B. Tiến hành thăm quan qua những gian trưng bày có nội dung sau
IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
Trong tình hình thực tế hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả trong dạy học lịch sử đang rất được chú trọng. Áp dụng phương pháp nào, hình thức nào để đạt hiệu quả cao nhất vẫn là câu hỏi của nhiều giáo viên đang đi tìm lời giải đáp. Trong những năm gần đây, bộ môn lịch sử đã từng bước được đổi mới. Các thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học được trang bị đầy đủ và phong phú hơn. Nhưng thực tế kết quả dạy và học lịch sử vẫn không khả quan. Tỷ lệ học sinh điểm thi môn lịch sử dưới 5 còn quá cao. Những điểm 0 môn sử không những không giảm mà ngày một gia tăng. Câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” dường như vẫn đang còn trong tương lai xa vời. Xã hội vẫn luôn xem thường môn lịch sử, nhà trường phổ thông vẫn
không quan tâm đến môn học này. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn thì chẳng bao lâu lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc cũng dần mai một dưới chính tay những thế hệ tương lai.
Tổ chức hoạt động ngoại khoá trong dạy học lịch sử là một công việc khó khăn và phức tạp. Nó đòi hỏi được sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều phía, cả gia đình và nhà trường. Cùng với đó, là sự nhiệt tình của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Khi thực hiện các hoạt động ngoại khoá ngoài yêu cầu phải có kiến thức rộng, giáo viên phải có sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và công sức đặc biệt là phải có những kỹ năng quản lý, tổ chức các hoạt động ngoại khoá.
Việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá trong dạy học lịch sử, giúp cho chúng ta khắc phục được những khó khăn trong việc cung cấp kiến thức trong sách giáo khoa một cách khô khan cho các em. Thông qua những giờ ngoại khoá học sinh được tiếp xúc trực tiếp với các hiện vật, các di tích lịch sử, như vậy các em sẽ dễ dàng hình dung ra những gì xảy ra trong quá khứ.
Hoạt động ngoại khoá không thể thay thế được những tiết học chính khoá trên lớp của giáo viên. Nhưng với đặc điểm của bộ môn lịch sử, nếu như chỉ truyền đạt cho học sinh qua bảng đen, phấn trắng trên lớp thì môn lịch sử luôn là một môn học mà không được học sinh quan tâm nhất. Trước thực trạng sử dụng hoạt động ngoại khóa vào dạy học lịch sử ta thấy rằng hoạt động này chưa được áp dụng triệt để vào trong dạy học lịch sử ở các trường phổ thông. Biết rằng với điều kiện vật chất hiện nay của nhiều trường chưa thể áp dụng rộng rãi các hoạt động ngoại khóa vào giảng dạy nhưng tương lai với những ưu điểm của mình hoạt động ngoại khóa sẽ hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học lịch sử ở trường ở phổ thông. Áp dụng hoạt động ngoại khoá sẽ làm sống dậy được niềm yêu thích lịch sử ở học sinh.
Trong thời đại ngày nay khi nền kinh tế phát triển thì việc đầu tư cho giáo dục được chú trọng hơn. Nhưng đầu tư như thế nào là đúng đắn và hợp lý thì còn chờ đợi câu trả lời của các ngành chức năng. Môn lịch sử vẫn đang cố gắng chật vật từng ngày để có một chỗ đứng công bằng trong ngành giáo dục Việt Nam. Đến khi nào các em học sinh mới có cái nhìn khách quan và lòng yêu thích đối với lịch sử dân tộc? Nếu như câu hỏi này dành chung cho ngành giáo dục, thì câu hỏi: làm sao để tiết học lịch sử trở nên hấp dẫn, lôi cuốn các em thì lại cần câu trả lời của các thầy cô giáo trực tiếp dạy môn lịch sử và bản thân những trường THPT.
Hoạt động ngoại khoá chính là một trong những lời giải đáp đúng đắn và hiệu quả cho các thầy cô giáo đang trăn trở tìm cho ra một con đường đi hợp lý để đưa các em đến với cái đích của tri thức lịch sử. Được sự ủng hộ của gia đình học sinh, Ban giám hiệu nhà trường, sự tận tâm của các thầy cô giáo trong tổ bộ môn hằng năm chúng tôi đã tổ chức được những hoạt động ngoại
khóa bổ ích (năm 2005 là hình thành văn hóa đọc thông qua tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm, năm 2009 tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương, 2011 tổ chức trò chơi về di tích thành nhà Hồ…)
Qua thực tế giảng dạy tôi chỉ muốn khẳng định một điều rằng hoạt động ngoại khoá là một hình thức thiết thực trong dạy và học môn lịch sử. Nó góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử. Tạo được niềm yêu thích của học sinh đối với môn học. Vì thế hoạt động ngoại khoá lịch sử cần được phổ biến và nhân rộng trong dạy học lịch sử ở các trường THPT.
Tuy nhiên để thực hiện hoạt động ngoại khóa cần sự đầu tư về kinh phí từ phía các cấp quản lý.
Sự đóng góp tích cực của gia đình học sinh, nhằm năng cao cở sở vật chất cho nhà trường để đẩy mạnh việc trang bị công nghệ thông tin.
Quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận chuyên môn trong trường THPT ( Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Quản sinh…)
Kinh nghiệm nhỏ trên góp phần cho bản thân tôi tích lũy kinh nghiệm, vốn kiến thức phục vụ trong quá trình giảng, học tập để nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệm vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và đơn vị giao phó, đồng thời góp phần nhỏ cùng với đồng nghiệp làm cho bộ môn Lịch sử ở nhà trường ngày càng có chất lượng.
Với thời gian hạn hẹp và khả năng còn nhiều hạn chế cùng với kinh nghiệm giảng dạy còn ít, chắc chắn chuyên đề còn nhiều thiếu sót, vì vậy tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của Quý Thầy cô, các bạn đồng nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn.