Đặc điểm sinh lý sinh dục, năng suất sinh sản của lợn nái rừng Thái Lan, lợn nái Móng Cái phối với lợn đực rừng Thái Lan

Một phần của tài liệu Đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái rừng, móng cái phối với đực rừng và sinh trưởng đời con đến xuất bán tại công ty cổ phần giống chăn nuôi thái bình (Trang 42 - 56)

4.1. Năng suất sinh sản của lợn nái rừng Thái Lan, lợn nái Móng Cái phối với lợn đực rừng Thái Lan

4.1.1. Đặc điểm sinh lý sinh dục, năng suất sinh sản của lợn nái rừng Thái Lan, lợn nái Móng Cái phối với lợn đực rừng Thái Lan

Khả năng sinh sản của lợn nái chịu ảnh hưởng rất lợn bởi các chỉ tiêu sinh lý sinh sản. Việc nghiên cứu đặc điểm sinh lý sinh sản của lợn nái một cách khoa học sẽ giúp ích cho việc ứng dụng vào thực tế sản xuất. Quyết định thời điểm đưa lợn nái vào khai thác là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đàn con sinh ra, quan trọng hơn nó quyết định đến độ bền của lợn nái. Kết quả xác định các chỉ tiêu sinh lý sinh sản và năng suất sinh sản của lợn nái rừng và nái Móng Cái được trình bày ở bảng 4.1.

- Tuổi động dục lần đầu

Gia súc thành thục về tính là thời điểm mà bộ máy sinh dục của cơ thể đã phát triển căn bản hoàn thiện. Dưới tác dụng của thần kinh, nội tiết tố, con vật xuất hiện các hiện tượng hưng phấn sinh dục (các phản xạ về sinh dục), khi đó có các noãn bao chín và tế bào trứng rụng. Tuổi thành thục về tính là chỉ tiêu ảnh hưởng đến năng suất của lợn, nó phụ thuộc vào giống, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.

Kết quả được thể hiện ở bảng 4.1 cho thấy lợn rừng Thái Lan, lợn Móng Cái được nuôi tại Công ty cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình có tuổi động dục lần đầu tương ứng là: 196,44 và 181,85 ngày. Như vậy, tuổi động dục lần đầu của lợn cái rừng Thái Lan muộn hơn so với lợn Móng Cái, sự sai khác là rõ ràng (P<0,05). Theo Tăng Xuân Lưu và cs. (2010), lợn rừng Thái Lan nuôi tại Nam Trung Bộ, Bắc Giang, Ba Vì có tuổi động dục lần đầu là 187,53 ngày (dao động từ 156 – 301 ngày). Theo Đỗ Thị Kim Lành và cs. (2011), tuổi thành thục về tính của lợn rừng giống Thái Lan nuôi tại miền Bắc dao động trong khoảng 166 – 235 ngày, phổ biến từ: 181 – 191 ngày tuổi. Lợn rừng nhập từ Thái Lan được nuôi tại Ba Vì – Hà Nội có tuổi động dục lần đầu tập trung cao nhất ở 171 – 200 ngày (chiếm 90,51%), sau 200 ngày chiếm tỷ lệ khá thấp 2,23% (Phùng Quang Trường và cs., 2015).

Bảng 4.1. Đặc điểm sinh lý sinh dục , năng suất sinh sản của lợn nái rừng Thái Lan, nái Móng Cái phối với lợn đực rừng Thái Lan

Các chỉ tiêu Đực rừng x cái rừng Đực rừng x nái MC

n ± SE Cv (%) n ± SE Cv (%)

