Đặc điểm địa tầng phân tập

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm tướng trầm tích Holocen khu vực từ cửa Ba Lai đến cửa Hàm Luông (Trang 58 - 61)

Chương 3. ĐẶC ĐIỂM TƯỚNG TRẦM TÍCH HOLOCEN VÙNG NGHIÊN CỨU

4.1. Đặc điểm địa tầng phân tập

Đặc điểm địa tầng phân tập trong Holocen khu vực nghiên cứu được xác định dựa trên việc liên kết các tài liệu địa chấn địa tầng và các mặt cắt lỗ khoan.

Qua nghiên cứu đã chỉ ra được 3 miền hệ thống trầm tích có mặt trong khu vực nghiên cứu, cụ thể như sau:

4.1.1. Miền hệ thống biển thấp (LST)

Miền hệ thống biển thấp là tập hợp các thành tạo trầm tích hình thành trong giai đoạn mức nước biển hạ từ mức cực đại đến cực tiểu và dâng tương đối chậm trong khi tốc độ trầm tích lại tương đối cao. Trong khu vực nghiên cứu, miền hệ thống trầm tích này gặp trong các mặt cắt địa chấn nông phân giải cao và lỗ khoan.

Miền hệ thống biển thấp được giới hạn bởi hai bề mặt: i) Bề mặt bào mòn biển thấp (LES- lowstand erosion surface) hình thành do quá trình bào mòn các thành tạo trầm tích lắng đọng trong chu kỳ trước. Quá trình bào mòn này tạo nên một bất chỉnh hợp, trong trường hợp này cũng được gọi là một ranh giới tập (SB), đánh dấu sự kết thúc một tập trầm tích và bắt đầu một tập trầm tích mới; ii) Bề mặt biển tiến (TS) hoặc bào mòn biển tiến (RS - ravinement surface) hình thành khi tốc độ tạo không gian tích tụ vượt quá tốc độ cung cấp trầm tích.

Hình 4.1. Mặt cắt địa chấn địa tầng tuyến MK07 vuông góc với bờ vùng biển đông nam Cửa Đại

Trong các băng địa chấn nông phân giải cao, miền hệ thống biển thấp (LST) được giới hạn bởi hai ranh giới địa chấn địa tầng:

Thứ nhất là ranh giới dưới của tập (SB) - đặc điểm nổi bật của ranh giới SB trong vùng nghiên cứu thuộc tỉnh Bến Tre là một bề mặt bất chỉnh hợp địa chấn địa tầng rõ nét với đặc trưng là các bề mặt đào khoét mạnh được hình thành trong giai đoạn mực nước biển hạ thấp (Hình 4.3). Bề mặt ranh giới gồ ghề, mấp mô, biên độ phản xạ vừa đến mạnh, độ liên tục tốt phát triển trên toàn vùng nghiên cứu. Bên dưới ranh giới là trường sóng hỗn đỗn, đứt đoạn, đôi chỗ quan sát thấy rõ trường sóng xiên chéo của thành tạo tập địa chấn bên dưới bị bào mòn, cắt xén. Bên trên ranh giới thường được đặc trưng bởi trường sóng trắng phản xạ mạnh của tướng hoặc trường sóng phân lớp xiên chéo, liên tục tốt, phản xạ mạnh đến trung bình.

Thứ hai là ranh giới biển tiến (TS) - đặc trưng là một ranh giới tương đối phẳng, đôi chỗ quan sát thấy hoạt động đào khoét nhẹ hoặc uốn cong theo hình thái ranh giới SB ở bên dưới (Hình 4.3). Bên dưới ranh giới thường có các tập địa chấn phản xạ ngắn, biên độ mạnh hoặc các tập địa chấn liên tục xiên chéo (Hình 4.3).

Bên trên ranh giới là tập địa chấn có trường sóng liên tục tốt, á song song đến song song, biên độ phản xạ từ yếu đến mạnh (Hình 4.1, 4.2). Ranh giới này bắt gặp liên tục trên toàn vùng nghiên cứu.

