Thảo luận vấn đề nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm học và sinh thái quần thể loài thông 5 lá (pinus dalatensis ferré) ở tây nguyên (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Thảo luận vấn đề nghiên cứu

Tổng quan các vấn đề nghiên cứu liên quan đến đặc điểm lâm học, sinh thái rừng nói chung và của riêng quần thể loài Thông 5 lá cho thấy:

- Khoa học về lượng hóa cấu trúc, mô hình hóa sinh trưởng đã được phát triển mạnh nhờ sự tiến bộ của khoa học tin học, công nghệ thông tin, khoa học sinh trắc rừng. Đây là nền tảng cho nghiên cứu lượng hóa hình thái cấu trúc, động thái rừng phục vụ cho quản lý lâm sinh, bảo tồn rừng có hiệu quả, đáng tin cậy.

- Mô hình đa nhân tố đã giúp cho việc phát hiện có hiệu quả, đáng tin cậy sự ảnh hưởng của các nhân tố sinh thái đến sinh trưởng, phân bố loài làm cơ sở xác định vùng phân bố, khu vực phục hồi rừng phù hợp với yêu cầu sinh thái cá thể và quần thể.

- Ảnh hưởng của nhân tố khí hậu đến sinh trưởng cây rừng hoặc ngược lại sử dụng sự biến động của độ vòng năm để nghiên cứu biến động khí hậu là một ngành khoa học kinh điển trên thế giới, tuy nhiên áp dụng còn hạn chế ở Việt Nam. Trong tình hình biến đổi khí hậu thì lĩnh vực khoa học này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nghiên cứu, ứng dụng để quản lý lâm sinh thích ứng với biến đổi khí hậu, hoặc dự báo biến đổi khí hậu từ nghiên cứu biến động về rộng vòng năm của cây rừng.

- GIS ứng dụng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực khoa học và thực tiễn; trong đó đối với lâm nghiệp thì GIS cùng với ảnh viễn thám đã và sẽ có tiềm năng nghiên cứu ứng dụng cao hơn cả do những biến số của rừng liên quan chặt chẽ đến các lớp dữ liệu bản đồ theo không gian và thời gian. Từ đó cho phép quản lý, bảo tồn rừng trên diện rộng có hiệu quả, đạt độ tin cậy.

Đối với quần thể Thông 5 lá, do tính đặc hữu, phạm vi phân bố hẹp, hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung vào mô tả hình thái, ghi nhận vùng phân bố mới, xếp loại, đặt tên loài trong hệ thống phân loại thực vật; chỉ mới có một vài nghiên cứu liên quan đến cấu trúc rừng, tình hình tái sinh của loài nhưng trên phạm vi riêng lẻ cho từng khu vực; và hầu như chưa có những nghiên cứu đầy đủ về cấu trúc, tái sinh, sinh học, sinh thái loài, động thái của quần thể và đa dạng di truyền cũng như các mô hình bảo tồn cho loài này (Farjon, 2002)[104].

Vì vậy các vấn đề sau cần quan tâm nghiên cứu liên quan đến loài Thông 5 lá trong lĩnh vực lâm học, sinh thái học như sau:

- Về cấu trúc quần thể thực vật rừng: Mô phỏng cấu trúc lâm phần nơi có loài phân bố tự nhiên Thông 5 lá và đặc điểm cấu trúc cho riêng loài Thông 5 lá để có thể đưa ra giải pháp lâm sinh trong bảo tồn loài bền vững.

- Về sinh thái:

o Xác định mối quan hệ sinh thái giữa loài Thông 5 lá với các loài ưu thế trong quần xã thực vật rừng để quản lý thành phần loài phù hợp dựa vào mối quan hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau giữa các loài.

o Xác định các nhân tố sinh thái chính ảnh hưởng đến phân bố, mật độ cây gỗ và cây tái sinh Thông 5 lá làm cơ sở cho việc quy hoạch các khu vực bảo tồn và phát triển quần thể Thông 5 lá qúy hiếm một cách phù hợp với yêu cầu sinh thái của nó.

- Về vòng năm, sinh trưởng Thông 5 lá: Nghiên cứu bề rộng vòng năm và sinh trưởng, tăng trưởng cá thể Thông 5 lá dưới ảnh hưởng của nhân tố khí hậu và vùng phân bố sẽ làm cơ sở cho việc xác định khu vực phát triển thích hợp Thông 5 lá và dự đoán sản lượng.

- Về GIS: Thiết lập bản đồ và cơ sở dữ liệu về phân bố, mật độ cùng với dữ liệu sinh thái và tái sinh của loài Thông 5 lá là cần thiết trong bảo vệ, bảo tồn và chọn khu vực phục hồi các quần thể Thông 5 lá.

Với những yêu cầu nói trên, cần có những nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống về đặc điểm lâm học, sinh thái học trên một phạm vi bao phủ các vùng phân bố của loài này để cung cấp các thông tin khoa học cơ bản về quần thể Thông 5 lá nhằm đóng góp cho việc hoạch định các chiến lược lâm sinh trong quản lý, bảo tồn và phát triển quần thể Thông 5 lá bền vững.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm học và sinh thái quần thể loài thông 5 lá (pinus dalatensis ferré) ở tây nguyên (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(178 trang)
w