Một số phương pháp dạy học tích cực

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển năng lực tự học cho học sinh trong dạy học phần vô cơ hóa học lớp 11 trung học phổ thông (Trang 33 - 37)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.4.2. Một số phương pháp dạy học tích cực

Có rất nhiều phương pháp dạy học tích cực. Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi xin đề cập một cách sơ lược đến một vài phương pháp dạy học tích cực áp dụng nhằm phát triển NLTH ở HS [3], [5], [25], [29].

1.4.2.1. Dạy học theo chủ đề a. Khái niệm

Dạy học theo chủ đề là mô hình dạy học mà nội dung học được xây dựng thành các chủ đề có ý nghĩa thực tiễn và thể hiện mối liên hệ liên môn, liên lĩnh vực để

học sinh có thể phát triển các ý tưởng một cách toàn diện.

b. Đặc trưng của dạy học theo chủ đề

- Tính tích hợp: chủ đề có sự sắp xếp, đan xen các nội dung trong cùng môn học hoặc liên môn giúp học sinh có cái nhìn tổng thể, tư duy logic hơn.

- Tính thực tiễn: nội dung chủ đề gắn với thực tế mà đa số người học đang sống.

- Tính hợp tác: vì hình thức hoạt động chủ yếu là theo nhóm.

- Phát huy tính tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh.

c. Các giai đoạn tổ chức dạy học theo chủ đề - Chọn chủ đề, xác định ý tưởng, tổ chức chủ đề.

- Xác định mục tiêu của chủ đề.

- Xây dựng bộ câu hỏi định hướng.

- Xây dựng các bài tập và chuẩn bị tài liệu hỗ trợ, các tiêu chí đánh giá.

- Tổ chức nhóm học tập.

- Tổ chức học tập trên lớp.

- Đánh giá.

d. Những ưu điểm và hạn chế của dạy học theo chủ đề

Dạy học theo chủ đề là sự tăng cường tích hợp kiến thức, tích hợp vào nội dung học những ứng dụng kĩ thuật và đời sống thực tiễn làm cho nội dung học không còn cổ

điển, dễ xa rời thực tiễn mà trở nên có ý nghĩa hơn, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh những ưu điểm, dạy học theo chủ đề cũng có những khó khăn khi áp dụng:

- Không phải bất kì nội dung kiến thức nào cũng có thể tổ chức cho HS học theo chủ đề. Cần phải biết lựa chọn chủ đề, tích hợp những nội dung kiến thức phù hợp để tổ chức dạy học theo mô hình này.

- Vì hình thức chủ yếu là học tập theo nhóm nên cần nhiều thời gian.

- Đòi hỏi GV phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng.

1.4.2.2. Dạy học nêu và giải quyết vấn đề a. Khái niệm

Dạy học nêu vấn đề là một phương pháp dạy học phức hợp, mà ở đó giáo viên là người tạo ra tình huống có vấn đề, tổ chức, điều khiển học sinh phát hiện vấn đề, tích cực, chủ động, tự giác giải quyết vấn đề, thông qua đó mà lĩnh hội tri thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo nhằm đạt mục tiêu dạy học.

b. Đặc trưng của dạy học nêu và giải quyết vấn đề Một số điều kiện nhằm đảm bảo tạo tình huống có vấn đề

- Điều quan trọng nhất là HS phải nêu được điều chưa biết cần tìm hiểu, chỉ ra mối quan hệ giữa cái chưa biết và cái đã biết.

- Tình hình có vấn đề phải kích thích hứng thú nhận thức, tính tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá của HS.

- Tình huống có vấn đề phải phù hợp với khả năng nhận thức của HS, HS có thể

tự phát hiện và giải quyết vấn đề dựa vào vốn kiến thức liên quan đến vấn đề đó, bằng hoạt động tư duy, bằng cách tiến hành thí nghiệm, thu thập và xử lý thông tin.

Vấn đề đặt ra cần được phát biểu dưới dạng câu hỏi. Câu hỏi nêu vấn đề cần:

- Phải chứa đựng mâu thuẫn nhận thức.

- Phải chứa đựng phương hướng giải quyết vấn đề, thu hẹp phạm vi tìm kiếm câu trả lời.

