Việc học lịch sử trong những năm gần đây của học sinh đang gióng lên một hồi chuông đáng báo động. Nếu nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp, Đại học những năm vừa qua chúng ta mới thấy được sự hờ hững của học sinh với bộ môn này. Hãy cùng nhìn về quá khứ, con số hàng nghìn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi đại học năm 2011 vẫn được dư luận ví là “thảm họa” của ngành giáo dục. Đến kỳ thi đại học năm 2012, các cán bộ chấm thi đánh giá chất lượng thí sinh khối C đã khá hơn so với những năm trước. Nhưng tính đến thời điểm này, theo ghi nhận của các trường đại học, Lịch sử vẫn là môn lĩnh nhiều điểm 0 nhất.
Theo số liệu thống kê, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2012 nhà trường có 4.474 thí sinh tham gia dự thi ở các khối C, D1, N1-4, R1. Sau khi hoàn tất việc chấm thi, trường có tổng cộng 220 điểm 0, trong đó điểm 0 môn Sử chiếm tới 208 bài.
Trường Đại học Đà Nẵng đã có tới 45 bài thi lĩnh điểm 0 môn Sử. Trong số 1.947 bài thi, chỉ có 61 bài đạt điểm trên 5 (chiếm 3,1%). Với kết quả môn Sử như vậy, chắc chắn điểm thi khối C của trường sẽ bị kéo xuống rất nhiều.
Tại trường Đại học Sài Gòn, môn Sử cũng là môn có phổ điểm thấp nhất. Trong 5 túi bài thi được chấm thì có 1 bài được 6,25 điểm, một số bài được 5 - 6 điểm, còn lại là từ 3 điểm trở xuống 0. Thậm chí, có những bài thi viết lan man đến 4 trang giấy nhưng vẫn chỉ nhận được 0,25 điểm vì nỗ lực không để... giấy trắng.
Với hơn 170 trường đại học, cao đẳng công bố điểm thi, điểm 0 môn Sử đang chiếm phần lớn điểm 0 của các trường Đại học, cao đẳng ngành xã hội. Theo thống kê của các trường Đại học có thi môn Sử, số lượng bài thi dưới trung bình chiếm từ 80 – 90%, cá biệt có trường điểm Sử cao nhất là 5,25 điểm.
Điều này cũng dễ lí giải vì hiện nay rất nhiều học sinh ở trường phổ thông không còn ham thích học tập bộ môn lịch sử. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng nguyên nhân chính là do số lượng tiết dạy quá ít (1-1,5 tiết/ tuần), trong khi đó số lượng kiến thức lại khá nhiều. Do đó, nhiều giáo viên lên lớp đã quá chú trọng đến việc “nhồi nhét” kiến thức vào đầu học sinh làm cho các em nhàm chán vì phải nhớ qúa nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử một cách máy móc khô khan. Có nhiều học sinh coi giờ học lịch sử là giờ bị “tra tấn”, thậm chí ghét luôn cả giáo viên lịch sử. Việc học sinh chán học môn lịch sử nói trên là một sự thật không phải bàn cãi.
Thế nhưng, việc học sinh thờ ơ với bộ môn này chưa hẳn do đặc thù của bộ môn (học thuộc lòng, khó nhớ, khó thuộc) mà một phần là do giáo viên chưa biết cách khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Nhiều học sinh đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ về cách dạy lịch sử của một số giáo viên. Đó là việc dạy theo lối đọc – chép, truyền thụ lại kiến thức trong sách giáo khoa hoàn toàn. Theo các em thì dạy như thế thì chỉ cần đọc sách giáo khoa là đủ. Điều này dẫn đến học sinh nhàm chán không muốn nghe thầy giảng mà còn nói chuyện riêng hoặc làm bài môn học khác. Nên nhớ rằng kết cấu một bài giảng lịch sử nói riêng và bài giảng nói chung còn có phần mở rộng kiến thức. Đặc biệt, phần mở rộng kiến thức của bộ môn lịch sử là vô cùng quan trọng vì nó có tác dụng kích thích sự hứng thú của học sinh. Học sinh cần được mở rộng thêm về kiến thức để hiểu rõ hơn về sự kiện, nhân vật lịch sử. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có kiến thức và sự am hiểu sâu rộng về lịch sử để có thể truyển thụ đến học sinh những kiến thức lịch sử bên ngoài liên quan tới nội dung bài học (đó là tư liệu viết lịch sử). Trong giờ học lịch sử theo tôi quan sát, học sinh thường thích nghe hơn thích viết nên sẽ là rất hữu dụng nếu mỗi tiết học giáo viên đều lồng vào những kiến thức khác ngoài sách giáo khoa.