Hình 4.2. Mặt cắt tuyến MK102A song song với bờ vùng biển cửa Ba Lai - Cửa Đại

Đặc điểm trường sóng địa chấn thay đổi mạnh trong vùng nghiên cứu với các đặc trưng trường sóng: dạng phân lớp á song song đến song song, biên độ phản xạ từ kém đến mạnh, tính liên tục kém đến trung bình, tần số phản xạ trung bình; dạng lấp đầy trũng địa hình phản xạ trung bình đến kém, song song đến á song song có tính liên tục khá; dạng phản xạ hỗn loạn, liên tục kém, biên độ phản xạ yếu đến trung bình, tần số thấp đến trung bình; dạng phân lớp xiên chéo có tính liên tục tốt đến trung bình, biên độ phản xạ từ kém đến mạnh, tần số trung bình (hình 4.1, 4.2).

Dạng trường sóng phân sớm xiên chéo phân bố rải rác ở khu vực ngoài khơi Cửa Hàm Luông, Cửa Ba Lai. Đặc biệt chú ý, sự thay đổi xu thế xiên chéo của trường sóng trong khu vực giữa Cửa Đại và Cửa Ba Lai (hình 4.1, 4.2) cho thấy sự thay đổi của hoạt động lòng sông trong giai đoạn này.

4.1.2. Miền hệ thống biển tiến (TST)

Miền hệ thống trầm tích biển tiến bao gồm các tướng trầm tích hình thành trong suốt giai đoạn mực nước biển tương đối dâng với tốc độ lớn hơn tốc độ cung cấp trầm tích, được giới hạn dưới bởi bề mặt biển tiến (TS -transgressive surface) hoặc bề mặt bào mòn biển tiến (RS) và giới hạn trên bởi bề mặt ngập lụt cực đại (MFS - maximum flooding surface).

Trong vùng nghiên cứu, bề mặt ngập lụt cực đại là bất chỉnh hợp phản xạ mạnh đến trung bình, liên tục trong phần bên trong của toàn bộ các mặt cắt (hình4.3).

Bên trên ranh giới có trường sóng nghiêng song song với liên tục biên độ phản xạ yếu đến trung bình phủ lên. Bên dưới ranh giới đặc trưng bởi trường sóng ngang song song. Độ sâu của bề mặt ngập lụt cực đại trong khu vực nghiên cứu dao động từ 18 đến 28m so với mực nước biển hiện tại. Bề mặt có dạng nghiêng thoải về phía biển.

Các đường đẳng sâu hơi lõm sâu về phía lục địa tại trước các cửa sông thuộc hệ thống sông Cửu Long cho thấy trầm tích hiện đại (Holocen muộn - Q23) có bề dày lớn hơn tại các vùng trước các cửa sông. Tại độ sâu 20 - 25m nước bề mặt này gần trùng với bề mặt đáy biển do trầm tích Holocen muộn ở đây rất mỏng. Bề mặt này chìm sâu nhất tại khu vực ngoài khơi trước các cửa sông Ba Lai - Hàm Luông.

Trong vùng ven biển, mặt cắt đầy đủ của miền trầm tích này chỉ có ở vùng trũng (thung lũng đào khoét), bao gồm các tướng sắp xếp từ dưới lên như sau: cửa sông  đầm lầy  bãi triều  estuary  vũng vịnh. Tại các vùng nâng, mặt cắt chỉ có tướng bãi triều.

Hình 4.3. Mặt cắt địa chấn tuyến MK09 4.1.3. Miền hệ thống biển cao (HST)

Trong vùng châu thổ ngầm hiện đại, miền hệ thống biển cao nằm giữa bề mặt ngập lụt cực đại và bề mặt đáy biển, còn trong vùng đồng bằng châu thổ là từ rang giới dưới của tướng chân châu thổ và bề mặt địa hình hiện tại. Trong vùng châu thổ ngầm, miền hệ thống trầm tích này luôn bắt gặp trên các băng địa chấn nông phân giải cao với cấu tạo đặc trưng là nghiêng song song, kề áp trên bề mặt ngập lụt cực đại (hình 4.1). Ranh giới ngoài ứng với độ sâu đáy biển khoảng 23m nước. Bề dày miền hệ thống trầm tích này là từ 0 - 26m, giảm dần theo chiều từ bờ ra khơi. Trong vùng ven biển, mặt cắt cộng sinh tướng trầm tích từ dưới lên bao gồm các tướng:

chân châu thổ  tiền châu thổ  bãi triều  đồng bằng châu thổ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm tướng trầm tích Holocen khu vực từ cửa Ba Lai đến cửa Hàm Luông (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)