4.2.1.1. Kiến thức về điều trị THA
Bảng 3.4 cho thấy, trong nhóm bệnh nhân có biến chứng của THA chỉ có 17,91% bệnh nhân biết rằng cần kết hợp uống thuốc và thay đổi lối sống, đa số bệnh nhân cho rằng chỉ cần uống thuốc để điều trị THA (43,28%), có 11,94% bệnh nhân cho rằng không cần uống thuốc mà chỉ cần thay đổi lối sống và có đến 26,87% bệnh nhân không biết về điều trị THA. Có thể do sự thiếu hiểu biết về điều trị bệnh THA đã làm tăng tỷ lệ biến chứng ở nhóm bệnh nhân này.
Trong nhóm bệnh nhân không có biến chứng của THA, kiến thức về điều trị THA có cải thiện hơn so với nhóm có biến chứng của THA, tuy nhiên nhìn chung thì tỉ lệ này vẫn còn khá thấp. Có 27,91% bệnh nhân biết phải kết hợp uống thuốc và thay đổi lối sống trong khi có đến 39,53% bệnh nhân cho rằng chỉ cần uống thuốc, 13,95% bệnh nhân lại cho rằng không cần uống thuốc chỉ cần thay đổi lối sống và 18,61% bệnh nhân không biết về điều trị THA. Cũng theo nghiên cứu của Trần Thị Kim thì có 12,87% bệnh nhân không biết phải điều trị THA như thế nào [17]. Ở nghiên cứu của Đào Duy An thì số bệnh nhân không biết cách điều trị THA chiếm 24,80% [3]. Tuy chưa có biến chứng của THA nhưng đây là nhóm bệnh nhân cũng có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nên việc giáo dục về điều trị THA và tuân thủ điều trị là rất cần thiết.
4.2.1.2. Kiến thức về thời gian uống thuốc
Bình thường nhịp huyết áp 24 giờ thay đổi ban ngày cao hơn ban đêm, sau 6 giờ sáng thì huyết áp bắt đầu tăng cho đến giữa trưa sau đó giảm chút ít rồi lại tăng lên từ 15 giờ cho đến 18 giờ và sau đó giảm dần và thấp nhất là vào lúc 3-4 giờ sáng [15]. Do đó, ở người bệnh bị THA thì cần phải sử dụng thuốc điều trị THA đúng thời điểm nhằm kiểm soát huyết áp và điều hòa theo đúng nhịp sinh lý của cơ thể để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
Kết quả bảng 3.5 cho thấy đa số bệnh nhân biết được thời gian thích hợp để uống thuốc điều trị THA trong ngày (78,43%). Tuy nhiên vẫn còn 21,57% bệnh nhân có kiến thức sai về thời gian uống thuốc, cho rằng có thể uống thuốc vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Việc sử dụng thuốc không đúng thời điểm sẽ làm hạn chế tác dụng điều trị, kiểm soát HA của thuốc đồng thời tăng khả năng xảy ra các tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy cần phải cung cấp kiến thức chính xác về thời điểm uống thuốc cho bệnh nhân.
4.2.1.3. Kiến thức về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc điều trị THA
Bảng 3.6 cho thấy trong nhóm bệnh nhân có biến chứng của THA thì đa số bệnh nhân biết được uống thuốc là điều quan trọng để kiểm soát HA (77,61%). Tuy nhiên chỉ có 52,24% bệnh nhân biết người bị THA thường phải sử dụng thuốc trong nhiều năm.
Trong nhóm không có biến chứng của THA, đa số bệnh nhân cũng biết được uống thuốc là điều quan trọng nhất để kiểm soát HA (89,53%), tỷ lệ bệnh nhân biết người bị THA thường phải sử sụng thuốc trong nhiều năm (70,93%) cao hơn so với nhóm có biến chứng của THA (p<0,05). Nhìn chung thì tỷ lệ bệnh nhân nhận biết phải sử dụng thuốc thường xuyên trong nhiều năm ở cả 2 nhóm là khá cao (62,75%), kết quả này cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Định là 43,75% bệnh nhân biết phải sử dụng thuốc điều trị THA trong thời gian dài [13].
4.2.1.4. Kiến thức về kết hợp uống thuốc và thay đổi lối sống
Bảng 3.7 cho thấy, trong nhóm có biến chứng có 47,76% bệnh nhân biết phải theo dõi HA thường xuyên và 40,30% bệnh nhân biết thay đổi chế độ sinh hoạt ( ăn uống, luyện tập...) đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát HA. Kiến thức về kết hợp uống thuốc và thay đổi lối sống ở nhóm không có biến chứng cao hơn so với nhóm có biến chứng (p<0,05). Trong cả 2 nhóm thì có 60,13% bệnh nhân biết phải theo dõi HA thường xuyên và 54,90% bệnh nhân biết thay đổi chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát HA. Ở nghiên cứu của Vũ Xuân Phú và Nguyễn Minh Phương về hiểu biết cách theo dõi HA thì có 52,40% bệnh nhân nắm được là cần đo huyết áp thường xuyên hằng ngày, và có 49,20% bệnh nhân biết được tuân thủ điều trị tốt nhất là cần phải phối hợp việc uống thuốc, điều chỉnh lối sống, theo dõi huyết áp và khám bệnh định kì [24]. Rất nhiều bệnh nhân có nhận thức sai lầm trong việc theo dõi HA, nhiều người cho rằng chỉ cần đo HA khi có dấu hiệu THA, hoặc đã uống thuốc điều trị THA rồi thì không cần phải đo HA nữa.
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều bệnh nhân THA có dùng thuốc nhưng vẫn không thay đổi lối sống nên hiệu quả kiểm soát HA có thể không cao, và có thể dẫn đến sự e ngại trong tuân thủ điều trị ở bệnh nhân do cho rằng thuốc điều trị không có hiệu quả. Do đó cần phải cung cấp đầy đủ kiến thức về theo dõi HA cũng như vai trò của sự kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống trong kiểm soát HA cho bệnh nhân, góp phần vào việc nâng cao kiến thức và hiệu quả tuân thủ điều trị.
4.2.1.5. Nguồn cung cấp kiến thức
Biểu đồ 3.5 cho thấy bệnh nhân nhận được kiến thức về sử dụng thuốc điều trị THA từ nhiều nguồn, trong đó nhận được nhiều nhất từ nhân viên y tế chiếm 56,73%, từ phương tiện truyền thông (tivi, sách báo, Internet…) chiếm 25,63%, và từ người thân chiếm 17,64%. Cũng theo nghiên cứu của Vũ Xuân Phú và Nguyễn Minh Phương thì nguồn thông về bệnh THA mà bệnh nhân nhận được có 61,60% là từ nhân viên y tế, 37,20% là từ phương tiện truyền thông [24].
Để kiến thức của người bệnh và mọi người về sử dụng thuốc điều trị THA được tăng lên, chúng ta cần tăng cường giáo dục, tư vấn về tuân thủ điều trị trong hệ thống y tế và ngoài cộng đồng xã hội tích cực hơn. Đặc biệt, cần phải nâng cao vai trò, sự đóng góp của điều dưỡng vào công tác chăm sóc bệnh nhân THA nói chung và hướng dẫn tuân thủ điều trị THA nói riêng.
4.2.1.6. Kiến thức chung về sử dụng thuốc điều trị THA
Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có kiến thức tốt về bệnh THA và điều trị THA thì sẽ có thái độ tuân thủ điều trị tốt hơn so với bệnh nhân không có kiến thức tốt [31], [38]. Thực vậy, khi bệnh nhân có kiến thức tốt về sử dụng thuốc điều trị THA sẽ giúp họ tốt hơn trong việc thực hành sử dụng thuốc, góp phần làm hạn chế những biến chứng của bệnh.
