Một số vấn đề đặt ra trong hôn nhân của người Pa Dí

Một phần của tài liệu Hôn nhân hiện nay của người pa dí ở thôn cốc ngù, xã nậm chảy, huyện mường khương, tỉnh lào cai (Trang 70 - 77)

Chương 4: BIẾN ĐỔI VÀ BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI PA DÍ

4.4. Một số vấn đề đặt ra trong hôn nhân của người Pa Dí

Cùng với những giá trị cần được kế thừa và phát huy, trong quá trình xây dựng đời sống mới ở thôn Cốc Ngù, hôn nhân của người Pa Dí đang đặt ra một số vấn đề sau đây.

Trong những năm gần đây, hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù có chiều hướng mất dần sắc thái riêng của văn hóa tộc người do người Pa Dí tiếp thu những yếu tố văn hóa của các tộc người khác, chủ yếu là văn hóa của người Kinh. Điều đó thể hiện những nghi lễ truyền thống trong hôn nhân ngày càng được đơn giản hóa; cô dâu, chú rể không mặc trang phục truyền thống mà thay vào đó là váy cưới, com lê; những câu hát dân ca, tiếng kèn của người Pa Dí không còn vang lên trong mỗi đám cưới, thay vào đó là hát

karaoke, nhạc nhảy... Do vậy, nam nữ thanh niên người Pa Dí hiện nay rất ít người biết hát dân ca, thổi kèn… mà thay vào đó là những tin nhắn, lời tình tự qua điện thoại, thậm chí qua cả facebook.

Tuy vậy, hiện nay hôn nhân của người Pa Dí vẫn duy trì một số tập tục như: việc xem tuổi xung hay hợp để quyết định hôn nhân của đôi trẻ, việc thách cưới nặng làm cho việc cưới xin trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình. Bên cạnh đó, có những vấn đề mới phát sinh đi ngược lại chủ trương xây dựng nông thôn mới, đó là, một số gia đình tổ chức đám cưới linh đình tới hàng trăm mâm cỗ, gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho nhiều người; một bộ phận nam giới lợi dụng đám cưới uống nhiều rượu dẫn đến say xỉn không làm chủ được bản thân gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thôn xóm,…

Một vấn đề nữa cần được quan tâm giải quyết trong những năm gần đây nảy sinh tình trạng một số phụ nữ người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù lấy chồng người Trung Quốc nhưng không đăng kí kết hôn. Theo thống kê từ năm 2010 đến hết năm 2015 có 04 trường hợp, trong đó gia đình ông Hồ Ngấn Sèng 49 tuổi có hai con gái lấy chồng Trung Quốc. Những trường hợp này sang Trung Quốc làm thuê, sau đó ở lại lấy chồng. Theo lời kể của người thân trong gia đình thì những phụ nữ này hàng năm có về Việt Nam khi gia đình có việc trọng đại (khi về mang theo cả chồng là người Trung Quốc), nhưng mọi người trong gia đình cũng không nắm rõ tình trạng hôn nhân của họ. Vì vậy, cần phải tuyên truyền giúp đồng bào nhận thức được việc kết hôn với người nước ngoài cần phải thực hiện quy định của pháp luật về đăng kí kết hôn, xuất nhập cảnh, đăng kí quốc tịch…vì quyền lợi của chính bản thân họ.

4.5. Khuyến nghị giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị trong hôn nhân của người Pa Dí

Dựa trên tình hình thực tế và từ việc nghiên cứu hôn nhân của người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, chúng tôi bước đầu đề xuất một vài khuyến nghị nhằm

