Tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ DUNG DỊCH DINH DƯỠNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CÂY CÀ CHUA ĐEN THỦY CANH (Trang 25 - 29)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

1.4. Tình hình nghiên cứu

1.4.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới

Năm 2006, Sato S. và cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ NaCl trong dung dịch thủy canh đến đặc điểm của cây cà chua. Nghiên cứu bước đầu cho thấy sự thay đổi nồng độ NaCl tác động đến quả cà chua không chỉ ảnh hưởng đến hàm lượng đường mà còn ảnh hưởng đến sự tổng hợp axit hữu cơ và amino axit [28].

Năm 2010, Aghofack-Nguemez và cộng sự đã thử nghiệm ảnh hưởng của phân bón có chứa canxi và magiê đến sinh trưởng, phát triển cây và chất lượng của cà chua ở vùng cao nguyên phía tây Cameroon. Kết quả cho thấy phân bón được bổ sung thêm canxi và magie ảnh hưởng đến thời gian ra hoa, nhưng không ảnh hưởng rõ rệt đến hàm lượng nước và hàm lượng caroten tổng số trong quả. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng magie có thể được xem như một trong những yếu tố chìa khóa liên quan đến việc trì hoãn quá trình chín ở quả cà chua trưởng thành và kéo dài thời hạn sử dụng của cà chua đã chín đỏ [15].

Claudia Kiferle và cộng sự (2013), đã khảo sát ảnh hưởng của dinh dưỡng nitơ đến sinh trưởng và tích lũy axit rosmarinic trong húng quế ngọt (Ocimum basilicum L.) trong nuôi trồng thủy canh. Thí nghiệm dung dịch dinh dưỡng chứa NO3- với nồng độ khác nhau (0,5; 5,0 và 10,0 mol/m3) hoặc là NO3-/NH4+

tỷ lệ (1: 0; 1: 1 và 0: 1; với tổng nồng độ N là 10,0 mol/m3). Nồng độ các chất dinh dưỡng khác như sau: 1,0 mol/m3 P-H2PO4; 10,0 mol/m3 K+; 3,0 mol/m3 Ca2+; 1,5 mol/m3 Mg2+ và nguyên tố vi lượng. Trong cả hai thí nghiệm, húng quế ngọt đều sản xuất một lượng lớn axit rosmarinic [18].

Năm 2015, Kellie Jean Walter đã tiến hành nhiên cứu ảnh hưởng của các hệ thống thủy canh, dung dịch dinh dưỡng và nhiệt độ không khí tăng trưởng và phát triển loài húng quế (Ocimum L.). Kết quả nghiên cứu cho thấy năng xuất của loài húng quế tăng lên, cụ thể cây đạt độ cao 60-70cm khi thay đổi nồng độ N, nghiên cứu cũng chứng minh rằng nồng độ N thích hợp là 1- 1,5%, bên cạnh đó xác định được nhiệt độ thích hợp cho húng quế phát triển là 21- 23oC [25].

B. L. Kasinath và cộng sự, (2015) đã tiến hành thực nghiệm về dinh dưỡng magiê ở cà chua lai Arka Ananya tại Bengaluru đã ghi nhận sản lượng cà chua tăng 29% khi bổ sung magie ở mức 50 kg/ha so với đối chứng và giảm khi lượng magie bổ sung vượt quá giá trị này. Số quả, trọng lượng quả và phẩm chất quả đều cao hơn đáng kể so với đối chứng. Các thông số sinh trưởng như chiều cao cây và số lượng cành cũng được ghi nhận tương tự. Như vậy, các thông số sinh trưởng và năng suất có mối tương quan, sinh trưởng tỷ lệ thuận với năng suất [16].

1.4.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Năm 2010, Đinh Trần Nguyễn và cộng sự đã đánh giá hiệu quả của sự bổ sung calcium và phân dơi vào môi trường dinh dưỡng thủy canh cây cà chua Savior (Lycopersicon esculentum). Calcium được bổ sung dưới dạng calcium nitrate ở mức thêm 50% của công thức chuẩn ở giai đoạn ra hoa và tạo trái, phân dơi được cho vào bao giá thể 5 kg với lượng 20 g/bao trước khi trồng cây. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng, sự bổ sung calcium ở giai đoạn ra hoa tạo trái không có hiệu quả rõ rệt so với dinh dưỡng cơ bản. Sự bổ sung thêm phân dơi vào thành phần dinh dưỡng của thủy canh giúp cải thiện thành phần năng suất và năng suất cà chua giống Savior [10].

