1.4.1 Đặc điểm hình thức đoạn văn kết thúc
Đoạn văn kết thúc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư về hình thức, luôn là những đoạn văn rất ngắn, có khi chỉ là một câu, thậm chí là một câu dới
bậc. Với những dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm, cho thấy một kết thúc lửng, một truyện ngắn chưa hoàn thiện hoặc đơn giản chỉ là một câu chuyện chưa có hồi kết thúc.
Về cấu tạo ngữ pháp, đoạn văn kết thúc cũng được chia thành hai loại:
đoạn văn đơn thoại và đoạn văn đối thoại.
1.4.1.1 Đoạn văn đơn thoại
Trong đoạn văn đơn thoại cũng được chia thành: đoạn văn bình thường và đoạn văn đặc biệt.
a) Đoạn văn bình thường
Về mặt hình thức đoạn văn kết thúc bình thường cũng có hình thức như đoạn văn mở đầu. Sự khác biệt ở đây là việc sử dụng phép liên kết trong câu văn.
Cụ thể là phép ẩn chủ ngữ với những câu kể của người kể chuyện.
Ví dụ (23):
“Nhiều khi (?)không thể tin được, làm gì có chuyện trùng hợp lạ lùng vầy. (?) Nghĩ đời thiệt mắc cười, sao (?) biết nhau ở đây, để thương nhau đến mức nầy, để rồi nhận ra lúc trước đã gặp gỡ một lần, ở cua Bún Bò, trong một tối đèn thì u ám vàng vọt mà cái vệt sắc lạnh của con dao lại loé lên...” [19.
M.T.T.K]
Thông qua việc sử dụng những câu dẫn ẩn chủ ngữ như thế, bản thân người kể chuyện được dấu đi. Thay vào đó, người tiếp nhận văn bản đồng cảm với tâm trạng của người phát ngôn, gắn kết chặt chẽ độc giả với tác phẩm và tác giả.
b) Đoạn văn đặc biệt
Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng rất nhiều đoạn văn kết thúc đặc biệt 9/20, chiếm 45% tổng số các đoạn văn được khảo sát, có hình thức cụ thể như:
Đoạn văn đặc biệt có hình thức là một câu dưới bậc
Câu dưới bậc là biến thể của câu, có ngữ điệu kết thúc, độc lập nhưng không độc lập về cấu tạo ngữ pháp và về cấu tạo ngữ nghĩa.
Ví dụ (24):
Đoạn văn đứng trước đoạn văn này nêu lí do để không cần phải tiếp tục câu chuyện nữa. Như thế đoạn văn đặc biệt với chỉ một câu dưới bậc này mang tính gắn bó chặt chẽ với đoạn văn trước đó về nội dung.
Đoạn văn đặc biệt có hình thức là một câu hỏi Ví dụ (25):
“Nhưng nói để làm gì, ta?” [10. H.L.C]
Vì có hình thức đặc biệt nên tác giả thường dùng phép nối chặt để liên kết chúng với đoạn văn trước đó thông qua những liên từ như: “và”, “rồi”,
“nhưng”, “mà” bắt đầu câu văn duy nhất trong đoạn văn đặc biệt.
Ví dụ (26):
“Rồi họ, và cả má tôi đều bảo tôi khóc đi.” [67,71]
Liên từ xuất hiện ở đầu đoạn văn đã biến đoạn văn thành một ngữ trực thuộc, làm cho đoạn văn trước đó và đoạn văn kết thúc gắn kết với nhau. Và như vậy, nội dung của đoạn văn kết thúc chưa hẳn là đồng nghĩa với hồi kết của câu chuyện được kể.
1.4.1.2 Đoạn văn đối thoại
Có tới 4/20 đoạn văn kết thúc có hình thức đối thoại, chiếm 20% tổng số các đoạn văn được khảo sát. Về cơ bản đoạn văn kết thúc đối thoại có đặc điểm hình thức giống đoạn văn mở đầu đối thoại, cũng có đoạn văn kết thúc đối thoại chỉ gồm một lượt lời và một vai thoại.
Ví dụ (27):
“Dạ nội con nói sau khi giết xong chúa đảo (đêm đó trăng sáng như ban ngày), bắt hai má con cô Đầm xuống bãi, thầy biểu mấy chú, à không mấy ông chú giữ đèn hải đăng cho nó đừng tắt. Và khi chiếc tàu chạy vào Xóm Rạch rồi, ngọn hải đăng vẫn vói nhìn theo cháy hoài, cháy hoài, cháy hoài ...”