bảo tồn và phát huy các giá trị hôn nhân trong quá trình phát triển của nhóm tộc người này như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người Pa Dí nói chung và người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù nói riêng nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của nhóm tộc người. Đặc biệt, hiện nay một bộ phận lớn giới trẻ người Pa Dí không đánh giá đúng các giá trị văn hóa truyền thống của nhóm tộc người mình, cho đó là lạc hậu, lỗi thời, dẫn đến có thái độ quay lưng với những giá trị văn hóa mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp và hướng ngoại đến văn hóa của tộc người khác. Chẳng hạn, họ không thích mặc trang phục truyền thống mà thích mặc theo kiểu người Kinh, không biết hát dân ca, thổi kèn pí lè nhưng lại thích tụ tập hát karaoke,… Quan điểm và cách ứng xử này sẽ làm cho văn hóa của người Pa Dí dần mai một, đánh mất bản sắc. Do đó, cần tuyên truyền để họ nhận thức đúng và có lòng tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của nhóm tộc người mình từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy trong xã hội hiện tại, coi đó là nền tảng để tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp từ bên ngoài.

Để gìn giữ và lưu truyền các làn điệu dân ca, các điệu kèn pí lè của người Pa Dí cần thành lập đội văn nghệ ở quy mô thôn bản hay dòng họ, tổ chức dạy hát, dạy thổi kèn, tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi hát dân ca. Đồng thời quan tâm về cả tinh thần, vật chất đối với các nghệ nhân, những người còn lưu giữ, hát những bài hát dân ca, thổi kèn pí lè để họ yên tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Trang phục dân tộc là một đặc điểm quan trọng để nhận diện tộc người.

Hiện nay đa số đồng bào Pa Dí không mặc trang phục truyền thống của nhóm tộc người mình vì nó không thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất, nhưng cần vận động đồng bào lưu giữ lại mỗi người ít nhất một bộ trang phục cổ truyền

để mặc khi có công việc trọng đại của gia đình và cộng đồng.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đồng bào Pa Dí ở thôn Cốc Ngù về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình.

Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 đã có bổ sung về việc khuyến khích đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy các truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp và phù hợp, thể hiện bản sắc riêng của từng dân tộc. Bên cạnh đó, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên trong thực tế, người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến hiệu quả thực hiện luật pháp chưa cao. Vì vậy, chính quyền cơ sở và các đoàn thể ở địa phương như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... cần lồng ghép vào chương trình hoạt động những nội dung về tuyên truyền phổ biến pháp luật, luật Hôn nhân và Gia đình và vận động bà con tích cực thực hiện quy chế về nếp sống mới trong cưới xin, ma chay;...

Khuyến khích đồng bào giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống trong hôn nhân, như: mặc trang phục cưới truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục và nghi lễ tốt đẹp trong hôn nhân, truyền dạy các điệu hát dân ca, tăng cường tính cố kết cộng đồng, tương trợ giúp đỡ nhau,... Đồng thời tuyên truyền phổ biến để họ thấy được tác hại của việc thách cưới cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, không đăng kí kết hôn.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào Pa Dí ở thôn Cốc Ngù. Đây là giải pháp quan trọng nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Pa Dí ở đây làm nền tảng để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, giá trị văn hóa trong hôn nhân nói riêng.

Cần có chính sách giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy những tiềm năng sẵn có. Sản phẩm rượu ngô truyền thống của người

Pa Dí ở Cốc Ngù ngon nổi tiếng, được người dân trong vùng ưa chuộng nhưng hiện nay nghề nấu rượu ngô chưa mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng cho đồng bào. Trong tương lai cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rượu ngô Cốc Ngù, có chính sách quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm phát triển nghề truyền thống này kết hợp với chăn nuôi lợn đen cung cấp thịt lợn sạch cho cộng đồng và nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Hiện nay, kinh tế của người Pa Dí ở Cốc Ngù chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp với cây trồng chính là ngô, lúa. Cần hướng dẫn cụ thể kỹ thuật sản xuất lúa nước, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, bên cạnh trồng lúa, ngô trồng thêm một số cây ăn quả, dược liệu vừa phù hợp với điều kiện khí hậu vừa mang lại giá trị hàng hóa, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản xuất phát triển theo chiều sâu, chú trọng chăn nuôi gắn với nhu cầu thị trường, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào. Trong quá trình hướng dẫn đồng bào cách thức làm ăn, phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng điển hình tiên tiến, vươn lên làm giàu, làm tấm gương để đồng bào noi theo.