Từ bảng 3.7 cho thấy, trong nhóm có biến chứng của THA, có 19,40% bệnh nhân có kiến thức tốt về sử dụng thuốc điều trị THA, 80,60% bệnh nhân có kiến thức chưa tốt. Trong nhóm bệnh nhân chưa có biến chứng của bệnh, kiến thức của bệnh nhân có cao hơn với 34,88% bệnh nhân có kiến thức tốt và 65,12% bệnh nhân có kiến thức chưa tốt. Tuy nhiên thì tỷ lệ bệnh nhân không có kiến thức tốt về sử dụng thuốc điều trị THA ở cả 2 nhóm bệnh vẫn còn thấp với p<0,05.
Theo nghiên cứu của Đồng Văn Thành trong báo cáo tổng kết 10 năm triển khai mô hình quản lý, theo dõi và điều trị có kiểm soát bệnh tăng huyết áp tại 12 bệnh viện đa khoa và 10 bệnh viện huyện (tổng cộng có 54.500 bệnh nhân) tại Hà Nội năm 2012 thì có 40,50% bệnh nhân được khảo sát chưa có kiến thức tốt về bệnh THA [31]. Kết quả này cao hơn nghiên cứu cứu của chúng tôi, vì đây là
nghiên cứu kéo dài trên một lượng lớn bệnh nhân nên độ chính xác cao hơn nhiều so với nghiên cứu cắt ngang. Như vậy tỉ lệ người bệnh có kiến thức đúng chưa cao, cần phải có biện pháp giúp bệnh nhân có kiến thức dùng thuốc để việc sử dụng thuốc vừa hiệu quả vừa an toàn.
4.2.2. Thực hành về sử dụng thuốc điều trị THA
4.2.2.1. Thực hành kiểm tra HA định kì tại cơ sở y tế
Theo lịch hẹn tái khám của bác sĩ hay khi uống hết thuốc hoặc sau một đợt điều trị thì người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe và huyết áp để đánh giá hiệu quả điều trị và các biến chứng của bệnh nếu có. Kết quả điều trị thành công cũng phụ thuộc vào việc người bệnh đi khám đều đặn. Biểu đồ 3.6 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có đi khám định kì tại cơ sở y tế trong nhóm có biến của THA (28,36%) là thấp hơn so với nhóm bệnh nhân không có biến chứng (39,53%). Trong cả 2 nhóm thì có 34,64% bệnh nhân đi khám định kì tại cơ sở y tế. Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Lê Ánh Dũng và Nguyến Anh Vũ về tình hình điều trị ngoại trú THA tại phường Phú Hậu, Thành phố Huế năm 2011 với 32,84% bệnh nhân đến tái khám ở cơ sở y tế, 64,18% bệnh nhân điều trị tư và 2,98% tự điều trị [10]. Còn trong nghiên cứu của Vũ Xuân Phú và Nguyễn Minh Phương về tuân thủ điều trị THA trên 250 đối tượng tại 4 phường của Hà Nội thì có 45,60% bệnh nhân đi khám định kì đều đặn [24]. Nhìn chung tỷ lệ đi khám và kiểm tra sức khỏe định kì vẫn chưa cao, nguyên nhân có lẽ là do người dân Việt Nam thường ít quan tâm đến sức khỏe của mình, không có thói quen đi khám định kì, chỉ khi nào bệnh nặng không chịu được họ mới đi khám, đây là thói quen không tốt vì như thế sẽ không phát hiện sớm được bệnh, diễn tiến và những biến chứng có thể xảy ra. Hoặc cũng có thể người bệnh nghĩ bệnh của mình đã được phát hiện, nên chỉ cần về nhà uống thuốc như những bệnh nhân khác mà không nhất thiết phải đi khám lại nếu vẫn thấy người khỏe mạnh bình thường. Một vấn đề nữa có thể do chất lượng y tế còn thấp, chưa đạt được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, các nơi khám bệnh chờ đợi lâu, thủ tục lằng nhằng mất thời gian… nên bệnh nhân ngại đi khám.
4.2.2.2. Thực hành uống thuốc điều trị THA
Việc điều trị thành công tương thuận với mức độ dùng thuốc điều đặn [29].
