Các giải pháp khác nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn huyện tuy an (Trang 64 - 81)

CHƯƠNG 3. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRANH TỤNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI HUYỆN TUY AN, TỈNH PHÚ YÊN TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

3.2. Các giải pháp khác nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự

3.2.1. Xây dựng cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự không thể không đề cập đến cơ chế để đảm bảo thực hiện nó, trong đó có vấn đề tổ chức phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa làm sao phải thể hiện rõ địa vị pháp lý (quyền và nghĩa vụ tố tụng) của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Phiên tòa phải đảm bảo để không những nghĩa vụ tố tụng mà các quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng, nhất là của bị cáo được thực hiện đầy đủ. Các cơ quan tiến hành tố tụng như Viện kiểm sát, Tòa án (Hội đồng xét xử) thực hiện đúng chức năng của mình được pháp luật quy định [57, tr.17]

Để đảm bảo cho việc tranh luận tại phiên tòa phát huy được tác dụng đích thực của nó, theo chúng tôi [57, tr.17]:

- Thẩm phán, Kiểm sát viên phải nhận thức hồ sơ vụ án chỉ là tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập, chưa chắc đã là chính xác, lúc này nguyên tắc giả định bị cáo vô tội phải được quán triệt [50, tr.62]. Cần thực hiện đúng nguyên tắc “bản án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa” [50, tr.62]. Và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 08/NQ-TW việc giải quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh

60

tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật có sức thuyết phục [50, tr.62].

- Bị cáo, các đương sự và người bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho đương sự phải chủ động và tích cực đưa ra những chứng cứ, lý lẽ, cơ sở pháp luật để tranh luận với Kiểm sát viên cũng như giữa các đương sự trong vụ án. Để tạo điều kiện cho bị cáo tranh luận với kiểm sát viên tại phiên tòa, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho bị cáo biết được cụ thể, đầy đủ những chứng cứ, cơ sở pháp lý buộc tội bị cáo có thời gian chuẩn bị hoặc nhờ luật sư tìm ra chứng cứ, lý lẽ, cơ sở pháp lý để thực hiện việc tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự [50, tr.51].

Diễn biến phiên tòa phải bám sát vào quy định của Bộ luật TTHS để không bỏ sót quy trình và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia tranh tụng, nhưng để thực hiện như vậy cần có cơ chế giám sát và biên bản phiên tòa là nơi thể hiện rõ nhất diễn biến của phiên tòa [50, tr.51].

Ngoài ra, cũng cần đề cao vai trò của người bào chữa với tư cách là một bên có quyền bình đẳng tranh tụng tại phiên tòa [50, tr.51]. Từ kết quả tranh tụng bình đẳng, công khai, dân chủ, HĐXX xem xét một cách toàn diện và khách quan các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và được thẩm tra công khai tại phiên tòa, cả những những cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đã được đưa ra tranh luận, đối đáp giữa phía Kiểm sát viên và người bào chữa để chứng minh tính sự thật khách quan của vụ án [50, tr.52].

61

3.2.2. Đổi mới công tác tổ chức và tăng cường năng lực cán bộ kiểm sát

Nhân tố con người chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện tốt các hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động tranh tụng nói riêng. Đối với hoạt động của VKS, thì lực lượng KSV là lực lượng giữ vị trí then chốt, quan trọng nhất. Để xây dựng được một đội ngũ KSV đảm bảo theo quy định của pháp luật, đồng thời theo yêu cầu của thực tiễn hoạt động tranh tụng, chúng ta cần phải tiến hành đồng thời các hoạt động sau:

- Thực hiện tốt công tác tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh KSV [50, tr.60]

Để làm tốt công tác này, theo chúng tôi, VKSND tối cao cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho VKSND địa phương chủ động trong việc tuyển chọn; khi tuyển chọn VKS phải chọn cán bộ đúng tiêu chuẩn về trình độ, chính trị, sức khỏe… ngay từ đầu; chọn lựa, bổ nhiệm KSV đúng người, đúng năng lực. Ngoài ra, chúng ta cần phải đổi mới thủ tục tuyển chọn để nhanh chóng thu hút cán bộ, chọn được nhiều cán bộ ưu tú cho ngành.

- Nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức, cán bộ, bố trí những KSV có năng lực thật sự vào khâu THQCT- kiểm sát điều tra và THQCT- kiểm sát xét xử

Theo chúng tôi, KSV phải có một khả năng nhất định không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, mà kể cả về kiến thức xã hội lẫn khả năng hùng biện mới có thể tham gia tranh tụng một cách có hiệu quả tại phiên tòa. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng viết, nói là những yếu tố hội tụ bắt buộc ở KSV tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Để có được đội ngũ KSV hội tụ đủ các yếu tố cần thiết nêu trên, phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ, khẩn trương, tích cực trong công tác tổ chức - cán bộ [50, tr.63]. Do vậy, việc đầu tiên chúng ta cần phải giải quyết nhằm vào cái “gốc”

của vấn đề, đó là tổ chức - cán bộ [50, tr.63]. Phải mạnh dạn và kiên quyết

62

điều chuyển những cán bộ có năng lực thực sự bổ sung cho các khâu công tác THQCT - kiểm sát điều tra và THQCT - kiểm sát xét xử. Nghị quyết 49- NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị đã xác định việc nâng cao chất lượng tại các phiên tòa xét xử là khâu đột phá của hoạt động tư pháp [8, tr.1].

