ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ XUẤT HIỆN TRIẾT HỌC MÁCXÍT

Một phần của tài liệu Sach lich su triet hoc (Trang 96 - 99)

TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI

A. ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ XUẤT HIỆN TRIẾT HỌC MÁCXÍT

Mọi trường phái triết học đều ra đời dựa trên những tiền đề kinh tế xã hội nhất định. Triết học mácxít không nằm ngoài xu thế phát triển chung nói trên, nó cũng là sản phẩm của một thời đại lịch sử cụ thể.

1. Điều kiện kinh tế - xã hội

Triết học Mác ra đời vào thời kỳ chủ nghĩa phong kiến sụp đổ và chủ nghĩa tư bản lớn mạnh ở một số nước Châu Âu và Bắc Mỹ. Chủ nghĩa tư bản ra đời đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển đạt đến trình độ khác về chất so với lịch sử trước đó. "Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại" 41.

Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra nền đại công nghiệp cơ khí và cùng với nó là giai cấp vô sản cách mạng, -giai cấp hiện thân của nền sản xuất mới, giai cấp trung tâm của thời đại.

Sản xuất hàng hóa và tính chất cạnh tranh tự phát của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không những không giúp nhà nước tư sản giải quyết được những mâu thuẫn nội tại vốn có, mà còn thúc đẩy các mâu thuẫn ấy phát triển ngày càng gay gắt. Nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản

40 Tuy nhiên, triết học mácxít ngày nay đã trở thành triết học chung của cả nhân loại tiến bộ trên khắp hành tinh chúng ta chứ không còn dành riêng cho Phương Tây nữa.

41 C. Mác, Ph. Ăngghen: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 603.

chống lại giai cấp tư sản đã hình thành. Thời kỳ đầu, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản chỉ diễn ra một cách tự phát, với mục tiêu là đòi cải thiện điều kiện làm việc, tăng tiền lương, giảm giờ làm...

Đến những năm 40 của thế kỷ XIX, sự hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp lớn đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh từ tự phát chuyển sang tự giác mà điển hình là cuộc khởi nghĩa của những người thợ dệt ở thành phố Liông (Pháp) vào năm 1831. Phong trào cách mạng có tính chính trị ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, mà điển hình là phong trào Hiến chương vào những năm 30 xảy ra tại Anh.

Nước Đức vào giai đoạn này, dù chủ nghĩa tư bản chưa phát triển nhanh như ở Anh và Pháp, nhưng lại là nơi hội tụ của nhiều mâu thuẫn. Giai cấp tư sản Đức non trẻ lẽ ra phải tập hợp mọi lực lượng để làm cuộc cách mạng tư sản chống lại giai cấp phong kiến, thì ngược lại, nó đi thỏa hiệp với tầng lớp quý tộc, chống lại giai cấp vô sản đang ngày càng lớn mạnh. Giai cấp vô sản Đức nói riêng, giai cấp vô sản trên toàn thế giới nói chung, đã dần dần nhận thức ra rằng, muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, họ cần phải có những mục tiêu chung và cần phải thống nhất mọi hành động nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung đó. Cơ sở cho sự thống nhất những mục tiêu và hành động chung ấy, trước hết phải là thế giới quan duy vật khoa học.

Là người con của dân tộc Đức, Mác đã xuất hiện rất đúng lúc. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và sáng tạo những di sản tư tưởng triết học của loài người, biết phân tích đúng thực tiễn kết hợp với năng lực tư duy của một nhà bác học, Mác đã cùng với Ăngghen xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Triết học Mác là sản phẩm tất yếu nảy sinh từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản. Nó trở thành thế giới quan và phương pháp luận cách mạng của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Nước Đức trở thành quê hương của chủ nghĩa Mác.

2. Tiền đề lý luận

Khi phân tích nguồn gốc của sự xuất hiện triết học Mác, các nhà tư tưởng luôn đánh giá cao vai trò của triết học cổ điển Đức. Cống hiến quan trọng của Mác không phải chỉ ở chỗ sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử -cơ sở của thế giới quan khoa học; mà còn ở chỗ, sàng lọc và kế thừa có phát triển những di sản tư tưởng của nhân loại, trong đó có triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

Phép biện chứng duy vật của Mác được hình thành dựa trên cơ sở chọn lọc có phê phán phép biện chứng duy tâm khách quan của Hêghen -một trong những nhà triết học biện chứng duy tâm khách quan lớn nhất lịch sử triết học. Mác cho rằng: Dù triết học của Hêghen mang tính chất duy tâm thần bí, nhưng ông là người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có hệ thống các hình thức vận động chung của phép biện chứng. Rất tiếc, thay vì phải chứng minh đó là những nguyên lý, những quy luật được rút ra từ bản thân thế giới hiện thực, thì ngược lại, Hêghen lại coi đó là các qui luật của thế giới ý niệm (tinh thần) tồn tại ở bên ngoài thế giới hiện thực của con người.

Cùng với phép biện chứng duy tâm của Hêghen, trong chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác còn có sự kế thừa và phát triển những quan điểm duy vật về tự nhiên của Phoiơbắc, -nhà dân chủ tư sản cấp tiến, đại biểu sau cùng của triết học cổ điển Đức. Phoiơbắc là người có công bảo vệ và phát triển quan điểm duy vật về tự nhiên, đấu tranh chống tôn giáo. Đặc điểm triết học duy vật của Phoiơbắc là lấy con người làm xuất phát điểm của triết học. Mặc dù vậy, ông cũng vẫn không vượt qua được những giới hạn của lịch sử. Khuyết điểm lớn nhất trong triết học Phoiơbắc là duy tâm về mặt xã hội và không nhận thấy được những hạt nhân tích cực và hợp lý trong phép biện chứng của Hêghen. Bản thân con người mà ông chọn làm trung tâm nghiên cứu của triết học cũng chỉ là con người sinh học chứ không phải con người xã hội.

Mặc dù trong triết học của Hêghen và Phoiơbắc còn có những hạn chế nhất định, nhưng nhờ được Mác kế thừa và phát triển hợp lý mà phép biện chứng duy tâm khách quan của Hêghen, chủ nghĩa duy vật về tự nhiên của Phoiơbắc đã trở thành một trong những nguồn gốc lý luận quan trọng của triết học Mác.

Ngoài phép biện chứng duy tâm khách quan của Hêghen và chủ nghĩa duy vật Phoiơbắc, quan niệm duy vật về lịch sử và quan niệm về chính trị xã hội của triết học Mác còn được hình thành dựa trên cơ sở phân tích và kế thừa có chọn lọc kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Đó là những giá trị quý báu góp phần làm phong phú kho tàng tư tưởng chung của nhân loại.

3. Tiền đề về khoa học tự nhiên

Cùng với những tiền đề về kinh tế - xã hội và lý luận, triết học Mác còn dựa trên một tiền đề vững chắc khác. Đó là tiền đề về khoa học tự nhiên, đặc biệt là dựa trên ba phát minh vĩ đại của khoa học tự nhiên ở thế kỷ XIX.

Nền đại công nghiệp cơ khí, -sản phẩm của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của các ngành khoa học như toán học, sinh học, hóa học, cơ học, thiên văn học…, lẫn các ngành kỹ thuật. Còn sự phát triển của khoa học đã góp phần mang lại những luận cứ vững chắc để phê phán những hạn chế của hệ tư tưởng cũ nói chung, của những quan niệm triết học duy tâm, tôn giáo nói riêng. Nhưng sự phát triển của khoa học đòi hỏi phải có một hệ thống phương pháp tư duy mới thay thế cho phương pháp tư duy cũ, kém hiệu quả, mà trước hết là phương pháp siêu hình vốn đang rất thịnh hành thời bấy giờ. Lúc bấy giờ, trong khoa học tự nhiên có ba phát minh vĩ đại, có ý nghĩa to lớn đến sự phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đó là:

Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng được phát minh vào thời kỳ 1842-1845 bởi nhà vật lý người Đức Mayơ (R.Mayer). Định luật này đã chứng minh cho luận điểm cho rằng: Vận động của vật chất là phổ biến; các dạng vận động của vật chất đều có thể chuyển hóa lẫn nhau; mọi vật đều không tự sinh ra, không tự mất đi, mà chúng chỉ chuyển hóa từ dạng tồn tại này sang dạng tồn tại khác. Rõ ràng sự xuất hiện của phát minh này đã cung cấp cơ sở khoa học để bảo vệ vững chắc cho sự tồn tại của quan điểm duy vật biện chứng về thế giới.

Học thuyết về tế bào được phát minh vào những năm 30 của thế kỷ XIX. Nội dung của học thuyết này khẳng định: Sự sống là sản phẩm phát triển của bản thân giới tự nhiên; Mọi cơ thể dù là động vật hay thực vật đều được cấu tạo từ những đơn vị mang sự sống rất nhỏ gọi là tế bào; Quá trình không ngừng phân hóa và tăng trưởng của tế bào cũng là quá trình duy trì và phát triển của mỗi cơ thể sống, làm cho cơ thể ngày càng hoàn thiện... Như vậy, học thuyết tế bào đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định cơ sở khoa học của sự thống nhất về mặt cấu tạo của các cơ thể động vật và thực vật, đồng thời đã góp phần chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của sự sống.

Phát minh thứ ba có vai trò to lớn đối với quan niệm duy vật của Mác - Ăngghen, đó là Học thuyết tiến hóa của Đácuyn, nhà bác học vĩ đại người Anh. Đácuyn đã chứng minh được rằng, các loài đang tồn tại hiện nay được sinh ra từ các loài khác bằng con đường chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo. Mác và Ăngghen nhấn mạnh rằng, cống hiến của Đácuyn đã góp phần xác định cơ sở khoa học của tính biến dị và di truyền giữa các loài, vạch trần sự xuyên tạc của những quan điểm duy tâm, tôn giáo và thần học xung quanh học thuyết về sự phát triển của thực vật và động vật.

Ngoài những phát minh nói trên, Mác và Ăngghen còn chú trọng đến hàng loạt các phát minh khác của khoa học lúc bấy giờ như định luật bảo toàn vật chất của Lômônôxốp, thuyết nguồn gốc vũ trụ của Cantơ, Định luật tuần hoàn của các nguyên tố hóa học của Menđêlêép... Ăngghen chỉ ra rằng, triết học không thể giải thích được thế giới một cách khoa học nếu nó không biết tổng hợp và khái quát được những thành tựu mới nhất của khoa học. Có thể nói, thành tựu phát triển của mọi ngành khoa học chính là cơ sở giúp Mác, Ăngghen xây dựng nên học thuyết triết học của mình.

Tóm lại, khi sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, triết học Mác đã góp phần vạch ra những qui luật vận động chung nhất của giới tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Nhờ khắc phục được những thiếu sót cơ bản của triết học duy vật cũ, mà Triết học Mác đã trang bị cho giai cấp vô sản và quần chúng lao động công cụ khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới.

Sự xuất hiện triết học Mác là bước chuyển cách mạng trong lịch sử triết học, nó không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên mà là một hiện tượng hợp qui luật. Triết học Mác là kết quả nảy sinh tất yếu từ những tiền đề kinh tế - xã hội, từ sự kế thừa có chọn lọc những di sản văn hóa và khoa học của

nhân loại, từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Triết học Mác thực sự là thế giới quan khoa học, là phương pháp luận cách mạng của giai cấp vô sản.

Một phần của tài liệu Sach lich su triet hoc (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w