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng người Pa Dí. Tuyên truyền, vận động người Pa Dí thấy được tầm quan trọng của việc cho con em đi học, nâng cao trình độ văn hóa. Vận động đồng bào bài trừ các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, sinh đẻ… thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, xây dựng thôn bản văn hoá. Ngành văn hoá - thông tin và truyền thông thường xuyên tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hoá, văn nghệ… giữa các tộc người trong vùng, tạo sân chơi lành mạnh nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và tăng cường tình đoàn kết giữa các tộc người.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa ở địa phương, làm

tốt công tác tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng người Pa Dí, phát huy vai trò nòng cốt của họ trong phong trào xây dựng nếp sống mới.

Người làm công tác văn hóa bên cạnh kiến thức chuyên môn nghiệp vụ phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; hiểu biết về phong tục tập quán, có tình cảm gắn bó với đồng bào, biết đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tình hình, đặc điểm văn hóa, tâm lí của người Pa Dí. Để thực hiện có hiệu quả chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, ưu tiên đào tạo con em nguời Pa Dí, trang bị cho họ những kiến thức cần thiết về việc giữ gìn văn hóa tộc người. Chính đội ngũ cán bộ này sẽ là người giải thích cho đồng bào mình hiểu được nét đẹp văn hóa truyền thống và hướng dẫn họ gìn giữ, phát huy bản sắc vốn có.

Đời sống đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương hiện nay còn nhiều khó khăn, cần có chính sách đãi ngộ hợp lí, quan tâm đến việc nâng cao điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần cho họ nhằm khuyến khích và duy trì đội ngũ cán bộ có tâm huyết, kinh nghiệm và năng lực công tác lâu dài ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Người có uy tín trong cộng đồng người Pa Dí gồm: trưởng họ, trưởng thôn, người cao tuổi…và người Pa Dí rất tin, nghe theo họ. Cần phải tranh thủ được bộ phận người này, thông qua họ vận động đồng bào xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ trên cơ sở gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông và tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài phù hợp với thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác tranh thủ, sử dụng người có uy tín phải biết kết hợp hài hòa giữa động viên tư tưởng, biểu dương về tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, thường xuyên quan tâm đến cuộc sống của bản thân và gia đình họ.

Tiểu kết chương 4

Biến đổi trong hôn nhân của người Pa Dí ở Cốc Ngù hiện nay diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống hôn nhân: đặc điểm hôn nhân, nguyên tắc và hình thức kết hôn, phong tục tập quán, kiêng cữ và nghi lễ. Sự biến đổi đó là tất yếu khách quan, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Những biến đổi trong hôn nhân góp phần làm cho văn hóa của người Pa Dí ngày càng tiếp cận với đời sống văn hóa mới.

Tuy vậy, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa tộc người đang là một thực tế đáng báo động do thế hệ trẻ người Pa Dí hiện nay có xu hướng hiện đại hóa đời sống văn hóa của mình, trong khi đó những lớp người còn lưu giữ cái gốc rễ của các giá trị văn hóa truyền thống không còn nhiều, việc trao truyền cho thế hệ sau gặp nhiều khó khăn.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị hôn nhân của người Pa Dí ở Cốc Ngù trong quá trình phát triển tộc người hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của chính đồng bào về giá trị văn hóa truyền thống của nhóm tộc người mình, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy trong thời đại mới.

Bên cạnh đó cần có sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể…để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Pa Dí, coi đó là nền tảng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người.

Một phần của tài liệu Hôn nhân hiện nay của người pa dí ở thôn cốc ngù, xã nậm chảy, huyện mường khương, tỉnh lào cai (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)