trực tuyến TK tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng ngay khi nhân viên môi giới của CTCK thực hiện gửi lệnh mua chứng khoán.

- Giải toả trực tuyến TK tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng ngay khi nhân viên của CTCK thực hiện huỷ lệnh mua chứng khoán hoặc khi có kết quả khớp lệnh mua chứng khoán.

- Thực hiện chuyển tiền (theo yêu cầu từ CTCK) từ tài khoản của CTCK mở tại ngân hàng đến tài khoản của nhà đầu tư khi sau khi khớp lệnh bán chứng khoán sau khi trừ đi số tiền phí giao dịch tương ứng.

- Thực hiện chuyển tiền (theo yêu cầu từ CTCK) từ tài khoản nhà đầu tư tại ngân hàng đến tài khoản của CTCK tại ngân hàng sau khi có kết quả khớp lệnh mua chứng khoán của nhà để thanh toán tiền mua chứng khoán và mức phí tương ứng.

- Thực hiện chuyển tiền cổ tức (theo yêu cầu từ CTCK) từ tài khoản CTCK mở tại ngân hàng vào tài khoản tại Ngân hàng của nhà đầu tư khi có phát sinh nghiệp vụ chia cổ tức.

- Ghi log lại toàn bộ quá trình giao dịch giữa ngân hàng và CTCK để phục vụ chức năng lập các bảng kê phục vụ cho công tác quản lý, đối chiếu giữa ngân hàng và CTCK.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng hệ thống kết nối thanh toán giữa ngân hàng và các công ty chứng khoán (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)