Tuổi động dục lần đầu (ngày) 34 196,44a ± 3,51 10,41 39 181,85b ± 2,60 9,04

Tuổi phối giống lần đầu (ngày) 34 237,50a ± 4,06 9,97 39 218,05b ± 2,32 6,72

Tuổi đẻ lứa đầu (ngày) 34 351,47a ± 4,13 6,85 39 332,53b ± 2,12 4,03

Thời gian mang thai (ngày) 204 115,02a ± 0,24 3,02 234 113,95b ± 0,46 6,20

Số con sơ sinh/ ổ (con) 204 8,41b ± 0,15 25,26 234 10,52a ± 0,15 21,64

Số con sơ sinh sống/ ổ (con) 204 8,07b ± 0,15 25,94 234 10,09a ± 0,14 21,13

Tỷ lệ sơ sinh sống (%) 204 96,01 ± 0,58 8,57 234 96,17 ± 0,41 6,59

Khối lượng sơ sinh/ ổ (kg) 204 5,71b ± 0,11 26,54 234 6,57a ± 0,11 25,64

Khối lượng sơ sinh/con (kg) 204 0,71a ± 0,01 13,80 234 0,66b ± 0,01 16,22

Số con cai sữa/ ổ (con) 204 7,45b ± 0,15 28,87 234 9,26a ± 0,14 23,22

Khối lượng cai sữa/ ổ (kg) 204 49,32b ± 1,05 30,43 234 59,11a ± 1,02 26,29

Khối lượng cai sữa/con (kg) 204 6,67a ± 0,07 14,79 234 6,42b ± 0,07 15,57

Tỷ lệ nuôi sống đến CS (%) 204 95,39 ± 2,02 30,26 234 92,01 ± 0,76 12,69

Thời gian cai sữa (ngày) 204 54,74 ± 0,52 13,68 234 55,39 ± 0,38 10,40

TG ĐD trở lại sau CS (ngày) 200 6,55 ± 0,30 64,47 227 6,42 ± 0,22 50,50

TG phối giống có chửa sau CS (ngày) 170 12,54 ± 0,81 84,11 195 12,00 ± 0,71 75,82

KC giữa hai lứa đẻ (ngày) 170 182,13 ± 0,99 7,11 195 181,37 ± 1,20 9,26

Ghi chú: Trên cùng một hàng, nếu giá trị trung bình mang chữ cái khác nhau là sai khác có ý nghĩa thống kê (P < 0,05)

X X

Theo Hoàng Toàn Thắng và cs. (2006), lợn Móng Cái có tuổi động dục lần đầu là 130 -140 ngày. Tuổi động dục lần đầu của lợn Móng Cái và lợn Bản trong nông hộ vùng cao huyện Yên Châu tỉnh Sơn La lần lượt là 139,00; 142,67 ngày tuổi (Lê Thị Thúy và Bùi Khắc Hùng, 2008). Lợn Hạ Lang có tuổi động dục lần đầu là 186,80 ngày (Phạm Hải Ninh và cs., 2012). Theo Vũ Ngọc Sơn và cs. (2012), nghiên cứu bảo tồn quỹ gen lợn Lũng Pù tại Viện Chăn nuôi cho biết tuổi động dục lần đầu là 192,00 ngày (6,4 tháng), Lợn Bản và lợn Lũng Pù có tuổi động dục lần đầu lần lượt là: 201,78 và 197,18 ngày (Đặng Hoàng Biên, 2016). Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi nằm trong khoảng biến động chung kết quả nghiên cứu của các tác giả trên.

* Tuổi phối giống lần đầu

Tuổi phối giống lần đầu là chỉ tiêu sinh dục của lợn cái hậu bị, là thời gian con cái đó được sinh ra cho tời khi được phối giống lần đầu tiên. Xác định tuổi phối giống lần đầu của lợn để đạt được khối lượng cơ thể phù hợp bắt đầu cho cuộc đời sinh sản là hết sức quan trọng. Chỉ tiêu này phải đảm bảo lợn đã trải qua một đến hai lần động dục và khối lượng cơ thể phải đạt yêu cầu của giống. Tuổi phối giống lần đầu là chỉ tiêu ảnh hưởng rất lớn tới năng suất sinh sản của lợn nái về sau, các giống lợn khác nhau chỉ tiêu này cũng khác nhau. Tuổi phối giống lần đầu quá sớm, khi cơ thể lợn nái chưa đạt đủ khối lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lứa đầu, nếu muộn sẽ làm giảm hiệu suất sinh sản.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi phối giống lần đầu của lợn rừng Thái Lan là 237,50 ngày và lợn Móng Cái là 218,05 ngày, chỉ tiêu này ở hai giống lợn có sự sai là rõ ràng (P < 0,05). Tuổi phối giống lần đầu của lợn rừng Thái Lan là muộn hơn kết quả 229,5 và sớm hơn so với lợn rừng Việt Nam 251,5 ngày (Tăng Xuân Lưu và cs., 2010). Theo Đỗ Kim Tuyên và cs. (2007), tuổi phối giống lần đẩu ở lợn rừng là 7 – 8 tháng tuổi. Lợn rừng nhập từ Thái Lan được nuôi tại Ba Vì – Hà Nội có tuổi phối giống lần đầu tập trung vào 221 – 242 ngày tuổi (71,42%), cao nhất ở 221- 231 ngày tuổi (53,90%), sớm nhất là 210 ngày tuổi và muộn nhất là 272 ngày tuổi (Phùng Quang Trường và cs., 2015). Theo Giang Hồng Tuyến (2010), tuổi phối giống lần đầu của nhóm lợn Móng Cái tổng hợp nuôi tại Hải Phòng là 236,34 ngày tuổi. Tuổi phối giống lần đầu của lợn Móng Cái và lợn Bản nuôi trong nông hộ vùng cao huyện Yên Châu tỉnh Sơn La được công bố là 188,20 và 180,30 ngày tuổi (Lê Thị Thúy và Bùi Khắc Hùng, 2008).

