PHẦN 4:KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Điều kiện tự nhiên - kinh tế xã hội của xã Trương Lương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng
4.1.1. Điều kiện tự nhiên của xã Trương Lương
Trương Lương là một xã miền núi của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. cách trung tâm huyện khoảng 17 km, cách thị xã Cao Bằng khoảng 33 km, xã có đường huyện lộ Hoà An – Thông Nông, đường Tỉnh lộ 204 đi qua, thuận tiện cho giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá.
Xã có vị trí:
- Bắc giáp xã Lương Can (Thông Nông), xã Dân Chủ, xã Đức Long.
- Đông giáp xã Bình Long.
- Nam giáp xã Minh Tâm và Bắc Hợp của huyện Nguyên Bình -Tây giáp xã Công Trừng, xã Lương Can (Thông Nông)
4.1.1.2. Địa hình địa mạo
Địa hình của xã được chia làm ba dạng khá rõ rệt chính sau:
- Địa hình thung lũng bằng ven sông Nguyên Bình và sông Dẻ Rào (chiếm khoảng 6,48%). Với dạng địa hình này thích hợp cho trồng lúa, trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày... Trong thời gian tới cần có biện pháp khai thác triệt để diện tích có khả năng tưới tiêu để đưa vào trồng lúa nước.
- Dạng địa hình núi đất, có độ cao trung bình 300 – 500m chiếm khoảng 54,4%, có độ dốc trung bình trên trên 20 độ. Được hình thành trên phiến thạch sét, có tầng dày trên 100cm; vào mùa mưa dễ bị xói mòn, rửa trôi nên càn phát triển trồng rừng, cây lâu năm kết hợp với trồng cỏ để giữ đất.
- Dạng địa hình núi đá có độ cao trung bình 350 – 400m chiếm khoảng 27%, phân bố rải rác trên khắp địa bàn xã, nhưng tập trung chủ yếu ở phía
Tây. Các khu vực đã xây dựng có nền địa hình tương đối ổn định, cốt xây dựng cao so với các khu vực lân cận đảm bảo không bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
4.1.1.3. Khí hậu
Xã Trương Lương nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng của khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh, mưa ít; mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; có gió đông nam thổi mạnh từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm với tốc độ trung bình 20m/s.
Nhiệt độ Trương Lương có nền nhiệt độ cao, nhiệt độ trung bình hàng năm là 22 – 23 độ C, nhiệt độ cao nhất tháng 6 là 39,9oC, nhiệt độ thấp nhất tháng 12 là 8,2oC.
- Tổng số giờ nắng trung bình trong năm là 1.669 giờ.
- Lượng mưa: Tổng lượng mưa khá lớn bình quân 1.400mm/năm và tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9, chiếm tới 70 – 80% lượng mưa cả năm.
Mưa tập trung theo mùa và phân bố không đều giữa các tháng trong năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình từ 83 – 85%.
- Gió bão: Trương Lương so với các khu vực khác ít chịu ảnh hưởng của bão lốc, mưa đá.
Nhìn chung khí hậu và thời tiết của xã Trương Lương tương đối thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Một số loại cây trồng có tiềm năng phát triển như cây thuốc lá, lúa nước, cây màu các loại ... bên cạnh đó việc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo mô hình (VAC) trồng trọt, chăn nuôi kết hợp trồng rừng đã giúp người dân xã Trương Lương tích cực trong việc xoá đói giảm nghèo.
4.1.1.4. Thủy văn và các hệ thống sông ngòi
Toàn bộ đất đai của xã nằm trong lưu vực của sông Nguyên Bình , và bao gồm rất nhiều con suối nhỏ, tạo mạng lưới các ke, suối khá dày đặc. Đây chính là nguồn tài nguyên nước mặt cung cấp chính cho sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng.
4.1.1.5. Các Nguồn tài nguyên
* Tài nguyên đất
Tổng diện tích toàn xã là 3695,11 ha. Trong đó Đất nông nghiệp là 3542,96 ha (chiếm 95,88%); Đất phi nông nghiệp là 147,05 ha (chiếm 3,98
%) và Đất chưa sử dụng 5,1 ha (chiếm 0,14 %).
Đất đai xã Trương Lương chủ yếu là đất thịt (chiếm 80%) tập trung chủ yếu tại khu vực dọc hai bên sông Dẻ Rào và sông Nguyên Bình. Đây là loại đất thích hợp cho việc phát triển các loại cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế như lúa, ngô, thuốc lá, đỗ tương…
* Tài nguyên rừng
Xã Trương Lương có tổng diện tích đất Lâm nghiệp là 3127,9 ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 3099,58 ha (chiếm 99.1%) và đất rừng sản xuất là 28,32 ha, chiếm 0.9%.
Một số loại lâm sản gỗ có giá trị kinh tế, bảo tồn trên địa bàn như nghiến, dẻ...Bên cạnh đó còn có các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế như cây mây, cây dược liệu (Kim tuyến, Cút mây...), động vât hoang dã (Nai, gà rừng, cầy hương, rắn, chim chóc...)
* Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt trên địa bàn xã gồm có hệ thống các sông như sông Dẻ Rào, sông Nguyên Bình. Bên cạnh đó còn có hệ thống suối, hệ thống kênh mương, ao nằm rải rác trong xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và
cung cấp nước sản xuất của nhân dân. Nguồn nước ngầm trên địa bàn chưa được điều tra thăm dò đánh giá cụ thể.
* Tài nguyên nhân văn
Trên địa bàn xã có 05 dân tộc cùng sinh sống, có phong tục tập quán riêng, đã tạo ra các hoạt động văn hoá phong phú, đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị văn hoá đó cần được duy trì, tôn vinh và phát triển.