- Phải phản ánh được tâm trạng ngạc nhiên của HS khi nhận ra mâu thuẫn nhận thức.

c. Các giai đoạn tổ chức dạy học nêu và giải quyết vấn đề

- Đặt vấn đề, xây dựng bài toán nhận thức: tạo tình huống có vấn đề, phát triển và nhận dạng vấn đề nảy sinh, phát biểu vấn đề cần giải quyết.

- Giải quyết vấn đề đặt ra: đề xuất các giả thuyết và các giải pháp, lập kế hoạch giải quyết vấn đề, thực hiện kế hoạch.

- Kết luận: thảo luận kết quả và đánh giá, khẳng định hay bác bỏ giả thuyết đã nêu, phát biểu kết luận, đề xuất vấn đề mới.

d. Những ưu điểm và hạn chế của dạy học nêu và giải quyết vấn đề

Dạy học nêu và giải quyết vấn đề tạo điều kiện cho HS phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo; phát triển NL nhận thức, NL giải quyết vấn đề; chủ động chiếm lĩnh kiến thức; đánh giá được kết quả học tập của bản thân và người khác, vận dụng tri thức để giải quyết vấn đề thực tiễn một cách linh hoạt và sáng tạo.

Tuy nhiên, hiện nay dạy học nêu và giải quyết vấn đề chưa được nhiều GV sử

dụng vì nhiều nguyên nhân như GV phải đầu tư nhiều thời gian để thực hiện theo đúng quy trình, HS cần có thói quen và khả năng tự học, tự giác tích cực thì mới đạt hiệu quả cao.

1.4.2.3. Dạy học dự án a. Khái niệm

Dạy học dự án là một phương pháp tổ chức dạy học trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức tạp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm tạo ra một sản phẩm có thể giới thiệu được. Nhiệm vụ học tập được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả

thực hiện.

b. Đặc trưng của dạy học dự án

Tính phức hợp: có sự kết hợp tri thức nhiều lĩnh vực hoặc môn học khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề mang tính phức hợp. HS thực hiện các hoạt động học tập

phong phú và đa dạng, sử dụng nhiều phương tiện học tập, thực hành; có sự tích hợp công nghệ thông tin vào quá trình học tập.

Tính định hướng người học: HS tích cực, tự lực tham gia vào các giai đoạn của quá trình dạy học từ việc chọn chủ đề, xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, đánh giá.

Tính hợp tác trong hoạt động: người học tham gia một cách có tổ chức, có

sự phân công, chịu trách nhiệm và phối hợp với các thành viên khác, với giáo viên hướng dẫn cũng như với các lực lượng xã hội khác tham gia trong dự án.

Tính định hướng thực tiễn: chủ đề của dự án xuất phát từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp cũng như thực tiễn đời sống. Quá trình thực hiện dự án đòi hỏi người học phải kết hợp lí thuyết với thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào hoàn cảnh cụ thể.

Tính định hướng sản phẩm: DHDA phải hướng đến việc giải quyết những vấn đề thực, do đó, sản phẩm được tạo ra chính là kết quả của dự án, cũng chính là kết quả

của việc học tập, đem lại nhiều ích lợi đối với xã hội thường được đánh giá cao và có

thể được công bố, giới thiệu rộng rãi và đưa vào sử dụng.

c. Các giai đoạn tổ chức dạy học dự án

- Lập kế hoạch: lựa chọn chủ đề, xây dựng tiểu chủ đề, lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập.

- Thực hiện dự án: thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin.

- Tổng hợp báo cáo kết quả (thành phẩm trên thực tế và sản phẩm nghiệm thu):

xây dựng sản phẩm, báo cáo trình bày sản phẩm, đánh giá.

d. Những ưu điểm và hạn chế của dạy học dự án

Khi áp dụng dạy học theo dự án, ta có thể thấy những ưu điểm nổi bật như: gắn lý thuyết với thực hành; kích thích động cơ, hứng thú học tập; phát huy tính tự lực, sáng tạo, trách nhiệm của người học; phát triển các NL như giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, giao tiếp, đánh giá,... Tuy nhiên, bên cạnh đó, dạy học dự án cũng có những hạn chế và thách thức nhất định như đòi hỏi nhiều thời gian cho HS nghiên cứu, tìm hiểu;

phương tiện vật chất phù hợp; GV phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, tích cực, yêu nghề,...

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển năng lực tự học cho học sinh trong dạy học phần vô cơ hóa học lớp 11 trung học phổ thông (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)