Tuổi phối giống lần đầu của lợn Mẹo (280 ngày), lợn Lang Hồng (300 ngày), lợn

Sóc (330 ngày) (Nguyễn Thiện, 2006). Theo Phan Xuân Hảo và Ngọc Văn Thanh (2010), lợn Bản có tuổi phối giống lần đầu là 336,91 ngày. Vũ Ngọc Sơn và cs. (2012) cho biết lợn Ỉ có tuổi phối giống lần đầu ở 7 tháng tuổi, của lợn Lũng Pù là 270,00 ngày. Nghiên cứu của Quách Văn Thông (2009) trên lợn Bản nuôi tại Tân Lạc thì tuổi phối giống lần đầu là 280,02 ngày. Kết quả của Phạm Hải Ninh và cs. (2015) công bố trên lợn Hạ Lang có tuổi phối giống lần đầu là 235,65 ngày. Kết quả nghiên cứu trên cho thấy tuổi phối giống lần đầu của lợn rừng Thái Lan và lợn Móng Cái nằm trong khoảng biến động chung của loài lợn đã được các tác giả nghiên cứu.

- Tuổi đẻ lứa đầu

Tuổi đẻ lứa đầu có quan hệ mật thiết với tuổi động dục lần đầu, tuổi phối giống lần đầu. Tỉ lệ phối giống có chửa lần đầu và thời gian mang thai thường ổn định, do vậy tuổi đẻ lứa đầu được quyết định bởi tuổi phối giống lần đầu. Tuổi đẻ lứa đầu ảnh hưởng tới năng suất sinh sản, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đưa vào khai thác quá sớm khi thể vóc phát triển chưa hoàn thiện số trứng rụng sẽ ít, dẫn tới số con đẻ ra ít, khối lượng sơ sinh thấp, dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh và dễ nhiễm bệnh nên số con sinh ra có tỷ lệ chết cao. Hơn nữa sự hao hụt của lợn nái lớn nên ảnh hưởng đến lứa đẻ tiếp theo. Nếu đưa vào khai thác quá muộn, lúc này cơ thể đã phát triển hoàn thiện nhưng lại mất nhiều thời gian nái không sản xuất, thời gian sản xuất ngắn vì vậy ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng lợn nái.

Tuổi đẻ lứa đầu của lợn nái rùng Thái Lan và nái Móng Cái lần lượt là 351,47 và 332,53 ngày tuổi. Như vậy, tuổi đẻ lần đầu của lợn nái rừng Thái Lan muộn hơn so với lợn nái Móng Cái và sự sai khác này là rõ ràng (P < 0,05). Điều này thể hiện đúng với quy luật khi tuổi phối giống lần đầu của lợn rừng muộn hơn so với lợn Móng Cái. Công bố của Đỗ Kim Tuyên và cs. (2007), tuổi đẻ lứa đầu của lợn rừng Thái Lan là 347,3 ngày. Tăng Xuân Lưu và cs. (2010) cho biết lợn rừng Thái Lan có tuổi đẻ lứa đầu là 343,5 ngày. Theo Phùng Quang Trường và cs. (2015), lợn rừng Thái Lan được nuôi tại Ba Vì – Hà Nội có tuổi đẻ lứa đầu tập trung ở giai đoạn 341 – 351 ngày (chiếm 62,88%). Lợn Móng Cái có tuổi đẻ lứa đầu là 467,40 ngày tuổi (Nguyễn Thiện và Đinh Hồng Luận, 1994). Theo Giang Hồng Tuyến (2011), khảo sát trên đàn lợn Móng Cái tổng hợp nuôi tại Hải Phòng và Lào Cai cho kết quả tuổi đẻ lứa đầu là 351,17 ngày tuổi.

