CHƯƠNG 2: NHẬN DIỆN VĂN HÓA QUẢN LÝ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA QUẢN LÝ CỦA CÔNG TY MEGASTUDY
2.3. Một số giải pháp nhằm phát triển văn hóa quản lý tại Công ty
2.3.3. Nhóm giải pháp nhằm đảm bảo các điều kiện thực hiện trong xây dựng văn hóa quản lý tại Công ty
Thứ nhất, Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo việc thực thi nghiêm chỉnh pháp luật lao động trong các doanh nghiệp..
Hiện nay, luật Lao động có vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, thực hiện Luật Lao động trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải có thiết chế tương ứng. Các thiết chế đó phải đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, công bằng cho cả phía người lao động và cả người sử dụng lao động. Tránh tình trạng người sử dụng lao động tự đặt ra luật lệ riêng cho Công ty của mình trong vấn đề sử dụng và đối xử với người lao động; cũng như người lao động tự ý đình công, bãi công, đòi hỏi quyền lợi không chính đáng, vô kỷ luật...
Thứ hai, nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trên nhiều mặt.
Đặc biệt chú ý đến các yếu tố về văn hóa quản lý của doanh nghiệp.
Bộ tiêu chuẩn cần phải bám sát thực tế Việt Nam và phải phù hợp cho việc kiểm định đánh giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hệ thống tiêu chuẩn quá thấp sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng và chuyển giao các công nghệ quản lý và sản xuất kinh doanh tiên tiến, hiện đại. Ngược lại, nếu bộ tiêu chuẩn quá cao sẽ không khả thi và ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ tiêu chuẩn phải được xây dựng gồm nhiều tiêu chí, trong đó đặc biệt chú ý đến các tiêu chí đánh giá về văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ tiêu chuẩn sẽ giúp cho việc đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp. Các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sẽ là cơ sở để doanh nghiệp rà soát và phấn đấu, hoàn thiện điều kiện
các mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả của bảng xếp hạnh theo bộ tiêu chí đánh giá sẽ là căn cứ cho việc vinh danh, cổ vũ các doanh nghiệp có hoạt động tốt, từ đó có cơ chế khuyến khích thích đáng và chính kết quả xếp hạng là một giá trị để doanh nghiệp khẳng định về mặt thương hiệu của mình khi làm ăn ở Việt Nam. Làm như vậy bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định sẽ là một công cụ tốt để các doanh nghiệp dựa vào xây dựng và phát triển văn hóa quản lý phù hợp với điều kiện Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Thứ ba, nhà nước cần có định chế cho việc xây dựng, quy định tổ chức và hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng như các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, nhà sản xuất... một cách có hiệu quả.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, cần có định chế cho việc thành lập các hội đại diện cho lợi ích người tiêu dùng, để cân bằng với các hội đại diện cho lợi ích của nhà sản xuất.
Thứ tư, cần coi trọng vai trò của các chính sách địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng và phát triển văn hóa quản lý của các công ty liên doanh với Hàn Quốc đóng trên địa bàn.
Tổng kết chương 2:
Chương 2 đã tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến thực trạng văn hóa quản lý của Công ty Megastudy, phân tích các mặt đạt được và những hạn chế về văn hóa quản lý trong doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa quản lý của Công ty, cụ thể như sau:
Trước hết, Công ty đã đạt được một số thành tựu trong việc xây dựng và củng cố văn hóa quản lý như chú trọng tới các yếu tố văn hóa Hàn Quốc, tới các giá trị hữu hình của doanh nghiệp: logo biểu tượng, slogan, xây dựng cơ sở hạ tầng đẹp và đồng nhất với biểu tượng logo, thiết kế đồng phục cho toàn nhân viên, hệ thống văn bản quy định nội bộ và ứng xử trong Công ty,... Về các giá trị
vô hình, Công ty cũng đã xây dựng được chiến lược phát triển rõ ràng dựa trên triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi của mình,... Những thành tựu này góp phần định hướng cho các thành viên trong tổ chức tin tưởng vào Công ty, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, chi phối các hành vi ứng xử của cán bộ nhân viên làm việc vì mục tiêu chung của Công ty.
Bên cạnh các thành tựu đó, văn hóa quản lý của Công ty cũng còn nhiều điểm hạn chế như: chất lượng nguồn nhân lực, xung đột về văn hóa dân tộc dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ ứng xử giữa các cán bộ nhân viên, giữa cấp quản lý với nhân viên, sự thay đổi thường xuyên cơ cấu tổ chức,... các hạn chế này là rào cản cho sự phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty và giảm khả năng cạnh tranh của Công ty so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Do đó, để phát huy được nguồn lực của mình trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, Megastudy cần thực hiện các giải pháp mang tính chất hệ thống, đồng bộ: từ việc xây dựng chiến lược phát triển mới dựa trên cơ sở triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi, tăng cường quảng bá thương hiệu, đến việc tiếp tục củng cố và xây dựng những tuyên bố về giá trị và niềm tin đến các thành viên trong tổ chức và khách hàng, nâng cao chất lượng nhân lực và phong cách lãnh đạo của cấp quản lý, tạo môi trường giao tiếp hiệu quả và chuyên nghiệp với khách hàng,... Các giải pháp này nhằm phát huy, kế thừa một cách tốt nhất các giá trị đã có, khắc phục các hạn chế còn tồn tại, hướng tới mục tiêu chiến lược của Công ty, giúp Công ty ngày càng lớn mạnh.
