5. Bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ
5.1. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn
Thông lệ cứ vào năm học, khi tham gia sinh hoạt cùng các tổ chuyên môn, điều tôi thường thấy là những nội dung sinh hoạt còn mang tính hành chính, kiểm điểm công việc, thông báo tình hình, phương hướng sắp tới. Trong khi đó trọng tâm của sinh hoạt chuyên môn là trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giảng dạy... lại ít khi được đề cập đến. Như thế đồng nghĩa
với việc không cần trao đổi, không đặt vấn đề nào mới, tranh luận để giải quyết những nội dung chưa thống nhất. Vì thế tính học hỏi, trao đổi chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm chưa thể hiện rõ.
Nhận thức thực trạng của vấn đề, tôi đã bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất với Phó hiệu trưởng nhà trường về cải tiến sinh hoạt chuyên môn.
Tôi đề nghị cô Phó hiệu trưởng chỉ đạo đến các giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng sau:
Trong các lần họp, sinh hoạt chuyên môn khối, Tổ khối trưởng thực hiện tốt một số việc sau: Giao giáo viên dạy lớp nghiên cứu trước nội dung dạy học trong 2 tuần và đưa ra tổ thảo luận, bàn bạc và thống nhất thực hiện, giải quyết tốt những khó khăn mà giáo viên còn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đặc biệt trong các lần sinh hoạt chuyên môn tôi còn yêu cầu giáo viên xác định đúng Chuẩn kiến thức kỹ năng của từng bài dạy, Công văn 5842/BGDĐT-VP của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 01/9/2011 về việc hướng dẫn điều chỉnh các nội dung dạy học các môn học cấp tiểu học vì Chuẩn kiến thức kỹ năng và 5842/BGDĐT-VP là cơ sở để đánh giá một tiết dạy. Nghiên cứu Chuẩn kiến thức kỹ năng cần đọc kỹ phần hướng dẫn chung của từng môn học và phần yêu cầu cần đạt của từng tiết dạy. Do có những tiết ở phần yêu cầu cần đạt không nêu nhưng ở phần hướng dẫn chung lại có.
Ví dụ 1: Môn Toán lớp 2, tuần 27, bài: Luyện tập chung. Yêu cầu cần đạt cho biết:
- Thuộc bảng nhân, bảng chia đã học.
- Biết tìm thừa số, số bị chia.
- Biết nhân (chia) số tròn chục với (cho) số có một chữ số.
- Biết giải bài toán có một phép tính chia (trong bảng chia 4).
Phần ghi chú, bài tập cần làm bài 1; bài 2 (cột 2); bài 3.
Cho thấy trong phần ghi chú, bài tập cần làm ở các bài tập trên không có bài nào có nội dung về biết giải bài toán có một phép tính chia (trong bảng chia 4) nên khi giảng dạy giáo viên không đọc kỹ sẽ không thực hiện đúng yêu cầu cần đạt của Chuẩn kiến thức kỹ năng. Vậy đối với tiết Toán này ta cần làm
thêm bài tập 4: (Cô giáo chia đều 24 tờ báo cho 4 tổ. Hỏi mỗi tổ được mấy tờ báo?) thì mới thực hiện yêu cầu cần đạt của Chuẩn kiến thức kỹ năng.
Ví dụ 2: Dựa vào bài thơ Gọi bạn, em hãy kể lại câu chuyện về tình bạn thật xúc động của Bê Vàng và Dê Trắng.
Để học sinh làm tốt đề bài luyện tập này, phần sinh hoạt chuyên môn ở tổ có định hướng giáo viên nên chẻ nhỏ các câu hỏi ra để gợi ý học sinh dễ trả lời. Cụ thể :
Câu hỏi 1: Bê vàng và Dê Trắng kết bạn sống ở đâu?
Câu hỏi 2: Dựa vào bài thơ, hãy kể lại cuộc chia tay của Bê Vàng và Dê Trắng trước khi Bê Vàng đi tìm cỏ?
Câu hỏi 3: Khi Dê Trắng chờ mãi không thấy bạn Bê Vàng về, Dê Trắng đã làm gì?
Câu hỏi 4: Dựa vào bài thơ, em hãy tưởng tượng và kể lại phần kết của câu chuyện theo suy nghĩ của em.
Bên cạnh đó, tôi cùng Phó hiệu trưởng còn tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn ở các tổ để định hướng những nội dung cần thảo luận.
Ví dụ: Có giáo viên cùng tổ chưa hiểu rõ vấn đề gì? Khó ở tiết nào?
Môn nào? Cử ra một giáo viên dạy (mỗi giáo viên trong tổ đều được phân công dạy), đối tượng dự chỉ tập trung trong nhóm giáo viên cùng tổ, từ đó tổ có thể tiếp cận, vận dụng được, tiết kiệm được thời gian, công sức, giáo viên dạy sẽ soạn kỹ tiết dạy đó rồi lên lớp. Sau tiết dạy, cùng nhau đặt ra vấn đề, chọn lọc cách làm hay.
Trước phiên họp chuyên môn, tôi đề nghị Phó hiệu trưởng gợi ý những nội dung cụ thể cần trao đổi trong phiên họp của từng tổ (không cùng một nội dung cho tất cả các tổ), Tổ khối trưởng sẽ được góp ý soạn thảo nội dung thông qua ý kiến của tôi. Tôi phân công trong Ban giám hiệu dự họp cùng tổ, cùng đặt ra những yêu cầu bức xúc để tổ cùng giải quyết mang tính thiết thực khả thi.
Ví dụ: Đưa ra gợi ý nội dung cần trao đổi cho các tổ như sau:
* Ở khối 1, 2, 3:
- Tiết Củng cố kiến thức (buổi chiều) giáo viên cần thiết kế nội dung bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu trong giáo án đảm bảo những yêu cầu nào?
- Đưa trò chơi học tập vào các tiết Đạo đức ở khối lớp 1, 2, 3 có lợi ích gì?
* Ở khối 4, 5:
- Chúng ta cần làm gì để chú trọng hoạt động dạy học môn Tiếng Việt của thầy và trò để tích cực hóa hoạt động của học sinh?
- Để dạy tốt tiết trả bài viết trong phân môn Tập làm văn lớp 4, 5 chúng ta cần chú ý những gì?
Qua cách làm như vậy, các buổi họp chuyên môn đã phát huy tác dụng rõ nét. Mỗi giáo viên tự thấy mình sẽ làm được, tự tin, mạnh dạn cùng đồng nghiệp bổ sung cho cá nhân mình những điều đang cần, nhất là những kinh nghiệm riêng của bản thân mỗi giáo viên có được qua quá trình tích lũy trong giảng dạy được nêu ra và được tổ góp ý để hoàn thiện hơn.
Từng thành viên trong tổ sẽ có nghiên cứu trước nội dung sinh hoạt do Tổ khối trưởng thông báo, thể hiện được trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, chủ động trong tranh luận, lắng nghe, không tự mãn với kiến thức đã được tích lũy trong qua trình dạy - học. Thời gian họp được đảm bảo, thậm chí có khi quá thời gian mà chưa hết nội dung đã chứng tỏ sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường có những chuyển biến khá tốt.