Chương 2: Chương 2: PHÂN TÍCH NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM SANG TRUNG QUỐC (2016-2018)
2.4 Nhóm nhân tố khác
18
Theo ghi nhận của FAO, chênh lệch giá gạo nội địa Trung Quốc và giá gạo của các nước xuất khẩu tiếp tục duy trì mức cao trong nửa đầu năm 2018.
Đáng chú ý, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách siết chặt nhập khẩu để cho giá gạo nội địa mua vào trên thị trường nước này giữ ở mức cao, qua đó, kích thích nông dân Trung Quốc tích cực sản xuất lúa gạo hơn trước, nhằm thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp lương thực, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, dù là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng sản xuất năm 2018 là 145.3 triệu tấn3, cao hơn nhiều so với quốc gia xếp sau là Ấn Độ (115.6 triệu tấn)3, hay Việt Nam (43.98 triệu tấn); chủ yếu để cung cấp cho nội địa. Do đó, ngoài phải cạnh tranh với gạo từ các đối thủ, gạo Việt Nam phải đối mặt với “đe dọa”
từ gạo nội địa Trung Quốc.
Điều này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc, làm giá gạo Việt tại thị trường này ngày càng khó cạnh tranh với gạo sản xuất trong nước.
Thái Lan:
Nhu cầu của Trung Quốc đối với gạo Thái Lan giảm kể từ đầu năm 2018 do đồng baht tăng so với đồng USD, đây là lợi thế lớn với gạo nước ta về mặt giá cả bởi giá gạo của Thái Lan trong giai đoạn này không cạnh tranh được so với nước ta và Pa-ki-xtan. Đồng thời, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu gạo (giảm 6.61% so với 2017, Phụ lục 1.5) vì chính sách thuế của Trung Quốc đối với nếp áp dụng cho gạo xuất xứ từ ASEAN.
Tuy vậy, xét về thương hiệu và chất lượng, gạo Thái Lan làm tốt hơn Việt Nam rất nhiều, nhất là việc quảng bá thương hiệu quốc gia. Thậm chí, trong nửa cuối năm 2018, Cục lúa gạo Thái Lan tìm kiếm sự hợp tác từ các nhà máy gạo để giảm giá thành của giống Jasmine 85 (một giống lúa của Việt Nam) vì giống lúa này không phải giống bản địa và không được đăng ký tại Thái Lan; cho thấy Chính phủ nước này quan tâm và mạnh tay thế nào.
Pa-ki-xtan:
Trong giai đoạn 2017-2018, xuất khẩu gạo tại Pa-ki-xtan khởi sắc (tăng 55.23%, Phụ lục 1.5) nhờ sản xuất nội địa bội thu (theo FAO).
Cam-pu-chia:
Xuất khẩu gạo trong năm 2018 của Cam-pu-chia sang Trung Quốc tăng lên đáng kể (tăng 21.48% so với cùng kỳ, Phụ lục 1.5), sau khi Trung Quốc nới rộng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm này cho Cam-pu-chia lên 300,000 tấn.
3 Số liệu từ Food Outlook Biannual Report On Global Food M arkets của FAO xuất bản tháng 5/2019
19
Các đối thủ cạnh tranh khác:
- Ấn Độ: gạo Ấn Độ không được ưa chuộng tại Trung Quốc, chỉ chiếm 0.003% thị phần (2018, theo Trade Map). Xuất khẩu gạo Ấn Độ gặp khó khăn trong năm 2018 vì Chính phủ thu mua lúa gạo trong nước khiến gạo vụ mới đắt đỏ hơn so với các đối thủ; đồng thời vào cuối năm 2018, đồng rupee tăng mạnh cũng khiến giá gạo Ấn Độ giảm sức cạnh tranh.
Tuy vậy, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này (2018) được dự báo sẽ cạnh tranh với thị trường gạo Việt Nam tại Trung Quốc trong giai đoạn sắp tới vì trước đó, 100 tấn gạo non-basmati 5% tấm của Ấn Độ đã được xuất sang thị trường Trung Quốc, chứng tỏ sự tăng “gia nhập” của thương nhân Ấn Độ tại thị trường này. Đồng thời, do đồng rupee, giá gạo Ấn Độ rẻ hơn so với gạo cùng loại của Việt Nam (từ 333-374 USD/tấn với gạo 25% tấm so với mức 332-391 USD/tấn của Việt Nam, giai đoạn 2016-2018, theo FAO).
- Mi-an-ma: khuynh hướng xuất khẩu lúa của Mi-an-ma sang Trung Quốc đại lục vẫn tiếp diễn mạnh, do nguồn cung gạo dồi dào từ thị trường này.
2.4.2 Rào cản kỹ thuật
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2018, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là liên quan đến hàng rào kỹ thuật, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà thị trường Trung Quốc đặt ra.
Cụ thể, Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc được sửa đổi và có hiệu lực từ tháng 10 năm 2015. Riêng về gạo, Luật này tăng cường công tác kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, đưa ra nhiều tiêu chuẩn quốc gia quan trọng như:
(1) Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về nồng độ tối đa của độc tố trong thực phẩm (Tiêu chuẩn GB 2761-2011);
(2) Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về nồng độ tối đa của chất gây ô nhiễm trong thực phẩm (Tiêu chuẩn GB 2762-2012);
(3) Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về dư lượng tối đa của thuốc trừ sâu trong thực phẩm (Tiêu chuẩn GB 2763-2014);
(4) Tiêu chuẩn vệ sinh đối với hạt (Tiêu chuẩn GB 2715-2005);
(5) Tiêu chuẩn về gạo (Tiêu chuẩn GB 1354-2009) gồm gạo thường và gạo chất lượng cao.
Đồng thời, thị trường này yêu cầu gạo nhập khẩu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các nhà chế biến và bảo quản gạo xuất khẩu sang Trung Quốc phải đảm bảo gạo sạch sâu bệnh và côn trùng sống; phải hoàn toàn sạch đất, lúa và cỏ, trấu, cám hay bất cứ phần nào của cây lúa và gạo. Đầu năm 2018, có 3 trong số 22 doanh nghiệp Việt Nam bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.
20
Trong năm 2019, (lúc đầu, Trung Quốc muốn áp dụng ngay từ 1/1/2019, nhưng Bộ NN- PTNT Việt Nam đã đàm phán và được Trung Quốc đồng ý lùi thời hạn áp dụng đến giữa năm 2019), gạo xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau: thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa tới cơ sở quốc kiểm của Trung Quốc để kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và có dấu của cơ quan quốc kiểm Trung Quốc (nếu không hợp lệ sẽ bị từ chối cấp chứng thư để nhập khẩu vào nước này).
Với sự thay đổi này, nếu ngành gạo Việt Nam và các doanh nghiệp không kịp thích ứng thì sẽ rất khó đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Kết luận Chương 2
Chương 2 phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc (2016-2018). Có nhiều nhân tố tác động đến xuất khẩu gạo bao gồm nhân tố nội tại, nhân tố tại thị trường Trung Quốc và thế giới, cũng như những rào cản về kỹ thuật và sự cạnh tranh từ của đối thủ trong ngành. Những phân tích trong chương này sẽ làm cơ sở đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu gạo trong Chương sau.
21