Hình sau sẽ mô tả khái quát quá trình hình thành một nến pin bar từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc. Chúng ta lấy điển hình 3 trạng thái.
Hình 7.1: 3 trạng thái của một cây pinbar
Vấn đề đặt ra là: Người giao dịch đã làm gì để hình thành lên pinbar này?
Phản ứng của người giao dịch trong và sau khi hình thành cây nến pinbar này ra sao?
Đương nhiên sẽ không có câu trả lời chính xác vì còn tùy thuộc vào suy nghĩ của đám đông người giao dịch trong từng thời điểm. Để đơn giản chúng ta có thể tập trung vào các điểm cực và dễ dàng xác định được sự phản ứng của người giao dịch.
Hình 7.2: Sự mua bán tại các điểm cực của cây nến 1. Nhóm bán khi bắt đầu cây nến.
2. Nhóm mua khi bắt đầu cây nến.
3. Nhóm bán ở điểm thấp nhất của cây nến.
4. Nhóm mua ở điểm thấp nhất của cây nến.
7.1.1. Những người bán ở trạng thái 1
Họ sẽ cảm thấy mừng rỡ khi cây nến bước sang trạng thái 2. Nhưng sau đó nhanh chóng trở thành lo âu khi nó bước sang trạng thái 3 và thổi bay lợi nhuận của họ. Trong đầu họ luẩn quẩn những suy nghĩ như:
“Mình có nên đóng lệnh để chấp nhận lời nhỏ trước khi giá quay về điểm vào lệnh hoặc thậm chí đi lên?”
“Có khi nào lệnh này sẽ thua lỗ?” “Tôi có nên thoát bây giờ”
7.1.2. Những người mua ở trạng thái 1
Xuyên suốt sự hình thành của cây nến, những người này không có một chút vui mừng vì giá không di chuyển lên trên điểm cao nhất của nó một chút nào cả.
những người này chịu nhìn thị trường ăn mòn dần tài khoản của mình, vấn đề là ít hay nhiều mà thôi. Khi cây nến ở trạng thái 2 thì đó là một khoảng thời gian tồi tệ đối với họ.
Nhưng khi cây nến kết thúc với trạng thái thứ 3 thì cũng là một lý do để họ bớt căng thẳng hơn dù họ vẫn chưa ở trạng thái có lợi nhuận. Họ tiếp tục hy vọng vào những cây nến tiếp theo giá sẽ vượt lên.
7.1.3. Những người bán ở điểm thấp nhất cây nến trong trạng thái 2 Những người này ở trong tình huống cực kỳ tệ hại và thị trường không di chuyển được một pip nào theo hướng có lợi cho họ.
Khi cây nến kết thúc họ vẫn ở trong tình trạng báo động đỏ. Một số người sẽ đóng lệnh của họ và chấp nhận thua lỗ vì cho rằng họ đã sai lầm. Một số khác thì sẽ vẫn ngoan cố, tiếp tục hy vọng giá sẽ quay lại để ít nhất là bảo toàn vốn của mình.
7.1.4. Những người mua ở điểm thấp nhất cây nến trong trạng thái 2 Đây là nhóm người hạnh phúc và sung sướng nhất. Họ không chịu một pip nào đi ngược lại với mong muốn của họ. Họ xem mình như một anh hùng và cực kỳ tự tin.
Có khả năng họ sẽ đóng vị thế của mình hay không?
Chắc chắn phần đông là không. Họ quá tự tin với lệnh giao dịch này và không tội gì phải thoát lệnh để đứng ngoài cả.
7.1.5. Suy luận về sức ép
Bây giờ chúng ta tổng kết tất cả những diễn biến tâm lý trong các trường hợp nêu trên để có cái nhìn toàn cảnh.
1. Những người bán này lo lắng, sợ hãi (khả năng thoát lệnh).
2. Những người mua này lạc quan, hy vọng (khả năng giữ lệnh).
3. Những người bán này tuyệt vọng (khả năng thoát lệnh).
4. Những người mua này rất tự tin (khả năng giữ lệnh hoặc thậm chí là mua thêm)
Tổng kết lại có thể thấy nó tạo ra một lực mua hay gọi là sức ép mua. Những người bán thì muốn đóng lệnh và có thể mua lên, những người mua thì tiếp tục giữ lệnh.
Bằng logic tương tự các bạn cũng có thể suy luận với những cây nến pinbar có bóng nến trên dài thể hiện áp lực bán mạnh.
Hình 7.3: Sức ép thể hiện qua bóng nến
Vùng sức ép đánh dấu ra các vị trí thể hiện lực mua hay bán bởi các bóng nến đã hình thành. Mặc dù trong ví dụ để giải thích nêu trên tôi sử dụng cây nến pin bar nhưng để xác định vùng sức ép không nhất thiết phải là pin bar, các bạn sẽ tìm hiểu rõ ở phần sau. Để xác định vùng sức ép, chúng ta không chỉ tập trung vào một cây nến riêng lẻ mà là một nhóm các nến.