Ví dụ, ở mục 1, phần II, bài 31, SGK Lịch sử 10: CÁCH MẠNG TƯ SẢN PHÁP CUỐI THẾ KỈ XVIII, khi nói về sự kiện quần chúng nhân dân phá ngục Baxti, nếu giáo viên chỉ lược qua sự kiện này thì học sinh sẽ rất dễ quên. Mà dây lại là sự kiện vô cùng trọng đại trong cách mạng tư sản Pháp. Nó đánh dấu sự khởi đầu của cách mạng, thể hiện ý chí của quần chúng, là ngày lấy làm ngày Quốc khánh Pháp. Bởi vậy, giáo viên khi trình bày đến nội dung này cần tường thuật lại vụ phá ngục Baxti đã diễn ra như thế nào bằng nguồn tư liệu trích dẫn bên ngoài:
“Pháo đài Ba-xti được dựng lên từ thế kỉ XIV, với tường thành bằng đá hình răng cưa cao 24m, dày 3m, có 8 tháp canh cao cao 30m, có hào sâu bao bọc xung quanh rộng 25m. Đi vào pháo đài chỉ có thể qua chiếc cầu treo trên những xích sắt đã tôi kĩ.
Từ thế kỉ XV, pháo đài Baxti trở thành nhà tù quốc gia. Bất cứ ai, từ quí tộc co cấp đến thường dân, khi có tờ “mật chỉ” của vua gửi đến không cần thủ tục pháp lí nào, đều có thể bị quẳng vào ngục Baxti. Ngục Baxti trở thành tượng trưng cho chế độ quân chủ chuyên chế Pháp.
“Hãy tiến tới Ba-xti!” Lời kêu gọi của một người nào đó truyền đi. Hàng trăm người hưởng ứng lời kêu gọi này. Nó truyền đi từ người này sang người khác và chẳng bao lâu lan ra khắp thành phố. Từ tất cả mọi khu phố, đoàn người khởi nghĩa kéo về Baxti.
Ở trên tường pháo đài, người ta thấy nhô ra những họng súng đại bác, đội quân thường trú ở pháo đài đang đứng cạnh đấy trong tư thê sẵn sàng.
Gần giữa trưa, quần chúng tiến công vào ngục Ba-xti. Tham gia tiến công có khoảng 300.000 người, chủ yếu là công nhân, thợ thủ công, dân nghèo Pa-ri. Những người tiến công xông vào cửa lớn của nhà tù, nhưng cầu đã rút và hầu như không thể nào vào pháo đài được. Sau một lúc khá lâu, một số người dũng cảm tìm cách vượt qua hào để đặt cầu nhưng lại không có kết quả. Đột nhiên từ phía tường pháo đài vang lại những loạt súng. Nhiều người bị chết và bị thương. Máu chảy càng tăng thêm lòng phẫn nộ của quần chúng. Một cuộc tiến công mãnh liệt bắt dầu, kéo dài hơn bốn giờ.
Đất trước pháo đài đẫm máu. Về sau đội dân quân mang đại bác tới bắn vào pháo đài.
Cuối cùng một quả đạn đại bác bắn đứt dây xích cầu treo. Cầu hạ xuống. Nhân dân xông vào pháo đài. Đội quân đồn trú ở Ba-xti đầu hàng. Viên chỉ huy pháo đài là Lônây chạy đến kho thuốc súng định đốt kho thuốc súng giết chết tất cả nhưng binh lính đã ngăn hắn lại. Quần chúng đã bắt giam hắn và chặt đầu.
Khi người ta báo cho vua Pháp biết Ba-xti đã bị chiếm. Nhà vua kinh ngạc hỏi:” Đấy là một cuộc nổi loạn à!” Nhà vua được trả lời:”Không, tâu bệ hạ, đấy là một cuộc cách mạng!”
Thông qua tư liệu này, học sinh có thể hiểu rõ vì sao vụ phá ngục Baxti lại có tầm ảnh hưởng lớn như thế với cách mạng Pháp, đồng thời cũng khắc ghi sự kiện này.
Hay khi giảng mục 3, phần II, bài 12, SGK Lịch sử 12: PHONG TRÀO DÂN TỘC DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1925, phần nói về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Phần này SGK dẫn nhiều sự kiện nói lên quá trình tìm đường cứu nước của Người để khẳng định công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc trong việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng để học sinh hiểu rõ để có được những đóng góp to lớn đó, Bác Hồ của chúng ta đã phải trải qua những tháng ngày gian khổ, cay đắng như thế nào, giáo viên cần dẫn những nguồn tư liệu bên ngoài sách giáo khoa như :
“Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mặc dù biết rằng sẽ rất khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy. Lúc đó có người khuyên anh không nên đi và hỏi nếu đi ra nước ngoài thì sống thế nào?
Nguyễn Tất Thành đã xòe hai bàn tay ra và nói: Đây, sẽ sống bằng chính cái này!
Điều đó đã cho thấy nghị lực và ý chí quyết tâm của Người ngay từ buổi đầu của hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân.
Rời bến Nhà Rồng, Người xuống làm phụ bếp trên con tàu của Pháp với một tên mới là Ba.
