Chương 2: Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam giai đoạn 1991 - 2007
2.2. Đánh giá tình hình thực thi thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam giai đoạn
2.2.1 Những thành tựu đạt được
Sau hơn 15 năm thực thi, chính sách động viên thuế đối với thu nhập của cá nhân nhìn chung là phù hợp với điều kiện kinh tế, lịch sử cũng như thực hiện được chính sách của Đảng và nhà nước, được thể hiện trên các mặt:
2.2.1.1. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân ngày càng tăng
Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao mặc dù chiếm tỷ trọng không nhiều trong tổng thu ngân sách nhà nước nhưng tỷ trọng này đang dần được tăng lên thể hiện:
Bảng 2.2. Số thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trong tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 1991 - 2007
Đơn vị: tỷ đồng Năm Tổng thu
thuế
Thuế thu nhập cá nhân (*)
Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng số thuế (%)
1991 9.844 62 0.63
1992 18.815 153 0.81
1993 29.232 184 0.63
1994 37.585 326 0.87
1995 48.090 510 1.06
1996 57.050 1.100 1.93
1997 67.120 1.428 2.13
1998 70.612 1.782 2.52
1999 78.489 1.856 2.36
2000 90.749 1.831 2.02
2001 103.888 2.058 1.98
2002 123.860 2.338 1.89
2003 152.274 2.951 1.94
2004 190.928 3.521 1.84
2005 210.400 4.425 2.10
2006 264.260 5.181 1.96
2007 287.900 6.859 2.38
(*) Chỉ tính thuế thu nhập cá nhân hiện đang được điều chỉnh theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (không tính thuế thu nhập cá nhân nộp theo các sắc thuế khác)
Nguồn: Niên giám tài chính 2005 - 2006, và báo cáo của Tổng cục thuế năm 2007
Cùng với sự phát triển kinh tế đất nước và qua những lần sửa đổi, bổ sung, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên từ 0,5 triệu động lên 5 triệu đồng đối với người Việt Nam và 2,4 triệu đồng lên 8 triệu đồng đối với người nước ngoại, cùng với mức thuế suất được điều chỉnh thì số thu nộp ngân sách ngày càng tăng.
Nhìn bảng 2.2, ta thấy rõ qua hơn 15 năm áp dụng thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, số thu được từ thuế thu nhập cá nhân tăng lên nhanh chóng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Năm 1991, thuế thu nhập cá nhân đóng góp vào ngân sách nhà nước là 62 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,63% tổng thu ngân sách từ thuế và phí (không tính đến thu ngân sách từ dầu thô) thì đến năm 2007, con số này đã là 6.859 tỷ đồng gấp hơn 100 lần năm 1991 và chiếm 2.38% trong tổng thu ngân sách từ thuế. Ta có thể thấy rõ mức tăng này qua hình 2.1:
0 0.5 1 1.5 2 2.5 3
1991 1992
1993 1994
1995 1996
1997 1998
1999 2000
2001 2002
2003 2004
2005 2006
2007 Năm
Tỷ trọng thuế TNCN (%)
Hình 2.1: Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu thuế ngân sách nhà nước
Nhìn vào hình 2.1, ta thấy thành công của thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao khi động viên được khoản thu ngày càng tăng trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Năm 1998, ta thấy tỷ trọng thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao tăng cao đột biến đến 2,52% không phải do nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh mà do tổng thu ngân sách tăng chậm lại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực và thế giới cuối năm 1997. Con số này cho thấy, thuế thu nhập cá nhân đã phát huy được vai trò tích cực của mình trong việc huy động và làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thông thường, trong giai đoạn đầu tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước chủ yếu dựa vào các loại thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu…) do chi phí quản lý và hành thu thấp, việc thu thuế đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, trong những năm tới, nhu cầu chi tiêu cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng trong khi xu hướng hội nhập và tự do hóa thương mại ngày càng tăng sẽ làm giảm nguồn thu từ các hình thức thuế gián tiếp, nhất là thuế xuất nhập khẩu. Do vậy, cải cách hệ thống thuế của Việt Nam trước hết phải hoàn thiện thuế thu nhập cá nhân và khẳng định vai trò của nó trong hệ thống thuế nói riêng và sự phát triển kinh tế nói chung.