Kết quả nghiên cứu ở một số giống lợn bản địa của các tác giả khác như:

Tuổi đẻ lứa đầu của lợn Tạp Ná là 365 ngày (Nguyễn Thiện và cs., 2005), lợn Sóc là 10 – 15 tháng (Lê Thị Biên và cs., 2006), lợn Mường Khương có tuổi đẻ lứa đầu là 11 tháng tuổi (330 ngày) (Lê Đình Cường và cs., 2008). Vũ Đình Tôn và Phan Đăng Thắng (2009) cho biết lợn Bản nuôi tại tỉnh Hòa Bình có tuổi đẻ lứa đầu là 388.96 ngày tuổi. Tuổi đẻ lứa đầu của lợn Khùa là 348,59 ngày (Nguyễn Ngọc Phục và cs., 2010). Công bố của Phan Xuân Hảo và Ngọc Văn Thanh (2010), lợn Bản Điện Biên có tuổi đẻ lứa đầu 451,40 ngày. Theo Hoàng Thanh Hải và cs. (2012), lợn Hương Cao Bằng có tuổi đẻ lứa đầu là 11,53 tháng tuổi. Công bố của Nguyễn Văn Đức (2013) tuổi đẻ lứa đầu của lợn Tạp Ná là 313,95 ngày tuổi. Lợn Mường Lay có tuổi đẻ lứa đầu là 416,70 ngày (Trịnh Phú Ngọc, 2013). Lợn Hạ Lang có tuổi đẻ lứa đầu ở 310,21 ngày (Phạm Đức Hồng và Phạm Hải Ninh, 2013). Kết quả nghiên cứu của Phạm Hải Ninh và cs. (2015), lợn Hạ Lang có tuổi đẻ lứa đẩu ở 360,13 ngày. Kết quả trên cho thấy lợn nái rừng Thái Lan, lợn nái Móng Cái có tuổi đẻ lứa đầu nằm trong khoảng biến động chung so với kết quả nghiên cứu của các tác giả trên.

Hình 4.1. Tuổi động dục lần đầu, tuổi phối giống lần đầu và tuổi đẻ lứa đầu của lợn nái rừng Thái Lan và lợn nái Móng cái.

* Thời gian mang thai

Chỉ tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc lợn nái chửa, là cơ sở định ra thời kỳ nuôi dưỡng cho phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của bào thai, với mục đích thu được kết quả cao khi sinh sản.

Thời gian mang thai của lợn nái rừng Thái Lan là 115,02 ngày lợn nái Móng Cái là 113,95 ngày. Như vậy, thời gian mạng thai của lợn rừng và Móng Cái là phù hợp với đặc điểm sinh sản của loài.

Theo Tăng Xuân Lưu và cs. (2010), thời gian mang thai của lợn rừng Thái Lan là 114 ngày, lợn rừng Việt Nam là 113,5 ngày. Thời gian mang thai của lợn Lũng Pù là 114,33 ngày, lợn Bản là 114,38 ngày (Đặng Hoàng Biên, 2016).

- Số con sơ sinh/ổ

Sinh sản là một chức năng trọng yếu của sự sống, đó là quá trình sinh học phức tạp và tinh túy nhằm đáp ứng duy trì nòi giống, sự sinh sôi nẩy nở của mọi sinh vật. Việc nghiên cứu khả năng sinh sản của lợn nái rừng Thái Lan và lợn nái Móng Cái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tìm ra các biện pháp nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn rừng và rừng lai, phù hợp với trình độ, điều kiện kinh tế, đất đai của người chăn nuôi.

Số con sơ sinh/ổ là tổng số con đẻ ra trong một ổ đẻ của nái bao gồm số con sống, số con chết và lưu thai. Số con sơ sinh/ổ đánh giá sự sai con của lợn mẹ và phụ thuộc vào giống, kỹ thuật phối giống, điều kiện chăm sóc. Đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái, nó có hệ số di truyền thấp (h2 = 0,09) nhưng lại có tương quan di truyền cao với số con đẻ ra sống (r

= 0,92).