Hàng ngày, anh Ba phải làm việc từ 4 giờ sáng, công việc vất vả suốt cả ngày, đến 9 giờ tối mới xong. Sau khi làm xong mọi việc, anh tranh thủ học tập, đọc hoặc viết đến 11, 12 giờ đêm mới nghỉ, để 4 giờ sáng hôm sau lại bắt tay vào những công việc của một ngày mới. Sau một tháng lênh đênh trên biển, ngày 6/7/1911, tàu cập cảng Mác- xây, một thành phố lớn của nước Pháp. Anh ngạc nhiên thấy ở Pháp cũng có những người nghèo khổ như ở nước mình.
Đầu năm 1912, Nguyễn Tất Thành từ Pháp qua châu Phi sau đó sang Mĩ, tại đây anh có dịp hiểu rõ được cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mĩ với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng. Giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mĩ để sang Anh, mới đầu anh xin làm chân quét tuyết cho một trường học, sau đó làm đốt lò ở trung tâm sưởi ấm của thành phố Luân Đôn. Đây là một công việc rất nặng nhọc, trong hầm hết sức nóng, ngoài trời vô cùng lạnh nhưng anh không có đủ quần áo ấm để mặc. Với số tiền ít ỏi dành dụm được, không đủ trang trải cho cuộc sống nên anh phải đến làm thuê cho một khách sạn, với những công việc như rửa nồi, chảo, bát đĩa và phụ bếp.
Anh vừa lao động vừa học tập và tham gia Hội những người lao động hải ngoại ở Luân Đôn.
Những năm tháng làm việc vô cùng vất vả ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích luỹ thêm được những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư bản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa; đồng thời tự trang bị cho mình một trình độ kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh - một công cụ giao tiếp rất quan trọng trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị.
Giữa năm 1916, Nguyễn Tất Thành quay trở lại nước Pháp và hoà mình với quần chúng lao động nghèo giữa thành phố Pa-ri tráng lệ, sau đó gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ở Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc sống chủ yếu bằng nghề in phóng ảnh, do việc làm không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn nên phải nhận thêm việc vẽ quạt, lọ hoa và chao đèn. Từ khi gửi "Bản yêu sách tám điểm" tới Hội nghị Véc-xai thì sự tìm kiếm việc làm của anh càng khó khăn, nên khi có bất cứ việc gì kiếm được tiền anh đều phải tranh thủ làm và hết sức tiết kiệm chi tiêu để đề phòng những lúc thất nghiệp hay ốm đau. Anh ăn uống rất tằn tiện; về mùa đông giá lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, anh để viên gạch vào cạnh lò bếp, chiều về lấy ra bọc vào trong những tờ báo cũ để xuống giường nằm cho đỡ rét.
Tháng 7/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô. Sau đó, Người sang Quảng Châu bắt liên lạc với nhóm trung kiên để xây dựng các tổ chức cách mạng. Hoạt động ở Trung Quốc được gần ba năm, Nguyễn Ái Quốc quay trở lại Mát-xcơ-va, sau đó bí mật trở lại Pháp và một số nước khác.
Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Hương Cảng để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cảnh sát Anh, Pháp ráo riết truy tìm Nguyễn Ái Quốc. Ngày 6/6, cảnh sát Anh bắt được Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông và đưa về giam giữ tại nhà tù Vích-to-
ri-a. Bị kẻ thù giam cầm hơn một năm, trong điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên sức khoẻ của Nguyễn Ái Quốc ngày càng suy giảm, bệnh tình tái phát.
Song, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Luật sư Lô-dơ-bai, kẻ địch buộc phải trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc.
Từ Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mát-xcơ-va để tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bí mật trở lại Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức đảng ở hải ngoại và tìm đường về nước để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, khi sương mù còn phủ dày đặc trên các đỉnh núi, Nguyễn Ái Quốc đã rời Nậm Quang - Trung Quốc lên đường về nước. Giây phút đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, xiết bao cảm động với người con đã bao năm xa nước. Phút giây đó, sau này Người kể lại: "Xa Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao thời gian và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động".
Như vậy, tư liệu lịch sử ngoài sách giáo khoa chính là một trong những chiếc chìa khóa “mở cửa” cho học sinh bước vào thế giới lịch sử đầy thú vị, cảm động và đáng khâm phục nữa. Nó khác hẳn với thế giới lịch sử chỉ toàn số và năm, những nhân vật nổi tiếng và ít tên tuổi, một thế giới “khô khan” và nhàm chán. Nhìn những ánh mắt say sưa của học sinh trong những tiết dạy lịch sử mới hiểu rõ được tác dụng của việc mở rộng kiến thức là to lớn nhường nào. Điều này cũng cần đến năng lực của người giáo viên đứng lớp, biết gom kiến thức để mở rộng tư liệu, biết chọn tư liệu cần thiết để đưa vào bài giảng. Thậm chí còn phải biết tóm lược tư liệu trình bày trong tiết học, biết bổ sung tư liệu nhờ tự học, tự tìm hiểu. Chắc chắn rằng với những tiết học như thế, học sinh sẽ hứng thú hơn với bộ môn lịch sử và điều đó sẽ góp phần cải thiện chất lượng của bộ môn này.