Thuyết nhận thức – hành vi lập luận rằng: Chính tư duy quyết định phản ứng chứ không phải tác nhân kích thích (ngoại cảnh) quyết định phản ứng. Sở dĩ, có những hành vi hay tình cảm lệch chuẩn là vì có những suy nghĩ không phù hợp.
Như vậy, để làm thay đổi những hành vi lệch chuẩn thì cần thay đổi chính những suy nghĩ không thích nghi.
Lý thuyết nhận thức – hành vi tập trung vào các trị liệu nhằm hướng đến sự thay đổi trong hành vi. Thuyết không thực sự quan tâm đến tiến trình thay đổi diễn ra trong tâm trí con người khi họ thay đổi hành vi.
Để diễn giải điều này, Sheldon (1995) đã coi lý thuyết nhận thức – hành vi giống như sự tách biệt giữa tâm trí và hành động. Bên cạnh đó, lý thuyết học tập đã mở rộng quan niệm này bằng cách lập luận rằng: hầu hết quá trình học tập đều được thực hiện nhờ có suy nghĩ và quan niệm của mỗi người về những gì mà họ đã trải nghiệm. Con người học tập bằng cách quan sát, ghi nhớ và lặp lại những cách ứng xử của người khác trong hoàn cảnh tương tự. Vậy nên việc chú trọng vào quá trình này sẽ có thể góp phần tích cực cho việc hỗ trợ đối tượng có hành vi phù hợp hơn.
Từ đó nhận thấy rằng, con người hoàn toàn có khả năng học tập các hành vi mới để thỏa mãn các nhu cầu trong quá trình phát triển của cá nhân, hoặc để thay thế các hành vi đang có mà không còn phù hợp. Nói cách khác, con người có thể học hỏi để tập trung nghĩ về việc nâng cao cái tôi, điều đó sẽ sản sinh các hành vi, thái độ thích nghi và củng cố nhận thức.
Dựa trên cách tiếp cận thuyết nhận thức – hành vi, nhân viên công tác xã hội có thể tìm kiếm, kết nối nguồn lực để cha mẹ của những gia đình có trẻ tảo hôn, có cơ hội được cập nhật, học hỏi các kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giáo dục con hiệu quả cùng trong các mô hình tại địa phương. Qua đó giúp cha mẹ củng cố kiến thức đã có, học tập các kiến thức mới, tháo gỡ được những khó khăn đang gặp phải, thay đổi suy nghĩ, áp dụng các hành vi tích cực trong giáo dục phòng chống nạn tảo hôn hiện nay.
1.5.1.2. Thuyết nhu cầu
Thuyết nhu cầu Maslow (Maslow's hierarchy of needs) do nhà tâm lý học Abraham Maslow đưa ra vào năm 1943 và được thừa nhận là có tầm ảnh hưởng rộng rãi, sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo A. Maslow, nhu cầu tự nhiên của con người được chia thành các thang bậc từ "đáy” lên tới “đỉnh”, phản ánh mức độ "cơ bản” của nó đối với sự tồn tại và phát triển của con người vừa là một sinh vật tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội.
Trong thời điểm đầu tiên của lý thuyết, Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc:
-Nhu cầu cơ bản (basic needs)
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, không khí để thở, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,…
đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất. Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được.
-Nhu cầu về an toàn, an ninh (safety, security needs)
Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, khi đó các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần. Con người mong muốn có sự bảo vệchosự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm. Do vậy, nhu cầu này sẽ trở thành động cơ hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp, nguy khốn đến tính mạng như chiến tranh, thiên tai,..
Nhu cầu an toàn cũng được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống như: có nhà cửa để ở, sống trong các khu phố an ninh, trong xã hội có pháp luật…hay nhiều người tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, triết học cũng là do nhu cầu an toàn này, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần.
-Nhu cầu về xã hội/ Nhu cầu được chấp nhận (social needs)
Nhu cầu về xã hôi cò n được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộphận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, đi chơi picnic, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm …Mặc dù Maslow xếp
nhu cầu này sau hai nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần kinh.
-Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện hai cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn.
-Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)
Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person’s need to be and do that which the person was“born to do” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.