Do đó, đổi mới công tác tổ chức - cán bộ theo hướng tăng cường cho các khâu công tác THQCT - kiểm sát điều tra và THQCT - kiểm sát xét xử phải được xác định là hướng ưu tiên trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND [50, tr.63].

- Rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của KSV

Luôn luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo lương tâm, trách nhiệm là đòi hỏi không ngừng đối với KSV. Cùng với việc đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình cải cách tư pháp, Nghị quyết 49- NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một số bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số bộ phận cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp” [8, tr.1]. Để tự rèn luyện ý thức chính trị, đòi hỏi KSV phải luôn luôn nắm vững các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như các Chủ trương, Nghị quyết liên quan đến công tác của VKS. Rèn luyện nâng cao ý thức chính trị sẽ giúp KSV thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành một cách một cách có hiệu quả, có tình, có lý [8, tr.1].

Để nâng cao hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, cùng với việc rèn luyện nâng cao ý thức chính trị, một đòi hỏi khách quan là phải tiếp tục nâng cao trình độ pháp lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho KSV. Trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay, vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho KSV

63

được đặt ra hết sức cấp bách [8, tr.1]. Thực tiễn hoạt động THQCT cho thấy, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa của KSV VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vẫn còn hạn chế vì có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là do trình độ nói chung của KSV VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên còn chưa cao. Ở đây đề cập đến cả trình độ chính trị, nhận thức xã hội, chuyên môn, nghiệp vụ. KSV không những phải học tập để nâng cao trình độ học vấn của mình theo đúng tiêu chuẩn luật định mà còn phải trau dồi nhiều hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ về tham gia phiên tòa hình sự như kỹ năng trình bày bản luận tội, kỹ năng diễn đạt, đối đáp, khả năng phản xạ linh hoạt trước các vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa… Phải thể hiện sự ứng xử có văn hóa trong thái độ, trong cách xưng hô tại phiên tòa, tôn trọng sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, nhất là những người tham gia tranh tụng với KSV. Mỗi KSV phải tự đánh giá lại kết quả hoạt động của mình sau mỗi phiên tòa, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc những thiếu sót, chú ý lắng nghe các ý kiến góp ý của đồng nghiệp, dư luận quần chúng tham dự phiên tòa với thái độ cầu thị để không ngừng hoàn thiện hơn kỹ năng nghiệp vụ của mình trong công tác xét xử tại phiên tòa [50, tr.63].

Hiện nay, đội ngũ KSV VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã hoàn chỉnh trình độ cử nhân Luật. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, cần phải có kế hoạch định kỳ đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho KSV, khắc phục tình trạng nhiều KSV sau khi kết thúc đào tạo trình độ cử nhân Luật mà nhiều năm sau không được đào tạo lại hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ [50, tr.66]. Các KSV cần được đào tạo chuyên sâu theo các chuyên đề trực tiếp phục vụ cho nhu cầu công việc của họ hoặc theo các chuyên đề nhu cầu thực tế đòi hỏi, ví dụ các chuyên đề kỹ năng tranh tụng về án ma túy, án xâm phạm sở hữu, án xâm phạm sức khỏe, nhân

64

phẩm, danh dự... Ngoài ra, các KSV cần phải có tư tưởng “học - học nữa - học mãi”, cần phải nâng cao trình độ thêm, không chỉ dừng lại ở trình độ cử nhân mà phải học các lớp đào tạo sau đại học, tham gia các lớp như Trung cấp, Cao cấp chính trị, các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ hình sự. Bên cạnh đó, ngành cần quan tâm, động viên và có chính sách hỗ trợ hợp lý cho vấn đề đào tạo kiến thức về tin học, ngoại ngữ [50, tr.66].

Để có thể tham gia tranh tụng một cách có chất lượng, đòi hỏi KSV phải có trình độ toàn diện về nhiều lĩnh vực, không chỉ vững vàng về mặt chính trị, nắm vững pháp luật và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà phải có trình độ nhận thức về các vấn đề kinh tế, xã hội, tâm lý, hành chính… Do đó, việc đào tạo bồi dưỡng KSV phải thực sự toàn diện, không chỉ thu hẹp trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thực chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo chúng tôi, để cán bộ - KSV nhiệt tình, mạnh dạn tham gia các lớp học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ thì Lãnh đạo VKS cần phải có nhiều biện pháp động viên, khuyến khích, nhất là các biện pháp liên quan đến tiền lương, hỗ trợ kinh phí để họ yên tâm học tập. Bởi vì, hiện nay điều kiện kinh tế của cán bộ - KSV VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên còn khó khăn, nhưng chính sách hỗ trợ kinh phí học tập của ngành còn chưa được thông thoáng, còn nhiều bất cập.

-Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo, nâng cao chất lượng hoạt động của KSV. VKSND tỉnh Phú Yên cần tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề hơn, nhất là những chuyên đề liên quan đến hoạt động tranh tụng tại phiên toà; tập hợp những cán bộ - KSV có năng lực để xây dựng những đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, đề xuất những giải pháp vừa đúng lý luận vừa phù hợp với thực tiễn để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành trên các phương diện công tác, đặc biệt trên lĩnh vực THQCT và

65

kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

-Tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra

Cơ chế hoạt động của ngành Kiểm sát là: "VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên; Viện trưởng VKSND các địa phương, Viện trưởng VKS quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao" [34, tr.11]. Điều 12 Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2014 quy định: "KSV thực hiện nhiệm vụ THQCT, kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền VKS cấp mình theo phân công của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng" [50, tr.4]. Chính vì vậy, công tác lãnh đạo, kiểm tra của Viện trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc thành công của KSV. Muốn cán bộ - KSV hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao thì Lãnh đạo phải làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời kết hợp với công tác kiểm tra, khen thưởng, phê bình.

3.2.3. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc [50, tr.67]

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 đã khẳng định:

Từng bước xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan Tư pháp khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Ưu tiên trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác xét xử, công tác giám định tư pháp. Khẩn trương trong một vài năm xây xong trụ sở làm việc của các cơ quan Tư pháp cấp huyện, nâng cấp các nhà tạm giam theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của các cơ quan Tư pháp [8, tr.8].

Tuy Nghị quyết nêu như trên, nhưng như phần thực trạng đã trình bày,

66

hiện nay Phú Yên có 9 VKS huyện, thành phố và 9 phòng trực thuộc nhưng chỉ có một số VKS có cơ sở vật chất, phương tiện đủ cho việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của ngành Kiểm sát theo hướng tranh tụng tại Tòa. Còn nhiều VKS, nhất là các VKS miền núi, hải đảo vẫn còn hiện tượng thiếu trang thiết bị làm việc, trong đó có VKS huyện Tuy An. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ, thông tin thường chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tranh tụng của KSV. Xuất phát từ yêu cầu khách quan và điều kiện thực tiễn công tác đặt ra nên cần phải sớm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc đầy đủ và hiện đại đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị của ngành [50, tr.70].

- Quan tâm chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cho cán bộ, KSV [50, tr.70]

Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức nói chung và cán bộ ngành Tư pháp nói riêng đã được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm, chăm lo, không ngừng được cải thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước qua các thời kỳ. Tuy nhiên, hiện nay đời sống vật chất của phần lớn cán bộ, KSV VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các đồng chí ở địa phương khác điều động đến công tác hoặc các đồng chí mới vào ngành. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 đã nêu: “Có chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ Tư pháp;

khen thưởng xứng đáng đối với những cán bộ có thành tích, chiến công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý” [7, tr.7]. Và Nghị quyết 49-NQ/TW cũng nêu: “Có chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động của cán bộ tư pháp” [8, tr.7].

Tuy các Nghị quyết đã khẳng định như vậy, nhưng hiện nay, tiền lương

67

trung bình của cán bộ, KSV ngành Kiểm sát vẫn thấp hơn so với mặt bằng thu nhập chung ở trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới; các chế độ đãi ngộ còn thấp và thất thường không ổn định. Hiện nay, ở VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, có nhiều cán bộ, KSV xin ra khỏi ngành, nhất là những năm gần đây, khi huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có nhiều nhà máy, công ty mọc lên thì số lượng cán bộ - KSV xin ra khỏi ngành nhiều hơn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc thì cần phải quan tâm đến các chế độ chính sách một cách thỏa đáng đối với cán bộ - KSV [50, tr.71]. Có như vậy, cán bộ - KSV mới yên tâm công tác, giành hết tâm huyết vào công việc và có thời gian để học tập, nghiên cứu; đồng thời, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, chống lại được những cám dỗ vật chất, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát, xứng đáng là người chiến sĩ thi đua trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm [50, tr.71].

Ngoài những biện pháp nêu trên, VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cần phải học tập, rút kinh nghiệm từ những biện pháp đảm bảo, nâng cao hoạt động tranh tụng của KSV ở các VKSND huyện khác. Qua đó, chúng ta nhận thấy các VKS này có nhiều biện pháp hay cần học tập. Trong thời gian tới, VKSND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên không những cần phải tiếp thu những kinh nghiệm của các VKSND huyện bạn, mà phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tìm tòi, xây dựng nhiều biện pháp khác nhau phù hợp với thưc tiễn để phấn đấu đạt được những yêu cầu cải cách tư pháp, đồng thời đảm bảo, nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của đội ngũ KSV trong phiên toà xét xử hình sự nói riêng và trong toàn bộ hoạt động giải quyết vụ án hình sự nói chung.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn huyện tuy an (Trang 64 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)