[1. N.Đ.K.T]
Đây là lượt lời của nhân vật Tươi kể về cuộc khởi nghĩa của người dân Xóm Rạch, và cũng chỉ có một vai thoại duy nhất xuất hiện trong đoạn thoại này. Lời thoại này nhằm đáp ứng lời thoại đề nghị ở đoạn văn trước đó. Đoạn
thoại này có liên quan chặt chẽ với đoạn văn trước đó bằng mối quan hệ giữa hai lời thoại đề nghị và đáp ứng.
1.4.2 Đặc điểm nội dung của đoạn văn kết thúc
Trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đoạn văn kết thúc thường có hình thức đặc biệt, hoặc đối thoại nên không thể xem xét về mặt nội dung một cách đầy đủ. Nhưng về cơ bản, nội dung của đoạn văn kết thúc là sự tổng kết khép lại chủ đề, là một ý cuối của chủ đề, hay là những ý liên tưởng phát triển từ chủ đề.
Ví dụ (28): Đoạn văn kết thúc là những ý tưởng phát triển từ chủ đề
“Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?
Ai mà biết.
Mùa nay gió bấc hiu hiu lại về.” [9. H.H.G.B]
Truyện kể về nhân vật chị Hảo “để lòng thương anh Hết” và đợi chờ anh Hết quên đi người yêu cũ của mình. Đoạn văn kết thúc này là nỗi trăn trở của người kể chuyện về việc không biết đến khi nào anh Hết mới quên và chị Hảo sẽ còn chờ anh Hết đến khi nào nữa.
Như vậy, trong mỗi truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư luôn có cách kết thúc riêng, để lại cảm xúc có khi nhẹ nhàng man mác nhưng cũng có khi là những nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng độc giả.
1.4.3 Chức năng của đoạn văn kết thúc
Một quan niệm mang tính khuôn sáo về “kết thúc” truyện là kết thúc có hậu và kết thúc không có hậu. Nếu nhân vật chết, chúng ta sẽ cảm thụ tác phẩm là kết thúc mang tính bi kịch (không có hậu) còn nếu anh ta lấy vợ, thực hiện một phát kiến vĩ đại hoặc vượt mức chỉ tiêu sản xuất thì đó là một kết thúc tốt đẹp (kết thúc có hậu). Tuy nhiên, cũng có những văn bản chấm hết bằng cách “không kết thúc”. Nguyễn Ngọc Tư
chọn cách kết thúc theo hướng này. Xét theo chức năng có kết thúc chủ đề hay không ta chia chức năng của đoạn văn kết thúc thành hai loại.
1.4.3.1 Kết thúc khép lại chủ đề (kết thúc đóng)
Đây là loại kết thúc khép lại vấn đề, tổng kết, kết thúc lại một cách trọn vẹn cho vấn đề.
Ví dụ (29):
“Dạ nội con nói sau khi giết xong chúa đảo (đêm đó trăng sáng như ban ngày), bắt hai má con cô Đầm xuống bãi, thầy biểu mấy chú, à không mấy ông chú giữ đèn hải đăng cho nó đừng tắt. Và khi chiếc tàu chạy vào Xóm Rạch rồi, ngọn hải đăng vẫn vói nhìn theo cháy hoài, cháy hoài, cháy hoài...”[1. N.Đ.K.T]
Tác phẩm kể chuyện khởi nghĩa hàng năm của người dân Xóm Rạch.
Kết thúc truyện cũng là kết thúc câu chuyện khởi nghĩa được kể trong truyện, đó là chiến thắng đáng tự hào của người dân Xóm Rạch. Niềm tự hào đó sống cùng năm tháng qua các thế hệ, cũng như ngọn hải đăng được giữ cho cháy mãi trong đêm chiến thắng.
Tuy nhiên, cách kết thúc khép thường không phổ biến trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.
1.4.3.2 Kết thúc không khép lại chủ đề (kết thúc mở)
Đây là đoạn văn gợi ra cho người đọc những vấn đề mới từ vấn đề chủ đề, tạo cho người đọc có những suy nghĩ phát triển từ vấn đề của tác phẩm.
Lối kết thúc mở dường như là sở trường của Nguyễn Ngọc Tư. Trong 20 truyện được khảo sát thì có tới mười lăm truyện kết thúc theo lối này, (chiếm 75% tổng số đoạn văn khảo sát).
Ví dụ (30):
“Đứa bé đó nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.” [20. C.Đ.B.T]
Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” kể về những nỗi hạnh của cô gái tên Nương, bắt nguồn từ sự trả thù của người cha đối với người mẹ bỏ nhà theo trai. Những nỗi bất hạnh tưởng như mãi bất tận theo những cánh đồng mà cha con cô đã đi qua. Nhưng đoạn kết câu chuyện đã mở ra cho người đọc nhiều hướng suy nghĩ.