Từ bảng 3.9 cho thấy, trong nhóm bệnh nhân có biến chứng của THA thì chỉ có 26,87% bệnh nhân uống thuốc điều trị THA hằng ngày, và 73,13% bệnh nhân chỉ uống thuốc khi có triệu chứng. Ở nhóm không có biến chứng thì tỷ lệ tuân thủ uống thuốc cao hơn với 44,19% bệnh nhân uống thuốc hằng ngày và 55,81% bệnh nhân uống thuốc khi có triệu chứng (p<0,05). Tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Lê Ánh Dũng và Nguyễn Tất Vũ khi nghiên cứu trên 285 bệnh nhân thì chỉ có 23,50%
điều trị thường xuyên, và tương đương với kết quả nghiên cứu của tác giả Vũ Xuân Phú và Nguyễn Minh Phương với 43,60% bệnh nhân dùng thuốc thường xuyên, liên tục theo đơn của bác sĩ [24], thấp hơn so với nghiên cứu của Ninh Văn Đồng năm 2010 là 68% [14]. Mặc dù nhóm không có biến chứng có tỷ lệ uống thuốc hằng ngày cao hơn nhưng bên cạnh đó vẫn còn một tỷ lệ lớn bệnh nhân không uống thuốc thường xuyên, do đó việc kiểm soát huyết áp vẫn chưa cao và nguy cơ biến chứng vẫn có thể xảy ra. Vì vậy việc giáo dục kiến thức sử dụng thuốc điều trị THA thường xuyên không chỉ cần thiết ở nhóm có biến chứng mà cả ở nhóm không có biến chứng cũng quan trọng không kém.
4.2.2.3. Thực hành tuân thủ điều trị THA
Do kiến thức về điều trị THA của người bệnh chưa đầy đủ nên vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân vẫn còn khá thấp, nổi bật là tình trạng không theo dõi HA thường xuyên, không sử dụng thuốc đều đặn, quên uống thuốc và ngừng thuốc khi nghĩ rằng mình đã hết bệnh. Qua bảng 3.10 cho thấy, ở nhóm có biến chứng chỉ có 16,42% bệnh nhân có theo dõi HA tại nhà. Tỷ lệ này thấp hơn so với nhóm không có biến chứng (p<0,05). Bên cạnh đó, vẫn còn một lượng lớn bệnh nhân cảm thấy phiền khi phải tuân thủ phác đồ điều trị ở nhóm có biến chứng (58,27%). Có thể là do kiến thức chưa tốt và tâm lí chủ quan nên người bệnh không thấy rõ lợi ích của tuân thủ điều trị và theo dõi HA. Từ đó cho thấy, người bệnh cần có thái độ đúng trong việc tuân thủ điều trị, điều trị phải liên tục lâu dài chứ không phải điều trị cho huyết áp trở về bình thường là không cần điều trị nữa như một số người bệnh vẫn nghĩ. Vì vậy rất cần sự hướng dẫn đầy đủ, cụ thể từ cán bộ y tế.
4.2.2.4. Thực hành kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống
Điều chỉnh lối sống là điều trị THA không dùng thuốc, rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh THA, làm hạ huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác [43]. Việc thay đổi lối sống bao gồm thay đổi chế độ ăn (ăn nhạt, giảm mỡ, ăn nhiều rau quả...) và tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe (đi bộ, chạy bộ...). Tuy nhiên trong thay đổi lối sống, cách thức ăn uống ảnh hưởng mạnh nhất [14], nhưng cũng là vấn đề khó khăn nhất trong áp dụng do đời sống xã hội và nhận thức của người dân, có thể do thói quen ăn uống, do sinh hoạt gia đình đã được hình thành từ trước nên rất khó thay đổi.
Từ bảng 3.11 nhận thấy rằng việc kết hợp giữa uống thuốc và thay đổi lối sống ở nhóm có biến chứng và nhóm không có biến chứng của THA đều chưa cao, chiếm tỉ lệ lần lượt là 35,82% và 37,21%. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Đa số bệnh nhân đươc nghiên cứu ở đây là nhóm người cao tuổi (≥ 60 tuổi chiếm 60,13%), chế độ ăn uống của họ phụ thuộc vào cách chế biến của người thân trong gia đình, do đó việc điều chỉnh chế độ ăn của họ sẽ làm ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình nên rất khó để họ có thể thay đổi chế độ ăn thích hợp. Bên cạnh đó, vì cao tuổi và có thể đang có các bệnh lý khác kèm theo (rối loạn tiền đình, bệnh lý tim mạch...) nên vấn đề rèn luyện sức khỏe thường xuyên ở bệnh nhân cũng khó mà thực hiện được.
