Chương 4: BIẾN ĐỔI VÀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI PA DÍ
4.3. Các giá trị văn hóa tộc người trong hôn nhân của người Pa Dí
nhân đã trình bày, chúng tôi bước đầu rút ra một số giá trị văn hóa tộc người trong hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù như sau:
Mong muốn lớn nhất của các bậc cha mẹ người Pa Dí là thấy con cái trưởng thành, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, yên bề gia thất, khi đó bố mẹ mới được coi là làm tròn bổn phận của mình. Đây là một quan điểm mang tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm của thế hệ đi trước với tương lai của con cháu cũng như trách nhiệm với tổ tiên, dòng họ. Ngược lại, việc lấy vợ lấy chồng thể hiện nghĩa vụ trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ cũng như đối với gia đình, dòng họ mình. Những gia đình có con cái đã quá lứa lỡ thì mà chưa kết hôn là nỗi lo canh cánh trong lòng bố mẹ. Vì vậy, các bậc làm cha, làm mẹ người Pa Dí luôn cố gắng bằng mọi khả năng về tinh thần và vật chất để xây dựng gia đình, vun đắp hạnh phúc cho các con. Quan điểm này đã gắn kết các thế hệ trong cộng đồng người Pa Dí bởi trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc duy trì nòi giống, phát huy sức mạnh của cộng đồng.
Chọn vợ, chọn chồng không chỉ là một việc quan trọng đối với bản thân người con trai, con gái mà còn đối với gia đình, dòng họ. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để người Pa Dí chọn con dâu, con rể là gia đình thông gia tương lai phải có con cái đuề huề, hòa thuận, chăm chỉ làm ăn, đoàn kết với anh em, làng xóm. Những gia đình có tiếng xấu con cái rất khó lấy vợ, lấy chồng. Do đó, các bậc làm cha làm mẹ luôn phải cố gắng trong cuộc sống để nâng cao đời sống kinh tế, ăn ở thuận hòa với anh em, bản làng để con cái dễ lấy vợ, lấy chồng. Mặt khác, con cháu trong gia đình luôn được ông bà, bố mẹ dạy bảo để khi lớn lên trở thành những con người yêu lao động, chăm chỉ, khéo léo, biết đối nhân xử thế để được mọi người quý mến, nhiều người khác giới để ý lựa chọn làm đối tượng kết hôn. Từ đó hình thành nên nếp sống tốt đẹp của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, mọi người sống có trách nhiệm, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau.
Cưới xin là công việc trọng đại, đối với người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù thì đó không chỉ là công việc của gia đình, dòng họ mà là việc chung của cả cộng đồng. Mỗi gia đình có đám cưới đều có sự tham gia của cả thôn. Mọi người đều tạm gác công việc cá nhân, giúp đỡ công sức, tiền bạc để gia chủ tổ chức đám cưới cho con được chu đáo. Điều rất đáng trân trọng là trong khi cuộc sống hàng ngày của đồng bào còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn chắt chiu dành dụm để giúp đỡ nhau mỗi khi có công to việc lớn. Qua đó thể hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau của người Pa Dí. Đám cưới không chỉ là dịp để mọi người chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ mà còn là dịp để họ giao lưu với nhau qua đó tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.
Trước đây người Pa Dí có phong tục mẹ chồng dệt may bộ quần áo truyền thống cho con dâu mặc trong ngày cưới, gần đây người Pa Dí ở Cốc Ngù không tự dệt may quần áo và không còn nhiều người mặc trang phục truyền thống nữa nhưng một số bà mẹ chồng vẫn dành nhiều công sức để dệt may quần áo cưới cho người vợ tương lai của con trai mình. Việc làm này có ý nghĩa sâu sắc giúp tăng cường sợi dây liên kết giữa mẹ chồng - nàng dâu, đồng thời chứa đựng niềm tin, hy vọng của mẹ chồng và gia đình chồng vào người con dâu mà họ cưới về. Qua đó người con dâu thấy được sự quan tâm của mẹ chồng, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với gia đình nhà chồng.
Bởi vậy, từ xưa đến nay quan hệ giữa con dâu với mẹ chồng và gia đình chồng trong gia đình người Pa Dí luôn diễn ra tốt đẹp.
Trong đám cưới của người Pa Dí có nghi lễ rửa chân và lễ trừ ma cho cô dâu. Lược đi yếu tố mê tín dị đoan thì việc làm này chứa đựng một triết lí sống của người Pa Dí. Nếu người Việt có câu “nhập gia tùy tục” thì người Pa Dí cũng quan niệm khi con dâu bước qua ngưỡng cửa nhà chồng phải được giải trừ những điều không may mắn, phải thanh sạch, hiểu sâu xa hơn thì cô
dâu phải biết từ bỏ những thói quen cũ để phù hợp với cuộc sống của gia đình nhà chồng bởi từ đây cô “sống là người nhà chồng, chết là ma nhà chồng”.
Đây chính là điều mà tổ tiên muốn dăn dạy con cháu để đảm bảo cho cuộc sống gia đình được êm đẹp, hạnh phúc.
Khi mới về nhà chồng, cô dâu người Pa Dí phải bưng nước để những người thuộc thế hệ trên của nhà chồng rửa mặt vào buổi sáng và lau miệng, rửa tay sau bữa ăn. Đây có vẻ như là một nghi thức rườm rà trong cuộc sống hiện đại nhưng thực ra nó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc để cô dâu thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng chồng mình trưởng thành. Cũng như việc chú rể sau lễ cưới phải mang lễ lại mặt và 3 năm đầu sau khi cưới mang lễ sêu tết sang nhà vợ để tỏ lòng tri ân đối với gia đình nhà vợ.
Những giá trị văn hóa trong hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù trên đây cần được trân trọng và gìn giữ để các thế hệ con cháu kế thừa và phát huy trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc tộc người.