Kết quả bảng 4.1 cho thấy số con sơ sinh/ổ của lợn rừng Thái Lan là 8,41 con và lợn nái Móng Cái là 10,52 con. Như vậy số con sơ sinh/ổ của lợn nái rừng Thái Lan thấp hơn so với lợn nái Móng Cái, sai khác này là rõ ràng (P<0,05).

Theo Nguyễn Lân Hùng và cs. (2006), thì số con sơ sinh/ổ của lợn rừng từ 7 – 8 con. Lợn rừng nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam có số con sơ sinh trung bình/ổ là 7,6 con (Đỗ Thị Kim Lành và cs., 2011). Theo Lê Đình Phùng và cs.

(2011), lợn rừng Thái Lan nuôi tại miền Trung có số con sơ sinh đạt 5,87 con/ổ.

Số con sơ sinh/ổ của lợn rừng Thái Lan nuôi tại Ba Vì – Hà Nội là 7,7 con; phạm vi biến động 7 – 8 con (Phùng Quang Trường và cs., 2015). Theo Phùng Quang Trường và cs (2016), số con sơ sinh/ổ của lợn rừng Thái Lan nhân thuần là 7,6 con và lợn nái Móng Cái phối với đực rừng là 9,7 con. Số con sơ sinh/ổ của giống lợn Móng Cái là 11,78 con (Nguyễn Thiện và cs., 1999) là 12,44 con (Lê Đình Phùng và cs., 2008). Số con sơ sinh/ổ của lợn Hạ Lang Cao Bằng là 9,26 con (Phạm Đức Hồng và Phạm Hải Ninh, 2013). Như vậy, kết quả theo dõi trên nằm trong khoảng giao động so với các thông báo của các tác giả trên.

- Số con sơ sinh sống/ổ

Số con sơ sinh sống/ổ là số con sơ sinh còn sống kể từ khi lợn mẹ đẻ xong con cuối cùng. Đây là chỉ tiêu đánh giá số trứng rụng được thụ thai và sự phát triển của bào thai, chỉ tiêu này phản ánh sức sống của lợn con cũng như sức sinh sản của lợn nái, nó phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và phương thức phối giống cho lợn cũng như phản ánh về kỹ thuật, chăm sóc, quản lý nuôi dưỡng lợn nái trong chăn nuôi.

Số con sơ sinh sống/ổ ở lợn rừng Thái Lan (8,07 con) là thấp hơn ở lợn nái Móng Cái (10,09 con) và sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

Đỗ Thị Kim Lành và cs. (2011) cho biết số con sơ sinh sống/ổ của lợn rừng là 7,5 con. Công bố của Lê Đình Phùng và cs. (2011) trên đàn lợn rừng Thái Lan số con sơ sinh sống/ổ là 5,20 con. Theo Nguyễn Quế Côi và cs. (2006), số con sơ sinh sống/ổ của lợn Móng Cái là 10,10 con. Tuy nhiên kết quả về chỉ tiêu số con sơ sinh sống/ổ trong theo dõi này thấp hơn so với nghiên cứu của Lê Đình Phùng và cs. (2008), trên đàn lợn nái Móng Cái thuần ở Thừa Thiên Huế là 11,60 con.

Theo một số nghiên cứu cho thấy số con sơ sinh sống/ổ của lợn đen địa phương nuôi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc là 7,4 con (Lê Mạnh Cường và cs.

2010), lợn Bản nuôi tại Hòa Bình là 6,67 con (Vũ Đình Tôn và Phan Đăng Thắng, 2009). Số con sơ sinh sống/ ổ ở lợn Lũng Pù nuôi tại Mèo Vạc là 8,15 con; ở Hoàng Su Phi là 7,90 con (Nguyễn Văn Đức, 2013), lợn Hương Cao Bằng là 7,9 con (Hoàng Thanh Hải và cs., 2012). Lợn Hạ Lang có số con sơ sinh sống/ổ đạt 8,45 con (Phạm Hải Ninh và cs., 2015). Kết quả trên cho thấy số con sơ sinh sống/ổ của lợn rừng và lợn nái Móng Cái phối với đực rừng cao hơn so với ở lợn rừng được công bố bởi các tác giả trên, và đa số nằm trong khoảng giao động về số con sơ sinh sống/ổ của các giống lợn địa phương đã được các tác giả trên công bố, chỉ thấp hơn so với lợn Móng Cái.

