Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.4. Quy trình chăm sóc sơ sinh đủ tháng
1.1.4.1. Nhận định chăm sóc 1. Khai thác bệnh sử và tiền sử
Quan trọng để có hướng xử trí riêng cho từng trẻ sơ sinh. Nó cho hướng làm xét nghiệm cho trẻ tùy theo dữ kiện khai thác được.
Hỏi cha mẹ, người đỡ đẻ, bác sĩ chăm sóc trẻ và gia đình các vấn đề:
- Tiền sử gia đình
+ Khai thác những bệnh di truyền có tính chất gia đình
+ Khai thác những trường hợp tử vong thời kỳ sơ sinh không rõ nguyên nhân, có nghi ngờ do bệnh chuyển hóa.
- Tiền sử mẹ
- Khai thác những bệnh lý trước khi mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cho thai.
- Diễn biến chính xác quá trình thai nghén - Kiểu theo dõi trong thai kỳ
- Nhiễm trùng:
Virus: vào lúc bắt đầu thai nghén: nguy cơ bệnh lý bào thai.
Vi khuẩn: vào cuối thời kỳ thai nghén: nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh sớm truyền bằng đường mẹ - thai và đẻ non.
- Diễn biến của chuyển dạ:
+ Tuổi thai theo lý thuyết: tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến ngày sinh, tổng số ngày chia cho 7 ra số tuần.
+ Ối vỡ sớm > 8-10 giờ: nguy cơ nhiễm trùng.
+ Đa ối - thiểu ối: nguy cơ dị tật bẩm sinh.
+ Thời gian và diễn biến của chuyển dạ + Can thiệp thủ thuật sản khoa
+ Sinh bằng đường dưới hoặc mổ lấy thai
+ Dịch ối xanh, nhịp tim thai bất thường trong quá trình chuyển dạ, nhịp tim thai bất thường khi làm Echo - Doppler. Đó là những dấu hiệu chứng tỏ có tổn thương thần kinh (nguy cơ ngạt sau sinh).
+ Mẹ nghiện thuốc, mẹ có dùng thuốc gây mê…
+ Tình trạng nhau thai…
2. Khám trẻ sơ sinh + Xác định tuổi thai
Thời gian mang thai được tính theo tuần mất kinh (từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng):
Sơ sinh đủ tháng (SSĐT): 37-42 tuần (259-293 ngày).
Sơ sinh đẻ non (SSĐN): < 37 tuần (< 258 ngày).
Sơ sinh già tháng: (> 294 ngày).
3. Xác định mức độ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh trong thai kỳ - Phải xem xét trẻ thuộc 1 trong 3 loại sau:
+ Bình dưỡng: cân nặng tương ứng với tuổi thai.
+ Thiểu dưỡng: cân nặng thấp hơn so với tuổi thai.
Trong thực hành, người ta dùng thuật ngữ "đẻ yếu" để gọi những trường hợp chậm phát triển chỉ mới ảnh hưởng đến cân nặng; và dùng thuật ngữ "suy dinh dưỡng bào thai" để gọi những trường hợp chậm phát triển ảnh hưởng đến cả cân nặng, vòng đầu và chiều cao
+ Tăng dưỡng: cân nặng lớn hơn cân nặng của tuổi thai.
- Những chỉ số đo ở trẻ sơ sinh:
Bao gồm: cân nặng, chiều cao, vòng đầu. Phải đo những thông số này một cách có hệ thống, rồi so những thông số này với tuổi thai.
Mỗi một trẻ sơ sinh được xếp loại dựa theo cả 2 tiêu chuẩn sau:
+ Mức độ trưởng thành (đủ tháng, đẻ non, đẻ yếu).
+ Mức độ dinh dưỡng: bình dưỡng, thiểu dưỡng, tăng dưỡng.
Tùy theo phân loại sơ sinh sẽ có cách xử trí và chăm sóc riêng.
4. Các vấn đề khác như:
- Tình trạng da, niêm mạc của trẻ: hồng hào hay vàng hay nhợt? Có ban, mụt nhọt, bướu huyết thanh, bướu đỉnh không? …
- Rốn của trẻ: tươi hay khô? Có dấu hiệu nhiễm khuẩn rốn không? … - Trẻ có dấu hiệu hạ đường huyết không?
- Bà mẹ có biết chăm sóc trẻ đúng cách không?
- Bà mẹ có đủ sữa cho trẻ bú không? Có biết nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách không?
- Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vệ sinh của mẹ trẻ?
- Bà mẹ có bệnh kèm theo không?
1.1.4.2. Chẩn đoán chăm sóc
- Nguy cơ hạ đường huyết liên quan đến chế độ nuôi dưỡng trẻ chưa hợp lý.
- Nguy cơ hạ thân nhiệt liên quan đến điều hòa thân nhiệt chưa trưởng thành, thay đổi nhiệt độ môi trường hoặc bà mẹ chăm sóc trẻ chưa đúng.
- Nguy cơ hạ canxi máu liên quan đến nhu cầu phát triển xương của trẻ mạnh, sữa mẹ không cung cấp đủ lượng canxi trẻ cần, trẻ bị ngạt khi sinh, không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài sau sinh…
- Nguy cơ nhiễm trùng rốn, nhiễm khuẩn liên quan đến cách chăm sóc, vệ sinh cho trẻ chưa đúng, bệnh lý của mẹ…
1.1.4.3. Kế hoạch chăm sóc
1. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
- Đánh giá ngậm và bắt vú của trẻ, phản xạ nuốt của trẻ.