Thuyết nhu cầu của A. Maslow là thuyết đạt tới đỉnh cao trong việc nhận dạng các nhu cầu tự nhiên của con người nói chung và cho đến nay, chưa có thuyết nào vượt qua hoặc thay thế được, về cơ bản thuyết được tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng rất phổ biến ở nhiều lĩnh vực.
Áp dụng thuyết nhu cầu của Maslow trong “Nghiên cứu thực trạng tảo hôn ở xã Ngọc Minh xã Ngọc Minh huyện Vị Xuyêntỉnh Hà Giang” sẽ giúp cho ta có thể xác định, đánh giá đươc nhu cầu thực tế của thân chủ. Khi xác định được những nhu cầu nào là quan trọng và cần được đáp ứng đầu tiên của thân chủ, nhân viên CTXH sẽ có cơ sở để thiết lập kế hoạch can thiệp và huy động các nguồn lực liên quan. Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi thì nhu cầu ưu tiên là đươc sống trong môi trường an toàn và có đủ điều kiện để phát triển bản thân, sau đó là các nhu cầu tiếp theo. Có nền tảng cơ sở này, các em mới có thể thực hiện được những mong muốn như: tham gia học tập, sống lành mạnh, tích cực, có động lực vươn lên và làm việc có ích cho xã hội.Như vậy, quá trình trợ giúp thân chủ này
chính là việc đáp ứng và tự đáp ứng một cách bền vững những nhu cầu còn thiếu hụt của mình.
1.5.1.3.Lý thuyết hành động xã hội
Nói tới hành động là nói tới việc chủ thể gắn cho hành vi của mình một ý nghĩ chủ quan nào đó. Hành động kể cả hành động thụ động và không hành động đều được coi là hành động xã hội khi ý nghĩa chủ quan của nó có tính đến hành vi của người khác trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai, ý nghĩa chủ quan đó định hướng hành động.
Max Weber cho rằng: “Hành động” có nghĩa là một thái độ của con người (tự có, hành động bên ngoài hoặc bên trong, không được phép hoặc được phép), khi và chỉ khi chủ thể gắn liền thái độ của mình với một ý nghĩa chủ quan. “Hành động xã hội” thì lại là hành vi có định hướng ý nghĩa theo thái độ của những người khác”.
M.Weber cho rằng việc phân loại hành động xã hội của con người có ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội học vì, mặc dù nghiên cứu hành động người, khoa học xã hội học chủ yếu quan tâm đến hành động xã hội. M.Weber đã phân hành động xã hội thành 4 loại cơ bản là:
Hành động duy lý - công cụ: là hành động được thực hiện với sự cân nhắc, tính toán, lựa chọn công cụ, phương tiện, mục đích sao cho có hiệu quả cao nhất.
Hành động duy lý giá trị: là hành động được thực hiện vì bản thân hành động (mục đích tự thân). Thực chất loại hành động này có thể nhằm vào những mục tiêu phi lý nhưng lại được thực hiện bằng những công cụ, phương tiện duy lý.
Hành động cảm tính (xúc cảm): là hành động do các trạng thái cảm xúc hoặc tình cảm bột phát gây ra, mà không có sự cân nhắc, xem xét, phân tích mối quan hệ giữa công cụ, phương tiện và mục đích hành động.
Hành động theo truyền thống: là loại hành động tuân thủ những thói quen, nghi lễ, phong tục, tập quán đã được truyền lại từ đời này sang đời khác.
Vận dụng thuyết hành động xã hội vào “Nghiên cứu thực trạng tảo hôn ở xã Ngọc Minh xã Ngọc Minh huyện Vị Xuyêntỉnh Hà Giang” giúp ta hiểu được vì sao
bản thân các trẻ em (nạn nhân của nạn tảo hôn) lại chấp nhận cuộc sống như vậy?
Ở mỗi điều kiện hoàn cảnh khác nhau thì trẻ em (nạn nhân của nạn tảo hôn) có những hành động khác nhau được thể hiện thông qua thái độ, cử chỉ, lời nói và những suy nghĩ, hành vi. Nhân viên CTXH phải hiểu được động cơ và mục đích của trẻ (nạn nhân) để có sự trợ giúp tốt nhất.