- Các mặt hàng nông sản như: Gạo, ngô, lạc, đậu, cà phê, quế, cao su... là những hàng hoá thiết yếu đối với đời sống và sản xuất của mỗi quốc
gia. Vì thế, đa số các nước trên thế giới đều trực tiếp hoạch định các chính sách can thiệp vào sản xuất, xuất khẩu lương thực và nước nào cũng chú trọng chính sách dự trữ quốc gia và bảo hộ nông nghiệp, coi an ninh lương thực là vấn đề cấp bách.
- Mặt hàng nông sản là một trong những mặt hàng có tính chiến lược, Do vậy, đại bộ phận buôn bán hàng nông sản quốc tế được thực hiện thông qua hiệp định giữa các Nhà nước mang tính dài hạn.
- Quá trình sản xuất, thu hoạch, buôn bán hàng nông sản mang tính thời vụ.
- Hàng nông sản chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố khí hậu, thời tiết.
- Chất lượng hàng nông sản sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nó luôn là yếu tố đầu tiên được người tiêu dùng quan tâm.
Đối với hàng nông sản, khâu bảo quản và chế biến rất quan trọng vì: Giá cả hàng nông sản xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào chất lượng. Chất lượng hàng nông sản không những phụ thuộc vào khâu sản xuất mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu bảo quản và chế biến. Chính vì vậy, để nâng cao giá hàng nông sản xuất khẩu thì khâu bảo quản và chế biến phải được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Chủng loại hàng nông sản rất phong phú và đa dạng nên chất lượng của cùng một mặt hàng cũng rất phong phú và đa dạng. Thói quen tiêu dùng và sự đánh giá về cùng một mặt hàng trên thị trường thế giới rất khác nhau.
Như vậy, có thể thấy với một loại nông sản nó có thể được ưa thích ở thị trường này, song lại không được chấp nhận ở thị trường khác, giá có thể cao ở thị trường này, song lại rất thấp ở thị trường khác. Vì vậy, trong kinh doanh hàng nông sản đối với một doanh nghiệp vấn đề xác định thị trường mục tiêu, thị trường tiềm năng đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp.
b. Thị trường nông sản thế giới
Trong thương mại quốc tế nói chung và trong xuất khẩu hàng nông sản nói riêng, việc nghiên cứu thị trường hàng hoá quốc tế là rất quan trọng. Nó
giúp cho các doanh nghiệp làm công tác xuất nhập khẩu những thông tin quan trọng về nhu cầu hàng nông sản và từ đó công ty sẽ đưa ra quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả tốt cho hoạt động kinh doanh của mình.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia xuất khẩu hàng nông sản nhưng các nước đang phát triển là những nước xuất khẩu hàng nông sản chủ yếu. Tuy nhiên, hàng nông sản được xuất khẩu từ các nước này chủ yếu là các hàng thô hoặc mới chỉ qua sơ chế nên giá trị xuất khẩu chưa cao.
Nước nhập khẩu hàng nông sản có thể là các nước chậm phát triển, đang phát triển hoặc phát triển. Tuy nhiên, nhu cầu của mỗi nước đối với hàng nông sản rất khác nhau.
Thị trường nhập khẩu hàng nông sản đã và đang bị thu hẹp lại. Hiện tại, các nước phát triển có nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nước này đã và đang thực hiện một cách phổ biến và sâu rộng chế độ trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp ở mức độ cao, bảo hộ thị trường nông sản nội địa dưới nhiều hình thức. Cơ chế này không những làm tăng khả năng xuất khẩu hàng nông sản của các nước này mà còn hạn chế nhập khẩu nông sản của các nước này. Đây là một bất lợi lớn đối với sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tình hình trên làm cho thị trường nông sản bị thu hẹp trong khi nguồn cung cấp nông sản khá dồi dào ở các nước Châu Á, Mỹ La Tinh, Tây Âu, Bắc Mỹ đã đưa kinh doanh nông sản trên thị trường thế giới vào tình trạng cạnh tranh quyết liệt, khiến cho giá nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm, gây bất lợi cho những người sản xuất nông nghiệp và cho những nước xuất khẩu nông sản.