Như vậy, số con sơ sinh sống/ổ cao hay thấp phụ thuộc vào giống, kỹ thuật chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái mang thai và kỹ thuật phối giống tại các cơ sở chăn nuôi.

- Tỷ lệ sơ sinh sống

Tỷ lệ sơ sinh sống là tỷ lệ giữa số con sơ sinh còn sống so với tổng số lợn con sinh ra. Tỷ lệ sơ sinh sống có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái.

Kết quả theo dõi tỷ lệ sơ sinh sống ở cả hai giống lợn đều khá cao, ở lợn nái rừng Thái Lan và lợn nái Móng Cái phối với lợn đực rừng là tương đương và lần lượt là: 96,01 và 96,17%. Điều đó cho thấy không có ảnh hưởng công thức lai khác nhau, lợn con rừng Thái Lan thuần hay lợn lai F1(RxMC) có sức sống lúc sơ sinh là tương đồng.

Theo Phùng Quang Trường và cs. (2016), tỷ lệ sơ sinh sống ở lợn rừng Thái Lan thuần là 92,75%, ở lợn nái Móng Cái phối với đực rừng Thái Lan là 94,31%. Tỷ lệ sơ sinh sống của lợn rừng Thái Lan và lợn Móng Cái là tương đương so với lợn Bản nuôi tại Hòa Bình (92,98%) (Vũ Đình Tôn và Phan Đăng Thắng, 2009).

- Số con cai sữa/ổ

Số con cai sữa/ổ là số lợn con còn sống đến khi cai sữa, đây là chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật rất quan trọng, phản ánh sức sống của lợn con. Chỉ tiêu này chứng tỏ được chất lượng sữa mẹ, khả năng nuôi con khéo của lợn nái và yếu tố kỹ thuật của con người khi chăn nuôi, quản l ý, chăm sóc lợn nái trong thời gian nuôi con và chăm sóc lợn con theo mẹ, đồng thời đây cũng là chỉ tiêu quyết định hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn nái. Trong thời gian này nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho lợn con là sữa mẹ, lượng thức ăn nhận từ ngoài vào là rất ít (do hệ tiêu hóa còn chưa phát triển hoàn thiện, khả năng tiêu hóa thức ăn còn kém).

Kết quả theo dõi số con cai sữa/ổ của lợn nái rừng Thái Lan và lợn nái Móng Cái phối với đực rừng là 7,45 và 9,26 con. Số con cai sữa/ổ của lợn nái Móng Cái là cao hơn so với lợn nái rừng Thái Lan, sai khác này là rõ ràng (P<0.05). Kết quả trên là cao hơn kết quả của Lê Đình Phùng và cs. (2011), trên đàn lợn rừng Thái Lan nhập nôi nuôi ở miền Trung Việt Nam (4,43 con/ổ).

Theo kết quả trên số con cai sữa/ổ của lợn nái Móng Cái phối với đực rừng Thái Lan là tương đương so với lợn nái Móng Cái nhân thuần trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Đức và cs. (2010), (9,44 con/ ổ). Theo Giang Hồng Tuyến và cs. (2010), chỉ tiêu này ở lợn nái Móng Cái nuôi tại Hải Phòng và Lào Cai là 9,81 con/ổ. Số con cai sữa/ổ của lợn nái rừng Thái Lan và lợn nái Móng Cái cao hơn lợn Bản Điện Biên 5,55 con (Phan Xuân Hảo và Ngọc Văn Thanh, 2010), lợn Bản ở Hòa Bình 5,8 con (Vũ Đình Tôn và Phan Đăng Thắng, 2009). Theo Lê Thị Thúy và Bùi Khắc Hùng (2008), lợn Móng Cái, lợn Bản nuôi tại vùng cao huyện Yên Châu tỉnh Sơn la có số con cai sữa/ổ lần lượt là: 7,50 và 5,71 con.

Một phần của tài liệu Đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái rừng, móng cái phối với đực rừng và sinh trưởng đời con đến xuất bán tại công ty cổ phần giống chăn nuôi thái bình (Trang 42 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)