Đỗ Thị Trường (2010), đã thử nghiệm ảnh hưởng của một số môi trường dinh dưỡng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và phẩm chất của cà chua Ấn Độ T52 bằng kỹ thuật thủy canh tại Đà Nẵng. Nghiên cứu cho thấy có sự sai khác về khả năng sinh trưởng cũng như năng suất khi cây cà chua được trồng trong các dung dịch thủy canh khác nhau (chủ yếu thay đổi về hàm lượng N, P và K), trong đó hàm lượng N quá cao hoặc quá thấp có ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng và năng suất cà chua. Công thức dinh dưỡng cho khả năng sinh trưởng tốt nhất ở nghiên cứu này gồm tổ hợp các nguyên tố khoáng (N= 200ppm; P=

60ppm; K= 300ppm; Mg= 46ppm; Ca= 170ppm; S= 67ppm; vi lượng= 5,7ppm và pH= 5,6) [14].

Năm 2016, Nguyễn Văn Thao và cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng của mức đạm lân kali đến cây cà chua trồng trên giá thể hữu cơ. Kết quả thí nghiệm

cho thấy giá thể hữu cơ ở mức trung tính (pHKCl= 7,28); hàm lượng hợp chất hữu cơ, đạm, lân, kali tổng số cao và tương đương với một số giá thể hữu cơ phổ biến trên thị trường. Các mức bón phân lân, phân kali khác nhau (trên cùng một mức bón phân đạm) không làm thay đổi năng suất quả cà chua. Tổ hợp mức bón 6,0 g N; 4,5 g P2O5; 6,0 g K2O trên 1 chậu giúp cây cà chua đạt khối lượng trung bình quả cao (78,32 g), năng suất thực thu cao (2,38 kg quả/chậu), hiệu suất chung của phân bón đạt 89,33 kg quả/kg phân nguyên chất. Phân kali có ảnh hưởng rõ nét tới hàm lượng đường saccaroza trong quả cà chua và đạt trên 5,0%

ở mức bón 4,0 - 6,0 g K2O/chậu [11].

Trần Thị Ba cùng cộng sự (2016), đã khảo sát sự sinh trưởng và năng suất của rau xà lách thủy canh trên giá thể bông gòn lọc nước hồ cá. Kết quả đã xác định được độ cao giá thể bông gòn lọc nước hồ cá thích hợp cho thủy canh xà lách hướng tới sản xuất qui mô lớn đồng thời khắc phục được trở ngại giá thể mụn xơ dừa là vật liệu hữu cơ dễ làm bẩn dung dịch dinh dưỡng và làm tắc nghẽn đường lưu thông của dung dịch dinh dưỡng. Kết quả cho thấy, xà lách trồng trong rọ chuyên dùng, sử dụng giá thể bông gòn lọc nước hồ cá ở độ cao 4 cm cho sinh trưởng tốt nhất về chiều cao cây, số lá trên cây, kích thước lá (chiều dài và đường kính), đường kính gốc thân, chiều dài rễ, cho năng suất tổng và năng suất thương phẩm cao nhất (238,61 và 169,69 g/m2 ) [2].

Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Thùy Vân, Lê Thị Thủy (2016), đã xác định ảnh hưởng của các dung dịch dinh dưỡng đến một số chỉ tiêu liên quan đến năng suất và phẩm chất cây rau dền đỏ (Amaranthus tricolor) trồng thủy canh. Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của 3 dung dịch dinh dưỡng phổ biến là Knop, Hydro Greens và Bio life. Qua kết quả nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh trưởng và sinh lí - hóa sinh của rau dền đỏ cho thấy, Knop là dung dịch cho kết quả tốt về cả hai nhóm chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao cây, khối lượng tươi khô, diện tích lá và nhóm chỉ tiêu liên quan đến chất lượng rau như hàm lượng carotenoid, vitamin C, đường khử, sắt và kali [4].

Năm 2017, Trần Thị Thanh Huyền và cộng sự đã đánh giá ảnh hưởng của ba dung dịch dinh dưỡng Hoagland, TC Mobi, Knop đến năng suất và chất

lượng quả của cây cà chua Chanoka F1 thủy canh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dung dịch Hoagland có tác động tích cực tới các chỉ tiêu sinh trưởng (chiều cao cây), năng suất (số chùm hoa/cây, số hoa/cây, số quả/cây, tỉ lệ đậu quả, khối lượng quả) và chất lượng quả (hàm lượng vitamin C, đường khử, Fe và Mg) của cây cà chua Chanoka F1 cao hơn so với hai dung dịch còn lại. Ngược lại, cây cà chua trồng trong dung dịch Knop có năng suất và chất lượng thấp nhất. Bên cạnh đó hàm lượng nitrat trong quả thấp hơn giới hạn an toàn của WHO khi cây được trồng trong cả ba dung dịch nghiên cứu [5].

Tuy nhiên đến nay chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của các loại dung dịch đến sinh trưởng và năng suất của cà chua đen thủy canh được thực hiện.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ DUNG DỊCH DINH DƯỠNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT CÂY CÀ CHUA ĐEN THỦY CANH (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)