Nguyễn Ngọc Tư chọn cách vào đề ấn tượng bằng những đoạn văn mở đầu ngắn gọn, trực tiếp khơi gợi không gian truyện. Và chị cũng chọn lối kết thúc mở gây bất ngờ, làm cho câu chuyện ám ảnh, âm vang mãi trong lòng người đọc ngay cả khi người ta không còn nhớ tiêu đề hay cốt truyện. Kết thúc càng chênh so với những gì đã được đề cập trong ở mở đầu càng độc đáo. Cái hay là ở chỗ, truyện kết thúc mà số phận mỗi nhân vật vẫn còn đang dở dang, chưa biết sẽ đi về đâu.
Đó là lối kết thúc không “có hậu” thường thấy trong nhiều truyện ngắn như: Chí Phèo, Đời thừa, Trăng sáng, Lão Hạc của Nam Cao , hay Con gái thuỷ thần, Tướng về hưu, ... của Nguyễn Huy Thiệp.
Đoạn kết Chí Phèo của Nam Cao, nhân vật Chí Phèo chết nhưng cuộc đời Chí Phèo chưa kết thúc vì “Thị Nở nhìn nhanh xuống cái bụng... đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại.” Hình ảnh cái lò gạch cũ được Nam Cao đề cập ở đầu truyện lại được tái hiện ở phần cuối truyện hàm chứa ý nghĩa về sự luân hồi, quẩn quanh, bế tắc của những con người khốn khổ trong xã hội cũ. Cách kết thúc như vậy gợi mở nhiều cái kết khác nhau cho nhân vật và cho câu chuyện được kể. Mỗi cái kết như vậy chính là mỗi “nhận định chủ quan” của người đọc về câu chuyện được kể và về nhân vật được kể.
Để cho “độ mở” của đoạn kết được rộng, tạo nên độ tin cậy và quyền chủ động của người đọc theo lí thuyết “đồng sáng tạo”, trong truyện ngắn hiện đại thường có một “khoảng trống tự do ở cuối truyện”. Trong truyện “Con gái thuỷ thần” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ở đoạn kết là những câu hỏi liên tục: Con gái thuỷ thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì?
Để tôi mượn màu son phấn ra đi...” [72,187]. Những câu hỏi liên tục gieo vào lòng người đọc bao nỗi suy tư, liên tưởng mạnh mẽ về nhân tình thế thái.
Nguyễn Ngọc Tư cũng đã sử dụng khoảng trống tự do trong lối kết truyện của chị và để lại trong lòng người đọc một cảm giác chơi vơi, day dứt bởi hàng loạt những câu hỏi, có khi do tác giả đặt, có khi do chính người đọc đặt ra để rồi phải suy nghĩ: “cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” [8. T.Q.R.R].
Để làm cho cái khoảng trống ấy thêm đa dạng và đa nghĩa trong một số truyện tác giả đã tạo nên một mô típ kết thúc truyện bằng những câu hỏi:
“Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?, “Nhưng nói để làm gì, ta?, ... Thậm chí là một câu dưới bậc chỉ gồm hai từ: “Thì thôi.”
Sự lửng lơ, lỡ dở trong cách kết thúc truyện, khiến cho người đọc có cảm giác hẫng hụt, như truyện vẫn chưa kết thúc. Các tình huống trong truyện chính là những tình huống diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, thúc giục lòng người phải suy nghĩ, phải trăn trở.
1.4.4 Quan hệ đoạn văn kết thúc với các bộ phận khác 1.4.4.1 Quan hệ giữa đoạn văn kết thúc với tiêu đề
Tiêu đề của văn bản thể hiện ý đồ chủ đạo, tư tưởng của người tạo ra văn bản. Ở vị trí cuối cùng của văn bản, đoạn văn kết thúc có thể khép lại chủ đề hoặc gợi mở những ý tưởng mới. Mối quan hệ này trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được thể hiện qua một số trường hợp: Đoạn văn kết thúc chứa đựng tiêu đề và khép lại chủ đề hoặc đoạn văn kết thúc không chứa đựng nguyên vẹn tiêu đề.
Đa số các đoạn văn kết thúc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đều không chứa đựng nguyên vẹn tiêu đề nhưng đề cập đến tiêu đề một cách gián tiếp, hoặc nhìn bề ngoài có cảm giác như không có mối liên hệ nào với tiêu đề. Cách kết thúc này thường là kết thúc mở, là sự bỏ lửng, hay gợi ra những suy nghĩ mới trong lòng độc giả về chủ đề tư tưởng đã nêu ra.