PHẦN KẾT LUẬN
Trong thời đại ngày nay, thời đại của toàn cầu hóa kinh tế và môi trường kinh doanh đa văn hóa, chúng ta có thể khẳng định rằng, Văn hóa quản lý là một giá trị không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp, trong đó có Công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển Văn hóa quản lý phù hợp; có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp; khai thác các yếu tố văn hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời khắc phục những xung đột, mâu thuẫn mà cốt lõi của nó là sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.
Thực hiện đề tài “Nhận diện văn hóa quản lý của công ty liên doanh với Hàn Quốc tại Hà Nội – Nghiên cứu trường hợp Công ty Megastudy”, tác giả đã tập trung hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu của luận văn.
Qua phân tích cơ sở lý luận cùng với kết quả khảo sát thực tiễn về văn hóa quản lý của các Công ty Hàn Quốc ở Hà Nội đã đưa ra nhận định như sau: Sự khác biệt về Văn hóa quản lý và ngôn ngữ của Việt Nam và Hàn Quốc là điều hiện hữu. Và chính sự khác biệt này là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự độc đáo trong văn hóa quản lý của các Công ty liên doanh với Hàn Quốc ở Hà Nội.
Tìm kiếm giải pháp để khắc phục một cách triệt để các sự khác biệt nêu trên là điều không tưởng. Tuy nhiên, với cách đặt vấn đề là đưa ra các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa văn hóa quản lý của Công ty Megastudy theo hướng phù hợp với văn hóa Việt Nam, luận văn đã đưa ra các nhóm giải pháp tư vấn đối với chủ thể quản lý, đối tượng quản lý cũng như đối với các cơ quan hữu quan, qua đó sẽ khai thác được các yếu tố văn hóa tương đồng, hạn chế các yếu tố khác biệt và mâu thuẫn.
Những kết quả thu được của luận văn sẽ phần nào có ý nghĩa góp phần giải quyết những vấn đề mà lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay là vấn đề làm sao để dung hòa sự khác biệt về văn hóa đang xảy ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung, các công ty liên doanh với Hàn Quốc nói riêng, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ vấn đề xung đột, khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ môn Văn hóa Kinh doanh (2008), Văn hóa kinh doanh, Nxb Kinh tế quốc dân, Hà Nội
2. Nguyễn Cảnh Chắt (dịch và biên soạn), Tinh hoa quản lý, 25 tác giả và tác phẩm nổi tiếng nhất về quản lý trong thế kỷ XX – Nxb Lao động – Xã hội
3. Gaston Courtois (2002), Lãnh đạo và quản lý, Nxb Lao động – Xã hội
4. Nguyễn Thị Bích Đào, Quản lý sự thay đổi trong tổ chức, Tạp chí Nhà đầu tư, tháng 01/2012
5. Jeffrey J.Fox (2004), Nghệ thuật quản lý. Những qui tắc để thu dụng và giữ được nhân viên giỏi nhất, Nxb Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh
6. Rowan Gidson (2004), Tư duy lại tương lai, Nxb trẻ TP HCM, Thành phố Hồ Chí Minh
7. Đỗ Thị Phi Hoài (2009), Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Tài chính, Hà Nội
8. Hoàng Văn Hoa, Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Tạp chí Nhà Quản lý, số 66/2008, tr12
9. Harold Koontz, Cyril Odonnell, Heinz Weihrich, Những vấn đề cốt yếu của quản lý (2004), Nxb Khoa học và Kỹ thuật
10. Dương Thị Liễu, Giáo trình văn hóa kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân
11. Lê Hồng Lôi (2004), Đạo của quản lý, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 12. Lê Lựu (2005), Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam – Văn hóa và trí tuệ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội
13. Chu Trọng Lương (2003), Thế kỷ XXI làm lãnh đạo thế nào, Nxb Hà Nội, Hà Nội
14. Ngô Văn Lệ (2004), Tộc người và văn hóa tộc người, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM, Thành phố Hồ Chí Minh
15. Hồ Chí Minh toàn tập (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3
16. David H.Maister (2005), Bản sắc văn hóa doanh nghiệp, Nxb Thống kê, Hà Nội
17. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn Học, HN
18. Phạm Xuân Nam, Văn hóa kinh doanh, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 1/2007
19. Ngô Quý Nhâm, Định hướng phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thế kỷ XXI, Tạp chí Kinh tế phát triển, số tháng 1/2004
20. Nguyễn Thế Nghĩa (2007), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 23(143) http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/05/31/2978/
21. Nhiều tác giả (2004), Tư duy lại tương lai, Nxb Trẻ TPHCM
22. Nguyễn Mạnh Quân (2007), Đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội
23. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật doanh nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia
24. Lưu Quân Sư (2004), Nghệ thuật quản lý kinh doanh, Nxb Văn hóa – Thông tin, HN
25. Phạm Ngọc Thanh (2011), Đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý – Lý luận và thực tiễn, Hà Nội
26. Phạm Ngọc Thanh, Góp phần tìm hiểu triết học quản lý, Tạp chí triết học, số 121, 3/200, tr 57-59
27. Phạm Ngọc Thanh, Những vấn đề lý luận chủ yếu của văn hóa quản lý, đề tài NCKH cấp ĐHQG, mã số QX-06-24
28. Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2006), Dấu ấn thương hiệu, tài sản và giá trị, Nxb Trẻ, Hà Nội
29. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp, TP HCM
30. Fons Trompenaars & Charles Hampden – Turner (2006), Chinh phục các làn sóng văn hóa, Nxb Tri thức, Hà Nội