CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG THEO CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH NÔNG NGHIỆP
1.3. KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI TÍN DỤNG THEO CHUỖI GIÁ TRỊ TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO TÍN DỤNG NGÂN HÀNG THEO CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
1.3.2. Một số bài học rút ra cho tín dụng ngân hàng theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam đã và đang tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tín dụng theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp hiệu quả là nền tảng để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập của Thế giới. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai tín dụng theo chuỗi giá trị đã triển khai trên thế giới, bài học rút ra cho chuỗi giá trị ngành nông nghiệp Việt Nam là:
1.3.2.1. Sự hỗ trợ của Chính phủ, các đơn vị hỗ trợ
- Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc triển khai mô hình cho vay này.
- Tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp là phương thức hỗ trợ vốn cho người nông dân tốt hơn là các quỹ tài trợ không hoàn lại vì hình thức cho vay này nâng cao trách nhiệm trả nợ của người nông dân hơn, hạn chế tình trạng ỷ lại của người nông dân đối với các khoản cho vay không hoàn lại/các khoản tài trợ.
- Chính phủ định hướng phát triển mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp và khuyến khích sự tham gia của các ngân hàng vào trong chuỗi giá trị nông sản. Thực hiện TCTD theo chuỗi giá trị nông sản được thực hiện chặt chẽ, nhất quán dưới sự điều hành theo pháp luật của Nhà nước.
- Các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động hoạt động theo mục tiêu vì sự phát triển bền vững của ngành nông sản nhưng vẫn thực hiện theo đúng quy định của chính quyền, đơn vị hỗ trợ.
- Chính phủ yêu cầu và khuyến khích các giao dịch nông sản phải thực hiện bằng cách ký kết hợp đồng mua bán. Khuyến khích sự hỗ trợ của các đơn vị ngoài chuỗi tham gia vào việc nâng cao kỹ năng nuôi trồng, sản xuất cho các thành viên trong chuỗi.
- Nhà nước, Chính phủ có những chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tham gia vào tín dụng theo chuỗi giá trị.
1.3.2.2. Nâng cao hiểu biết về tín dụng ngân hàng theo chuỗi giá trị cho cán bộ ngân hàng và khách hàng
- Tăng cường công tác truyền thông đến hộ nông dân về lợi ích khi tiếp cận chuỗi giá trị cùng nguồn vốn tài trợ cho chuỗi giá trị. Các bên tham gia trong chuỗi giá trị đều được hưởng những lợi ích hợp lý từ việc phát triển bền vững của ngành nông sản. Nông dân thường hoạt động trên địa bàn rộng, thậm chí là vùng sâu vùng xa. Vì thế, nhiều nông dân chưa hiểu rõ về quyền lợi và sự thuận tiện khi tiếp cận với mô hình cho vay này. Các đơn vị hỗ trợ như cơ quan ban ngành, trường, viện nghiên cứu, ngân hàng… cần đào tạo cho đơn vị này trong chuỗi nhằm: nâng cao kỹ thuật nuôi trồng để có sản lượng, chất lượng nông sản tốt; Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của chuỗi; Nâng cao kỹ năng quản trị dòng tiền và tính toán thời hạn trả nợ của người nông dân.
- Đối với mỗi chuỗi giá trị, cán bộ ngân hàng cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hoạt động của chuỗi giá trị đó. Từ đó, ngân hàng sẽ nâng cao khả năng quản lý và giám sát chuỗi giá trị cũng như dòng vốn tài trợ của ngân hàng.
1.3.2.3. Công tác triển khai tín dụng theo chuỗi giá trị nông sản
- Ngân hàng thực hiện thẩm định uy tín, năng lực tài chính, năng lực sản xuất, triển vọng phát triển của chuỗi và từng tác nhân trong chuỗi một cách chặt chẽ;
- Ngân hàng trao quyền cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị. Trên cơ sở đó, họ tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh và việc hoàn trả khoản vay dựa trên kiểm tra chéo lẫn nhau thông qua kiến thức, kỹ năng, thông tin kịp thời;
- Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, các tác nhân tham gia trong chuỗi, nhất là các hộ nông dân, thường không có tài sản thế chấp là bất động sản để đảm
bảo khoản vay. Ngân hàng nên linh động sử dụng nông sản do họ sản xuất để làm tài sản thế chấp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của các đơn vị trong chuỗi;
- Để tài trợ chuỗi giá trị tốt, ngân hàng phải liên kết chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ chuỗi giá trị. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thêm thông tin về chuỗi, kiểm soát được dòng tiền và được hỗ trợ thu hồi vốn vay trong trường hợp cần thiết;
- Bao thanh toán được sử dụng để giải quyết được nhu cầu tiền mặt của hộ nông dân trong chuỗi giá trị ngành chè. Hộ nông dân có thể sử dụng hóa đơn đã được ngân hàng bao thanh toán như là một hình thức tiền mặt;
- Đa dạng hóa các hình thức chuyển khoản để phù hợp với những người không có tài khoản ngân hàng; xây dựng Bộ luật tín dụng, quy định về cho vay theo chuỗi giá trị nói riêng chặt chẽ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 của luận án đã tổng hợp những nghiên cứu nổi bật, đặc trưng về tín dụng theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Cách sắp xếp được nghiên cứu sinh thực hiện bắt đầu từ những nghiên cứu về khái niệm chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khái niệm tín dụng theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp cùng đặc điểm, rủi ro, các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình triển khai mô hình cho vay này và cuối cùng là các nghiên cứu về sự ứng dụng công nghệ trong cho vay theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở nước ngoài. Nghiên cứu trong nước về vấn đề này tập trung ở dạng bài báo, bài tham luận, bài phát biểu hội thảo chứ chưa được thực hiện nghiên cứu hàn lâm và toàn diện. Trên cơ sở khoảng trống nghiên cứu, nghiên cứu sinh đặt ra câu hỏi nghiên cứu và thiết lập khung nghiên cứu để là nền tảng tiến hành thực hiện luận án.
Ở phần tiếp theo, các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị, chuỗi giá trị ngành cá tra được luận giải. Tiếp theo đó, nghiên cứu sinh thực hiện phân tích các vấn đề có liên quan đến tín dụng theo chuỗi giá trị ngành cá tra, bao gồm: khái niệm, đặc điểm, vài trò, các nhân tố ảnh hưởng, quy trình thực hiện, quản trị rủi ro và ứng dụng công nghệ. Trên cơ sở thống kê quá trình thực hiện tín dụng theo chuỗi giá trị tại một số quốc gia trên thế giới được thực hiện ở phần cuối cùng của chương, nghiên cứu sinh đã rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc triển khai mô hình cho vay này đối với ngành nông nghiệp.