2.2.1.2. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đã từng bước góp phần thực hiện phân phối công bằng xã hội
Ở nước ta hiện nay cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có sự chênh lệch nhau với khoảng cách ngày càng rộng - tất yếu của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Trong xã hội, số đông dân cư có thu nhập thấp nhưng cũng có một số cá nhân có thu nhập cao, nhất là các cá nhân làm việc tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khu chế xuất hoặc các cá nhân là người nước ngoài làm việc tại
Việt Nam. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách từ thuế của nhà nước song xét về mặt công bằng xã hội, thuế thu nhập cá nhân có vị trí đặc biệt quan trọng. Thuế thu nhập cá nhân điều tiết thu nhập của các cá nhân theo hướng: người có thu nhập cao thì nộp thuế nhiều, người có thu nhập thấp thì nộp thuế ít, người có thu nhập chỉ đảm bảo mức sống thì không phải nộp thuế.
Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ở nước ta đánh vào thu nhập của những người có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng đối với công dân Việt Nam và trên 8 triệu đồng/tháng đối với người nước ngoài, bước đầu đã phát huy vai trò của thuế thu nhập cá nhân trong việc phân phối công bằng thu nhập trong xã hội. Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước sẽ được nhà nước sử dụng cho các công trình công cộng, trợ cấp cho người nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, hướng tới công bằng xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước.
2.2.1.3. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về việc thực hiện nghĩa vụ thuế
Thuế thu nhập cá nhân có đặc điểm là đánh trực tiếp vào người tạo ra thu nhập. Về mặt pháp lý, thuế thu nhập cá nhân đã tạo cho người dân nhận thức được trách nhiệm đóng góp một phần thu nhập cho nhà nước theo quy định của Pháp luật và làm quen với việc kê khai thu nhập. Thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ rất lâu trong lịch sử thuế khóa của các nước, nhưng đối với Việt Nam, hơn 15 năm thực hiện mới chỉ là khoảng thời gian để người dân nhận thức và làm quen với luật thuế này. Nếu năm 1994, Việt Nam có khoảng 90.000 người thuộc diện chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì đến năm 2000, con số này là 271.568 người và hết năm 2007 là hơn
600.000 người (trong đó người Việt Nam chiếm 80%) tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Nguồn: Báo cáo của Tổng cục thuế năm 2007)
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức chi trả thu nhập cũng đã có ý thức, trách nhiệm trong việc kê khai, khấu trừ thuế thu nhập cho cá nhân để nộp vào ngân sách nhà nước.
2.2.1.4. Bước đầu thực hiện được việc quản lý thu nhập của một bộ phận dân cư
Thông qua việc thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, nhà nước có thể dễ dàng quản lý các khoản thu nhập của các cá nhân trong xã hội khi các cá nhân kê khai và nộp thuế thu nhập. Mặt khác, thuế thu nhập cá nhân thông qua phương pháp quản lý khấu trừ tại nguồn cũng giúp nhà nước quản lý tốt hơn nguồn thuế thu nhập.
Hiện nay, Tổng cục thuế đã xây dựng chế độ cấp mã số thuế để quản lý các đối tượng nộp thuế. Đến nay, đối với cá nhân kinh doanh số lượng được cấp mã số là gần 2 triệu hộ, đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, số lượng cá nhân đã cấp mã số thuế là hơn 298.000 người. Mã số thuế được gắn liền với các tờ khai thuế nên cơ quan thuế sẽ có thông tin về đối tượng nộp thuế trên cơ sở đó hỗ trợ cho việc kiểm soát, đối chiếu thu nhập của các cá nhân. Phương pháp khấu trừ tại nguồn hiện đang được áp dụng khi cơ quan chi trả thu nhập tạm khấu trừ 10% đối với thu nhập chịu thuế và nộp tiền thuế vào "tài khoản tạm thu". Nhờ đó quản lý được thu nhập, đặc biệt là các cá nhân có thu nhập tại nhiều nơi, tiết kiệm chi phí cho cả cơ quan thuế và đối tượng nộp thuế. Thực tế cho thấy, thông qua công tác kiểm tra thu nhập thực tế của các cá nhân, cơ quan thuế cũng đã phát hiện được các khoản thu
nhập bất hợp pháp có được từ các hành vi vi phạm pháp luật mà các biện pháp điều tra khác gặp nhiều khó khăn.
2.2.2. Những hạn chế còn tồn tại