Ví dụ (31): Truyện ngắn “Một trái tim khô”
“Nhiều khi không thể tin được, làm gì có chuyện trùng hợp lạ lùng vầy.
Nghĩ đời thiệt mắc cười, sao biết nhau ở đây, để thương nhau đến mức nầy, để rồi nhận ra lúc trước đã gặp gỡ một lần, ở cua Bún Bò, trong một tối đèn thì u ám vàng vọt mà cái vệt sắc lạnh của con dao lại loé lên...” [19. M.T.T.K]
Trong đoạn văn kết thúc này, về mặt hình thức người ta không thấy có mối liên hệ nào với tiêu đề của truyện. Nhưng trong mối liên hệ với chủ đề tư tưởng, người đọc có thể hiểu tại sao người phụ nữ có trái tim khô héo từ khi bị chồng sai người giết hại lại không thể chấp nhận người đàn ông đã làm cho trái tim khô ấy rung động, vì cô đã nhận ra anh chính là kẻ giết thuê ngày nào.
1.4.4.2 Quan hệ đoạn văn kết thúc (ĐVKT) với đoạn văn trước đó (ĐVTĐ)
Đoạn văn trước đó là một đoạn văn kế cận trước đoạn văn kết thúc, là vị trí chuẩn bị cho việc kết thúc văn bản. Vì vậy giữa đoạn văn trước đó và đoạn văn kết thúc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, mối quan hệ này được thể hiện cụ thể như:
a) Về hình thức, đoạn văn trước đó liên kết với đoạn văn kết thúc bằng các từ ngữ chuyển đoạn.
Ví dụ (32):
(ĐVTĐ): “Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh Cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt.
(ĐVKT): Nhưng nói để làm gì, ta?” [10. H.L.C]
Trong ví dụ trên, đoạn văn trước đó quan hệ chặt chẽ với đoạn văn kết thúc thông qua quan hệ từ “nhưng”.
b) Về mặt nội dung, đoạn văn kết thúc có nội dung phụ thuộc vào nội dung đoạn văn trước.
Như vậy, đoạn văn kết thúc và đoạn văn trước đó trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có mối quan hệ chặt chẽ cả về hình thức lẫn nội dung. Điều đó chứng tỏ sự liên kết chặt chẽ giữa các đoạn văn trong truyện ngắn của chị.
1.4.4.3 Quan hệ đoạn văn kết thúc với đoạn văn mở đầu
Cũng như các đơn vị khác trong truyện ngắn, đoạn văn kết thúc có quan hệ với đoạn văn mở đầu chủ yếu về nội dung. Đó là quan hệ giữa điểm khởi đầu và điểm kết thúc, giữa cách đặt vấn đề và cách khép vấn đề. Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng được thể hiện như sau:
a) Quan hệ tương ứng
Đây là mối quan hệ mà đoạn văn mở đầu nêu vấn đề, đoạn văn kết thúc duy trì, nâng cao và khép lại vấn đề đã nêu. Kiểu kết thúc như thế ta gọi là kết thúc đóng.
Ví dụ (33):
Mở đầu truyện ngắn “Cái nhìn khắc khoải” là câu hỏi của Khoa, bạn của nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” về người đàn ông trong những bức ảnh mà nhân vật “tôi” đã mang đến rửa.
(ĐVMĐ): “Khoa gọi điện thoại cho tôi từ phòng lab: hình xong rồi, đã lắm. Mầy kiếm đâu ra ông già ngon vậy?”
(ĐVKT): “Khoa nhìn tôi, ngờ ngợ như đọ lại với những tấm ảnh, nó thảng thốt, “mầy đang kể về ba mầy, phải không?”
Không trả lời trực tiếp câu hỏi của Khoa, nhưng nhân vật “tôi” lại kể một câu chuyện về người đàn ông trong ảnh. Đến kết thúc truyện vẫn là câu hỏi của nhân vật Khoa về ông già nhưng câu hỏi này nhằm khẳng định cho câu trả lời mà anh ta đã nhận được thông qua câu truyện nhân vật “tôi” vừa kể.
b) Quan hệ tương phản
Trong mối quan hệ này, đoạn văn mở đầu và đoạn văn kết thúc quan hệ với nhau thông qua các đoạn văn ở giữa văn bản. Chính vì vậy, nhìn hình thức bề ngoài dường như giữa chúng không có mối quan hệ trực tiếp gì nhưng xét về nội dung ngữ nghĩa, chúng có quan hệ với nhau để duy trì nội dung của văn bản. Mối quan hệ này xảy ra ở những truyện có kết thúc mở: người viết