*. Thời điểm mổ lấy thai
- Mổ lấy thai chủ động có 93 ca, chiếm 18,35%, tỷ lệ này cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyền Thị Hằng [4] là 3,2%. Mổ lấy thai chủ động giúp thầy thuốc chủ động trong việc chuẩn bị tốt cuộc mổ, giảm tai biến cho mẹ và con. Tuy nhiên MLT chủ động không cân nhắc kỹ có thể gặp một số rủi ro như thai chưa đủ tháng và đặc biệt là khi MLT chủ động cổ tử cung chưa mở, chưa thành lập đoạn dưới sẽ dẫn đến một số biến chứng sau mổ như chảy máu, bế sản dịch, viêm niêm mạc tử cung, nhiễm trùng tử cung …
Mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ có 414 ca, chiếm 81,7%, MLT khi đã có chuyển dạ đa số là chỉ định tương đối và thường trên một sản phụ có nhiều chỉ định kết hợp, điều này cũng đồng nghĩa với tỷ lệ MLT do nguyên nhân tương đối ngày càng tăng.
*. Phương pháp vô cảm
- Gây tê tủy sống để mổ lấy thai có 506 ca, chiếm 99,8%, tỷ lệ này tương đương với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng [4] là 98,8%.
- Gây mê nội khí quản có duy nhất 01 ca ( mẹ bị bệnh tim), chiếm 0.2%, kết quả nghiên cứu này tương đương với tác giả Nguyễn Thị Hằng [4].
*. Đường mổ lấy thai
- Mổ lấy thai theo đường ngang trên vệ có 494 ca, chiếm 97,4%, kết quả này cao hơn của tác giả Nguyễn Thị Hằng [4] là 86,4% và Nguyễn Thị Bình [1] là 84,3%. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng xã hội hiện nay vì nhu cầu thẩm mỹ và giá trị cuộc sống ngày càng cao.
- Mổ đường trắng giữa dưới rốn có 13 trường hợp, chiếm 2.6%, đây hoàn toàn là những trường hợp xẹo mổ cũ lấy thai đã thực hiện lầ trước, không có trường hợp nào mổ lần đầu thực hiện theo đường ngang trên vệ.
*. Phương pháp mổ lấy thai
Phương pháp mổ rạch ngang đoạn dưới tử cung lấy thai 507 ca, chiếm 100% các trường hợp phẫu thuật lấy thai. Cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng [4] là 99,6%, Nguyễn Thị Bình [1] là 98,4%.
*. Phẫu thuật kèm theo
- Đình sản kèm theo khi mổ lấy thai có 12 ca, chiếm 2.4%, đây là số ít trường hợp đã đủ 2 con, có nguyện vọng xin đình sản tự nguyện;
- Cắt tử cung kèm theo có 3 ca, chiếm 0.6%. Phẫu thuật lấy thai kèm cắt tử cung là giải pháp cuối cùng, vì các trường hợp này có biến chứng chảy máu trong quá trình MLT, đã thực hiện các biện pháp cầm máu không có kết quả. Tỷ lệ này tương đương nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng [4] là 0,6%
*. Sự phân bố trọng lượng sơ sinh
Trong bảng 3.17. Sự phân bố trọng lượng thai nhi như sau:
-Trọng lượng thai nhi dưới 2500 gram có 22 ca, chiếm 4.3%, tỷ lệ này thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Bình [1] là 5,2%
- Trọng lượng thai từ 2500 – 2900 gram có 169 ca, chiếm 33,3%, đây là tỷ lệ trung bình, cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bình [1] là 11,9%.
- Trọng lượng thai nhi từ 3000 – 3400 gram có 232 ca, chiếm 45,8%, tỷ lệ này cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng [4] là 40,4%
- Trọng lượng thai nhi trên 3500 gram có 84 ca, chiếm 16,6%, thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bình [1] là 21,6% và Nguyễn Thị Hằng [4] là 28,8%.
*. Chỉ số Apgar của trẻ sơ sinh ở phút thứ nhất
- Chỉ số Apgar của trẻ sau mổ từ 4 – 5 điểm có 01 ca, chiếm 0.2%, trường hợp suy thai cấp, sau khi phẫu thuật trẻ tử vong sau 2 ngày.
- Chỉ số Apgar từ 6-7 điểm có 3 ca, chiếm 0.6%, tương đương kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bình [4] là 4 ca.
- Chỉ số Apgar từ 8 – 10 điểm có 503 ca, chiếm 99,2%. Tỷ lệ này tương đương nghiên cứu của hầu hết các tác giả. Điều này giải thích do kỹ thuật và trình độ gây tê tủy sống vô cảm mổ lấy thai, trình độ của phẫu thuật viên, kinh nghiệm cấp cứu ngạt sơ sinh của nhân viên y tế ngày càng cải thiện và tiến bộ.
*. Tai biến trong mổ lấy thai
Chảy máu trong khi mổ lấy thai có 03 ca, chiếm 0.6%, trong 3 trường hợp này phải xử lý cắt tử cung cấp cứu vì đã áp dụng các biện pháp bảo tồn tử cung không có kết quả. Tổn thương Bàng quang trong khi mổ lấy thai có 01 ca, chiếm 0.2%, tuy nhiên không cần can thiệp bàng quang.
*. Biến chứng sau mổ lấy thai
Nhiềm trùng vết mổ có 8 ca, chiếm 1.6%; thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng [4] là 3,41%. Ngoài ra chúng tôi không gặp các biến chứng khác.
*. Sử dụng kháng sinh sau khi mổ:
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tất cả các trường hợp sau mổ đều dùng 01 loại kháng sinh, kể các 8 trường hợp nhiễm trùng vết mổ cũng không cần bổ sung thêm kháng sinh.
*. Thời gian điều trị:
- Thời gian điều trị trung bình cho một sản phụ kể từ lúc vào viện đến khi phẫu thuật và điều trị ổn định ra viện là: 8,08 +/- 2,16 ngày; trong đó thấp nhất là 01 ngày, cao nhất là 20 ngày.
- Thời gian điều trị trung bình cho một sản phụ sau mổ là: 7,09 +/- 0,85 ngày, trong đó thấp nhất là 01 ngày, cao nhất là 18 ngày.
Những trường hợp ít ngày nằm viện là do sau MLT con ngạt nặng, chuyển viện và chuyển cả mẹ ( sau đó con tử vong), các trường hợp điều trị dài ngày sau phẫu thuật là do nhiễm trùng vết mổ.