CHƯƠNG 2. MỘT SỐ QUAN NIỆM TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO CỦA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CON ĐƯỜNG TU TẬP GIẢI THOÁT
2.1. Quan niệm của Trần Nhân Tông về Phật, Phật tính, niết bàn
2.1.1. Quan niệm của Trần Nhân Tông về “Phật”
Theo quan điểm của Phật giáo thì thấy sắc thân Phật chưa hẳn là thấy Phật thật, mà trong đó còn có một cái gì sâu xa hơn, vượt qua cái thấy của hai tròng mắt này, vượt qua cái hiểu của tâm suy nghĩ phân biệt này, không thể đem tâm phàm phu sinh diệt này mà suy đoán nhận hiểu, đòi hỏi phải mở con mắt giác ngộ mới nhận rõ: Phật không phải ở đâu xa vời, mà Phật ở ngay tâm giác ngộ của mỗi một con người
Để đi tìm được đúc kết được khái niệm đó, Đức Phật đã phải trải qua quá trình gian khổ tu tập nhiều kiếp rồi ngài mới ngộ. Lúc đầu Ngài cũng hiện ra từ một con người như bao nhiêu người, cũng có cha có mẹ… nhưng đặc biệt không giống mọi người, Ngài không bằng lòng với số phận của kiếp người đã an bài, mà quyết tìm cách vượt ra. Khi dạo qua bốn cửa thành, thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và vị sa môn, Ngài có thắc mắc: Tại sao ai sinh ra cũng phải già, bệnh, chết như thế ? Mọi người đều cho đó là chuyện dĩ nhiên, là định luật đã an bài, từ xưa đến nay vốn như thế, chỉ cúi đầu chấp nhận thôi. Song với Ngài thì không chấp nhận là vốn như thế, mà nó phải có nguyên nhân của nó, quyết tìm ra nguyên nhân
thì có cách giải quyết, không thể cúi đầu chấp nhận. Do đó, Ngài vượt thành xuất gia tìm Đạo, và quả nhiên Ngài đã thành công.
Cũng dựa trên quan điểm đó của đạo Phật, Trần Nhân Tông cũng cho rằng, Phật không chính ở đâu xa, mà Phật ở ngay trong chính mỗi cá nhân con người.
Ông quan niệm “Phật là bụt”. Bụt không nên cầu ở ngoài, mà chính phải tìm ngay ở chính mình, nếu con người chúng ta biết tích nhân, tu đạo đức, làm theo 10 nghiệp lành, thì ai dám bảo đó không phải là Bồ Tát, không phải là Thích Ca. Điều đó đã được thể hiện rõ trong Cư Trần Lạc Đạo Phú của ông:
“Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm, muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính…
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thật Kim cương; dứt hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác. Tịnh độ là lòng sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương… ;
Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa.
Nhân khấy bản (quên gốc) nên ta tìm Bụt, Đến cốc hay chỉn (chính) Bụt là ta…”
Bụt hay Phật vốn ở ngay nơi ta, không phải nhọc nhằn tìm ở đâu khác. Bởi chúng ta quên gốc đuổi theo ngọn nên cứ đuổi tìm kiếm Bụt ở bên ngoài. Nào ngờ, khi đạt đến tỏ ngộ mới tỉnh ra, chính Bụt ở trong tâm giác ngộ của mình đây thôi.
Bao nhiêu công phu chạy tìm liền buông xuống nhẹ nhàng. Kế thừa quan điểm trong đạo Phật, Phật giáo được định hình ngay từ khi Đức Phật còn tại thế. Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con, ngài cũng xuất gia và trở thành Sơ tổ Trúc Lâm “đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỉ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập thiện”24.
Trong đạo Phật, khi đi tìm nguyên nhân của già chết, ngài khám phá ra rằng chính “vô minh” là gốc sinh khởi để kết nhóm, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn
24 Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.20.
tức thân tâm này, mà tất cả chúng sinh phải mang lấy trong cuộc luân hồi dài từ vô thỉ. Dứt vô minh thì các duyên theo đó đều dứt, sinh tử khổ ưu não dừng, là vấn đề sống chết được giải quyết xong.
Vậy “vô minh” là gì ? Vô minh tức là mê mờ không sáng suốt khởi chấp ngã, thấy có một cái ta tồn tại, rồi bám chặt vào đó mà tạo thành nghiệp lành, nghiệp dữ, và bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi. Bởi bám vào cái ta này, nên mất nó liền tìm cái khác thay vào, dòng sinh tử tiếp nối không dừng chính từ đây.
Chúng ta cũng thế, bám vào mấy cục thịt, mấy đốt xương, mấy sợi gân… vô tri này cho là mình rồi cũng giết hại con này, con kia nuôi dưỡng nó, tạo thành biết bao nghiệp ác cũng vì nó. Nhưng cuối cùng, nó cũng bỏ mình để trở về với cát bụi, còn nghiệp ác đã tạo kia, mình phải mang lấy sang kiếp sau mà nhận quả khổ, thật có đau đớn chăng ? Phật gọi chúng sinh mê lầm là như thế.
Giờ đây, nếu tỉnh ngộ, biết mình là linh tri, là sáng suốt không phải những thứ vô trí, hư hoại đó, buông nó đi, tức thành giải thoát. Không bám vào nó, lấy đâu có chỗ để sinh? Ngay đó là pháp vô sinh chớ gì! Rất thực tế và gần gũi với chúng ta vô cùng!
Trong chính sách của mình, Trần Nhân Tông cũng rất khéo léo và tài tình ở chỗ thống nhất được các thiền phái Phật giáo thành một để đất nước Đại Việt của vua có được một đạo Phật đủ tiềm lực tôn giáo, phát triển nội lực cá nhân và tập thể, có thể làm lợi ích cho bản thân mình và đồng loại, trong đó có lợi nhiều mặt cho quốc gia và xã hội.
Cũng trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, ông cho rằng, đạo Phật khuyên con người từ bỏ tham, sân, si được chừng nào thì bớt khổ được chừng ấy, giảng dạy thuyết nhơn quả, nghiệp báo, luân hồi, tái sinh, tu sửa theo 10 thiện nghiệp, nêu cao lý tưởng Bồ-tát cứu khổ độ sinh… Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm; Ngay thờ vua, thảo thờ cha, thế mới thật trượng phu trung hiếu.
Chưa nói thành Phật - Thánh, nhưng nếu có bất kỳ ai làm được những điều khuyên ấy, đều là người có ích cho mình và mọi người, nếu xã hội thực hiện những lời khuyên ấy thì xã hội ổn định và phát triển. Có lẽ nhờ vậy nên nhân dân ta đã đánh thắng quân Nguyên chăng…? Đây là vấn đề đạo đức và luân lýxã hội hết sức nhạy cảm trong xã hội ngày nay.
Tóm lại, TrầnNhân Tông cũng như Đạ Phật đều chỉ coi “Phật” chỉ là một danh từ, một hình tướng biểu tượng bên ngoài là phương tiện tạm thời để nhắc nhở người tỉnh giác, không phải Phật thật. Cẩn tỏ ngộ lại tâm sáng suốt nơi chính mình, đó mới là Phật gốc. Đức Thích Ca hay Trần Nhân Tông cũng đều thành Phật ngay trong tâm .
“Đêm đêm ôm Phật ngủ Sáng sáng cùng Phật dậy, Ngồi đứng cùng theo nhau, Nói nín cùng chung ở, Chẳng mảy may tạm rời, Giống hệt hình với bóng.
Muốn biết chỗ Phật đi, Chính cái nói năng đó.”25