4.2.2.5. Nguyên nhân kém tuân thủ sử dụng thuốc điều trị THA
Theo bảng 3.12 thì nguyên nhân khiến cho bệnh nhân kém tuân thủ sử dụng thuốc điều trị THA cao nhất là do bệnh nhân cho là huyết áp bình thường thì không cần uống thuốc chiếm 25,93%, quên chiếm 25%, không thích uống thuốc dài ngày chiếm 17,13%, không có sẵn thuốc ở nhà chiếm 12,04%, sợ tác dụng phụ của thuốc chiếm 7,87%, sợ phụ thuộc vào thuốc chiếm 7,41%, và thấp nhất là do thích sử dụng thuốc Đông y hơn chiếm 1,39%. Còn theo nghiên cứu của Vũ Xuân Phú và Nguyễn Minh Phương, trong 23,60% bệnh nhân uống thuốc không đầy đủ thì nguyên nhân chủ yếu là do bận công việc nên quên không uống thuốc (10,80%), hoặc do một số quan niệm sai lầm trong điều trị như cho rằng không quan trọng
chiếm (6,40%), huyết áp bình thường thì không cần uống tiếp (6,40%) [24]. Ở một nghiên cứu khác của Amonov Malik và các cộng sự khi khảo sát trong nhóm 132 bệnh nhân THA không tuân thủ điều trị thì nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất là do cho rằng HA trở về bình thường thì không cần uống thuốc nữa (44,7%), sau đó là do không thích uống thuốc dài ngày (15,9%), sợ phụ thuộc vào thuốc (12,9%) [32].
Như vậy một trong những nguyên nhân hay gặp thậm chí chiếm tỷ lệ cao khiến bệnh nhân không tuân thủ sử dụng thuốc đó là sự hiểu biết sai lệch về cách dùng thuốc, cho rằng chỉ uống thuốc điều trị THA khi huyết áp tăng cao, còn khi huyết áp đã tạm thời trở về giá trị bình thường hoặc thấy không còn triệu chứng nào nữa thì không cần phải uống thuốc. Đây là một nhận thức sai lầm mà bệnh nhân cần phải thay đổi sớm, bởi chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân.
4.2.2.6. Thực hành chung về sử dụng thuốc điều trị THA
Từ bảng 3.13 cho thấy trong nhóm có biến chứng, tỷ lệ bệnh nhân thực hành sử dụng thuốc điều trị THA tốt chiếm 16,42% và có đến 83,58% bệnh nhân thực hành chưa tốt. Trong nhóm bệnh nhân không có biến chứng thì 30,23% bệnh nhân thực hành tốt và 69,77% bệnh nhân thực hành không tốt. Như vậy chủ yếu là bệnh nhân thực hành sử dụng thuốc điều trị THA chưa tốt (chiếm 24,18% ở cả 2 nhóm) với p < 0,05. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Ninh Văn Đồng năm 2010 với 21,20% bệnh nhân thực hành tuân thủ điều trị tốt và 78,8% bệnh nhân chưa thực hành tốt [14]. Có lẽ do sự hạn chế kiến thức về bệnh và điều trị THA nên đã làm ảnh hưởng đến thực hành tuân thủ điều trị cũng như sử dụng thuốc ở bệnh nhân.
Thiết nghĩ trong công tác điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân, chúng ta cần phải hướng dẫn người bệnh nhiều hơn nữa, như vậy thì mới có thể hy vọng tỷ lệ thực hành tốt trong tuân thủ điều trị THA nói chung và sử dụng thuốc điều trị THA nói riêng ngày càng được nâng cao.