- Cho trẻ ăn bữa đầu tiên theo quy định của bệnh viện nếu mẹ chưa có sữa.
- Hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ phương pháp cho trẻ bú đúng ngay từ bữa đầu tiên.
- Hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú theo nhu cầu.
- Hướng dẫn bà mẹ vắt hết sữa sau mỗi lần trẻ bú để duy trì bài tiết sữa.
- Hướng dẫn bà mẹ nếu đủ sữa mẹ cho trẻ thì không nên cho trẻ uống nước, ăn thêm sữa ngoài.
- Động viên gia đình giúp bà mẹ về tư thế cho trẻ bú và nghỉ ngơi.
- Hướng dẫn cho trẻ ăn sữa mẹ đổ thìa nếu trẻ không bú được hoặc sữa pha đúng công thức nếu mẹ không có sữa. Không được cho trẻ bú chai.
- Hướng dẫn bà mẹ sử dụng cốc, bát, thìa sạch cho trẻ ăn.
- Để trẻ nằm nghiêng phải sau khi bú đề phòng sặc sữa.
- Cân trẻ hàng ngày.
2. Duy trì thân nhiệt ổn định cho trẻ.
- Đảm bảo nhiệt độ phòng trẻ từ 240C-25,50C và độ ẩm 40%-50%.
- Đặt trẻ vào nơi đã được làm ấm trước (dưới tấm sưởi hoặc cạnh mẹ trẻ).
- Quấn trẻ bằng chăn ấm thích hợp.
- Theo dõi nhiệt độ theo y lệnh.
- Tắm cho trẻ theo y lệnh: tắm từng phần và quấn tã, quấn chăn cho trẻ ngay sau khi tắm.
- Trùm đầu cho trẻ bằng mũ chụp, mũ thóp hoặc chăn ấm thích hợp nếu mất nhiệt vì đầu có diện tích bề mặt lớn.
- Không đặt trẻ ở nơi có gió lùa hoặc gió của điều hòa, quạt…
- Chỉ để lộ một vùng cơ thể cần khám hoặc làm thủ thuật.
- Theo dõi dấu hiệu tăng hoặc giảm thân nhiệt.
3. Phòng nguy cơ hạ canxi máu cho trẻ.
- Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt ngay sau sinh.
- Hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú sớm, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi.
- Hướng dẫn bà mẹ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi như: tôm, cua, cá, sữa chua, sữa đậu nành… Không nên kiêng khem.
- Hướng dẫn gia đình cho trẻ tắm nắng khoảng 30 phút/ngày vào sáng sớm, không nên kiêng cữ như nằm trong buồng tối, hạn chế trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong nhiều tuần…
- Theo dõi và hướng dẫn gia đình trẻ theo dõi, phát hiện các dấu hiệu hạ canxi huyết của trẻ: khóc đêm, khóc kèm theo tím tái, ngủ hay giật mình, rung giật mặt, cằm, chân, tay, gáy cứng và đầu ưỡn ra phía sau, thở nhanh, có thể bị nôn mửa, bỏ bú…
- Thực hiện y lệnh tiêm tĩnh mạch chậm (4 phút) canxi gluconate 10% 10ml (chứa 94mg canxi) hoặc canxi chlorua 10% 10ml (chứa 272mg canxi) trong trường hợp trẻ bị hạ canxi huyết cấp. Sau đó, pha truyền tĩnh mạch duy trì 4-6 giờ sao cho nồng độ canxi trở về mức bình thường thì ngừng.
- Bổ sung canxi uống và vitamine D để tăng khả năng hấp thu canxi cho trẻ.
4. Phòng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
- Đảm bảo tất cả những người chăm sóc trẻ rửa tay trước và sau khi bế trẻ.
- Đảm bảo tất cả các dụng cụ dùng cho trẻ phải sạch sẽ.
- Cách ly trẻ khỏi các nguồn nhiễm trùng.
- Kiểm tra mắt trẻ hàng ngày xem có bị viêm hay chảy dịch không?
- Tiến hành các biện pháp phòng hiễm trùng mắt cho trẻ.
- Kiểm tra rốn của trẻ hàng ngày: mùi, màu sắc, dịch chảy…?
- Giữ cuống rốn trẻ khô và sạch, để tã ở dưới cuống rốn.
- Lau rửa và hướng dẫn gia đình trẻ lau rửa bộ phận sinh dục, hậu môn cho trẻ đúng cách (từ trước ra sau) để tránh nhiễm phân vào bộ phận sinh dục của trẻ.
- Hướng dẫn gia đình trẻ các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn.
- Tiêm vaccine cho trẻ theo quy định.
1.1.4.4. Đánh giá chăm sóc
Trẻ sơ sinh đủ tháng được chăm sóc tốt:
- Trẻ được đảm bảo dinh dưỡng. Trẻ tăng cân đều.
- Trẻ được duy trì thân nhiệt ổn định.
- Trẻ không bị hạ canxi huyết.
- Trẻ không bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
- Bố mẹ trẻ được hướng dẫn và làm theo về chăm sóc trẻ đúng cách.