Theo Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam, căn cứ vào các kết quả điều tra nghiên cứu trong và ngoài nước, người ta đã xác định trên cây hồ tiêu có trên 40 loại sâu, bệnh gây hại trên cây hồ tiêu và cây trồng, vật liệu được sử dụng làm “ choái”
cho cây tiêu. Tuy nhiên trên những vùng trồng hồ tiêu chính ở nước ta theo các tác giả: Theo Ngô Vĩnh Viễn (2007), trên hồ tiêu có ba nhóm dịch hại có ý nghĩa kinh tế
và cần được quan tâm nghiên cứu giải quyết là: Bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm và bệnh do virus.
1.4.1.1 Bệnh chết nhanh
Triệu chứng bệnh chết nhanh:
Bệnh gây hại trên tất cả các vùng trồng hồ tiêu ở nước ta. Triệu chứng bệnh thường quan sát rõ nét nhất và điển hình nhất vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô.
Ban đầu các đầu chóp rễ làm rễ biến màu và có mầu nâu nhạt hay mầu nâu thấm nước, sau chuyển sang màu nâu đen, rễ bị thối và không cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây và cây bị héo nhanh, mép lá hơi co lại và trở nên vàng trước khi rụng, sau khi lá rụng quả bắt đầu bị nhăn nheo và khô. Trên thân cây bị bệnh thường quan sát thấy mạch dẫn trong thân bị đen. Bệnh có thể quan sát thấy trong mùa mưa từng nhánh cây bị héo xanh vào mùa mưa và có thể chết từng phần trên
“nọc tiêu”. Nhiều khi trong mùa mưa bệnh cũng gây thối chùm hoa và chùm quả (Đoàn Nhân Ái, 2007).
Bệnh chết nhanh là nguyên nhân gây suy thoái vườn tiêu ở nhiều địa phương như: Cam Lộ- Quảng Trị, Chư Sê - Gia Lai, Xuân Lộc - Đồng Nai, Phú Quốc - Kiên Giang ...Các vùng tiêu từ Đà Nẵng trở vào thường biểu hiện chết nhanh rõ nhất vào cuối tháng 12 đầu tháng giêng ( lúc kết thúc mùa mưa chuyển sang mùa khô), các tỉnh từ đèo Hải Vân trở ra biểu hiện của bệnh lại rõ hơn ở cuối tháng tháng 4 đầu tháng năm - khi gió mùa đông bắc không còn gây mưa ở vùng này (Cục Bảo vệ Thực vật, 2007).
Nguyên nhân gây bệnh chết nhanh.
Có nhiều công trình nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh chết nhanh và đi đến thống nhất bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Những nghiên cứu mới nhất của trường Đại học tổng hợp Sydney trong khuôn khổ của dự án ACIAR đã cho thấy có
tới 3 loài nấm Phytophthora tham gia gây triệu chứng chết nhanh: Phytophthora capsici, P. nicotianae, P.cinnamomi, trong đó loài nấm Phytophthora capsici là phổ biến hơn ở tất cả các vùng trồng tiêu. Điều tra nghiên cứu tại Đắc Nông thì Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam cũng thu được kết quả tương tự. Bằng phương pháp bẫy du động bào tử bằng cánh hoa hồng ( hoặc một số hoa có cánh hoa có mầu ) đã phát hiện còn có sự tham gia của nấm Pythium - một loại nấm cùng họ với nấm Phytophthora (Đoàn Nhân Ái, 2007)
Nguyễn Tăng Tôn (2005) cho rằng bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici là bệnh quan trọng nhất hiện nay trên cây tiêu ở Việt Nam. Ngoài ra một số nấm gây bệnh khác như Fusarium sp., Pythium sp., Rhizoctonia solani cũng là các tác nhân quan trọng góp phần gây bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu.
1.4.1.2 Bệnh chết chậm
Triệu chứng bệnh chết chậm
Bệnh chết chậm thường có triệu chứng vàng lá từ từ, nhiều khi cây hồ tiêu bị bệnh 2 - 3 năm sau mới chết. Cây bị bệnh kém phát triển, năng suất thấp. Bộ rễ cây thường bị hủy hoại. Tùy thuộc vào từng vùng mà trên rễ có biểu hiện thâm đen, khó khăn trong việc cung cấp nước và dinh dưỡng. Quan sát thấy trên rễ có nhiều mụn u sưng, vết thâm đen trên rễ do tập đoàn tuyến trùng gây ra. Gốc thân, cổ rễ bị thâm đen, thối khô. Các bó mạch trong thân bị chuyển mầu thâm đen. Trong điều kiện mùa khô rệp sáp gây hại trên rễ cũng gây triệu chứng héo vàng. Nhiều địa phương mối cũng tham gia gây hại. Triệu chứng chết chậm biểu hiện rõ ràng cả trong mùa khô và trong mùa mưa. Rõ ràng bệnh chết chậm hay hiện tượng vàng lá chết dây từ từ là một hội chứng rất phức tạp. Đây là hội chứng phức hợp do nhiều nguyên nhân gây ra (Đoàn Nhân Ái, 2007).
Tác nhân gây bệnh chết chậm
Thu thập mẫu bệnh ở nhiều địa phương khác nhau mà chủ yếu tại Quảng Trị, Đắc Nông thì Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam ghi nhận có nhiều tác nhân tham gia: Tuyến trùng vùng rễ, rệp sáp, mối, nấm Fusarium sp.Nhiều mẫu bệnh thu thập tại các tỉnh trồng tiêu còn có sự hiện diện của cả nấm Phytophthora và Pythium. Phân tích bộ rễ cây sau khi trồng còn ghi nhận sự hiện diện của tập đoàn tuyến trùng tuyến trùng mà đặc biệt là tuyến trùng u sưng (Ngô Thị Xuyên, 2002).
1.4.1.3 Bệnh virus hại hồ tiêu
Bệnh vi rút trên hồ tiêu được biết đến với tên gọi “ tiêu điên”. Cây mới bị bệnh trên lá có triệu chứng khảm hay còn gọi là hoa lá, lá nhỏ lại và cây phát triển còi cọc.
Giai đoạn cuối, các đốt thân sưng lên và các đốt xít gần nhau, nhiều khi gây hiện tượng “nổ đốt - tháo đốt” . Bệnh gây hại làm cho vườn tiêu phát triển chậm, dần dần tàn lụi và giảm năng suất rõ rệt (Cục Bảo vệ Thực vật, 2007).