Tình hình đó cũng buộc các nước đang phát triển phải xuất khẩu nông sản nguyên liệu cho các nước phát triển với giá thấp (các nước đang phát triển sẽ chế biến lại để xuất khẩu). Mặt khác, hàng nông sản chế biến sâu của các nước đang phát triển lại phải cạnh tranh với hàng nông sản xuất khẩu cùng loại của các nước phát triển ở thế yếu hơn do hạn chế về công nghệ chế biến
và khả năng đầu tư cho công nghệ chế biến nông sản xuất khẩu.
Ngày nay, thị trường quốc tế ngày càng được mở rộng, nhu cầu về hàng nông sản càng lớn nhưng mức độ cạnh tranh cũng vô cùng khắc nghiệt.
Doanh nghiệp phải thực sự bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả nông phẩm, uy tín, điều kiện thanh toán... với các doanh nghiệp xuẩt khẩu trong và ngoài nước.
1.7.2. Sự cần thiết phải thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam
Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm qua đạt kết quả cao. Bước đầu nước ta đã hình thành được các nhóm hàng nông sản xuất khẩu có giá trị lớn. Một số mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, hạt điều, lạc nhân... Một điều đáng mừng là các mặt hàng xuất khẩu không những tăng nhanh về số lượng mà còn đa dạng về chủng loại. Danh mục hàng hóa xuất khẩu cũng ngày càng được bổ sung, mở rộng.
Tuy nhiên, nhìn trên nhiều mặt, xuất khẩu nông sản còn xa mới xứng với tiềm năng hiện có của nền nông nghiệp nước nhà. Hơn thế sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng, nhưng kim ngạch còn nhỏ, hiệu quả kinh tế còn thấp và còn nhiều thách thức trong việc tìm kiếm “đầu ra” cho nhiều loại nông sản hàng hoá. Kim ngạch bình quân cho một nhân khẩu làm nông nghiệp xuất khẩu mới đạt khoảng 4,5 USD. Ở đây, tồn tại nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến nhiều khâu:
- Trong sản xuất: sản xuất nông nghiệp nói chung, cho xuất khẩu nói riêng còn nhiều sự chia cắt, tách biệt khâu sản xuất với khâu chế biến và tiêu thụ, các vùng nguyên liệu phân tán, xé nhỏ. Phương thức canh tác thủ công (từ gieo trồng, chăn bón đến thu hoạch, bảo quản), ít có cơ hội áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật làm cho năng xuất thấp, tiêu hao nhiều lao động, giá thanh cao. Hạn chế lớn nhất là hàng hoá nông nghiệp xuất khẩu của ta chủ yếu dưới dạng thô hoặc qua sơ chế, giá trị gia tăng không cao. Hạn chế này càng trở nên thách thức lớn đối với Việt Nam khi các hàng rào thuế quan đã
bị dỡ bỏ và miễn giảm thuế chỉ áp dụng cho các mặt hàng nông sản đã qua chế biến trong APEC mà Việt Nam là một thành viên. Tình trạng này kéo dài, hàng nông sản của ta sẽ thiếu năng lực cạnh tranh. Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm nước ngoài với giá rẻ hơn được chế biến bằng công nghệ hiện đại, mẫu mã phong phú...
- Trong khâu phân phối và tiêu thụ: Hàng nông sản của ta mới tập trung vào một số thị trường hạn chế, dễ bị sức ép và biến động nhiều vì không có đối trọng so sánh. Các nhà xuất khẩu trong nước không hỗ trợ liên kết hợp tác với nhau, giúp đỡ người nông dân trực tiếp sản xuất mà còn tranh mua, tranh bán, nâng hạ giá tuỳ tiện làm cho diễn biến giá cả thị trường phức tạp, không đúng với thực chất. Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn còn mang tính manh mún, còn thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn trên cơ sở nắm bắt thông tin thương mại chính xác và hiểu biết xu hướng vận động của thị trường quốc tế nói chung, đối với từng chủng loại hàng hoá nói riêng. Năng lực tiếp thị, khả năng phân tích thị trường và việc tiến hành quản lý xuất nhập khẩu của đội ngũ cán bộ còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến sự chậm chễ và thua thiệt.
Chính vì những nguyên nhân nêu trên, việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trở nên cấp thiết.
CHƯƠNG 2: